Nhiều tấm gương nông dân giỏi
Về tổ dân phố (TDP) Lai Thành, phường Hương Vân, hỏi nhà ông Lê Văn Quang trồng mai vàng ai cũng biết. Bén duyên với nghề trồng mai từ năm 2000, nhận thấy đất đai, khí hậu phù hợp với cây mai Huế và được thị trường đón nhận, ông Quang đã đầu tư vốn phát triển mô hình trồng mai trên diện tích gần 1.000m2.
Với lòng say mê và tìm tòi học hỏi, từ vài trăm gốc mai ban đầu, đến nay, vườn mai của ông Quang có trên 1.500 cây lớn, nhỏ các loại. Có kinh nghiệm trồng, chăm sóc, tạo thế cho cây kết hợp với niềm đam mê của mình, vườn mai của ông luôn xanh tươi, tán đều, hoa đẹp nên đầu ra khá ổn định. Đây cũng là mô hình vườn mẫu để cho các hội viên nông dân trên địa bàn thị xã học tập và làm theo.
Theo ông Quang, trồng mai đem lại lợi nhuận rất cao. Nếu 1 sào thanh trà sau 7- 10 năm mới cho thu hoạch khoảng 25 triệu, thì trồng 1 sào mai sau 2-3 năm đã đem lại thu nhập 50 - 100 triệu đồng. “Năm 2022, thu nhập từ vườn mai mang lại cho gia đình hơn 1,2 tỷ đồng, năm 2021 là 1 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, vườn mai cũng đem lại cho chúng tôi gần 400 triệu đồng. Nhờ trồng mai, gia đình có điều kiện sắm sửa tiện nghi và có thêm nguồn đầu tư lớn hơn cho nghề”, ông Quang hồ hởi.
Chủ tịch HND phường Hương Vân Trần Công Chương cho biết: Tại Hương Vân, thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG), đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm như hộ Lê Văn Quang, Trần Văn Hòa (trồng mai vàng); hộ ông Trần Bá Nong, Hồ Đăng Minh, Trần Văn Anh, Hồ Cử (trồng thanh trà, với thu nhập 200-300 triệu đồng/năm).
Lên xã vùng núi Hương Bình, mô hình trồng cây ăn quả đặc sản theo hướng Vietgap của hội viên Nguyễn Bá Lộc được xem là mô hình vườn mẫu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên diện tích đất gần 3ha, ông Lộc đầu tư trồng cây ăn quả có múi đặc sản: Cam, quýt, thanh trà, bưởi da xanh.
“Vượt qua nhiều khó khăn, vất vả do điều kiện khí hậu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đến nay, hơn 2ha cam, quýt trồng theo hướng Vietgap đã cho “quả ngọt”. Bình quân mỗi năm chúng tôi xuất bán ra thị trường khoảng hơn 15 tấn quả, trừ các khoản chi phí sản xuất, thu lãi trên 150 triệu đồng”, ông Lộc vui mừng.
Thúc đẩy nông nghiệp bền vững
Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng đến nay nông nghiệp Hương Trà còn nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường đã tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khó áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Hiện HND Hương Trà có 9 hội cơ sở, 72 chi hội thôn, TDP với 7.454 hội viên. Giai đoạn 2018-2023, để tạo điều kiện giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, HND thị xã cùng HND các xã, phường huy động và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, đổi mới phương thức hỗ trợ vốn, từ chỗ cho vay nhỏ lẻ sang cho vay theo dự án để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Phối hợp với các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NH Chính sách xã hội tín chấp cho hội viên vay vốn SXKD với tổng số tiền hơn 101 tỷ đồng, cho trên 3.111 hộ vay, qua đó, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng tập trung, liên kết với doanh nghiệp.
Trung bình mỗi năm, toàn thị xã có trên 8.921 hộ đăng ký danh hiệu NDSXKDG, trong đó, có hơn 5.196 hộ đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp. Đặc biệt qua phong trào, HND các cấp đã vận động, quyên góp, hỗ trợ hơn 2,4 tỷ đồng, hơn 1.090 ngày công lao động, 5.971 con giống và đã giúp đỡ cho 277 hộ nông dân thoát nghèo. Từ phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều NDSXKDG, nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Để lan tỏa hơn nữa phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp thị xã phát triển bền vững, theo Chủ tịch HND Hương Trà Lê Anh Học, thời gian tới, ngoài xây dựng củng cố tổ chức hội, HND các cấp tiếp tục vận động hội viên nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu gắn với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
“Ngoài ra, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn của ngân hàng để xây dựng các mô hình SXKD dịch vụ theo hướng tổ hợp tác, HTX và xây dựng các mô hình nông dân cùng sở thích; thành lập các chi, tổ HND nghề nghiệp, giúp nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, công nghệ để đáp ứng vào SXKD giúp hội viên nông dân làm quen với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thân thiện với môi trường”, bà Học nói.