Cải tạo môi trường
Làm cạn nước, vét bùn ra khỏi ao, dùng vôi rải đáy và bờ ao để diệt cá tạp và trung hoà độ pH. Rải vôi vào ngày nắng, tập trung ở những nơi đọng bùn; tu bổ lại cống, đăng, làm vệ sinh mương cấp và thoát nước; cọ rửa, phơi khô lồng, bè, sau đó quét hoặc phun clorua vôi với lượng 200-250g/m3 lồng.
Kiểm tra và thả bổ sung cá giống
Sau ngập lụt, các ao đầm thường xuất hiện cá tạp, do đó, cần kiểm tra, tuyển chọn lại đàn cá nuôi và bổ sung cá giống. Đối với cá được tuyển chọn để nuôi lại, nhất thiết phải tẩy trùng trước khi thả sang ao khác. Đối với cá giống thả bổ sung, phải chọn con đủ tiêu chuẩn, không bị nhiễm bệnh, bảo đảm kích cỡ.
Phòng, trị bệnh
Cá nuôi ở những vùng ngập lụt thường mắc các bệnh: xuất huyết, đốm đỏ, trùng bánh xe, sán lá đơn chủ... Do vậy, trong quá trình nuôi, cần chủ động phòng ngừa bằng cách: Bón vôi định kỳ 15 ngày/lần, mỗi lần 1,5 - 2kg/100m3 nước; sử dụng các chế phẩm sinh học như chất phục hồi môi trường và ức chế vi sinh vật có hại MAZO, chất lắng đọng xử lý môi trường CV - 01, chất xử lý ô nhiễm nền đáy ENVIRON - AC. Đối với bệnh xuất huyết, dùng thuốc KN - 04 - 12 trộn vào thức ăn, cho cá ăn 1 - 2 đợt, liên tục trong 5 ngày, mỗi ngày cho ăn 2 - 4g/kg. Trị bệnh xuất huyết đốm đỏ, dùng KN -04 - 12 trộn vào thức ăn, cho ăn 2 - 4g/kg cá/ngày, liên tục trong 7 -10 ngày. Đối với bệnh trùng bánh xe, dùng muối tắm cho cá với lượng 2 - 3g muối /kg trong 15 phút, hoặc dùng sun phát đồng (CuSO4) phun xuống ao, liều lượng 0,5 - 0,7g/m3 nước.
|