Nông dân Đặng Duy Phán ở xã Hương Phong (TP. Huế) rất phấn khởi khi vụ lúa đông xuân này được “lợi kép”. Đây là điều khác hẳn với nhiều vụ lúa trước, thường “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nhất là những năm gần đây, giá vật tư, phân bón tăng cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với trước khiến nhiều vụ mùa thua lỗ. Vậy nên, vụ đông xuân này được mùa, được giá tạo động lực lớn cho nông dân bám đồng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội.
“Mỗi sào lúa vụ này đạt 3,5 tạ, như vậy năng suất bình quân mỗi ha khoảng 70 tạ, cao hơn đến 30-40% so với vụ đông xuân trước do ảnh hưởng mưa lũ bất thường. Không chỉ đạt năng suất mà chất lượng lúa vụ này rất tốt, hạt to, chắc đều và một số giống lúa mới đưa vào gieo cấy thích ứng với chân ruộng tại địa phương. Giá mỗi tạ lúa nếp hiện bán 1,5 triệu đồng, lúa 4B hơn 900 ngàn đồng, lúa JO2... có giá 850 ngàn đồng”, ông Phán xởi lởi.
Ông Nguyễn Ngọc Quy, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp số 1 thị trấn Sịa (Quảng Điền) khẳng định, giống lúa mới J02 có nhiều triển vọng, phù hợp với khí hậu, đồng ruộng trên địa bàn. Vụ đông xuân 2022-2023, hợp tác xã đưa giống lúa này vào gieo cấy trên các xứ đồng, hướng đến gieo cấy đại trà thay thế các giống cũ như Khang dân, HT1… gắn với xây dựng thương hiệu gạo chất lượng của địa phương. Chất lượng gạo ngon, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, giá cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg so với nhiều sản phẩm lúa gạo khác.
Nhiều xứ đồng trên địa bàn tỉnh vụ này cũng đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt so với nhiều vụ trước. Hầu hết các giống lúa mới chất lượng cao đưa vào gieo cấy trong vụ này đều cho thấy sự thích nghi, phù hợp với chân ruộng tại nhiều địa phương. Nhiều giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, chống đổ ngã tốt trong điều kiện giông lốc. Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Phú (Quảng Điền) khẳng định, nhiều trận giông lốc xảy ra vào thời điểm cuối vụ nhưng lúa vẫn không đổ ngã, hoặc đổ ngã rất ít, không gây thiệt hại.
Kiểm tra lúa đông xuân sắp thu hoạch
Trong vụ đông xuân này, ngành nông nghiệp vận động, khuyến khích địa phương đưa các giống ĐT100 (KH1), TH5, HN6, J02, BT7… vào gieo cấy nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và rút ngắn tối đa thời gian sinh trưởng, hạn chế nguy cơ sâu bệnh gây hại và thiên tai. Các giống lúa mới này không chỉ đạt năng suất cao trên dưới 70 tạ/ha, mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon, bán được giá.
Nhìn chung, thời tiết đông xuân này khá thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Giai đoạn từ khi gieo đến khi chuẩn bị trổ, thời tiết có nhiều đợt rét xen kẽ nhưng số ngày rét đậm không nhiều, thời tiết ít mưa, giai đoạn cuối tháng 2 - đầu tháng 3 do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh nên thời tiết âm u, sương mù nhiều. Điều này thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, đặc biệt bệnh đạo ôn gây hại trên nhiều giống lúa, sâu cuốn lá gây hại nhiều nơi. Từ đầu tháng tư đến nay có nhiều đợt mưa nhỏ, kết hợp gió trùng với thời kỳ lúa trổ bông phơi màu cũng phần nào ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm tại một số nơi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức thông tin, đến nay (8/5), trên địa bàn đã thu hoạch hơn 12 ngàn ha lúa, đạt 43% diện tích toàn tỉnh. Năng suất bình quân ước đạt khoảng 65,2 tạ/ha. Hiện nay, thời tiết đang diễn biến phức tạp nên ngành nông nghiệp cùng với các địa phương huy động toàn bộ máy móc cơ giới đưa vào thu hoạch nhanh gọn, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai. Hiện trên địa bàn tỉnh huy động 1.107 máy tuốt, 338 máy thổi, máy gặt rải hàng 247 cái và máy gặt đập liên hợp 522 cái... đảm bảo thu hoạch lúa tại các địa phương.
Ngày 7/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh yêu cầu, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đông xuân. Đối với diện tích lúa có tỷ lệ hạt chín trên bông trên 85% cần tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại do thiên tai. Trong trường hợp thu hoạch gặp mưa kéo dài cần liên hệ với Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh, Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh, Tập đoàn Quế Lâm… để sấy lúa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh yêu cầu, huy động tối đa công suất của các loại máy làm đất để cày lật đất và thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ. Đặc biệt, chú trọng giải pháp vệ sinh đồng ruộng, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để phân giải gốc rạ. Đối với diện tích bị nhiễm chua phèn hàng năm cần bón vôi trước khi làm đất để thau chua, rửa phèn nhằm hạn chế thiệt hại đầu vụ hè thu do lúa chết phải gieo sạ lại.