Gia đình ông Đào Đình Định, làng Thành Trung, xã Quảng Thành, hiện có 4 sào đất (2.000 m2) chuyên trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày như rau dền, cải, rau tần ô và xà lách. Để nâng cao thu nhập, nhiều năm qua gia đình ông đã áp dụng phương thức sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP. Ông Đào Đình Định chia sẻ, trồng rau theo chuẩn VietGAP thì sản phẩm làm ra đều bảo đảm chất lượng, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường; đặc biệt hiệu quả kinh tế cũng tăng lên nhiều so với cách làm truyền thống trước đây. Nhờ vậy đầu ra của sản phẩm rất ổn định. Uớc tính mỗi sào rau (500m2), bình quân cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, người nông dân còn lại 40 triệu đồng.
Với truyền thống trồng rau trên 100 năm, làng Thành Trung, xã Quảng Thành có khoảng 300 hộ dân tham gia trồng rau. Trên cùng một diện tích, bà con trồng luân chuyển, gối vụ 9-10 loại rau để có rau bán quanh năm. Hiện nay, ngoài phương thức canh tác thủ công người dân trong làng còn kết hợp ứng dụng khoa học hiện đại, áp dụng phương thức canh tác theo chuẩn VietGAP, nhằm khẳng định thương hiệu rau một làng rau sạch.
Trồng gối vụ để có rau bán quanh năm.
Bà Nguyễn Thị Thôi, một trong những hộ dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau theo mô hình VietGAP cho biết, từ khi đưa vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình bà tuân thủ rất nghiêm ngặt từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, tưới nước đến thu hoạch và bảo quản. Trong quá trình sản xuất, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Với diện tích 1,5 sào rau màu, mỗi năm gia đình bà làm từ 7-8 vụ rau, cho thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng/tháng, những tháng cao điểm có thể lên đến 20-25 triệu đồng/tháng.
Trồng theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ rất nghiêm ngặt từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, tưới nước đến thu hoạch và bảo quản.
Toàn xã Quảng Thành hiện có hơn 32 ha rau màu được sản xuất theo hướng VietGAP, bao gồm các loại như: xà lách, cải, tần ô, mồng tơi, rau dền, ngò gai, với hàng trăm hộ tham gia sản xuất. Trong đó, có vùng chuyên canh rau tập trung 2ha. Với sản lượng 3.000 tấn/năm, rau Quảng Thành được các siêu thị, khách sạn, chợ đầu mối tại Thừa Thiên - Huế hợp đồng tiêu thụ nên đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Hiện nay, sản phẩm Rau sạch Quảng Thành đã được cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Trồng rau theo chuẩn VietGAP thì sản phẩm làm ra đều bảo đảm chất lượng, an toàn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành Đào Phước Trường cho biết, để phát triển nghề trồng rau bền vững, thời gian qua Hội Nông dân xã phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất rau theo chuẩn VietGAP, hữu cơ; tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăm sóc rau sạch; làm cầu nối giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, hội cũng như xúc tiến, quảng bá, kết nối với các đơn vị tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Hiện nay, chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch xây dựng tuyến du lịch làng rau sạch Thành Trung, xã Quảng Thành đưa vào tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn nhằm và khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.