Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Những nông dân vươn lên làm giàu
Ngày cập nhật 06/04/2023
Ông Nguyễn Văn Toàn chăm sóc cánh đồng lúa nhà mình

       Ở Thanh Lam Bồ, xã Phú Gia (Phú Vang), có những “kiện tướng” nông dân làm chủ ruộng đồng, vươn lên làm giàu, là những tấm gương lan tỏa tinh thần lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của quê hương.

 

 

Nếu có ai hỏi, người dân Thanh Lam Bồ sẽ “đề cử” ông Hồ Lời, thuộc “top” số một, bởi đã hơn 60 tuổi, nhưng lão nông dân này vẫn cần mẫn cày cấy trên 17 mẫu ruộng. Trước đây, ông Lời bắt đầu với vài mẫu ruộng. Thức khuya dậy sớm, ông Lời là trụ cột trên cánh đồng. Vợ ông Lời lo việc nhà cửa, chăm sóc con cái, mỗi mùa vụ chỉ phụ ông dặm lúa. Sự chăm chỉ, nỗ lực và “chung thủy” với ruộng đồng đã giúp ông Lời không chỉ nuôi con ăn học, mà còn tích cóp vốn liếng, mở rộng sản xuất. Tiền tích lũy được từ những vụ mùa bội thu, ông Lời dần dần thuê thêm ruộng, sắm máy móc.

“Ông Lời có 1 máy cày và 1 máy đánh đất. Ngoài phục vụ trên cánh đồng nhà mình, ông Lời mang máy cày đi cày thuê cho bà con trong thôn. Có nhiều lúc, lão nông này một mình một máy, đánh đất xuyên đêm”- ông Nguyễn Văn Toàn, Chi Hội phó Hội Nông dân thôn Thanh Lam Bồ, Ủy viên Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Phú Gia, cho biết.

Lão nông Hồ Lời bộc bạch rằng, đã nhận ruộng của người khác, thì bằng mọi giá phải có trách nhiệm, đảm bảo đánh đất cho kịp, để mọi người tiến hành sạ cùng thời điểm. Công đoạn trổ nước, vào nước cũng dễ dàng, “đồng bộ”, đúng thời gian, kỹ thuật, đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Vất vả nhất là thời điểm thu hoạch giữa vụ đông xuân và canh tác vụ hè thu. Lúc đó vừa thu hoạch lúa xong, phải đốt rơm, vào nước ngay để đánh ruộng và gieo sạ lại. Thời điểm này nông dân tất bật, làm xuyên đêm là chuyện bình thường. Nhất là những nông dân đang canh tác trên những diện tích lớn” - Hội phó Hội Nông dân thôn chia sẻ.

Bây giờ đến Thanh Lam Bồ, “gặp” những cánh đồng lúa gần 170ha mênh mông xanh rờn, càng “thấm thía” những giọt mồ hôi mà người nông dân đã đổ xuống. Ông Lê My (hơn 60 tuổi) và ông Phan Hùng (hơn 50 tuổi) cũng là những nông dân trong thôn hiện đang làm chủ những cánh ruộng từ 14 - 17 mẫu, nở nụ cười mộc mạc, khi nhớ lại rất nhiều chặng đường vất vả đã đi qua. Đó là những trận thiên tai, lũ lụt. Lúa đang trổ bị ngập nước, mất mùa. Nhưng tình yêu đối với ruộng đồng đã thắng, vẫn không nản lòng, không bỏ ruộng, họ bắt đầu lại bằng một vụ mùa mới tiếp theo. “Chúng tôi lại tiếp tục làm đất, gieo sạ, chăm bẵm cây lúa, chờ đón vụ mùa bội thu. Năm 2021, lúa nhà tôi chất kho 35 tấn, chờ được giá mới bán”. Ông Nguyễn Văn Toàn, chủ nhân của hơn 10 mẫu ruộng hồ hởi cho hay, cứ một mẫu ruộng cho thu hoạch bình quân 3 tấn lúa (khi được mùa 3,5 tấn lúa). Trừ mọi chi phí, lãi ròng mỗi sào ruộng 1 tạ lúa. Những người làm 17 mẫu ruộng như ông Lời, ông My…, thu lãi ròng tầm hơn 100 triệu đồng/vụ. Mỗi năm 2 vụ lúa được mùa như vậy, người nông dân lãi ròng được hơn 200 triệu đồng.

Ngoài ra, những nông dân có máy cày còn kiếm thêm thu nhập từ công việc cày ruộng thuê. Buổi nông nhàn, họ tháo giàn đánh ra, lắp mooc vào, chở thuê đất, hàng hóa, vật dụng, tăng thu nhập.

Theo ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Phú Gia, chính những nông dân làm chủ ruộng đồng, vươn lên làm giàu, là những tấm gương lan tỏa tinh thần lao động sản xuất, đặc biệt, lan tỏa tình yêu với ruộng đồng đến những người trẻ, thế hệ tiếp nối. Bao năm qua, ở Thanh Lam Bồ, không có tấc đất nào được nghỉ. Xuất phát từ tình yêu đối với đất, với quê hương, nông dân Thanh Lam Bồ hăng hái trong các hoạt động xã hội như phòng, chống lụt bão, phong trào Ngày Chủ nhật xanh… Họ cũng là người cùng gia đình hiến đất để mở rộng những tuyến đường khang trang, đẹp đẽ, góp phần không nhỏ xây dựng nông thôn mới.

 

Phương Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.385.571
Truy cập hiện tại 981