Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Người dệt zèng 2 lần được Thủ tướng tặng Bằng khen
Ngày cập nhật 15/03/2023

         Dệt zèng là nghề truyền thống đặc trưng của đồng bào Tà Ôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa thiên Huế. Nghệ nhân Mai Thị Hợp, thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) là gương điển hình trong việc duy trì, quảng bá, phát triển nghề dệt zèng. Bà Hợp được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

 

 

 

Độc đáo nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi ở A Lưới

Đồng bào dân tộc Tà Ôi khéo tay nên tạo ra những tác phẩm thổ cẩm đặc trưng với những họa tiết đính cườm, đá, những hoa văn độc đáo, hài hòa.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp cho biết, phụ nữ dân tộc Tà Ôi xưa buổi sáng đi làm rẫy, buổi chiều về dệt zèng, thời điểm vào mùa thu hoạch thì tranh thủ ban đêm để dệt zèng. Những người phụ nữ khéo tay, làm ra những tấm vải bền đẹp sẽ được con trai yêu thích.

Trang phục làm từ sản phẩm dệt zèng đã trở thành biểu tượng của đồng bào Tà Ôi ở  A Lưới và gắn liền với các phong tục tập quán truyền thống. 

"Trang phục làm từ vải zèng không thể thiếu trong các lễ nghi, các dịp hội họp quan trọng, đặc biệt là lễ cưới xin, đám tang. Gia đình có khó khăn đến đâu cũng phải có tấm zèng để làm sính lễ, nó tượng trưng cho sự chu đáo của cô dâu và sẽ đem đến thịnh vượng cho nhà chồng. Trong nghi lễ Pleh (lễ trình tổ tiên) tấm zèng trở thành cầu nối, vật trao duyên của hai bên thông gia", bà Hợp chia sẻ.Trước đây, vì nguyên liệu dệt quý hiếm nên để dệt được một sản phẩm zèng cần rất nhiều thời gian, có khi cả năm chỉ làm được 1-2 tấm zèng. Cũng vì thế giá trị của mỗi tấm zèng rất lớn, 1 con trâu, bò chỉ có thể đổi lấy từ 2-3 tấm zèng. Theo cách đánh giá của đồng bào Tà Ôi, người nào sở hữu được nhiều bộ trang phục bằng đồ dệt đắt tiền sẽ là người giàu có. Dệt zèng cũng thở thành một chuẩn mực đối với một cô gái chưa chồng.

Để tạo ra một sản phẩm zèng phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Trước đây, nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm này thường là những cây bông được trồng trên rẫy. Muốn dệt zèng phải trồng bông rồi kéo sợi. Khi đã có sợi vải thì tiến hành nhuộm màu bằng những loại lá, vỏ, củ và rễ cây rừng, sau đó cuộn chỉ, lên khung, dàn sợi và dệt.

Theo nghệ nhân Mai Thị Hợp, công đoạn khó nhất của dệt zèng là việc lên khung. "Phải mất hơn 3 năm tôi mới có thể thành thạo việc lên khung chỉ. Trước khi lên khung chỉ phải hình dung được sản phẩm, hoa văn muốn trình bày, sắp xếp màu sắc, bố cục để các họa tiết đều nhau. Thông thường phải mất hơn 1 ngày mới có thể hoàn thành công đoạn lên khung cho mỗi sản phẩm zèng phức tạp", bà kể.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp đã có 50 năm giữ lửa nghề dệt zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Một công đoạn khác cũng rất quan trọng là đính cườm. Trang phục của người Tà Ôi đặc trưng bởi những chi tiết được đính cườm cả hai mặt. Công đoạn chèn hạt cườm đòi hỏi phải có tay nghề cao mới làm được. Có hơn 70 loại hoa văn khác nhau trong các chi tiết áo của người Tà Ôi, trong đó phổ biến nhất là hình mặt chim, mặt cá, hoa văn hình thoi, hình tam giác, hình đường thẳng, tinh xảo hơn là hoa văn tạo hình thực vật, động vật, đồ vật, ngôi sao... Mặt chim, mặt cá là tượng trưng cho lương thực, ấm no cho đồng bào.

Gần 50 năm gắn bó với khung zèng, 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng

Nghệ nhân Mai Thị Hợp hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thổ Cẩm Xanh A Lưới Azakooh. HTX bắt đầu hình thành dưới hình thức tổ hợp tác từ năm 2012, qua nhiều năm hoạt động hiểu quả đến nay HTX hiện có hơn 100 chị em tham gia, mang lại thu nhập hơn 350 triệu mỗi năm.

Bà Hợp tâm sự: "Tôi học dệt zèng từ năm 12 tuổi. Để tập dệt trẻ con chúng tôi phải xé sợi từ thân cây chuối, phơi khô rồi bắt chước bà, mẹ thực hiện các công đoạn dệt zèng. Không chỉ những tấm zèng mà bộ khung dệt có ý nghĩa đặc biệt lớn đối với người phụ nữ Tà Ôi".

Với bà Hợp, những kỉ niệm về mẹ, về bà, về thanh xuân của mình trong bà chưa bao giờ mai một. Cho đến nay bà Hợp vẫn giữ lại bộ trang phục do mẹ may, đặc biệt là bộ khung cửi có tuổi đời trên 40 năm của người mẹ để lại. Bộ khung dệt của người Tà Ôi có nhiều bộ phận, chủ yếu làm bằng tre, lồ ô và những thanh gỗ nhỏ dễ dàng di chuyển. Hiện có 2 cái khung cửi của mẹ bà đang được trưng bày trong bảo tàng ở Pháp và Thái Lan. Bà Hợp rất vui vì những biểu tượng văn hóa của quê hương được truyền bá ra thế giới.

"Nghề dệt zèng tồn tại trong nếp sống của người Tà Ôi và nó chỉ mang tính tự cung tự cấp. Hiện nay với sự phổ biến của các sản phẩm may mặc truyền thống, nghề dệt zèng sẽ rất dễ bị mai một. Do đó tôi muốn các chị em cùng hợp tác để cùng hỗ trợ, cùng nhau làm. Hơn nữa, nếu không làm HTX thì không thể nào quảng bá cho sản phẩm mình làm ra được, vì vậy chúng tôi nghĩ đến việc thành lập HTX để sản phẩm làm ra có tên gọi, có sự quản lý. Đặc biệt là thông qua HTX có thể hỗ trợ bà con kinh phí sản xuất, nâng cao kĩ thuật cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ hiểu quả",  bà Hợp bày tỏ.

Những bộ trang phục độc đáo làm từ vải zèng của đồng bào Tà Ôi do HTX của nghệ nhân Mai Thị Hợp làm ra.

Dù đã có chuỗi sản xuất với số lượng ổn định nhưng việc tìm đầu ra cho zèng vẫn còn khó khăn, trong khi kinh phí của HTX còn thiếu thốn nên chưa thể đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc sản xuất, HTX đã kết hợp cho các đoàn du lịch tham quan trải nghiệm hoạt động dệt zèng. Việc có nhiều đoàn du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập dệt zèng cũng góp phần bảo tồn, phát triển nghề truyền thống này cũng như những giá trị văn hóa bản địa của đồng bào Tà Ôi.

Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX ra thị trường trong nước và nước ngoài. bà Hợp đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, các hoạt động Festival hàng năm của tỉnh. Bà cũng tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài như: Thái Lan, Pháp, Nga... Đến nay, sản phẩm zèng A Lưới được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, yêu thích, có những cơ sở để có thể xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng.

Không những vậy, các sản phẩm zèng của người dân huyện miền núi A Lưới đã xuất hiện ở những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế, từng bước nâng tầm vị thế nghề dệt zèng A Lưới.

Với 50 năm giữ lửa nghề dệt zèng truyền thống, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã 2 lần được Thủ tướng khen thưởng. Ảnh: Phan Hòa.

Hiện nay nguyên liệu thường dùng để dệt zèng là sợi coton, sợi len. Ngoài các màu truyền thống như đen, đỏ, xanh thẫm, zèng còn được người thợ dệt sử dụng các gam màu đỏ, trắng, vàng, xanh mạ theo yếu cầu và sở thích riêng. Ngoài ra, để tăng hiểu quả kinh tế, các nghệ nhân còn đa dạng hóa các sản phẩm từ zèng, nhiều sản phẩm thời trang đã được làm ra từ zèng như giày, túi xách, ví, mũ nón...

Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hoạt động của HTX ngày càng có hiểu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện A Lưới. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm zèng, HTX được chia thành nhiều bộ phận chuyên môn, ngoài thợ dệt còn có các bộ phận khác phụ trách về kinh tế, kĩ thuật, truyền thông. Trung bình mỗi tấm vải zèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 200.000 đến 500.000 đồng/tấm, có loại đến gần 2 triệu đồng, giúp đồng bào ở A Lưới có thêm thu nhập.

Năm 2016, nghề dệt zèng của người Tà Ôi được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Với việc nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của nghề dệt zèng truyền thống, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã nhiều lần được trao tặng những danh hiệu, bằng khen. Trong đó, bà được tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2017 do Thủ Tướng Chính phủ tặng; Bằng khen gương phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2010-2015 do Thủ Tướng tặng; danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2019 do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng…

Nghệ nhân Mai Thị Hợp là một trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

 

Phan Hòa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.386.000
Truy cập hiện tại 1.046