Giám đốc của hợp tác xã… vài ngày
Hôm gặp Vũ Công Đoàn tại buổi giao lưu giữa các nhà cung cấp nông sản sạch từ Đà Lạt và hệ thống phân phối Horeca trong khuôn khổ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao TP.HCM ngày 15.4.2014. Lúc đó, hợp tác xã (HTX) Thanh Niên Đức Trọng (Lâm Đồng) chỉ mới thành lập được vài ngày và giám đốc Vũ Công Đoàn cũng chỉ mới nhậm chức bấy nhiêu đó ngày. Đoàn cho biết: “Mục đích đi Sài Gòn lần này là để kết nối từ người trồng trọt, thông qua siêu thị đến người tiêu dùng nhằm nâng cao giá trị và đưa trái bơ chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng”.
Vừa cẩn thận lau chùi, sắp xếp từng trái bơ bóng mượt lên bàn cho khách tham quan, anh vừa kể, gia đình có 5ha đất và có sẵn trại chăn nuôi heo, gà nên đi học ngành chăn nuôi để sau này quản lý. Tuy nhiên, qua theo dõi nhiều năm, anh phát hiện cây bơ dễ trồng với đất Lâm Đồng, lại cho trái có vị béo, tinh dầu tốt hơn so với các vùng khác. Đồng thời, trái bơ có giá trị dinh dưỡng và dược phẩm cao như chống lão hoá, chống ung thư. Trong trái bơ cũng có nhiều viatmin E thích hợp làm mỹ phẩm. Trong khi đó, 5ha đất nhà anh và các hộ xung quanh chỉ trồng bơ nhỏ lẻ và một số cây rừng, bạch đàn, tre… không chuyên canh. Vì vậy, anh quyết định khởi nghiệp từ trái bơ.
Theo cha đi học khởi nghiệp
Em Vũ Nguyễn Hoàng Bách, năm tuổi, theo bố là anh Vũ Công Đoàn từ huyện Đức Trọng đi xe đò xuống Sài Gòn để cùng cha tham gia chương trình họp mặt câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp Nghĩ giàu làm giàu.
Sau khoảng 10 phút bắt đầu, đến phần chuyên gia Nguyễn Duy Long tập huấn về kỹ năng viết kế hoạch kinh doanh cho nhóm nòng cốt của câu lạc bộ đến từ Hải Phòng, Nghệ An, Nha Trang, Tây Ninh, Cần Thơ và TP.HCM thì em... ngủ khì.
Với mong muốn được tăng lợi nhuận hơn, ý tưởng thành lập HTX chỉ mới có cách đây một tháng và cần sự hợp tác của nhiều người. Sau khi thuyết phục khoảng 20 người thì đa số họ đều từ chối vì chưa yên tâm. Anh cho biết: “Họ chưa yên tâm vì chưa tin tưởng có thành công hay không, lại tốn chi phí nhiều do trồng theo GAP”.
Bằng sự kiên trì, HTX Thanh Niên Đức Trọng cũng được thành lập với bảy thành viên và 3ha chuyên canh bơ, thu hoạch rải rác xoay vòng. Cây bơ ghép thời gian thu hoạch trong mười năm, còn cây bơ gieo hạt là 20 năm. Mùa thu hoạch chính vụ của bơ là từ tháng 4 – 6, sản lượng đạt 10 tấn/tháng, giá bán ra từ 5.000 – 7.000đ/ký, trái đẹp bán được 10.000đ/ký. Còn trái vụ thu hoạch được khoảng 2 tấn/tháng, giá bán tới 80.000 – 90.000đ/ký.
Đoàn và các thành viên HTX khá tự tin và am hiểu về cây bơ, về kỹ thuật trồng trái bơ chất lượng. Giám đốc Đoàn cho biết: “Sắp tới HTX sẽ tiếp xúc với các công ty mỹ phẩm”.
Làm giàu từ mảnh đất quê hương
Đoàn cho biết, làm nông nghiệp tuy có nhiều rủi ro nhưng Lâm Đồng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi làm nông nghiệp tốt. Hơn nữa, trồng bơ rất thuận lợi vì không phải chăm sóc quá nhiều. Khi cây bị sâu ăn lá thì chỉ cần xịt thuốc và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo vệ, dừng hái trái, dừng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cây bơ có một đặc tính mà đến nay mọi người vẫn chưa tìm được nguyên nhân là cứ hễ năm nay được mùa thì năm sau lại mất mùa.
Ngoài làm nông, Đoàn còn tham gia công tác thanh niên địa phương. Vì vậy, anh cho rằng làm kinh tế chắc chắn là khó khăn nhưng phải làm. Để trái bơ có thể vào được siêu thị, hệ thống Horeca thời gian đầu sẽ khó khăn trong chuyện kiểm tra chất lượng, chi phí cao, có thể không đạt lợi nhuận bằng bán ra chợ, cần chấp nhận trong 1 – 2 năm để xây dựng ổn định, có thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, để nâng giá trị thương phẩm cho trái bơ Lâm Đồng cần tốn nhiều chi phí cho trụ sở văn phòng, hệ thống liên lạc, đăng ký tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu…
Là thanh niên muốn tìm thử thách, ngoài trồng bơ, Đoàn còn có trại chăn nuôi gồm 1.000 con heo và 7.000 con gà. Hiện tại, anh tập trung vào HTX trồng bơ trong hai năm, sau đó mới tiếp tục phát triển chăn nuôi vì cần nguồn vốn lớn. Theo anh, do chưa có nghiên cứu thị trường, chưa có chiến lược lâu dài, rủi ro cao, cung vượt quá cầu sẽ gây thiệt hại nặng.
Tuy đang sở hữu một cơ ngơi đáng mơ ước với nhiều bạn trẻ nhưng Vũ Công Đoàn khá khiêm tốn khi nói về những thành công bước đầu trong chuyện khởi nghiệp của mình. Anh bộc bạch: “Ngoài chuyên môn tôi được sự hỗ trợ từ nhiều phía như huyện Đoàn, tỉnh Đoàn, Trung ương Đoàn và BSA. Trước mắt là được học hỏi kinh nghiệm từ các anh em ở các vùng khác. Phải thành công rồi mới hỗ trợ được cho các em đi sau”.