Ông Hòa nhận thấy, người dân A Roàng (huyện A Lưới) còn thiếu thốn. Nhiều hộ còn cày đất, tuốt lúa bằng thủ công. Ông quyết định trích số tiền dành dụm, tiết kiệm, mua một chiếc máy cày tay và một máy tuốt lúa trị giá hơn 25 triệu đồng để tặng cho người dân A Roàng.
Một số con em chăm ngoan, học giỏi nhưng có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đến tận nhà trao học bổng để các em có điều kiện tiếp tục đến trường. Bốn suất học bổng 5 triệu đồng được trao cho các em học sinh nghèo vượt khó ở thôn A Ka, xã A Roàng là nguồn động viên, khích lệ tinh thần kịp thời giúp các em nỗ lực vượt khó trong học tập… Những nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa của ông Hòa được Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam, UBND tỉnh tặng bằng khen.
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” là điều mà ông Nguyễn Hữu Cường ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) thấm nhuần trong quá trình làm kinh tế. Cách đây hơn 20 năm, trong khi nhiều người dân còn e ngại trước những đồi hoang, núi rừng hiểm trở thì ông Cường đã đổ biết bao mồ hôi, công sức khai hoang hơn 10 ha trồng rừng.
Công lao của vợ chồng ông được đền đáp khi những cánh rừng keo đến kỳ thu hoạch lứa đầu tiên cách đây chừng 15 năm. Có nguồn vốn sau kỳ khai thác đó, ông xin chính quyền địa phương cấp thêm đất, tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích rừng trồng hơn 30 ha. Với doanh thu mỗi năm hơn 4 tỷ đồng, lãi 2,8 tỷ đồng từ mô hình trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC và kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Cường được bình chọn là nông dân tiêu biểu, hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi cấp Trung ương.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình kinh tế của ông Cường còn giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho 9 lao động thường xuyên tại địa phương, với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng và 100 lao động thời vụ.
Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho biết, phong trào thi đua SXKD giỏi đã lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình, tiêu biểu cho tinh thần lao động cần cù, ý chí tự lực, tự cường. Nhiều nông dân đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở SXKD dịch vụ, các chủ gia trại, trang trại có thu nhập cao.
Điển hình như ông Nguyễn Hữu Cường, nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương; ông Nguyễn Ngọc Thạnh ở phường Thủy Xuân (TP. Huế) với mô hình trang trại, kết hợp trồng rừng cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm; ông Hồ Thạnh ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) với mô hình trang trại cho thu nhập 790 triệu đồng/năm; ông Hồ Đăng Định ở xã Quảng Vinh thu nhập 780 triệu đồng/năm từ mô hình trang trại tổng hợp...
Phong trào thi đua yêu nước, SXKD giỏi đã khuyến khích, động viên hội viên, nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ thoát nghèo. Tính riêng 5 năm trở lại đây, các hộ nông dân SXKD giỏi toàn tỉnh đã giúp đỡ cây, con giống, các loại vật tư, phân bón trị giá hơn 13 tỷ đồng cho 15.320 hộ nông dân gặp hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Theo HND tỉnh, hằng năm, phong trào thi đua SXKD giỏi thu hút hơn 60 ngàn hộ hội viên, nông dân đăng ký và có hơn 40 ngàn hộ được công nhận đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Phong trào còn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các hội viên, nông dân, tích cực tham gia thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 5 năm qua, HND các cấp đã vận động, hướng dẫn thành lập 16 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, như trồng cà gai leo, trồng cây lâm nghiệp, nuôi cá lồng, trồng rau sạch...