Phú Hồ không phải là vùng đất được thiên nhiên ưu ái để sản xuất nông nghiệp. Địa hình trũng, thấp nên địa phương thường chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt. Với hơn 500 ha đất canh tác lúa, kinh tế của Phú Hồ hầu như chỉ trông chờ vào loại cây này. “Ngoài hai vụ lúa chính, thời gian còn lại của bà con nông dân đều nhàn rỗi. Vì thế không tránh khỏi kinh tế khó khăn, bấp bênh.
Bước chuyển mình của Phú Hồ được khởi đầu từ những ý tưởng mới như anh Nguyễn Văn Lợi, người tiên phong trồng hoa tại vùng đất thấp trũng này.
Quyết chí, nỗ lực theo đuổi, sau 6 năm cần mẫn, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, hiện vườn hoa của anh Lợi đang ổn định với số lượng 1.200 chậu. Trong đó, chậu cúc loại lớn đang được ưu tiên để đáp ứng nhu cầu hoa chất lượng cao.
Để đảm bảo hoa cúc sinh trưởng, phát triển ổn định, anh Lợi đã chủ động dựng giàn chống lũ với diện tích 300m2. “Giàn cao 1,5m, đủ sức chống lũ. Từ đó mình yên tâm hơn khi trồng hoa, không còn lo hoa úng ngập, thối hỏng như những năm trước”, anh Lợi phấn khởi. Với giá loại cúc chậu to là một triệu đồng/cặp, cúc loại nhỏ 200 nghìn đồng/cặp, thu nhập từ hoa của anh hằng năm xấp xỉ 80 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn canh tác một mẫu ruộng, nuôi đàn bò 14 con, kinh tế ngày càng ổn định.
Một trong những nông dân điển hình vượt khó, trở thành hộ khá tại Phú Hồ là ông Nguyễn Cư, ngụ tại thôn Sư Lỗ. Trước đây, gia đình ông Cư chủ yếu trông chờ vào cây lúa. Sau này, từ tích góp, cộng với sự tháo vát, có tầm nhìn xa, ông Cư đã đầu tư vào dịch vụ thu hoạch lúa. Tích tiểu thành đại, giờ đây, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu thu hoạch lúa tại địa phương, ông đã sở hữu hai máy gặt đập liên hợp. Gia đình có hẳn xe vận tải chuyên chở máy gặt phục vụ cho cả bà con ở các tỉnh bạn.
Nhiều hộ dân tại Phú Hồ đang tận dụng lợi thế thời gian, tranh thủ làm những công việc phù hợp, đổi mới cách thức làm kinh tế. Có thể kể đến như mô hình thu mua, xay xát gạo của hội viên Trương Viết Thành. Mô hình dịch vụ nhà hàng của hội viên Đinh Viết Dũng, đội tháo dỡ công trình thu hút lực lượng lao động nông nhàn…
Những nông dân tại Phú Hồ đã có sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ, phương thức làm kinh tế, không còn gói gọn trong địa hạt cánh đồng, cây lúa. Nhiều mô hình mới xuất hiện với sự tác động của nó lại tiếp tục góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của những hộ nông dân khác. Từ đó thúc đẩy tất cả mọi người vươn lên, nỗ lực làm giàu trên những gì mình có, trên chính đôi chân của mình.
Chúng tôi vẫn nhớ lời ông Bùi Vĩnh Phú đúc rút: “Siêng năng, tự tin, sáng tạo tìm những hướng đi phù hợp là phương cách giúp nông dân Phú Hồ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng”.