I. KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG, GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (1989 - 1993)
1. Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế kiện toàn tổ chức, ổn định tình hình sau khi chia tỉnh
Năm 1989, sau khi tái lập tỉnh, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị lần thứ I với sự có mặt của tất cả các ủy viên, nhất trí bầu đồng chí Nguyễn Thanh Giai giữ chức Chủ tịch Hội, đồng chí Hoàng Quốc Hương giữ chức Phó Chủ tịch Hội. Ngày 1-7-1989, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị để phân công nhiệm vụ cho 17 ủy viên của Ban Chấp hành. Các cấp Hội cơ sở được kiện toàn với 136 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân. Nhiều xã, phường có đồng chí Chủ tịch Hội chuyên trách, Ban Chấp hành xã, phường, thị trấn có từ 7 đến 11 đồng chí. Toàn tỉnh có 969 Ủy viên Thường vụ cấp cơ sở với 362 chi Hội, có 1.238 Ủy viên Ban Chấp hành, 1.635 tổ Hội với 2.718 Tổ trưởng, Tổ phó.
Các chi Hội, tổ Hội hình thành theo đơn vị kinh tế tập thể đội sản xuất hoặc hợp tác xã, tổ đoàn kết sản xuất. Có 4 xã vùng biển và 2 xã vùng gò đồi chưa có tổ chức Hội là Phong Hải (Hương Điền), Phú Hải, Phú Thuận, Vinh Phú (Hương Phú), Dương Hòa (Hương Phú), Thủy Bằng (Huế); đơn vị thị trấn Phú Bài (Hương Phú) cũng chưa xây dựng được tổ chức cơ sở Hội.
Hội nghị Ban Chấp hành tỉnh Hội ngày 6-9-1989 đã nêu nguyên nhân của các xã, thị trấn chưa xây dựng được tổ chức cơ sở Hội là do hoàn cảnh đời sống khó khăn, ở vùng biển, người nông dân lại bị tác động bởi hàng hóa nước ngoài do người thân vượt biên giới trái phép gửi về nhiều, trong khi các cấp Hội còn thiếu quyết tâm và biện pháp chưa được cụ thể.
Đến ngày 31-12-1989, tổng số hội viên nông hội toàn tỉnh là 93.948, trong đó có 2.181 đảng viên, 3.543 đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 1989 đã phân loại 136 xã, phường, thị trấn như sau: loại khá 45, loại trung bình 55, loại yếu 36 đơn vị. Trong tổng số 362 chi Hội có gần 1/2 chi Hội khá, 1.638 tổ Hội có 1/3 loại khá, gần 1/2 trung bình, số còn lại xếp loại yếu. Loại khá là các chi Hội có sinh hoạt thường kỳ hàng tháng; cán bộ Hội truyền đạt chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và của Hội Nông dân đến được với hội viên; cán bộ Hội được huấn luyện; hội viên nhiệt tình, đóng đủ hội phí hàng tháng; không phụ thuộc vào các đội sản xuất, tổ đội sản xuất và hoạt động đúng theo Điều lệ Hội qui định.
Tuy vậy, công tác tổ chức xây dựng Hội vẫn còn nhiều hạn chế: phong trào của Hội chưa đều, tác phong lề lối làm việc của một số cán bộ Hội từ tỉnh, huyện đến cơ sở còn mang tính mệnh lệnh, hành chính quan liêu nhưng khắc phục chậm, đội ngũ cán bộ Hội cơ sở vừa yếu lại vừa thiếu, có nơi Chủ tịch Hội Nông dân kiêm quá nhiều việc, một số nơi chưa có Chủ tịch Hội Nông dân cấp cơ sở.
Hội nghị tổng kết Công tác Hội năm 1989 đã chỉ rõ những nguyên nhân, hạn chế trong công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân như sau:
- Chưa quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ I của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, chậm đổi mới tư duy trong công tác vận động quần chúng trong tình hình cách mạng nước nhà đã chuyển sang giai đoạn mới. Nội dung, phương thức vận động còn cũ kỹ, chưa phù hợp với tâm lý của nông dân.
- Nhiều cấp ủy Đảng thiếu quan tâm đến công tác tổ chức Hội Nông dân và công tác vận động nông dân, đảng viên phần lớn không sinh hoạt trong tổ chức Hội. Số đông cán bộ các ngành kinh tế liên quan đến nông dân ít về cơ sở đối thoại với nông dân để nghe nông dân nói và nói cho nông dân nghe, thông thường hiểu tâm tư nguyện vọng của nông dân chỉ qua nói lại, kể lại.
- Cán bộ Hội chưa được đào tạo bồi dưỡng, đời sống kinh tế lại gặp nhiều khó khăn. Cán bộ chuyên trách Hội kiêm quá nhiều việc nên không thể hoàn thành được nhiệm vụ, chức năng của mình.
- Chỉ đạo của Hội cấp trên (huyện, thành, tỉnh) còn mắc bệnh quan liêu, đi xuống dưới theo lối “cưỡi ngựa xem hoa”, đã là cán bộ Hội nhưng chưa “3 cùng” với quần chúng.
Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cơ quan tỉnh Hội được củng cố gồm 4 ban: Ban Kiểm tra, Ban Tuyên huấn - thi đua, Ban Kinh tế - xã hội và Văn phòng tỉnh Hội.
Đến cuối năm 1990, nhân sự của Ban Chấp hành đã được ổn định cho các huyện mới (từ 5 đơn vị cũ thành 9 đơn vị hành chính mới), tổ chức Hội Nông dân trong 9 huyện và thành phố được củng cố, kiện toàn. Hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo cơ chế mới. Hội các cấp đã tổ chức khảo sát lại chất lượng hội viên, chi Hội theo địa bàn dân cư, bản làng, thôn xóm để nông dân có điều kiện giúp nhau trong sản xuất, đời sống.
Ngày 25-2-1991, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng nhằm tổng kết và đề ra phương hướng hoạt động của Hội. Hội nghị đánh giá phong trào nông dân và hoạt động của tổ chức Hội năm 1990 như sau:
Cán bộ, hội viên nông dân góp phần đưa sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 163.888 tấn, khôi phục kinh tế vườn, mở rộng kinh tế vùng gò đồi, vùng cát, vùng đầm phá... Xây dựng, củng cố được 1.307 tổ/2.130 tổ Hội, 375 chi Hội; đã tổ chức đại hội được 96/138 xã phường; 9 huyện, thành phố đã kiện toàn đội ngũ ban chấp hành. Cán bộ cấp huyện, thành, xã, phường, thị trấn có 968 đồng chí, trong đó có 33 đồng chí cấp ủy viên là chủ tịch Hội cơ sở. Nghị quyết hội nghị cũng nêu rõ mặt hạn chế, yếu kém trong phong trào nông dân như:
- Phong trào Hội phát triển chưa đều, có nơi còn rất yếu; đời sống sau “Khoán 10” có cải thiện, song nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo, hộ chính sách neo đơn. Hội cơ sở còn lúng túng trong phương thức hoạt động và sinh hoạt Hội; thiếu kinh nghiệm trong việc tập hợp nông ngư dân; thu nộp hội phí chưa đều, nhiều nơi chưa nộp hội phí lên tỉnh Hội.
- Đội ngũ cán bộ Hội yếu, năng lực không đều; nhiều cơ sở Hội không có kinh phí hoạt động, nhất là ở cấp huyện và cấp xã, thôn.
- Công tác kiểm tra đôn đốc từ tỉnh đến các cơ sở chưa thường xuyên, chưa có nề nếp, do đó nhiều nguyện vọng của hội viên nông dân chưa kiến nghị kịp thời với Đảng và chính quyền.
Đến ngày 15-12-1992, có 3/4 cơ sở đã tổ chức Đại hội, bầu Ban Chấp hành mới. Huyện A Lưới lấy xã A Ngo làm đại hội điểm, hình thành nên 10 chi Hội theo thôn, bản. Ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, thành phố Huế nhiều xã xây dựng tổ chức Hội theo ngành nghề như: Hội nuôi tôm xã Quảng Công (Quảng Điền); tổ Hội, chi Hội đánh bắt thủy hải sản, sông đầm phá là xã Phong Hòa (Phong Điền), xã Lộc Điền (Phú Lộc); chi Hội theo ngành nghề ở thành phố Huế; chi Hội VAC xã Thủy Phương (Hương Thủy), Phú Đa (Phú Vang) v.v..
Nội dung sinh hoạt Hội đã phong phú hơn, gắn lợi ích thiết thực của nông dân với tổ chức Hội. Số lượng hội viên sau chia tỉnh có 79.388 người, chiếm 32,6% so với hộ nông dân toàn tỉnh. Qua khảo sát của tỉnh Hội, đến ngày 1-10-1992 toàn tỉnh có 135 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội với 431 chi Hội, 1.470 tổ Hội, 93 cán bộ Ban Chấp hành huyện, thành. Sau Đại hội nông dân các xã, phường, thị trấn, đã kiện toàn được 930 cán bộ xã, phường, thị trấn với 1.455 cán bộ Hội, 1.470 cán bộ tổ Hội. Trong số trên cán bộ có trình độ văn hóa cấp II (lớp 6-9) trở lên gồm 100 đồng chí, trình độ chính trị sơ-trung cấp 57 đồng chí, trình độ quản lý kinh tế và quản lý Nhà nước sơ-trung cấp 121 đồng chí.
Theo Báo cáo của Ban Chấp hành tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, 50% số cán bộ Hội nói trên có năng lực công tác Hội, 30% làm việc có trách nhiệm nhưng thiếu phương pháp khoa học, 20% chưa sâu sát nông dân. Qua phân loại chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành các xã, phường, thị trấn tháng 12-1992, có 40% loại khá, 30% loại trung bình, 30% loại yếu. Ban Chấp hành các huyện, thành Hội có 70% loại khá, 20% loại trung bình, 10% loại yếu. Đến tháng 1-1992 vẫn còn 3 xã chưa xây dựng được tổ chức Hội Nông dân là xã Phú Hải (Phú Vang), xã Phong Hải (Phong Điền) và xã Dương Hòa (Hương Thủy).
2. Nông dân và Hội Nông dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh
Thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh, Hội đã phát động hội viên, nông dân tự lực, tự cường, học tập tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, ổn định đời sống bằng các hình thức thâm canh, chuyên vụ, tăng vụ, khai hoang mở rộng diện tích canh tác, áp dụng chương trình khuyến nông, khuyến ngư; thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích đầm phá, phát triển vườn nhà, vườn rừng, vườn đồi; thay đổi tập quán đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, tạo việc làm, tăng thu nhập. Các cấp ủy Đảng và các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, điện lực, thủy sản... đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp toàn diện nên đã góp phần cùng với nhân dân trong tỉnh đạt được những kết quả sau:
Về trồng trọt, năm 1989 diện tích gieo trồng đạt 75.475 ha, năng suất 29,6tạ/ha, sản lượng lương thực quy thóc 174.015 tấn. Đến năm 1992 diện tích tăng lên 75.501 ha (tăng 819 ha so với năm trước). Sản lượng lương thực quy thóc 192.205 tấn. Đây là năm được mùa lớn nhất kể từ khi tách tỉnh. Bình quân lương thực đầu người toàn tỉnh đạt 200,6kg/năm. Tính riêng ở nông thôn đạt bình quân 376kg/người. Chương trình khuyến nông thực hiện được gần 4.000 ha. Cơ cấu giống lúa mới chiếm 77%.
Về chăn nuôi, năm 1989, đàn trâu bò có 30.247 con, đàn bò 17.352 con, đàn lợn 176.788 con, đàn gia cầm 356.648 con, và đến năm 1991 đàn trâu bò tăng lên 33.483 con. Qua năm 1992, đàn trâu 34.369 con (tăng 3,2%), đàn bò 17.650 con (tăng 6,7%), đàn lợn 182.007 con (tăng 46%). Bình quân trọng lượng lợn xuất chuồng 61,4kg/con (tăng 3,8kg/con so với năm trước).
Thực hiện Nghị quyết số 11/ NQ-TW ngày 20-10-1998 về phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và đầm phá giai đoạn 1998-2005, về đánh bắt nuôi trồng thủy sản, trong 3 năm (1989-1991) diện tích nuôi tôm đạt 190,5 ha, sản lượng đạt 86,3 tấn; diện tích nuôi rong câu 676 ha với sản lượng 264,5 tấn. Năm 1992, toàn tỉnh có 185 cơ sở nuôi tôm với 365,5 ha, trong đó bán thâm canh là 245,5 ha. Sản lượng toàn tỉnh thu được 106 tấn và rau câu thu được 130 tấn (thô). Đánh bắt thủy hải sản đạt 10.000 tấn, chủ yếu tập trung ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền và Hương Trà. Cá nước ngọt bắt đầu phát triển mạnh ở huyện A Lưới, Nam Đông và các xã có vùng gò đồi.
Về phong trào nông dân sản xuất giỏi, thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về phát động phong trào nông dân sản xuất giỏi, Tỉnh Hội cùng với Sở Nông nghiệp đã tích cực vận động nông dân trong tỉnh thi đua thực hiện. Tỉnh Hội đã tuyên truyền trên 1,4 triệu lượt nông dân, trong đó có 79.338 hội viên và 67.002 hộ làm vườn, mở hội nghị bình chọn 8.727 hộ nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, 70 hộ nông dân sản xuất giỏi cấp xã. Nhiều gương nông dân sản xuất giỏi xuất hiện như Dương Đình Dũng ở xã Thủy Châu (Hương Thủy) thu nhập 24 triệu đồng/năm, Lê Nồng ở xã Phú Tân (Phú Vang) đánh bắt nuôi trồng thủy sản thu nhập trên 25 triệu đồng/năm, Đặng Trung xã Quảng Lợi (Quảng Điền) thu nhập trên 30 triệu đồng/năm, Lê Văn Bách dân tộc Pa Hy ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) với mô hình VAC đã thu nhập 6 triệu đồng/năm... Có 4 tập thể tiêu biểu cho phong trào sản xuất giỏi của tỉnh là hợp tác xã Thủy Dương (Hương Thủy) đạt năng suất 12tấn/năm, hợp tác xã Quảng Phú (Quảng Điền) 10 tấn/năm, hợp tác xã Đông Hòa (Phong Điền) đi đầu trong công tác khuyến nông đạt 9 tấn/năm, hợp tác xã Phú Lương (Phú Vang) từ yếu kém vươn lên khá.
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tuy còn mới mẻ nhưng đã giúp cho cán bộ Hội nhiều bài học kinh nghiệm về tập hợp trí tuệ và sự năng động sáng tạo của hội viên và nông dân. Hạn chế của phong trào là do các cấp Hội chỉ đạo thiếu tập trung nên chưa phát huy hết các nhân tố mới, bình chọn chưa đầy đủ các hộ nông dân sản xuất giỏi trên các lĩnh vực nông lâm ngư, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chăn nuôi, ngành nghề, kinh tế gia đình, kinh tế vườn ở từng thôn, xóm, từng cụm dân cư và từng đội sản xuất.
Nông thôn trong tỉnh với tổng số 686.575 người (chiếm 70% dân số toàn tỉnh), lại là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp cùng với các ngành chức năng, các đoàn thể phát động phong trào nông dân xây dựng, phát triển nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực.
Đến năm 1990 đã hoàn thành nhiều công trình thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 1.482,5 km, đầu tư 130.629 công, tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Ở hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, nhiều xã đã bắt đầu có điện thắp sáng. Tại các xã Phong Hiền (Phong Điền), Thuận An, Phú Tân (Phú Vang), Thủy Dương, Thủy Phương (Hương Thủy), Hương Long, Hương Sơ (Huế), Thanh Phước, La Chữ, Hương Vinh (Hương Trà), Quảng Phước, Quảng Thành (Quảng Điền) điện đã về với nông dân. 40% hộ nông dân có phương tiện nghe nhìn, 45% hộ có nhà ngói, nhà xây kiên cố, nước sạch khoan được 1.903 giếng, 50% hộ có sân phơi bằng xi măng, 20% có hộ xí tự hoại. Bộ mặt nông thôn đã được đổi mới.
Tuy vậy, một số vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Theo số liệu của các cấp Hội khảo sát năm 1990, có 10% hộ nghèo thường xuyên. Nguyên nhân là không có vốn sản xuất (47,9%), thiếu lao động và nhiều khâu ăn theo (14%), không biết cách làm ăn (12,6%), thiếu ruộng và không có nghề nghiệp (11,7%), lười biếng và ăn tiêu phung phí (6,47%).
Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân sau “Khoán 10” của Bộ Chính trị đã được nâng lên đáng kể. “Khoán 10” được thực hiện như một sự đột phá vào những tồn tại trong quản lý kinh tế nông nghiệp sau hợp tác hóa, đã làm trỗi dậy nhiều tiềm năng và khả năng mới trong sản xuất nông nghiệp, đem lại lòng tin cho giai cấp nông dân, cơ chế bao cấp từng bước được xóa bỏ, kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa được khuyến khích, tạo cho hộ nông dân trở thành một đơn vị kinh tế tự chủ trong sản xuất, nông dân được tự do lưu thông hàng hóa sản phẩm và vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, trong nông thôn bắt đầu diễn ra sự phân hóa giàu, nghèo.
Với chương trình “xóa đói giảm nghèo”, Hội đã phát động tinh thần đoàn kết tương trợ “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, phát huy truyền thống tình làng nghĩa xóm từ lâu đời của người nông dân Việt Nam, vận động nông dân giúp nhau hàng trăm tấn thóc. Những khi khó khăn do thiên tai mất mùa, Hội đã xuất quỹ Hội cho nông dân nghèo mượn để mua vật tư sản xuất, trao đổi ngày công lao động, giúp cày cấy cho những hộ neo đơn để làm kịp thời vụ, động viên nông dân giúp nhau về kinh nghiệm sản xuất, thâm canh lúa, rau màu, trồng rừng, làm vườn, chăn nuôi, đào ao thả cá v.v.. Tiêu biểu cho phong trào này là các hội viên, nông dân phường Xuân Phú, phường Vĩ Dạ, xã Hương Sơ, xã Thủy An đã giúp 43 tấn thóc, 1.050 kg lúa giống, 510 kg vật tư để cho các hộ nông dân nghèo sản xuất không lấy lãi. Ngoài ra, hội viên nông dân xã Quảng An (Quảng Điền) còn đóng góp 2 triệu đồng giúp hộ nông dân thiếu vốn sản xuất. Chi Hội Bắc Phước (xã Quảng Phước, Quảng Điền) hàng năm trích hơn 1 tấn thóc giúp cho các hộ nông dân nghèo vươn lên ổn định cuộc sống... Toàn tỉnh đã có 4.119 hộ giúp nhau, ủng hộ 392 tấn thóc, 4.500 công và 73,5 triệu đồng . Vào năm 1992, nhân kỷ niệm 47 năm ngày thương binh liệt sỹ (27-7), hội viên, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp cùng với ban, ngành các cấp xây dựng 70 nhà tình nghĩa, bình quân 8,7 triệu đồng/nhà và 1.300 sổ tiết kiệm tình nghĩa với 500 triệu đồng cho các gia đình thương binh liệt sỹ tiêu biểu. Riêng hội viên nông dân đã đóng góp 553 sổ tiết kiệm tình nghĩa, từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/sổ và 978.410.000 đồng để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ và giúp các gia đình thương binh liệt sỹ.
Với tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hàng năm của tỉnh lên tới 2,47%, các cấp Hội đã phối hợp với các ban, ngành các cấp tích cực vận động, tuyên truyền, giáo dục hội viên nông dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Ban Chấp hành tỉnh Hội đã mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng tuyên truyền viên về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình với 79 cán bộ Hội chủ chốt cấp huyện, thành và cơ sở tham gia. Các huyện, thành Hội mở được 27 lớp học, đào tạo được 1.223 tuyên truyền viên. Huyện có số lượng tuyên truyền viên nhiều nhất là Phong Điền với 343 người, đã tuyên truyền cho 15.573 lượt người nông dân nghe. Nội dung dân số-kế hoạch hóa gia đình được đưa vào trong chương trình sinh hoạt của các chi Hội.
Tháng 11-1989, toàn tỉnh phát động phong trào xóa mù chữ, Hội Nông dân là một thành viên trong Ban chỉ đạo xóa mù chữ và bỏ học. Các cấp Hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động 25.379 người trong độ tuổi 15-35 mù chữ đến trường. Cùng với chương trình xóa mù chữ, Hội còn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ bà mẹ trẻ em. Chương trình “Vì trẻ em nông thôn” được hội viên nông dân toàn tỉnh quan tâm.
Nhận thức được âm mưu “diễn biến hòa bình” của địch, các cấp Hội đã vận động nông dân xây dựng thôn, xóm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, động viên con em lên đường tòng quân nhập ngũ đạt 100% kế hoạch được giao, phối hợp với các ban, ngành giải quyết chính sách, chế độ cho các gia đình có công với nước, thương bệnh binh và các gia đình thương binh liệt sỹ. Hội đã tuyên truyền về truyền thống của nông dân, giáo dục nông dân kiên định vững vàng một lòng đi theo Đảng, làm theo lời dạy của Bác Hồ, lên án tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Hội cơ sở còn tham gia tốt công tác hòa giải và tranh chấp ruộng đất, đấu tranh chống tệ quan liêu hành chính, tham nhũng, buôn lậu, trộm cắp, bảo vệ tuyến biển, tuyến biên giới, góp phần bảo vệ an toàn, trật tự xã hội ở nông thôn.
Từ thực tiễn công tác Hội kể từ ngày chia tỉnh năm 1989 đến năm 1993, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Một là, muốn xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, cán bộ Hội phải đến với nông dân, gắn bó với nông dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của nông dân để tổ chức các phong trào sản xuất nông nghiệp toàn diện. Qua đó xây dựng sự đoàn kết tương trợ, tình làng nghĩa xóm để tập hợp lực lượng, giáo dục cho nông dân các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời hướng dẫn nông dân cách làm giàu.
Hai là, cán bộ Hội phải gắn với phong trào của Hội, phải có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với Hội. Hội phải biết chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, nêu cao tính tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, không ỷ lại trông chờ.
Ba là, Hội nhất thiết phải có quỹ tài chính. Chính quỹ Hội góp phần quan trọng vào sự tồn tại và phát triển của Hội. Nơi không có quỹ Hội thì Hội khó phát động được phong trào, đoàn kết thôn xóm yếu, sinh hoạt Hội lỏng lẻo, cán bộ Hội lơ là, thiếu trách nhiệm trước nông dân.
Bốn là, việc tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, tổng kết có vai trò rất quan trọng, nhằm giúp cơ sở thấy được nhân tố mới để phát huy, thấy cái sai để sửa... Có như vậy Hội mới nắm được tâm tư, nguyện vọng của hội viên, giải quyết được quyền lợi chính đáng của hội viên, thực hiện tốt cầu nối giữa nông dân với Đảng.
II. THAM GIA THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH (1993 - 1998)
1. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV (1993)
Trong hai ngày 21 và 22-4-1993, tại Hội trường Đại học Tổng hợp Huế, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 1993-1997 đã được tiến hành trọng thể. Tham dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, 102 đại biểu chính thức của 9 huyện, thành Hội và hơn 100 đại biểu khách mời đại diện cho các cấp các ngành trong và ngoài tỉnh.
Đại hội xác định nhiệm vụ của Hội là xây dựng Hội Nông dân Việt Nam tỉnh vững mạnh, tập hợp rộng rãi nông dân vào tổ chức Hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Trung ương Hội, thực hiện liên minh công nông trí thức, coi đó là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết X của tỉnh Đảng bộ và Nghị quyết của Đại hội Hội Nông dân Việt Nam toàn quốc lần thứ II, góp phần ổn định tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, bảo vệ chính quyền của dân, do dân và vì dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về mục tiêu của Hội, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Xóa bỏ đơn vị trắng, giảm bớt đơn vị yếu kém. Phát động nông dân thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết X của tỉnh Đảng bộ đã đề ra, tập trung thực hiện thắng lợi các phong trào như: phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết tương trợ, thu hẹp hộ nghèo; phát động cán bộ hội viên, nông dân tham gia nâng cao trình độ dân trí, thực hiện công bằng xã hội; xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh; phát động phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới; vận động hội viên nông dân thực hiện “6 không”: không đông con; không nghèo đói; không bỏ học, mù chữ; không bệnh tật suy dinh dưỡng; không mê tín dị đoan và theo các tập tục lạc hậu; không vi phạm hiến pháp và pháp luật. Tiếp tục phát động phong trào nông dân tham gia kế hoạch hóa gia đình, chống mù chữ, phổ cập tiểu học, xây dựng củng cố quốc phòng an ninh, hậu phương quân đội, xây dựng gia đình văn hóa mới.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ 1993-1997 gồm 25 ủy viên, trong đó đồng chí Nguyễn Như Sung là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Hoàng Quốc Hương và Trương Tiệu là Phó Chủ tịch .
2. Tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội
Phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế hợp tác trong nông nghiệp và nông thôn đối với phát triển kinh tế-xã hội, các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng hợp tác xã, từng bước góp phần xây dựng quan hệ sản xuất trong nông nghiệp phù hợp hơn, tạo quyền tự chủ của kinh tế hộ gia đình. Từ 1993 đến 1997, nông dân trong toàn tỉnh đã xây dựng 169 tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp, 205 tổ hợp tác liên kết sản xuất theo quy mô ngành nghề, 125 chi Hội nghề nghiệp. Nhìn chung, các tổ chức kinh tế đã từng bước được đổi mới, đáp ứng được nhu cầu của kinh tế hộ.
Trong những năm 1993-1997, Hội các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hội viên nông dân thâm canh, mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa ngày càng rõ nét hơn. Đặc biệt, các cấp Hội đã tăng cường công tác vận động thực hiện chủ trương của tỉnh để hình thành vùng chuyên canh nguyên liệu mía đường ở nhiều huyện với tổng diện tích gần 3.600 ha, đồng thời phát triển diện tích cây cao su, lạc, dưa hấu, ngô lai, nấm rơm, rau màu, thực phẩm cao cấp... Đến cuối năm 1997, nông dân toàn tỉnh đã trồng 4.000 ha lạc, 2.040 ha cao su, 750 ha quế. Nhờ vậy đời sống của người nông dân từng bước được cải thiện, một bộ phận được nâng cao.
Các cấp Hội cùng ngành chức năng vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương “nạc hóa” đàn lợn, “Sind hóa” đàn bò, phát triển các mô hình nuôi dê, nuôi gà, vịt siêu trứng, siêu thịt, xuất hiện nhiều mô hình VAC, VACR của nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phong trào đánh bắt, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ. Nhiều ngư dân đã mạnh dạn bỏ vốn mua ngư lưới cụ, đóng mới tàu thuyền với công suất lớn, đánh bắt xa bờ, tăng sản lượng đánh bắt thủy sản đến năm 1997 đạt 14.156 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 1,66 triệu USD. Nông dân các xã ven biển, đầm phá đã khai thác tốt lợi thế mặt nước ở vùng đầm phá để nuôi tôm, cua, cá, rong câu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xuất hiện một số mô hình trang trại trong nuôi trồng thủy sản, đưa diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 1997 đạt 1.126 ha.
Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, phát triển trồng cây lâm nghiệp đã kết hợp với việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên rừng, môi trường sinh thái. Các cấp Hội vận động nông dân, hội viên phát triển kinh tế vườn theo mô hình nông-lâm kết hợp, xây dựng mô hình trang trại bò, phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế của vùng gò đồi, vùng núi, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện, ổn định đời sống của nông dân, đồng thời hạn chế được tình trạng khai thác rừng trái pháp luật.
Từ năm 1993 đến năm 1997, thực hiện chương trình 327, 773 định canh định cư và PAM 4304, các cấp Hội đã vận động nông dân trồng được 5.109 ha rừng tập trung và 7,5 triệu cây phân tán, vận động 1.250 hộ nhận trồng và chăm sóc 2.500 ha rừng. Công tác bảo vệ tài nguyên rừng được chú trọng hơn, nạn phá rừng bừa bãi được hạn chế.
Hội các cơ sở còn tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân khôi phục các nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống để tận dụng lao động nhàn rỗi, nông nhàn ở nông thôn. Điển hình là nghề đệm bàng ở xã Phong Bình (Phong Điền), nghề gốm ở Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền), nghề dệt dèng ở A Lưới, Nam Đông, nghề đúc đồng ở Huế, nghề làm ruốc, nước mắm ở Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải (Phú Vang), nghề chẻ đá ở xã Lộc Tiến (Phú Lộc), nghề trồng hoa cây cảnh ở Phú Hậu, Kim Long, Hương Long (Huế) v.v..
Với sự nỗ lực của các cấp Hội cùng với sự quan tâm của ban, ngành các cấp, phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi của tỉnh đã thu hút hàng vạn hộ nông dân tham gia, khai thác và phát huy được tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động, tài nguyên rừng, biển, đầm phá, áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làm cho hộ nông dân khá giàu ngày càng tăng, số hộ nông dân sản xuất giỏi năm sau cao hơn năm trước. Từ 1993 đến 1997 toàn tỉnh có 18.064 hộ nông dân sản xuất giỏi có thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên (chiếm 16% so với số hộ ở nông thôn).
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Hội đã tích cực vận động nông dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, huy động được hàng trăm ngàn ngày công để xây dựng nhiều công trình thủy lợi. Các địa phương đã phát động phong trào nông dân tham gia nâng cấp hàng ngàn kilômét đường giao thông nông thôn. Một số xã tiêu biểu như Hương Vinh, Hương Phong, Hương Toàn (Hương Trà), Quảng Phước, Quảng Thành (Quảng Điền), Phong Hòa (Phong Điền)... đã thực hiện tốt việc bê tông hóa đường làng ngõ, xóm.
Nông dân các cấp cũng tham gia tích cực góp phần xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh, trường học, nhà trẻ mẫu giáo, phát triển mạng lưới điện nông thôn và công trình phúc lợi xã hội. Toàn tỉnh có 87 xã, thị trấn có điện lưới, đạt tỷ lệ 66,4%, 85.643 hộ ở nông thôn có điện thắp sáng, bình quân mỗi hộ nông dân đóng góp 700.000 đồng để xây dựng lưới điện, 58% hộ được dùng nước sạch. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, văn minh tiến bộ hơn trước.
Từ 1993 đến 1997, Hội các cấp đã đứng ra tín chấp cho 14.533 hộ nông dân vay hơn 20,848 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau, góp phần tích cực phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho các hộ nghèo ở nông thôn. Toàn tỉnh đã xóa 5.942/44.600 hộ đói nghèo, chiếm tỷ lệ 13,32% so với tổng số hộ đói nghèo của tỉnh, trong đó vùng đồng bằng cơ bản xóa được hộ đói. Nhiều chi Hội ở các địa phương phấn đấu thôn xóm không còn hộ đói nghèo. Nhìn chung đời sống vật chất tinh thần của nông dân ổn định, hộ nghèo giảm, hộ khá giàu tăng lên so với trước.
Phong trào nông dân tham gia công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và xóa mù chữ, phổ cập tiểu học
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, các Hội cơ sở đã mở được 225 lớp bồi dưỡng tuyên truyền viên, thu hút được 14.500 lượt người nghe. Hàng năm tỉnh Hội cùng với Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, chiến dịch truyền thông về đến các thôn, xóm, buôn làng để vận động nông dân thực hiện đình sản và các biện pháp tránh thai. Đã hình thành được 65 câu lạc bộ “Nông dân thực hiện dân số-kế hoạch hóa gia đình”, lồng ghép “Câu lạc bộ 6 tiêu chuẩn” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động với 320 nhóm nghề nghiệp gồm 900 hộ tham gia. Từ những hoạt động trên, Hội Nông dân đã góp phần hạ tỷ lệ dân số từ 2,59% (1993) xuống còn 2,14% (1997).
Phong trào xóa mù chữ, phổ cập tiểu học trong gia đình hội viên nông dân có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hội các cấp đã phối hợp với ngành giáo dục, nhất là Hội đồng giáo dục ở cơ sở xã, phường trong công tác vận động con em đến trường, giúp đỡ nhiều con em học sinh bỏ học trở lại trường lớp. Hội đã góp phần cùng với xã hội xóa mù chữ cho 29.466 người trong độ tuổi 15-35, trong đó miền núi là 7.507 người, thiết thực cùng toàn tỉnh thực hiện có kết quả việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.
Phong trào nông dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn
Tỉnh Hội và các huyện, thành Hội đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố xây dựng chương trình hành động giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa bàn nông thôn. Các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục toàn thể cán bộ, hội viên nông dân về quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước các hoạt động “diễn biến hòa bình” của địch, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất giữa quân đội và nông dân, chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ do hội viên nông dân làm nòng cốt; vận động con em lên đường sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; phối hợp với các ngành chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của nông dân về tranh chấp ruộng đất, mâu thuẫn trong sản xuất và đời sống; hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ của nông dân, xây dựng tổ an ninh nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt của hội viên trong công tác giáo dục, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
3. Công tác xây dựng và củng cố Hội các cấp
Từ sau Đại Hội IV (4-1993), các cấp Hội trong tỉnh luôn coi trọng công tác xây dựng, củng cố Hội về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn, bước đầu thu được một số kết quả.
Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đã tạo được sự phấn khởi, tin tưởng của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhưng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, những mặt trái của cơ chế thị trường, tình trạng tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội v.v.. đã tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm kể cả sự băn khoăn, lo lắng trong đại đa số nông dân. Vì thế, các cấp Hội trong tỉnh luôn coi trọng công tác xây dựng, củng cố Hội về chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân. Các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn phục vụ cho bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp (1994), bầu cử Quốc Hội khóa X (1997), góp ý kiến vào các bộ luật Lao động, Luật đất đai, Bộ luật hình sự, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và ngày truyền thống hàng năm của Hội, khơi dậy truyền thống của dân tộc và của địa phương, nâng cao niềm tin của hội viên nông dân trong toàn tỉnh vào thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng, kịp thời giải thích những vướng mắc cho hội viên, nông dân trong quá trình giao quyền sử dụng đất lâu dài theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, góp phần ổn định tình hình chính trị và trật tự ở nông thôn.
Ngoài ra, Hội đã phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay, Báo Thừa Thiên Huế, Đài phát thanh tỉnh và Đài Truyền thanh Huế, Đài Truyền hình Huế chuyển tải được nhiều thông tin đến với nông dân, tăng cường phổ biến những mô hình kinh tế, biểu dương những hội viên, nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, làm ăn giỏi, phổ biến kinh nghiệm làm ăn có hiệu quả, phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa vật nuôi để mọi người cùng học tập kinh nghiệm.
Thực hiện Chỉ thị 499 của Ban Thường vụ Trung ương Hội và Chỉ thị 37 của Thường vụ Tỉnh ủy về củng cố xây dựng tổ chức Hội, Hội các cấp đã tập trung xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức Hội ở cơ sở, nâng cao năng lực vận động quần chúng, chỉ đạo điều hành quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình công tác của Ban Chấp hành các cấp. Thông qua Đại hội cấp cơ sở, Hội đã tăng cường sắp xếp lại chi, tổ Hội theo nghề nghiệp, địa bàn dân cư với số lượng hội viên hợp lý hơn, phù hợp với từng địa bàn ở nông thôn. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 140/151 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội, 1.256 ủy viên Ban Chấp hành xã, phường, thị trấn, 166 ủy viên Ban Chấp hành huyện, thành Hội, 827 chi Hội, 1.681 tổ Hội, gồm 50.609 hội viên, chiếm 33% so với nông dân lao động nông nghiệp và tăng 10% so với năm 1993.
Các chương trình của Hội phù hợp với thực tiễn địa phương, từng bước chuyển hoạt động, công tác Hội theo chương trình, chuyên đề cụ thể, thiết thực, gắn với nhu cầu đời sống và sản xuất, tình cảm và nguyện vọng của nông dân, nhờ vậy đã thu hút, tập hợp được nhiều nông dân vào Hội. Vai trò, uy tín của Hội được phát huy và không ngừng củng cố. Mô hình chi, tổ Hội thực sự là đơn vị hoạt động gắn với nghề nghiệp và địa bàn dân cư, là “chân rết” đắc lực trong hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần làm cho các hoạt động kinh tế- xã hội ở nông thôn ngày càng khởi sắc, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Qua phân loại chất lượng hoạt động của Hội cơ sở toàn tỉnh, đến cuối năm 1997 có 20% đạt loại tốt, 40% khá, 35% trung bình và 5% yếu kém.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở luôn được Hội quan tâm. Trong nhiệm kỳ 1987-1992, tỉnh Hội đã mở 5 lớp bồi dưỡng cho 950 cán bộ cơ sở huyện, thành Hội, gần 100 lớp bồi dưỡng cho 1.513 cán bộ chi, tổ Hội và tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho 1.500 cán bộ cơ sở; đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở Trung ương Hội 175 cán bộ. Ngoài ra, cấp ủy các địa phương còn tạo điều kiện cho cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và quản lý Nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ do Trung ương và tỉnh tổ chức, trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ Hội các cấp được nâng lên, phát huy được năng lực trong công tác vận động nông dân và xây dựng tổ chức Hội.
Công tác xây dựng quỹ Hội có bước phát triển. Ngoài nguồn đóng góp của hội viên, sự quan tâm hỗ trợ của các đơn vị kinh tế ở địa phương, giúp đỡ của chính quyền, các cấp Hội còn đảm nhận làm các công trình kinh tế - xã hội để góp phần bổ sung kinh phí hoạt động. Đến cuối năm 1997, có 105/140 đơn vị cơ sở Hội, 90% chi Hội và 95% tổ Hội xây dựng quỹ Hội với tổng số quỹ gần 600 triệu đồng. Nhìn chung, việc sử dụng quỹ Hội đều đúng mục đích, chủ yếu là chi phụ cấp, sinh hoạt chi phí cho cán bộ, mua báo Hội, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, giúp đỡ gia đình hội viên khi đau ốm, khó khăn hoạn nạn, giúp đỡ các gia đình chính sách neo đơn… Nhiều chi Hội ở cơ sở đã tổ chức khá tốt công tác xây dựng quỹ Hội, điển hình là chi Hội Khuôn Phò Nam (thị trấn Sịa), xã Hương Sơ (Huế), huyện Hương Thủy, Phú Vang v.v..
Với những thành tích nói trên, từ 1993 đến 1997 các cấp Hội và cá nhân hội viên đã được Trung ương Hội tặng 109 bằng khen và 204 Huy chương vì giai cấp nông dân Việt Nam, tỉnh Hội tặng 233 giấy khen cho các cá nhân, đơn vị cơ sở, và tỉnh Hội được Trung ương Hội và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen về công tác Hội và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Phong trào nông dân và công tác Hội giai đoạn 1993-1997 bên cạnh những thành tích nói trên còn một số hạn chế sau:
Kinh tế nông nghiệp tuy có sự phát triển nhưng chưa toàn diện, nhiều nơi nông dân còn độc canh cây lúa. Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nông dân, việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thiếu thường xuyên. Nhiều cơ sở Hội còn lúng túng trong công tác vận động nông dân tổ chức mô hình hợp tác và chuyển đổi hợp tác xã theo luật hợp tác xã.
Đời sống của nông dân ở một số nơi còn thấp. Công tác xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế chưa được sâu rộng. Đời sống nông dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng về đường sá, trường học, trạm y tế chưa được đảm bảo.
Trong chỉ đạo, một số cấp Hội chưa thật tập trung cho cơ sở, tình trạng hành chính hóa công tác Hội ở một số cấp Hội chưa được khắc phục nên chưa nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Vai trò của các cấp Hội trong thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phong trào hợp tác hóa, phát huy quyền dân chủ của nông dân còn nhiều hạn chế.
Hoạt động của nhiều cấp Hội vẫn còn bị động, lúng túng, phương thức hoạt động chậm đổi mới, nhiều nơi chưa gắn công tác Hội với phong trào của nông dân nên công tác vận động còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chương trình công tác của Hội và phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở một số cơ sở. Đội ngũ cán bộ Hội vừa thiếu vừa yếu, ở cơ sở lại kiêm nhiệm nhiều việc nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ .
III. GÓP PHẦN THỰC HIỆN CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN (1998 - 2003)
1. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ V (1998)
Đại hội Đại biểu nông dân Thừa Thiên Huế lần thứ V diễn ra trong hai ngày 9 và 10-6-1998 tại Hội trường Đại học Khoa học Huế. Tham dự Đại hội có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các lão thành cách mạng của Hội, 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng chí Nguyễn Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và đồng chí Vũ Văn Sỹ - Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội phụ trách miền Trung. Đại hội có 154 đại biểu chính thức và gần 130 đại biểu khách mời, đại diện lãnh đạo các ban ngành cấp tỉnh, thành phố.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI và Nghị quyết của Đại hội Nông dân Việt Nam toàn quốc lần thứ III về đường lối phát triển nông nghiệp - nông thôn trong thời kỳ mới, phương hướng hoạt động của Hội giai đoạn 1998 - 2003 được Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ V xác định là:
Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nông dân, phát huy truyền thống cách mạng, khơi dậy mọi tiềm năng về lao động, đất đai, trí tuệ và tính cần cù, sức sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, cần kiệm trong tiêu dùng nhằm huy động nội lực trong nông dân, tập trung sức cho quá trình công nghiệp hóa hiện - đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tích cực xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ra sức xây dựng nông thôn tiến bộ theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nâng cao vai trò, vị trí của các cấp Hội trong quá trình xây dựng nông thôn để Hội thực sự là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nông dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân, tích cực tham gia thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và các chương trình kinh tế lớn của tỉnh, giữ vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng hợp tác xã, phát huy tính dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị xã hội ở nông thôn.
Từ phương hướng của Đại hội V Hội Nông dân Việt Nam tỉnh nói trên, các cấp Hội tỉnh tập trung vận động hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương sau:
- Phát huy nội lực trong nông dân về tài nguyên lao động, đất đai, cần kiệm trong tiêu dùng để tập trung vốn cho đầu tư phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu mía, cao su... phục vụ cho công nghiệp chế biến, tăng nhanh sản phẩm nông sản, thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ vụ cho xuất khẩu, vận động nông dân xây dựng các hình thức hợp tác phù hợp, các mô hình trang trại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI đề ra.
- Giữ vững và phát huy bản chất cách mạng của giai cấp nông dân, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của quê hương gắn với việc thực hiện cuộc vận động của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng gia đình nông dân theo “6 tiêu chuẩn” và cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Xây dựng nếp sống trật tự, kỷ cương, có văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội và các tục lệ lạc hậu trong tang lễ, cưới hỏi ở nông thôn.
- Không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hòa bình”, xây dựng quốc phòng an ninh vững mạnh, giữ vững trật tự xã hội, góp phần ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh. Phát huy dân chủ trong nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đảm bảo an ninh nông thôn. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, vươn lên đáp ứng đòi hỏi của phong trào nông dân, giữ vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hợp tác hóa và dân chủ ở nông thôn.
Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa V (nhiệm kỳ 1998-2003) gồm 25 ủy viên và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ III gồm 9 đồng chí (trong đó có 1 đại biểu đương nhiên). Đồng chí Nguyễn Như Sung được bầu làm Chủ tịch tỉnh Hội, đồng chí Nguyễn Quốc Hương và đồng chí Trương Văn Tiệu làm Phó Chủ tịch.
2. Tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn
Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Trung ương Hội, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ban ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, với tinh thần năng động sáng tạo, cán bộ hội viên nông dân đã khắc phục những khó khăn, nỗ lực phấn đấu, vươn lên làm tốt các nhiệm vụ, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng an ninh ở địa bàn nông thôn. Qua đó, Hội các cấp đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị ở nông thôn.
Trận lụt lịch sử vào tháng 11-1999 đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng, nhất là về nông nghiệp. Toàn tỉnh có 352 người chết (trong đó có 3 cán bộ Hội nông dân cơ sở), 21 người mất tích, 94 người bị thương và hơn 90 vạn dân phải chịu đói rét từng ngày, hàng vạn ngôi nhà bị nước cuốn trôi và ngập sâu trong nước từ 2 đến 5 mét, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân bị cuốn trôi, hàng ngàn tàu thuyền bị hỏng nặng. Toàn tỉnh có 145/152 xã, phường bị ngập nước, thiệt hại uớc tính 1.700 tỷ đồng .
Thực hiện Chỉ thị số 46 ngày 6-11-1999 của Thường vụ Tỉnh ủy về khắc phục hậu quả bão lụt và Nghị quyết XVI của Hội nghị bất thường của Thường vụ Tỉnh ủy ngày 13-11-1999 về “phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân, đoàn kết một lòng, ra sức vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm khắc phục hậu quả nặng nề của cơn lũ lịch sử”, Hội Nông dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo khắc phục hậu quả. Đến ngày 20-11-1999, tỉnh Hội đã kịp thời vận chuyển, đưa hàng cứu trợ đến các vùng trọng điểm bị lũ lụt nặng nề như các xã Phú Lương, Phú Hồ (Phú Vang), Phong Chương (Phong Điền), Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ, thị trấn Sịa (Quảng Điền), Hương An, Hương Thọ (Hương Trà) bằng hiện vật gạo, mì tôm, lương khô, áo quần... trị giá trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh Hội đã gửi thư đến Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vào ngày 23-11-1999, kêu gọi sự giúp đỡ của Trung ương Hội về việc hỗ trợ một số lượng giống cây, con cần thiết nhằm sớm ổn định sản xuất, sự chi viện của Trung ương Hội, các ngành các tỉnh bạn hỗ trợ tấm lợp, khung nhà và có hướng dẫn về công tác khen thưởng những cán bộ Hội, hội viên nông dân dũng cảm cứu giúp đồng bào bị nạn trong trận lụt.
Hội viên nông dân trong tỉnh đã phát động phong trào tương thân, tương ái “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, vận động hội viên, nông dân giúp đỡ nhau hàng ngàn ngày công để dựng lại nhà cửa, vệ sinh phòng dịch sau lụt, đồng thời nhanh chóng triển khai vụ Đông Xuân 1999-2000. Trong trận lụt lịch sử tháng 11-1999, theo báo cáo của 5 huyện thành Hội, đã có 203 gương hội viên nông dân cứu người và tài sản.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu
Từ 1999 đến 2002, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được triển khai, tổ chức thực hiện theo hướng vừa tập trung vận động, vừa thí điểm, nhân rộng và tham quan học tập lẫn nhau các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời có sự chỉ đạo, đầu tư để đưa phong trào đi vào nề nếp và giữ cho phong trào được ổn định lâu dài, vững chắc. Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Hội các cấp đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương về nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong tình hình mới, đồng thời tổ chức việc phát động, đăng ký giao ước thi đua từ cơ sở đến huyện, thành phố, đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hội đã có kế hoạch, biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện phong trào bằng nhiều hình thức, nội dung khác nhau, bao gồm chuyển giao vốn và khoa học kỹ thuật, lập các dự án sản xuất nông, lâm kết hợp, tham gia phát triển kinh tế các loại, giúp nông hộ nghèo phương pháp, kinh nghiệm làm ăn, xây dựng tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp… Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo mọi mặt với phong trào, các cơ quan khoa học, các ngành kinh tế - kỹ thuật đã có sự phối hợp chặt chẽ, làm cho phong trào ngày càng tiến bộ nhiều mặt.
Hội các cấp bước đầu thực sự đóng vai trò nòng cốt trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện bằng các hoạt động phong phú, đa dạng như tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài”, thành lập các câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đưa nội dung khuyến nông vào hoạt động của các chi, tổ Hội; hướng dẫn nông hộ nghèo cách làm ăn, nhân rộng nông hộ điển hình tiến tiến, tham quan học hỏi lẫn nhau các mô hình kinh tế tiêu biểu giữa các đơn vị; hàng năm kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… Vì vậy, phong trào phát triển tương đối sâu rộng và được xã hội hóa ở nông thôn, đưa lại những kết quả thiết thực, góp phần phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, văn minh tiến bộ trên nhiều lĩnh vực.
Tháng 10-1999, tỉnh Hội tổ chức Hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ II, tổng kết phong trào 3 năm (1997-1999). 144 đại biểu có thu nhập từ 20 triệu đồng/người/năm trở lên đã tham dự Hội nghị, trong đó có 20 hộ thu nhập từ trồng trọt, 14 hộ từ chăn nuôi, 16 hộ khai thác thủy sản, 10 hộ phát triển ngành nghề, 20 hộ kinh doanh dịch vụ, 2 hộ từ lâm nghiệp, 47 hộ thu nhập tổng hợp. Tham dự Hội nghị còn có 31 hộ thu nhập trên 30 triệu đồng/năm, 6 hộ thu nhập trên 50 triệu đồng/năm và 2 hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm về nuôi trồng thủy sản.
Đến tháng 9-2002, toàn tỉnh có hơn 20.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 19,42% so tổng số hộ nông dân), trong đó có 4.542 hộ có thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm trở lên. Điển hình có hộ thu nhập cao phân theo các ngành kinh tế như: về trồng trọt có ông Trần Duy Cần ở xã Thủy Thanh (Hương Thủy) 89,6 triệu đồng/năm, về chăn nuôi có ông Trần Lưu Vinh ở xã Hương Xuân (Hương Trà) 70 triệu đồng/năm, về ngành nghề có ông Phạm Ngọc Hòa ở xã Hương Phong (Hương Trà) 50 triệu đồng/năm, về kinh doanh dịch vụ có ông Lê Quý Việt ở xã Thủy Dương (Hương Thủy) 72 triệu đồng/năm, về thủy sản có ông Mai Thanh Nguyện xã Phú Đa (Phú Vang) 150 triệu đồng/năm. Đây là những hộ dám nghĩ, dám làm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, không ngừng phát huy tiềm năng đất đai và tài nguyên sẵn có để tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục chuyển biến mạnh theo hướng khai thác, phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn tiềm năng về thế mạnh đất đai, lao động, tài nguyên ở các vùng, miền khác nhau trong tỉnh. Đông đảo hội viên, nông dân đẩy mạnh việc khai hoang diện tích, đầu tư nhiều thời gian, công sức, tiền vốn cho công tác chuyển đổi cây trồng, đa dạng hóa vật nuôi, lập mô hình kinh tế trang trại các loại, mở mang thêm nhiều ngành nghề mới, mở rộng các khâu dịch vụ sản xuất và đời sống… Xu hướng chung của kinh tế nông hộ là chuyển dịch từ sản xuất độc canh, thuần nông sang đa canh, đa nghề với cơ cấu nông - công nghiệp - dịch vụ, chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Với tinh thần bền bỉ lao động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường vươn lên, tiếp thu có hiệu quả những tiến bộ khoa học công nghệ, đồng thời với ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, rất nhiều nông hộ đã vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi do biết cách khai thác hiệu quả các nguồn lực của địa phương, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng đồng vốn có mục đích, bảo toàn và sinh lãi.
Nhiều sáng kiến của nông dân như cải tiến máy gặt lúa, máy thổi tuốt lúa, máy sục khí nuôi tôm… đã đưa lại lợi ích to lớn cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Đây thực sự là những nông dân nhạy cảm với những bức xúc của sản xuất và đời sống, mong muốn được góp phần mình vào phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thực hiện xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Từ thực tiễn sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, ở nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, nhiều điển hình nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận kịp thời với các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và đời sống, nhạy bén với thị trường nên đã khai thác, phát huy tốt năng lực tự thân của kinh tế nông hộ, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp, các chi, tổ Hội theo nghề nghiệp, các câu lạc bộ, tổ nhóm khuyến nông hợp tác sản xuất được thành lập với nhiều tên gọi khác nhau, đã đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tín chấp vay vốn các tổ chức tín dụng, tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng canh tác, tổ chức quản lý điều hành sản xuất, tham quan học tập lẫn nhau. Đặc biệt, các tiến bộ kỹ thuật về giống cây, con, thức ăn, quy trình kỹ thuật và thâm canh, các biện pháp phòng trừ, quản lý dich bệnh… được các cơ quan khoa học, các ngành kinh tế - kỹ thuật nghiên cứu đúc rút quảng bá rộng rãi đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh của hội viên, nông dân.
Trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, truyền thống đoàn kết tương trợ giúp nhau vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu được thể hiện rõ nét. Với tinh thần “người đi trước rước người đi sau, người đi sau theo mau người trước”, rất nhiều hộ khá, giàu chân tình giúp đỡ những hộ nghèo kinh nghiệm sản xuất, cung cách làm ăn, giải quyết việc làm, cho mượn vốn liếng, vật tư không lấy lãi, cung cấp giống cây, con đến khi thu hoạch mới lấy tiền. Không những thế, nhiều hộ còn tham gia các hoạt động xã hội và hoàn thành nghĩa vụ tại địa phương, đóng góp công sức tiền của để xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, ủng hộ đồng bào thiên tai, hạn hán, bão lụt, đóng góp tốt trong phong trào “đền ơn đáp nghĩa”… Tất cả 144 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đều thể hiện rõ và phát huy tốt truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nông hộ nghèo vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Điều này làm cơ sở vững chắc cho tình đoàn kết trong nội bộ nông dân, nông thôn và thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trên thực tế, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc phát triển văn hóa xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa bàn nông thôn. Trong những năm 1999-2002, nông dân ở hầu hết các địa phương đã hăng hái tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng quy chế dân chủ và quy ước hương thôn, tích cực đóng góp ý kiến trong các đợt bầu cử Hội đồng nhân dân, bầu cử Quốc hội và Đại hội Đảng các cấp, đồng thời tham gia xây dựng Đảng, củng cố chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo môi trường chính trị ổn định cho sản xuất phát triển. Phong trào cũng đã thôi thúc hội viên, nông dân học chữ, học nghề, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật và sự hiểu biết pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho con em mình được học hành tử tế và có cơ hội phát triển tài năng. Hội viên, nông dân còn hăng hái tham gia các chương trình hoạt động văn hóa xã hội, thể dục thể thao nhằm nâng cao trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình phúc lợi tập thể được đông đảo nông dân hưởng ứng, đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhất là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thể hiện rõ vai trò của mình trong phong trào này. Con em nông dân khi tham gia nghĩa vụ quân sự đều đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu giao. Công tác giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn thôn xóm được đa số nông dân tham gia nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Hội các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng để chuyển giao vốn và khoa học kỹ thuật, giúp hội viên nông dân đầu tư thâm canh, mở mang thêm ngành nghề, tích cực hỗ trợ, giúp hội viên nông dân thực hiện các chương trình trọng điểm như chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, nuôi trồng thủy hải sản. Nghị quyết của Tỉnh ủy số 13/NQ-TU ngày 19-6-1999 về phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi miền núi giai đoạn 1999-2005 đã giúp cho nông dân yên tâm phát triển kinh tế các vùng gò đồi trong tỉnh. Từ 1998 đến 2002, Hội các cấp đã tổ chức 1.506 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 54.180 lượt hội viên nông dân, xây dựng 30 mô hình trình diễn thâm canh lúa lai, lạc Tây nguyên, trồng tiêu ở các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, mô hình chăn nuôi gà công nghiệp, nuôi lợn theo hướng nạc hóa, nuôi bò vỗ béo, bò lai sind ở huyện Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, mô hình và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Quảng Điền.
Được Nhà nước cho phép, các cấp Hội đã tích cực huy động vốn để xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân do các cấp Hội trực tiếp quản lý, cho vay với tổng số vốn là 1,5 tỷ đồng, trong đó Trung ương Hội ủy thác 550 triệu đồng, phát hành đợt xổ số ngày 26-2-2002 thu được 495 triệu đồng, các hình thức huy động khác 455 triệu đồng và đã cho hơn 3.000 lượt hộ nông dân vay. Ngoài ra, các cấp Hội đã tranh thủ sự giúp đỡ của tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các chương trình dự án hỗ trợ nông dân với tổng số trên 2,284 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ không hoàn lại 1.030 triệu đồng, cho vay quay vòng vốn 1.254 triệu đồng. Hội các cấp đã thực sự đóng vai trò nòng cốt trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện bằng các hoạt động phong phú như tổ chức Hội thi Nhà nông tại cơ sở, thành lập các câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hướng dẫn nông dân cách làm ăn, nhân rộng các mô hình tiên tiên, tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đơn vị.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, được sự chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Hội đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn, Sở Thủy sản, Sở Lao động thương binh xã hội, Trung tâm khuyến nông-khuyến lâm, Công ty giống cây trồng tỉnh… đã tín chấp cho 30.630 lượt hội viên, nông dân vay 61,358 tỷ đồng từ các ngân hàng để đầu tư thâm canh, thực hiện chuyển đổi cây trồng, đa dạng hóa vật nuôi, mở mang ngành nghề, trong đó hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện các chương trình trọng điểm như xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ… Trong những năm 2000-2002, quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã cho hơn 600 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình, đồng thời tỉnh Hội giải ngân 800 triệu đồng từ vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động ở các địa phương, tổ chức 450 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng 30 mô hình trình diễn về thâm canh lạc, lúa lai, trồng tiêu ở các huyện Nam Đông, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, mô hình chăn nuôi gà công nghiệp và bán công nghiệp, nuôi lợn nái, nuôi bò ở A Lưới, Nam Đông, Hương Trà, Phú Vang, Phong Điền và mô hình chuyển đổi cây trồng ở Quảng Điền. Các câu lạc bộ khuyến nông ở Thủy Châu, Phú Đa, Phong Xuân, Hương Văn được tỉnh Hội tập trung hỗ trợ. Bên cạnh đó, nội dung khuyến nông cũng được đưa vào hoạt động của các chi, tổ Hội ở tất cả các địa phương. Năm 2000 tỉnh Hội triển khai dự án hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn và khuyến nông, khuyến lâm ở xã Thượng Nhật (Nam Đông). Năm 2001 tỉnh Hội triển khai dự án nhân rộng hộ điển hình tiến tiến ở xã Bình Thành (Hương Trà) gồm các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế của các nông hộ hưởng lợi từ dự án, xây dựng câu lạc bộ và tổ, nhóm khuyến nông, tập huấn kỹ thuật, thuê cán bộ khuyến nông hướng dẫn tại chỗ, tham quan học tập lẫn nhau các mô hình kinh tế tiêu biểu trong tỉnh. Những hoạt động trên đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Hội trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, khẳng định được thế mạnh của Hội trong các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương, cơ sở.
Phong trào nông dân xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong giai đoạn 1998-2002, Hội Nông dân đã tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Ở những công trình lớn do Nhà nước đầu tư 100%, Hội đã vận động nông dân sớm di dời, giải tỏa mặt bằng, còn những công trình vừa và nhỏ Nhà nước hỗ trợ ngân sách, Hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp tiền, ngày công để xây dựng. Ngoài ra, nông dân còn có những công trình 100% vốn do tự mình đóng góp (ở đồng bằng Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đóng góp 30%, ở miền núi tỷ lệ trên là 75% và 25%).
Trong 5 năm 1998-2003, hội viên nông dân đã đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn là 57,3 tỷ đồng và 465.000 ngày công. Chính nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của hội viên, nông dân nên cơ sở hạ tầng ở nông thôn sau 5 năm đã tăng một bước đáng kể, tỷ lệ nông thôn dùng nước sạch chiếm 54,5%, tỷ lệ xã có điện lưới 100%, tỷ lệ số hộ dùng điện 86,5%, có 211/323 km tỉnh lộ được nhựa hóa, 1.470 km giao thông nông thôn được bê tông hóa, hàng trăm trường học đã được xây tầng, hàng chục công trình thủy lợi được xây dựng.
Phong trào nông dân phát triển văn hóa xã hội và củng cố quốc phòng an ninh
Từ 1998 đến 2002, các cấp Hội đã tặng 225 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền 67,5 triệu đồng; vận động hội viên, nông dân trong tỉnh góp gần 400 triệu đồng, 6 tấn lương thực, 20.000 ngày công, 8.500 kg giống cây, 15.000 giống con cùng các loại vật tư nông nghiệp khác để giúp đỡ 1.762 hộ nông dân nghèo.
Hội các cấp đã tổ chức 850 buổi tuyên truyền về dân số-kế hoạch hóa gia đình với hơn 50.000 lượt người nghe, có 48 câu lạc bộ dân số lồng ghép “5 chỉ tiêu” với gần 3.000 hội viên tham gia, 70 lớp tập huấn dân số với hơn 4.000 người tham dự. Hàng năm có hàng chục ngàn người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, góp phần tích cực hạ tỷ lệ dân số toàn tỉnh từ 1,98% (1998) xuống còn 1,5% (2002) .
Cán bộ, hội viên, nông dân còn tích cực tham gia củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn. Ban Chấp hành tỉnh Hội, các huyện, thành Hội đã phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Ban chỉ huy quân sự các huyện, thành xây dựng chương trình hành động giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phối hợp cùng công an tỉnh và các huyện, thành phố thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ về phòng chống tội phạm, cùng các ngành chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của nông dân về tranh chấp ruộng đất, mâu thuẫn trong sản xuất và trong đời sống của nội bộ nông dân.
3. Đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Hội
Trong giai đoạn 1998-2003, 100% thôn, bản, làng đều đã có tổ chức Hội Nông dân. Đến cuối năm 2002 có 1.077 chi Hội (tăng so với năm 1998 là 242 chi Hội), tổ Hội tăng so với năm 1998 là 380.
Chất lượng đội ngũ cán bộ Hội ngày càng được nâng lên. Số Chủ tịch Hội, Phó Chủ tịch được đào tạo thông qua các lớp tập huấn cấp tỉnh và huyện là 31/137 xã, phường; cán bộ chủ chốt Hội tham gia cấp ủy chiếm 22,6%. Số Chủ tịch, Phó Chủ tịch tham gia Hội đồng nhân xã, phường, thị trấn là 97/137 (chiếm 70,9%). Năm 1998, toàn tỉnh có 50.609 hội viên, kết nạp thêm trong nhiệm kỳ 1998-2002 là 10.412 hội viên, đến cuối nhiệm kỳ có 58.158 hội viên, chiếm 49,45% so với tổng số hộ nông dân toàn tỉnh.
Nội dung sinh hoạt Hội dần dần được cải tiến, cán bộ Hội đã nắm được những tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân, cùng nhau đoàn kết hợp tác, giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Chất lượng chính trị, trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ của tập thể Ban Chấp hành cao hơn khóa trước. Trong tổng số 166 ủy viên Ban Chấp hành cấp huyện, thành có 98 đảng viên, 8 huyện ủy viên, 9 đại biểu hội đồng nhân dân huyện, 21 người tốt nghiệp đại học, 45 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Tại tỉnh Hội, Ban Chấp hành có 25 ủy viên, trong đó có 23 đảng viên, 12 người tốt nghiệp đại học, 11 người trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị.
Từ 1998 đến 2003, tỉnh Hội đã phối hợp với Trường cán bộ Nguyễn Chí Thanh hàng năm mở các lớp bồi dưỡng từ 15 đến 20 ngày cho 215 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội cơ sở. Các huyện, thành Hội phối hợp với các Trung tâm bồi dưỡng Chính trị của địa phương mở được 99 lớp bồi dưỡng từ 3 đến 6 ngày/lớp cho 2.489 lượt cán bộ từ chi Hội trưởng đến các ủy viên Ban Chấp hành cơ sở Hội. Ngoài ra tỉnh Hội còn cử 30 cán bộ của huyện, thành và tỉnh Hội đi dự các lớp tập huấn hàng năm do Trung ương Hội tổ chức. Các cấp Hội cũng đã cử 21 người đi đào tạo theo chương trình trung, cao cấp, cử nhân để nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ.
Từ những kết quả đạt được nói trên, tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh lần thứ VI nhiệm kỳ 2003-2008, Ban Chấp hành tỉnh Hội đã phân tích một số kinh nghiệm từ thực tiễn phong trào nông dân giai đoạn 1998-2003 là:
- Tranh thủ và bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể là điều kiện quan trọng để các cấp Hội tổ chức tốt các phong trào nông dân cũng như xây dựng Hội.
- Hội phải dựa vào hội viên, nông dân để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và xuất phát từ lợi ích của nông dân để phát động tổ chức phong trào dưới sự quản lý, điều hành của Hội. Bằng nhiều hình thức, nội dung khác nhau, Hội phát huy cho được nội lực của giai cấp nông dân kết hợp với hướng dẫn giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thực hiện xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
- Muốn phong trào thành công phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có uy tín, năng lực, nhiệt tình, phải có được lực lượng hội viên nông dân làm nòng cốt.
- Hội các cấp phải thường xuyên kiểm tra các hoạt động và công tác Hội, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở, tránh tình trạng buông lỏng cơ sở và hội viên, nông dân và phải theo phương châm vận động “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
IV. PHÁT HUY VAI TRÒ NÒNG CỐT, GÓP PHẦN ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN (2003 - 2005)
1. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VI (2003)
Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VI, nhiệm kỳ 2003-2008 được tiến hành trong hai ngày 8 và 9-7-2003 tại Hội trường Thành ủy Huế. Tham dự Đại hội có 233 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, đại diện cho giai cấp nông dân toàn tỉnh.
Trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn của Đảng bộ tỉnh, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình và những kết quả đạt được của phong trào nông dân cũng như công tác Hội trong 5 năm 1998-2003, Đại hội đề ra phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2003-2008 như sau:
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV, Hội các cấp cần phát huy vai trò trung tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh, xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất gắn với việc tổ chức lại sản xuất, chú ý kinh tế trang trại, các hình thức hợp tác và hợp tác xã, tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra nông sản hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đảm bảo mục tiêu chuyển nhanh và hiệu quả cơ cấu kinh tế nông thôn.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các Nghị quyết của Tỉnh ủy , Đại hội VI Hội Nông dân Việt Nam tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các phong trào nông dân nhiệm kỳ 2003-2008 tập trung vào việc đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu, coi đây là phong trào trọng tâm của Hội. Đổi mới nội dung và phương thức vận động, từng thời kỳ có phát động thi đua, tổ chức đăng ký hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất giỏi các cấp, có theo dõi động viên, giúp đỡ, sơ kết, tổng kết. Đặc biệt những hộ làm ăn giỏi có tinh thần giúp đỡ hộ nghèo cần kịp thời biểu dương, khen thưởng để động viên phong trào. Cuối năm có ít nhất 30% hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp tỉnh, Trung ương là 10%, cấp huyện 12-15%, cấp cơ sở 75-80%. Năm sau cao hơn năm trước 5-10% hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Đi đôi với công tác vận động, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Đây là nhiệm vụ trung tâm trong toàn bộ hoạt động của các cấp Hội, làm tốt nhiệm vụ này sẽ tạo điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ và các mặt công tác khác của Hội, bao gồm những nhiệm vụ cụ thể sau:
- Các cấp Hội tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các ngành nông nghiệp, thủy sản... để phổ biến khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là nhanh chóng tiếp thu các giống cây, con, các quy trình kỹ thuật mới. Thông qua các hình thức như phát hành tài liệu, mở lớp tập huấn, tổ chức Hội nghị đầu bờ, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trong bản làng, thôn ấp, hoặc các địa phương, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, nông, lâm, ngư mà nâng cao kiến thức cho nông dân.
- Thực hiện tốt việc đưa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư vào sinh hoạt chi, tổ Hội, thành lập các câu lạc bộ Hội, các nhóm nông dân theo sở thích, theo nghề nghiệp để phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn nông dân cách làm ăn.
- Các cấp Hội phải là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong công tác vận động nông dân, ngư dân tiến hành “dồn điền đổi thửa”, tháo dỡ nò sáo và sắp xếp lại sản xuất, ổn định trật tự an toàn trên vùng đầm phá nhằm tạo điều kiện khai thác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả.
- Xây dựng và quản lý tốt Quỹ hỗ trợ nông dân, phấn đấu cuối nhiệm kỳ Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh lên tới 3,5 tỷ đồng, nợ quá hạn không quá 5%. Hội thực hiện việc tín chấp, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ và theo dõi việc sử dụng vốn, đôn đốc trả lãi và vốn đúng hạn để hội viên nông dân có điều kiện vay được vốn của các tổ chức tín dụng.
- Liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất, các công tác dịch vụ để bán vật tư nông nghiệp cho nông dân theo phương thức trả chậm, đồng thời giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Hội phối hợp với các ngành để mở các lớp dạy nghề và tìm việc làm cho nông dân, từng bước đưa Trung tâm dạy nghề và Giới thiệu việc làm của tỉnh Hội vào hoạt động.
- Phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ Hội và tổ chức cơ sở Hội trong các tổ chức kinh tế hợp tác và hợp tác xã, góp phần tích cực xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Các cấp Hội tăng cường vận động hội viên, nông dân hợp tác trong sản xuất kinh doanh, trong việc đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn.
- Các cấp Hội nắm và phân loại được hội viên, nông dân đói nghèo, qua đó mà có kế hoạch, biện pháp cụ thể để giúp họ từng bước vượt ra khỏi đói nghèo. Phấn đấu hàng năm mỗi chi Hội giúp đỡ 1-2 hộ thoát nghèo, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
- Ban Chấp hành tỉnh Hội có kế hoạch và biện pháp cụ thể để tiếp tục giúp đỡ xã nghèo Phú Đa (Phú Vang) và một số xã khó khăn của hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới. Đây là công tác thiết thực nhằm thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 23-11-2001 của Thường vụ Tỉnh ủy về công tác và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế.
- Các cấp Hội tăng cường hơn nữa công tác vận động để thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua phát triển văn hóa xã hội và bảo vệ quốc phòng an ninh.
Về công tác tổ chức và hoạt động của Hội, Đại hội VI Hội Nông dân Việt Nam tỉnh đề ra nhiệm vụ: “tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, thể hiện được vai trò nòng cốt trong các phong trào nông dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, tham gia xây dựng chính sách và giám sát việc thực thi pháp luật ở nông thôn”. Để đáp ứng nhiệm vụ trên, Hội các cấp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để hội viên nắm được và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị của Hội, làm cho hội viên nâng cao trình độ về mọi mặt, gắn bó với Hội và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của Hội đề ra. Đi đôi với nâng cao chất lượng hội viên, công tác phát triển hội viên mới cần được chú trọng. Ở các cơ sở Hội có tỷ lệ hội viên thấp cần phải có kế hoạch và tăng cường các hoạt động tập huấn nông dân, qua đó phát triển hội viên mới. Phấn đấu cuối nhiệm kỳ 2003-2008, tỷ lệ hội viên so với tổng số hộ nông dân là 70- 75%.
- Tiếp tục sắp xếp lại các chi, tổ Hội với quy mô phù hợp theo địa bàn dân cư, đồng thời phát triển chi tổ Hội nghề nghiệp. Đổi mới nội dung sinh hoạt của các chi, tổ Hội theo hướng bám vào yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của địa phương và những vấn đề bức xúc, thiết thân của hội viên trên các mặt văn hóa, kinh tế, xã hội. Ban Chấp hành Hội cơ sở phải thường xuyên chăm lo công tác xây dựng chi, tổ Hội, gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ cơ sở Hội với việc nâng cao chất lượng của chi, tổ Hội.
- Xây dựng Ban Chấp hành Hội các cấp đảm bảo cơ cấu và tiêu chuẩn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội. Hội thực sự là người đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân. Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện. Hàng năm các cấp Hội có kế hoạch đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng tại Trường cán bộ Nguyễn Chí Thanh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố. Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác Hội đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội.
- Tăng cường công tác kiểm tra ở các cấp Hội và tích cực đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Nghị định 56 của Chính phủ.
- Hội các cấp phải đi sâu đi sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân để phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước, động viên, cán bộ, hội viên, nông dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, thực hiện tốt Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 29 của Chính phủ về quy chế dân chủ cơ sở, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, tổ chức hòa giải khi có mâu thuẫn trong nội bộ nông dân và nông thôn.
- Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động của Ban Chấp hành Hội các cấp là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, bao gồm những nội dung như: tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, phong cách làm việc và khắc phục tình trạng hành chính hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, có tác phong, phong cách làm việc sâu sát cơ sở, gần gũi với hội viên, nông dân, học tập tác phong vận động quần chúng mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực các cấp Hội nhằm nâng cao chất lượng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân. Chủ động đề xuất các chương trình công tác Hội với cấp ủy Đảng, tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, ngành đoàn thể để đẩy mạnh hoạt động Hội và phong trào nông dân. Kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách giúp việc Ban Chấp hành các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bám sát nhiệm vụ chính trị của Hội, chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương để tổ chức các hoạt động Hội và phong trào nông dân. Tăng cường công tác thông tin, báo cáo trong hệ thống Hội đảm bảo nhanh chóng, kịp thời chính xác và hiệu quả.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành tỉnh Hội khóa VI gồm 35 đồng chí. Tại phiên họp Ban Chấp hành lần thứ I vào chiều ngày 8-7-2003 đã bầu ra Ban Thường vụ tỉnh Hội gồm 11 đồng chí, Thường trực tỉnh Hội gồm 4 đồng chí. Đồng chí Đồng Hữu Mạo được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, 3 đồng chí Phó Chủ tịch là đồng chí Nguyễn Hình - Phó Chủ tịch Thường trực, đồng chí Nguyễn Thị Chiểu và đồng chí Phan Tiến Dũng là Phó Chủ tịch tỉnh Hội. Ngoài ra Đại hội đã bầu 11 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết đại diện cho trí tuệ của cán bộ, hội viên nông dân tỉnh tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII (khóa XII).
2. Nông dân Thừa Thiên Huế tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn
Năm 2003, sản xuất và đời sống của nông dân trong tỉnh phát triển tốt trên nhiều mặt. Cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến theo chiều hướng tích cực, cơ cấu cây trồng được nghiên cứu, chuyển đổi theo hướng chọn lọc cây trồng phù hợp từng chất đất. Giống lúa cấp I sử dụng gieo cấy đạt 50%, một số cây trồng chủ yếu có diện tích tăng nhanh (lạc 5.000 ha, cao su 2.959 ha, cà phê 494 ha, sắn nguyên liệu 1.600 ha). Tỉnh đã quy hoạch và hình thành vùng trồng cây ăn quả đặc sản thanh trà và một số loại cây ăn quả khác. Chất lượng gia súc được cải thiện qua chương trình “Sind hóa” đàn trâu, bò, nạc hóa đàn lợn. Một số làng nghề truyền thống được khôi phục như đúc đồng, đệm bàng, mộc mỹ nghệ và thực hiện chính sách khuyến công một số nghề mới như mây tre đan xuât khẩu, thêu ren, phát triển nghề gia công cơ khí, nghề rèn ở các huyện miền núi.
Về sản xuất lương thực, tổng diện tích gieo trồng đạt 75.944 ha, nhìn chung nông dân được mùa lớn. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 339.700 tấn, tăng 24.800 tấn so với năm 2002. Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 45,6 ta/ha, tăng 4,9tạ/ha, sản lượng lúa đạt 235.700 tấn, tăng gần 15.000 tấn - mức tăng cao nhất tính đến 2003. Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, đạt 4.507 ha (tăng 17,2%), sản lượng 4.979 tấn (tăng 55,7%). Hình thành nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm trên cát và cao triều ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà. Quan hệ trong sản xuất được củng cố, kinh tế trang trại phát triển nhanh hơn và bước đầu có hiệu quả, đặc biệt là trang trại thủy sản. Năm 2003 toàn tỉnh có 341 trang trại.
Chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm có kết quả khá, năm 2003 còn 12,3% hộ nghèo (27.000 hộ). Tỷ lệ sử dụng lao động ở nông thôn là 77%. 100% số xã có điện, nâng tỷ lệ số hộ dùng điện lên 88,9%. Tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 63,5%. Đời sống của nông thôn từng bước được cải thiện, nhiều hộ nông dân đã trở nên giàu có. An ninh quốc phòng ở địa bàn nông thôn được ổn định và giữ vững. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội được đông đảo hội viên, nông dân hưởng ứng tham gia, góp phần làm cho địa bàn nông thôn ngày càng vững mạnh.
Tuy vậy ở nông thôn vẫn còn nổi lên một số vấn đề cần quan tâm như thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn là vấn đề nan giải, quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn diễn ra chậm.
Cơ sở hạ tầng ở nông thôn phát triển sâu rộng, hiệu quả, được các cấp Hội hưởng ứng tích cực xây dựng. Ở hầu hết các địa phương, với sự giúp đỡ của Nhà nước, chương trình bê tông hóa đường làng ngõ xóm và kiên cố hóa kênh mương được thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn. Điện - đường - trường - trạm, các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng được xây dựng mới, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng làm cho bộ mặt nông thôn Thừa Thiên Huế ngày càng đổi mới, tiến bộ. Một phần công sức tiền của do nông dân đóng góp cùng Nhà nước xây dựng tốt cơ sở hạ tầng nông thôn đã thực sự phát huy tác dụng phục vụ đắc lực sản xuất và đời sống, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trong tỉnh.
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được các cấp Hội xác định là phong trào trọng tâm trong năm 2003. Ban Thường vụ tỉnh Hội chọn hai huyện Phú Lộc và Hương Thủy để chỉ đạo điểm việc cấp giấy chứng nhận đăng ký. Kết quả ở hai huyện có 205 hộ đăng ký nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, 5.000 hộ đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Về hoạt động hỗ trợ nông dân, các đơn vị như thành phố Huế, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Đông đã đẩy mạnh công tác cung ứng dịch vụ giống cây, con, mua phân bón trả chậm. Đơn vị huyện Phú Lộc cung ứng phân bón NPK được 565 tấn, Hương Thủy 30 tấn... Huyện Nam Đông xây dựng vườn ươm giống cây ăn quả do Hội quản lý. Thành phố Huế triển khai chương trình vệ sinh môi trường tại cộng đồng bằng hình thức xây dựng nhà vệ sinh và hầm khí Bioga cho 250 hộ ở Thuận Lộc, Thủy Biều, Hương Sơ, Thủy An, Xuân Phú, Hương Long với kinh phí 176,5 triệu đồng. Trong năm 2003, Hội các cấp đã mở được 189 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư cho 9.950 hội viên, tín chấp cho gần 10.000 hộ nông dân vay 20 tỷ đồng qua nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó thành phố Huế 5,5 tỷ đồng, Hương Trà 9 tỷ... Năm 2003, tỉnh Hội đã giải ngân 300 triệu vốn 120 cho 65 hộ ở 6 xã, giúp 6 hộ ở Phú Đa xây dựng mô hình làm nấm và giúp 5 hộ nghèo ở thôn Viễn Trình (xã Phú Đa, Phú Vang) bằng hình thức hỗ trợ tiền lãi vay ngân hàng, hỗ trợ giống cây con và vật tư nông nghiệp các loại.
Sau đợt phát hành vé số ngày 26-3-2002 được 495 triệu để xây dựng quỹ, quỹ hỗ trợ nông dân ở cấp tỉnh đến năm 2004 đã tăng lên 192,1 triệu đồng, nâng tổng số quỹ toàn tỉnh lên 1,912 tỷ đồng với gần 1.000 hộ vay. Ban Thường vụ tỉnh Hội đã biểu dương các xã Thủy Phương, Thủy Dương (Hương Thủy) đã thực hiện tốt công tác quản lý vốn, đồng thời biểu dương Hội Nông dân huyện Quảng Điền và thành phố Huế đã tích cực đôn đốc thu nợ quá hạn ở Quảng Phú và xã Hương Sơ đạt kết quả tốt.
Về việc thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” - chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa kinh tế chính trị sâu sắc và tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống ở nông thôn , Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ra Nghị quyết số 170 NQ/HND ngày 11-11-2003 về vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” nhằm góp phần cùng toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2005 cơ bản hoàn thành việc “dồn điền đổi thửa” ở các xã đồng bằng.
Tỉnh Hội đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Quảng Điền tích cực vận động hội viên nông dân các xã Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thọ thực hiện tốt chủ trương này và đã thành công tốt đẹp. Sau đó Hội Nông dân tỉnh tổ chức cho lãnh đạo các huyện, thành Hội đến tham quan mô hình này tại huyện Quảng Điền để học tập kinh nghiệm và từ đó vận dụng ở địa phương mình. Hội Nông dân thành phố Huế, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền đã tích cực tham gia chỉ đạo điểm và vận động hội viên, nông dân các xã Hương Sơ, Hương Xuân, Thủy Dương, Điền Lộc tiến hành “dồn điền đổi thửa”. Trong quá trình triển khai, đa số nông dân yên tâm, phấn khởi, tin tưởng chủ trương này, không có biểu hiện tranh chấp xảy ra.
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng tiếp tục phát triển. Năm 2004, các cấp Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các ngành chức năng mở được 1.032 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, trồng trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản cho hơn 38.852 lượt hội viên, nông dân dự; đã xây dựng 8 câu lạc bộ, nâng tổng số câu lạc bộ nông dân trong toàn tỉnh lên 87 với tổng số hội viên tham gia 3.638 người. Tỉnh Hội đã triển khai mô hình trồng rau an toàn ở xã Hương Chữ (Hương Trà), Quảng Thành (Quảng Điền), mô hình ươm cá giống ở xã Thủy Dương (Hương Thủy). Các huyện, thành Hội cũng đã xây dựng hàng chục mô hình trong sản xuất giống cây, con, mô hình cá - lúa - vịt, lợn siêu nạc, nấm rơm, rau sạch, trồng tre lấy măng, trồng cây dó, cải tạo vườn thanh trà, nuôi ba ba..., đã giúp bà con nông dân có điều kiện học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Nhiều huyện tổ chức tốt các mô hình như Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền.
Các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp 37,6 tỉ đồng cho 23.850 lượt hộ vay phục vụ sản xuất, trong đó Hội tín chấp qua ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn 27,3 tỉ đồng và ngân hàng Chính sách xã hội 10,3 tỉ đồng; vốn quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120) cho 653 hộ vay với hơn 1.552 triệu đồng. Những huyện tín chấp tốt với ngân hàng cho nông dân vay là Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà .
Để phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên xóa đói giảm nghèo giỏi đi vào chiều sâu, có chất lượng, tháng 5-2004, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã ra Nghị quyết về “Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Ban Thường vụ tỉnh Hội chỉ đạo các đơn vị phổ biến, quán triệt tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từng cấp do Trung ương Hội qui định, đồng thời tổ chức phát động đăng ký hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp giai đoạn 2003 - 2005. Sau khi tổ chức đăng ký, Hội nông dân tỉnh, huyện đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc động viên phong trào, vì vậy đã làm cho phong trào thường xuyên được duy trì. Nhiều nông dân đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ gia trại có thu nhập cao, đạt từ 150 đến 300 triệu đồng/năm. Điển hình như các hộ ông Hoàng Ngọc Thanh ở xã Phong Sơn (Phong Điền), Trần Thị Tỵ ở thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà), Văn Đình Tiến ở xã Vinh Hà (Phú Vang).
Nhiều hộ nông dân ở hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã vượt qua tập quán canh tác lạc hậu, tích cực tìm tòi học hỏi, cần cù lao động, áp dụng các phương thức canh tác tiến bộ, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề đã vượt qua đói nghèo và trở nên khá giả như ông Viên Xuân Ái ở xã A Đớt, ông Hồ Văn Tuấn ở xã Hồng Trung (A Lưới), bà Hồ Thị Liêng ở xã Hương Sơn, ông Hồ Văn Dương ở xã Thượng Nhật (Nam Đông). Đặc biệt, đã xuất hiện những điển hình nông dân tham gia làm dịch vụ du lịch đạt hiểu quả cao như hộ ông Nguyễn Thạch ở xã Lộc Tiến, ông Nguyễn Văn Trung ở xã Lộc Trì (Phú Lộc), đã phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên ở địa phương, đầu tư vốn mở ra dịch vụ du lịch sinh thái ở Suối Voi (xã Lộc Tiến) và Nhị Hồ (xã Lộc Trì). Nhiều hộ nông dân áp dụng ngành nghề mới mở ra nhiều cơ sở sản xuất, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở nông thôn như cơ sở sản xuất lưới cá của bà Nguyễn Thị Triều ở xã Phong Bình (Phong Điền), giải quyết việc làm tại chỗ cho 170 lao động với mức lương bình quân 500.000 đồng/người/ tháng; hộ ông Nguyễn Hữu Lành ở xã Hương Văn (Hương Trà) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như cải tiến máy cày, chế tạo ra máy bóc vỏ lạc, tăng năng suất lao động lên 100-150 lần so với bóc vỏ lạc bằng thủ công.
Đến 2005, toàn tỉnh có 4.221 hộ đăng ký cấp cơ sở, 801 hộ cấp huyện, 161 hộ cấp tỉnh, trong đó các huyện có số hộ đăng ký khá là Phú Lộc, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền. Tuy nhiên, việc tổ chức đăng ký chưa đạt yêu cầu do tiêu chuẩn Trung ương Hội đề ra quá cao.
Song song với các hoạt động trên, phong trào tương thân, tương trợ, giúp nhau xóa đói giảm nghèo được các cấp Hội chú trọng. Hội các cấp vận động nông dân đóng góp 49.283.000 đồng ủng hộ đồng bào 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu; ủng hộ cho đồng bào di dân vùng lòng hồ Tả Trạch 25.000.000 đồng; tương trợ giúp đỡ xóa nhà tạm, xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa... với 11.552 ngày công để giúp đỡ 1.270 hộ. Các huyện, thành Hội đã vận động hội viên, nông dân tham gia đóng góp tiền, của để xây dựng nhà tạm từ 1 đến 2 nhà như huyện Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới, Hương Trà, trong đó tỉnh Hội đã giúp đỡ xây một nhà tình thương trị giá 8.000.000 đồng cho hộ ông Nguyễn Quyên ở xã Phú Đa (Phú Vang). Trong năm 2004 đã có 748 hộ được Hội Nông dân giúp đỡ thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo đói trong tỉnh.
Thường vụ tỉnh Hội cũng tiếp nhận dự án “hướng dẫn người nghèo biết cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm” của Trung ương Hội và triển khai ở xã Hồng Hạ (A Lưới). Qua dự án đã xây dựng 2 câu lạc bộ khuyến nông cho 121 hội viên tham gia, đồng thời xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, thâm canh ngô, thâm canh đậu xanh... Ngoài ra, các huyện Hội Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, thành phố Huế còn quan hệ với các tổ chức nước ngoài như NAV, tổ chức Phần Lan, Enda của Pháp..., đã đưa hàng tỉ đồng vốn về giúp bà con nông dân vay phục vụ sản xuất, xây hố xí vệ sinh, xây hầm bioga..., đồng thời tổ chức các đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm ở các địa phương bạn.
Đến 2005, Quỹ hỗ trợ nông dân cả tỉnh có 1.577,9 triệu đồng. Vốn quỹ tăng trong năm là 201 triệu đồng, trong đó tỉnh Hội vận động được 97 triệu đồng (đạt 97% kế hoạch), của huyện và cơ sở Hội là 102,9 triệu đồng (đạt 25,7%). Các huyện làm tốt công tác phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân là Quảng Điền và Hương Thủy.
Thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 21-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học), Ban Thường vụ tỉnh Hội đã phối hợp với công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao bán phân bón trả chậm cho nông dân. Mặc dù đã được tổ chức triển khai cho 9/9 đơn vị nhưng chỉ có 3 huyện tham gia là Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, mua 930 tấn NPK và supe lân. Tỉnh Hội đã tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện chương trình mua phân bón trả chậm tại huyện Phú Lộc. Hội nghị đã được cán bộ hội viên, nông dân đánh giá cao vai trò của tổ chức Hội trong việc tổ chức các dịch vụ có lợi ích thiết thực cho hội viên nông dân để phục vụ sản xuất nông nghiệp v.v..
Công tác dân số-gia đình-trẻ em, xóa mù chữ phổ cập tiểu học, chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em, nước sạch vệ sinh môi trường, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa... được các cấp Hội duy trì thường xuyên. Tỉnh Hội và các huyện, thành Hội cử cán bộ chuyên trách tham gia chiến dịch truyền thông dân số và các đơn vị đã mở 5 lớp tập huấn phòng chống HIV/AIDS cho 150 người. Một số đơn vị Hội cơ sở chủ động đầu tư kinh phí cùng với sự đóng góp kinh phí của hội viên, nông dân, của hợp tác xã nông nghiệp để tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ như ở thành phố Huế, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc. Tỉnh Hội phối hợp với Sở Thể dục thể thao cử đội tham gia giải vật cổ truyền tại Phú Thọ do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức và đạt giải tư trong tổng số 17 đoàn. Tỉnh Hội tiếp tục phối hợp với Sở Thể dục thể thao tổ chức giải bóng đá nông dân với sự tham gia của 4 đơn vị (Huế, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Thủy), kết quả đội thành phố Huế đạt giải vô địch. Các cấp Hội ở 8/9 đơn vị (trừ huyện A Lưới) tổ chức tốt Hội thi “Nhà nông đua tài” cấp xã, huyện và tham gia Hội thi “Nhà nông đua tài” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ nhất được tổ chức tại phim trường của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế (HVTV) vào dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam 14-10. Kết quả: giải nhất huyện Hương Trà, giải nhì huyện Phú Vang, giải ba huyện Quảng Điền, giải khuyến khích huyện Nam Đông. Tỉnh Hội đã tổ chức đội văn nghệ đại diện cho giai cấp nông dân tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng công - nông - binh - trí toàn tỉnh lần thứ VI với 5 tiết mục dự thi, đạt giải B toàn đoàn và một số giải cá nhân khác. Kỷ niệm 56 năm ngày thương binh liệt sỹ (27-7), các cấp Hội đã tham gia cùng với các đoàn thể địa phương, cơ sở đi thăm viếng, tặng quà các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Với các ngành văn hóa - xã hội, tỉnh Hội có quan hệ khá chặt chẽ với Ủy ban Dân số gia đình trẻ em, Sở Lao động thương binh xã hội, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội và Ban An toàn giao thông tỉnh. Sự phối hợp này được đảm bảo bằng hợp đồng trách nhiệm cụ thể. Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, Hội đã phối hợp tốt với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường để triển khai thực hiện Chỉ thị quan trọng này ở tất cả 9 huyện, thành phố. Tỉnh Hội cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền trong việc phối hợp chặt chẽ với Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Huế để nêu gương “Người tốt việc tốt”. Các gương nông dân, tập thể tiên tiến điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, các mô hình trong công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh được tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
Mặc khác, các cấp Hội trong tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 lần II (khóa VIII) về cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị, Quyết định 17 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh cùng với các cấp chính quyền, các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân tham gia các chủ trương của Đảng, các dự thảo về chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Năm 2004, các cấp Hội đã giới thiệu 78 hội viên nông dân ưu tú kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa tổng số đảng viên thường xuyên tham gia sinh hoạt Hội lên 3.015 đảng viên. Nhiều cán bộ chủ chốt của Hội tham gia cấp ủy và đại biểu Hội đồng nhân dân ở các địa phương. Hội vận động cử tri là hội viên nông dân nêu cao trách nhiệm công dân, hăng hái tham gia bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đạt tỉ lệ 100%.
Phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền và các ban ngành đoàn thể thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, đã tặng 9 sổ tiết kiệm tình nghĩa giá trị 3,5 triệu đồng. Tỉnh Hội đi thăm và tặng quà cho 12 hộ gia đình chính sách tại Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) và thôn Lương Miêu, xã Bình Thành (Hương Trà). Hội còn vận động 100% con em lên đường làm nghĩa vụ quân sự đạt số lượng và chất lượng đề ra. Các huyện, thành Hội, các cơ sở Hội đều tổ chức thăm và tặng quà cho con em nông dân khi lên đường nhập ngũ.
Các cấp Hội tiếp tục thực hiện các nghị quyết liên tịch với các ngành công an, quân sự về phòng chống tội phạm các loại, về bảo đảm công tác quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Tỉnh Hội và các huyện, thành Hội đã ký kết với ngành công an, quân đội về chương trình phối hợp hoạt động bảo đảm quốc phòng an ninh. Năm 2004, Hội các cấp đã phối hợp với ngành công an mở 91 lớp phòng chống tội phạm cho 7.256 người dự, 31 lớp phòng chống ma túy cho 2.181 người dự. Hội đã vận động được 6 đối tượng ra đầu thú, 156 người được Hội tham gia cảm hóa giáo dục, 95 vụ được Hội ngăn ngừa phạm pháp. Qua tập huấn các cán bộ, hội viên nông dân đã góp phần vận động nông dân tham gia phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Đối với các địa phương, cơ sở có con em hoặc hội viên nông dân vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội đều được các Chi Hội cử người tham gia giúp đỡ và cảm hóa tại địa bàn dân cư.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và kế hoạch số 03KH/HND, ngày 12-1-2004 của Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam tỉnh về việc hưởng ứng cuộc vận động hỗ trợ nông dân nghèo 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, cán bộ và hội viên, nông dân toàn tỉnh đã tham gia đóng góp được số tiền 35.532.000 đồng, đạt tỷ lệ 72,1% theo chỉ tiêu đã đề ra. Đơn vị huyện Nam Đông và A Lưới là 2 huyện khó khăn của tỉnh nhưng đã tham gia rất tốt cuộc vận động. Chỉ tiêu của đơn vị Nam Đông là 1.750.000 đồng nhưng đã vận động được 3.000.000 đồng, đạt tỷ lệ cao nhất tỉnh (173,91%), đơn vị huyện A Lưới chỉ tiêu 1.895.000 đồng đã vận động được 2.500.000 đồng, đạt tỷ lệ 131,93%.
Các cấp Hội tiếp tục vận động nông dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng “gia đình nông dân văn hóa”, kết quả đến 2004 đã có 108.286 hộ đăng ký và đạt danh hiệu “gia đình nông dân văn hóa”. Chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10), Hội Nông dân các cấp đã tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, thu hút đông đảo hội viên tham gia, điển hình huyện A Lưới tổ chức Hội thi “Cán bộ giỏi”, huyện Quảng Điền chỉ đạo cơ sở tổ chức thi tìm hiểu Điều lệ Hội, tiếng hát đồng quê; tỉnh Hội phối hợp với Sở Thể dục thể thao tổ chức giải bóng đá nông thôn lần thứ 2 (có 5 đơn vị tham dự là Nam Đông, Hương Thủy, Huế, Hương Trà, Phú Lộc), đã thu hút hàng ngàn cổ động viên nông dân tham gia.
Công tác dân số gia đình trẻ em được các cấp hội chú trọng. Hội đã phối hợp với Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em tỉnh, trong năm 2004 đã tổ chức 976 buổi tuyên truyền dân số-kế hoạch hóa gia đình với hơn 38.137 lượt hội viên nông dân tham dự; tổ chức 157 lớp tập huấn dân số-kế hoạch hóa gia đình cho 9.673 người dự; đã xây dựng thêm 8 câu lạc bộ lồng ghép ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông; vận động được 503 ca đình sản, 19.628 nông dân dùng bao cao su và 11.793 người thực hiện các biện pháp tránh thai khác. Từ đó đã từng bước nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân về công tác dân số, gia đình và trẻ em.
Hội đã phối hợp với Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh mở 4 lớp triển khai pháp lệnh phòng chống mại dâm và HIV/AIDS cho 200 cán bộ, hội viên nông dân học tập, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về phòng chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS.
Hội vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia tích cực hưởng ứng “Ngày vì người nghèo”, mỗi cán bộ Hội đóng góp một ngày lương, mỗi hội viên, nông dân đóng góp 1.000 đồng cho quỹ “một triệu bộ áo quần ấm cho người nghèo cao tuổi” và đóng góp xây dựng bia di tích lịch sử của Hội do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đóng góp 120.964 ngày công, sửa chữa và làm mới 157,973 km đường giao thông nông thôn; kênh mương được kiên cố hóa và sửa chữa 118 km, đào đắp 255.000 m3 đất đá; số cầu cống đã được làm mới, sửa chữa 122 cái v.v..
Hội ký kết với bảo hiểm xã hội và Bảo Việt để triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện và bảo hiểm kết hợp cho nông dân. Đến 2005 có 2.679 hội viên, nông dân của 16 xã/7 huyện, thành Hội tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện và được phát thẻ (đạt 53 % kế hoạch).
Về công tác an toàn giao thông, ngay sau khi có Nghị quyết Liên tịch số 661/2003/NQLT giữa Hội Nông dân Việt Nam với Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia về việc tổ chức cuộc vận động “Hội viên, nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, Ban Thường vụ Hội Nông dân đã có chương trình phối hợp thực hiện với Ban An toàn giao thông tỉnh. Năm 2004, Hội đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức các Hội nghị tập huấn an toàn giao thông ở bốn đơn vị là xã Lộc Điền (Phú Lộc), xã Hương Vinh (Hương Trà), thị trấn Phú Lộc và thị trấn Phong Thu (Phong Điền) với hơn 250 đại biểu tham gia (đây là những điểm chỉ đạo điểm của tỉnh). Ngoài ra, nhiều tổ chức cơ sở Hội đã chủ động tổ chức các Hội nghị triển khai nông dân với việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bình quân hàng năm các cấp Hội đã tổ chức hơn 2.300 buổi tuyên truyền, có hơn 145.000 hội viên nông dân tham gia và lồng ghép nội dung an toàn giao thông vào các hoạt động sinh hoạt chi, tổ Hội. Các buổi Hội thi, hội thảo đã phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục vận động hội viên, nông dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Tháng 1-2005, Hội Nông dân tỉnh và Ban An toàn giao thông tổ chức Lễ cam kết hội viên, nông dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đại diện của 9 huyện, thành phố và các xã trọng điểm đã ký cam kết kêu gọi vận động cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh ủng hộ và nghiêm chỉnh chấp hành các giải pháp, biện pháp, quy định về bảo đảm an toàn giao thông để ngăn chặn và hạn chế tai nạn giao thông gây ra với thông điệp “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà”. Hội Nông dân và Ban An toàn giao thông tỉnh vận động 100% cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh thực hiện cam kết về nội dung “Chín không” như sau: không điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tham gia giao thông; không quên đội mũ bảo hiểm trên những đoạn đường quy định bắt buộc, không điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe; không sản xuất các xe ô tô, mô tô tự chế; không để người thân chưa đủ tuổi điều khiển mô tô; xe máy; không phóng nhanh, giành đường vượt ẩu; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không phơi rơm rạ, thóc lúa, hoa màu, chăn thả súc vật trên đường giao thông; không tự ý mở đường ngang dân sinh qua đường sắt và ném đất đá lên tàu xe.
Tại Hội nghị ký cam kết, tỉnh Hội đã phát hành 5.000 bản cam kết để triển khai làm điểm cho 18 hoặc phường trọng điểm của 9 huyện, thành phố. Ngoài ra, trong 2 năm 2003-2004, tỉnh Hội đã cấp phát 6.000 tài liệu tuyên truyền về an toàn giao thông cho các cấp Hội cơ sở.
Ban Thường vụ tỉnh Hội còn phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức các hội thi “Nông dân với An toàn giao thông” lần thứ nhất (tháng 10-2005) với hình thức sân khấu hóa kết quả huyện Phong Điền đạt giải nhất, huyện Phú Vang, thành phố Huế giải nhì, huyện Nam Đông giải ba.
Từ trong các phong trào xây dựng và phát triển nông thôn mới, số hộ gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình nông dân văn hóa không ngừng được nâng lên, năm 2005 là 47.969 gia đình (119 % kế hoạch), đồng thời tham gia xây dựng được 108 làng xã văn hóa (120% kế hoạch).
3. Đổi mới công tác chỉ đạo và hoạt động của Ban Chấp hành Hội các cấp, tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức Hội
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội là việc làm thường xuyên của Hội Nông dân các cấp, đến giai đoạn này đã có những chuyển biến tích cực hơn. Đến cuối 2003 toàn tỉnh có 137/137 cơ sở Hội, 1.075 chi Hội, trong đó có 48 chi Hội nghề nghiệp, 18 chi Hội sinh hoạt theo địa bàn dân cư; có 2.117 tổ Hội, tăng 36 tổ Hội so với năm 2002, trong đó có 112 tổ nghề nghiệp, 57 tổ theo hợp tác xã nông nghiệp. Về phân loại cơ sở Hội năm 2003, toàn tỉnh có 49/177 cơ sở trung bình (16,24%), 1/117 cơ sở yếu (0,85%), giảm được 3 cơ sở yếu so với năm 2002.
Đến cuối năm 2003 toàn tỉnh kết nạp được 4.262 hội viên mới, đồng thời kiểm tra rà soát chất lượng hội viên, đưa ra khỏi 589 hội viên không tham gia sinh hoạt hoặc già yếu. Tổng số hội viên đến cuối 2003 có 61.733 người, đạt tỷ lệ 55,2% so với tổng số hộ nông dân, tăng 5,7% so với năm 2002, trong đó hội viên nữ có 10.981 người (17,7 %). Hội viên là đảng viên tham gia sinh hoạt Hội có 2.209 người (2,4%). Năm 2003 Hội các cấp đã cấp 5.068 thẻ hội viên, đưa tổng số thẻ được cấp lên 41.373 thẻ (67%).
Song song với công tác củng cố bộ máy cán bộ, việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ là một đòi hỏi cấp thiết. Năm 2004, các đơn vị đã tích cực phối hợp với các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, thành phố để mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ Hội bằng nhiều hình thức khác nhau, có huyện mở lớp tập trung, có huyện mở theo cụm liên xã với tổng số 31 lớp, gồm 1.424 cán bộ dự học. Tỉnh Hội cũng đã cử 9 cán bộ đi tập huấn tại tỉnh Gia Lai về Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân; 4 chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân huyện tập huấn tại Hà Nội do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức .
Sau bầu cử hội đồng nhân dân 3 cấp, một số cán bộ Hội được trúng cử và chuyển đi nhận nhiệm vụ mới. Ngày 31-5-2004, Ban Chấp hành tỉnh Hội đã họp phiên bất thường, bầu đồng chí Nguyễn Thị Chiểu làm Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh (đồng chí Đồng Hữu Mạo chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh). Ở các huyện, thành Hội cũng có sự thay đổi (huyện Hương Trà, Nam Đông bầu bổ sung phó chủ tịch, thành Hội Huế bầu bổ sung chủ tịch. Đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện A Lưới giữ chức quyền chủ tịch. Ở cấp cơ sở có 30 cán bộ chủ chốt chuyển công tác khác nên Ban Thường vụ tỉnh Hội đã chỉ đạo Ban Thường vụ Hội các cấp đề xuất với cấp ủy Đảng cơ sở bố trí cán bộ, kịp thời bầu bổ sung 37 đồng chí, trong đó có 22 chủ tịch và 15 phó chủ tịch. Huyện có số cán bộ biến động lớn là A Lưới (12 đồng chí), Hương Trà (6 đồng chí), Phú Vang (5 đồng chí). Việc bầu bổ sung kịp thời các cán bộ chủ chốt đã góp phần duy trì các phong trào chung của Hội trên toàn tỉnh.
Trong năm 2004, Ban Thường vụ tỉnh Hội chỉ đạo các huyện thành Hội tập trung củng cố cơ sở và chi Hội, đã thành thành lập thêm 8 chi Hội nghề nghiệp ở Hương Trà và Phú Lộc, đặc biệt là việc tập trung xây dựng các cơ sở Hội vững mạnh làm nòng cốt trong các phong trào nông dân ở địa phương. Kết quả năm 2004 có 108 cơ sở Hội vững mạnh (78,8%), 795 chi Hội vững mạnh (70,2%). Tuy nhiên, vẫn còn 3 cơ sở Hội yếu kém (A Lưới 2 và Nam Đông 1). Qua năm 2005, kết quả phân loại cơ sở Hội là 78 vững mạnh (57,3%), 44 khá (32,3%) và 14 trung bình (10,2%).
Với chủ trương không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, các cấp Hội đã mở rộng các hình thức tập hợp nông dân ngày càng có hiệu quả. Thông qua các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, tổ chức vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình, tham quan học tập kinh nghiệm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đã tập hợp được hàng ngàn nông dân đến với tổ chức Hội. Trong năm 2004, toàn tỉnh kết nạp được 5.266 hội viên (đạt 81,1%), nâng tổng số lên 64.900 hội viên, chiếm 58,1% số hộ nông dân, tăng 3% so với năm 2003. Số lượng hội viên tăng ít là do Hội cơ sở đã đưa ra khỏi Hội 1.733 hội viên già yếu, không tham gia sinh hoạt, đi làm ăn xa... Các đơn vị làm tốt công tác phát triển hội viên như Quảng Điền (phát triển 920 hội viên), Phú Lộc (phát triển 930 hội viên) v.v.. . Việc phát thẻ đã được các cấp Hội quan tâm. Số hội viên được phát thẻ và đổi thẻ trong năm 2004 là 14.498, nâng tổng số lên 55.871 người, đạt 88,9 %. Qua năm 2005, toàn tỉnh kết nạp 5.688 hội viên, đưa tổng số hội viên lên 69.523 người, chiếm 61,56% số hộ nông dân.
Để đổi mới công tác chỉ đạo và hoạt động của Ban Chấp hành Hội các cấp, tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức Hội, công tác tuyên truyền được chú ý hơn trước và đạt kết quả tốt. Năm 2003, các cấp Hội trong tỉnh thực hiện được 2.055 buổi tuyên truyền với 10.275 hội viên nông dân tham gia. Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên nông dân, các cấp Hội đã đặt mua sử dụng 9.115 tờ báo “Nông thôn ngày nay” và 450 tạp chí “Nông thôn mới” - hai tờ báo lớn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát hành trong toàn quốc. Tỉnh Hội đã phối hợp với báo Thừa Thiên Huế xây dựng chuyên trang định kỳ của Hội vào ngày 14 hàng tháng.
Ban Thường vụ tỉnh Hội đã chỉ đạo các cấp Hội từ huyện đến cơ sở tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân quán triệt kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và các chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức tuyên truyền kết quả Đại hội IV Hội Nông dân Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa IV về “nâng cao chất lượng tổ chức Hội các cấp”, tuyên truyền học tập luật bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp... Mặc khác, gắn công tác tuyên truyền với tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, ôn lại truyền thống, hội thi cán bộ giỏi, nhà nông đua tài... Trong năm 2004, Hội các cấp đã tổ chức được 2.683 buổi tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung cụ thể, phù hợp, đã có hơn 197.316 lượt người tham dự (trong đó có 1.062 buổi tuyên truyền bầu cử hội đồng nhân dân các cấp với 78.397 lượt nguời dự và 733 buổi tuyên truyền Nghị quyết Đại hội IV của Hội với 47.885 lượt người dự), đồng thời có 503 cán bộ, hội viên nông dân tham gia bài dự thi “sáng mãi phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ”.
Bên cạnh việc chỉ đạo các huyện, thành Hội đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, Ban Thường vụ Tỉnh Hội đã phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế ra chuyên trang Nông thôn ngày nay của Hội vào ngày 14 hàng tháng. Trang báo Hội ổn định 4 nội dung chủ yếu “trao đổi kinh nghiệm”, “kiến thức nhà nông”, “trao đổi hoạt động Hội và phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng”, “giới thiệu những gương điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, các chủ trương, nghị quyết của Hội”... Tờ báo Thừa Thiên Huế ra ngày 14 hàng tháng không những được cán bộ, hội viên nông dân quan tâm đón nhận mà còn bạn đọc trong cả tỉnh biết đến. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế (HTV), Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh (TRT) mở các chuyên mục hoạt động của Hội Nông dân tỉnh trên truyền hình địa phương, mỗi tháng một chuyên đề trên sóng truyền hình Đài TRT được Hội Nông dân tỉnh ký kết hợp đồng bắt đầu từ tháng 1-2004 với chuyên đề là Nông thôn Ngày nay, từ tháng 1-2005 là chuyên đề Nông dân Thừa Thiên Huế với thời lượng phát sóng mỗi chuyên đề từ 10-15 phút và phát sóng lại từ 2 đến 3 lần cho mỗi chuyên đề.
Năm 2005, bám sát các Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Ban Thường vụ tỉnh Hội đã hướng dẫn các huyện, thành và cơ sở Hội tổ chức các đợt tuyên truyền, ôn lại truyền thống cho hàng chục nghìn lượt hội viên nông dân trong tỉnh. 100% cơ sở Hội đã tổ chức tọa đàm kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Hội Nông dân thành phố Huế huy động hàng trăm cán bộ, hội viên nông dân thay mặt giai cấp nông dân trong tỉnh tham gia diễu hành, mít tinh kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Song song với việc phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế và Đài Phát thanh truyền hình tỉnh hàng tháng mở chuyên mục Nông thôn ngày nay trên báo và đài để tuyên truyền, giới thiệu những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình tốt, kinh nghiệm hay đến nhân dân trong tỉnh, Hội Nông dân các cấp đã tích cực tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội IV của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Nghị quyết Đại hội VI Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội, phổ biến giáo dục pháp luật... cho 90.757 lượt hội viên nông dân (đạt 90,76%). Năm 2005, toàn tỉnh có 92,7% cơ sở Hội mua và đọc báo Nông thôn ngày nay thường xuyên và đã xây dựng được 14 tủ sách pháp luật cho chi Hội (đạt 93,3% kế hoạch).
Về thu nộp Hội phí, do Ban Thường vụ tỉnh Hội chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ và các cấp Hội đã nhận thức đầy đủ hơn nên đã có 100% đơn vị huyện, thành Hội hoàn thành chỉ tiêu nộp Hội phí lên tỉnh và Trung ương Hội đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, chỉ có 116 cơ sở Hội (84,6%) và 751 chi Hội (70,6%) thu được Hội phí.
Song song với việc thu nộp Hội phí, các cấp Hội còn tích cực xây dựng quỹ Hội. Năm 2004, quỹ Hội toàn tỉnh có hơn 750 triệu đồng, tăng thêm 209 triệu so với năm 2003. Năm 2004 có 106/137 cơ sở Hội xây dựng được quỹ (77%), 657/1.075 chi Hội xây dựng được quỹ (61,7%), tăng 13,7% so với năm 2003. Chi Hội có quỹ cao nhất là 12 triệu, thấp nhất 200.000 đồng. Nguồn quỹ xây dựng được do sự đóng góp của hội viên làm các công trình do hợp tác xã giao khoán hoặc nguồn lãi từ dự án trích chuyển sang. Đặc biệt, trong năm 2004, những cơ sở Hội có tham gia làm dịch vụ phân bón trả chậm cho nông dân đều có nguồn thu lớn bổ sung vào quỹ Hội, điển hình là các cơ sở Hội ở huyện Quảng Điền tăng 89,2 triệu đồng, Phú Lộc tăng 83,5 triệu đồng. Sang năm 2005, các chi, tổ Hội đã có nguồn quỹ 151.300.000 đồng do sự đóng góp của hội viên, nông dân.
Công tác kiểm tra được Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp đặc biệt coi trọng. Năm 2004, Ban Thường vụ tỉnh Hội đã có kế hoạch kiểm tra từ đầu năm, thành lập 2 đoàn kiểm tra toàn diện 9/9 đơn vị huyện, thành Hội, một số cơ sở Hội và chi Hội. Các huyện làm tốt công tác kiểm tra như huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Nam Đông, Quảng Điền... đều có kế hoạch, lịch kiểm tra cơ sở Hội và thực hiện khá tốt theo hình thức thường xuyên, định kỳ và đột xuất. Nội dung kiểm tra bao gồm việc chấp hành Điều lệ Hội, triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, công tác tổ chức cán bộ, việc quản lý quỹ Hội, quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn vay. Sang năm 2005 đã thực hiện được 324 cuộc kiểm tra, trong đó tỉnh Hội tổ chức 54 đợt, các huyện, thành Hội tổ chức 270 đợt kiểm tra đến cơ sở Hội. Qua kiểm tra đã phát hiện và uốn nắn kịp thời những thiếu sót và biểu dương, nhân rộng những việc làm hay trong công tác Hội và các phong trào nông dân.
Ngoài ra, các cấp Hội còn kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện Chỉ thị 26, ngày 9-10-2001 của Thủ tướng chính phủ về việc tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, thực hiện công tác hòa giải, tiếp dân, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân. Trong tổng số 314 cuộc kiểm tra có 129 cuộc do tỉnh Hội và các huyện, thành tiến hành ở cơ sở Hội và 185 cuộc do Ban kiểm tra các cơ sở Hội kiểm tra các chi, tổ Hội. Trong năm 2004, Hội các cấp đã nhận được 116 đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Hội, trong đó có 66 đơn thuộc thẩm quyền của Hội và đã giải quyết 62 đơn, số đơn không thuộc thẩm quyền của Hội đã được hướng dẫn hoặc chuyển đơn sang các cơ quan có thẩm quyền. Số vụ hòa giải thành công là 101 vụ, chủ yếu tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình, trong hôn nhân, mất trật tự an toàn thôn xóm v.v.. Đến năm 2005, hệ thống Ban kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở đều được kiện toàn. 100 % cơ sở Hội đều có Ban kiểm tra theo qui định của Trung ương Hội.
Trong việc thực hiện Chỉ thị 26 của Chính phủ, Hội các cấp đã trợ giúp pháp lý cho 915 người (đạt 183 % kế hoạch), tham gia hòa giải hàng trăm vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Ban Thường vụ tỉnh Hội đã chọn đơn vị xã Phú Đa (Phú Vang) làm điểm cơ sở thực hiện Chỉ thị 26, tổ chức tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật cho tất cả cán bộ, hội viên ở 5 thôn và thành lập 1 câu lạc bộ giáo dục pháp luật.
Trên các lĩnh vực khác, Hội đã tham gia “Hội chợ mùa Xuân và liên hoan văn hóa ẩm thực làng quê” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức từ ngày 30-3 đến ngày 4-4-2005 tại Hà Nội (các món ăn do Hội dự thi đạt 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc); tham dự cuộc thi “Thôn nữ giỏi giang duyên dáng” toàn quốc lần thứ nhất. Các huyện, thành Hội đã đóng góp 20 sản phẩm hàng nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cùng nhiều tranh ảnh để tham gia Hội chợ triển lãm về thành tựu 30 năm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đối với cấp huyện và cơ sở, tùy điều kiện thuận lợi của từng địa phương đã tổ chức tốt các Hội thi như “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”, thể dục thể thao v.v.. Thông qua các hội thi, uy tín của tổ chức Hội được nâng lên và thu hút hàng nghìn nông dân đến tham gia với tổ chức Hội.
Về công tác thi đua khen thưởng, tỉnh Hội đã tổ chức thành công Hội nghị Đại biểu Nông dân điển hình tiên tiến giai đọan 2000-2004, qua đó đã đánh giá và biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào do Hội phát động trong 5 năm 2000-2004, đồng thời phát động phong trào thi đua giai đoạn 2005-2010 đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh và tổ chức đăng ký thi đua năm 2005 cho các đơn vị huyện, thành Hội. Mặc khác, qua Hội nghị đã chọn 3 đại biểu là người dân tộc thiểu số ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc tham dự Hội nghị Đại biểu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các dân tộc thiểu số của 31 tỉnh phía Bắc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức và 4 đại biểu nông dân có thành tích xuất sắc tham dự Đại hội Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ 2.
Năm 2004, nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Hội, Trung ương Hội đã tặng 126 huy chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam” cho các cá nhân có công lao đóng góp xây dựng Hội; Trung ương Hội tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 1 cá nhân; Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 12 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân; Ban Chấp hành tỉnh Hội tặng giấy khen cho 16 tập thể và 20 cá nhân.
Tại Hội nghị Nông dân điển hình tiên tiến năm 2005, Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh tặng bằng khen cho 9 tập thể và 9 cá nhân, tỉnh Hội tặng giấy khen cho 9 tập thể và 120 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào nông dân do Hội phát động từ năm 2000 đến năm 2004.
Căn cứ vào thành tích năm 2005, Trung ương Hội đã tặng bằng khen cho 4 tập thể Hội Nông dân huyện Hương Thủy, Quảng Điền, thành phố Huế, Phú Lộc và 3 cá nhân; Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 19 tập thể và 16 cá nhân; Ban Chấp hành tỉnh Hội tặng giấy khen cho 19 tập thể và 25 cá nhân.
Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, các dự thảo về chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Trong năm 2005, Hội cơ sở đã giới thiệu 69 hội viên nông dân ưu tú vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa tổng số đảng viên thường xuyên tham gia sinh hoạt với Hội lên 3.084 đảng viên, mặt khác, Hội các cấp đã tích cực tham gia góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng cùng cấp và cấp trên. Nhiều cán bộ chủ chốt của Hội tham gia cấp ủy trong nhiệm kỳ mới và đại biểu Hội đồng nhân dân ở các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2003 - 2005 còn một số khuyết điểm sau:
Công tác tuyên truyền, giáo dục và nắm bắt tình hình tư tưởng trong cán bộ, hội viên, nông dân ở một số cơ sở chưa thường xuyên, kịp thời.
Công tác chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ở một số đơn vị cơ sở Hội hoạt động chạy theo sự vụ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng tổ chức và phát động phong trào nông dân. Trong một số nhiệm vụ cụ thể, hiệu quả công việc còn thấp, một số chỉ tiêu đề ra thực hiện chưa đạt, nhất là chỉ tiêu mua và đọc báo, tạp chí của Hội, chỉ tiêu xây dựng mô hình trình diễn.
Một số chi, tổ Hội tổ chức sinh hoạt Hội chưa đảm bảo thời gian đúng theo Điều lệ Hội quy định, nội dung sinh hoạt nhìn chung còn nghèo nàn, chưa rõ nét của tổ chức Hội. Chất lượng thông tin, báo cáo của một số đơn vị còn đơn giản, chưa đáp ứng được yêu cầu về nội dung và thời gian qui định.
Những khuyết điểm, thiếu sót nói trên là do năng lực của một số cán bộ chủ chốt, nhất là ở cơ sở Hội còn yếu, thiếu năng động sáng tạo, không phát huy tính tập thể của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Kinh phí hoạt động hàng năm của cơ sở Hội còn hạn hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng phong trào Hội. Ở một số cơ sở Hội, cán bộ chưa làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy về những chương trình hoạt động của mình để cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện cho Hội hoạt động. Công tác phối hợp giữa Hội cơ sở với các đoàn thể ở một số nơi còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các phong trào nông dân.
Kể từ ngày tái lập tỉnh năm 1989 đến năm 2005, đời sống kinh tế - xã hội của nông dân đã có những biến chuyển tích cực. Đại bộ phận cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đã vươn lên đáng kể, xuất hiện nhiều mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đời sống nông dân được ổn định, trình độ dân trí và đời sống văn hóa của giai cấp nông dân được nâng cao rõ rệt qua các phong trào xóa mù chữ, truyền thông dân số, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Các công trình cơ sở hạ tầng như điện - đường - trường - trạm, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm cho nông dân... đã đáp ứng được phần nào về đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Hội Nông dân Việt Nam tỉnh đã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, đã phát huy tác dụng tích cực của mình và mang lại nhiều kết quả to lớn trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Hội Nông dân các cấp đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động sáng tạo các phong trào hành động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nông dân càng tin tưởng hơn vào sự nghiệp đổi mới hiện nay, một lòng một dạ đi theo con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
KẾT LUẬN
Trong “Thư gửi Hội nghị Cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc” vào tháng 11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước ta là một nước nông nghiệp. Hơn 9 phần 10 dân ta là nông dân. Trong Vệ quốc quân và bộ đội địa phương, dân quân du kích số đông là nông dân. Tăng gia sản xuất để nuôi bộ đội, nuôi công nhân và công chức là nông dân. Công việc phá hoại để chống giặc, công việc sửa chữa đường sá, giao thông, vận tải phần lớn do nông dân làm. Nói tóm lại, nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ, nông dân và Hội Nông dân Thừa Thiên Huế đã ra sức phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong sản xuất và chiến đấu để hoàn thành tốt vai trò của mình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua các thời kỳ lịch sử, những đóng góp của nông dân và Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế được thể hiện sinh động và cụ thể.
Từ đầu thế kỷ XIV đến những năm 20 của thế kỷ XX, dưới chế độ phong kiến và sau đó là thực dân nửa phong kiến, nông dân Thuận Hóa - Thừa Thiên Huế đã sớm khẳng định vai trò quan trọng của mình trong xây dựng quê hương cũng như trong chống giặc ngoại xâm. Những thế hệ nông dân từ các vùng đất phía bắc vào Hóa châu trong thế kỷ XIV đã cộng cư chan hòa với người Chiêm để cùng khai phá ruộng đồng, lập nên 40 làng ấp trong 7 huyện. Khi giặc Minh xâm lược, nhân dân Hóa châu đã tích cực hưởng ứng khởi nghĩa Lam Sơn, giải phóng quê hương, tuy “là bề tôi ở chốn phên giậu biên cương” nhưng “lại biết nghĩ tới công sức của ông cha ngày trước, hết lòng với vua mà đánh giặc, lập công trước”. Sau chuyến bình định phương nam thắng lợi của vua Lê Thánh Tông (1471), hàng chục làng ấp mới được thành lập thêm, ruộng đồng được khai phá, mở mang, một sức sống mới đã nảy nở trên chặng đường tiến lên phía trước của châu Hóa. Đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), công cuộc khai thác vùng đất này được khẩn trương xúc tiến với quy mô lớn. Thừa Thiên Huế bấy giờ đã có 339 xã, thôn, phường, giáp, châu, sách.
Sau khi quân Tây Sơn lấy được thành Phú Xuân (1786), nhân dân Thuận Hóa đã phấn khởi đem hết sức mình tham gia đội quân “áo vải cờ đào” để lật đổ chính quyền phong kiến đã mục nát ở Bắc Hà và tiến lên đập tan quân xâm lược Mãn Thanh, tiếp tục xây dựng quê hương trong giai đoạn mới. Sang nửa đầu thế kỷ XIX, trong hàng vạn người lao động và thợ thủ công được điều từ nhiều nơi đến Huế trong năm 1805 để xây đắp Kinh thành, đông nhất là người địa phương với trên 4.000 người, đã góp phần để lại một di sản văn hóa vật thể độc đáo. Nông dân trong 6 huyện của phủ Thừa Thiên tiếp tục khẩn hoang, chăm lo làm thủy lợi, tích cực hưởng ứng chủ trương “trọng nông” của triều Nguyễn, góp phần cải thiện đời sống.
Trước nạn ngoại xâm, nhân dân Thừa Thiên Huế và phái chủ chiến đã không chịu khuất phục, tổ chức tấn công quân Pháp ở Kinh thành đêm ngày 4 rạng ngày 5-7-1885 và sau đó hưởng ứng dụ Cần Vương, tiếp tục cuộc chiến đấu. Đến khi tổ chức Thanh niên và Tân Việt hình thành ở Huế (1927), dẫn đến việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên, với tinh thần yêu nước sâu sắc và truyền thống đấu tranh bất khuất, nông dân Thừa Thiên Huế đã đi theo Đảng, cùng với các tầng lớp xã hội khác sôi nổi đấu tranh trong phong trào cách mạng 1930-1931, cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và tiến lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đổi đời, giành quyền làm chủ quê hương, đất nước. Trong 15 năm đó, với sự ra đời sớm của tổ chức Nông Hội tỉnh (6-1930), nông dân các làng xã được Đảng giác ngộ, đã đoàn kết một lòng, đấu tranh ngày càng có hiệu quả.
Cách mạng mới thành công, nông dân Thừa Thiên Huế cũng như cả nước phải đương đầu với muôn vàn khó khăn bởi giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới để bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Đến khi không thể nhân nhượng giặc Pháp được nữa, Thừa Thiên Huế đã theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, cùng với cả nước anh dũng chiến đấu, bao vây và đánh Pháp trong suốt 50 ngày đêm trong điều kiện vũ khí và kinh nghiệm chiến đấu so với Pháp rất chênh lệch.
Đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp sau ngày quê hương tạm bị chiếm, nông dân Thừa Thiên Huế đã vượt qua bao gian khổ bởi địch họa và thiên tai để cùng với cả nước làm nên chiến thắng cuối cùng. Trong điều kiện của một vùng sau lưng địch, luôn phải hứng chịu nhiều trận càn quét ác liệt của những đoàn quân đông có cả xe tăng, tàu chiến, máy bay yểm hộ, lại chịu hai trận lụt lớn (1950 và 1953), thì những chiến thắng của quân dân Thừa Thiên Huế thực sự là những kỳ tích.
Suốt những năm kháng chiến, việc bảo vệ mùa màng, thóc gạo luôn mang tính chất sống còn. Trong điều kiện không có ngày nào ngớt khói lửa của bom đạn, bà con ta vẫn ra đồng cày cấy để có lương thực cung cấp cho bộ đội ăn no đánh thắng. Những lần chống càn đều có mục đích bảo vệ mùa màng và của cải của dân chúng. “Số ruộng đất bị xe cơ giới địch tàn phá thì rất nhiều, có nhiều cánh đồng hàng trăm mẫu trông như ruộng mới bừa, không còn thấy một cây lúa nào...” . Đi đôi với bắt lính chúng tăng cường cướp bóc của cải của nhân dân. Có nơi như Phú Vang, Phú Lộc nhân dân không dám mang 2 cặp áo quần vì sợ thừa ra địch lấy và không có nhà nào dám để lúa gạo trong nhà... . Nhân dân có ý thức và đấu tranh mạnh, tranh thủ gặt nhanh thu kỹ và có nhiều sáng kiến tranh đấu rất phong phú: xin giấy và nộp thuế ít gặt nhiều, chuẩn bị ngọn khoai sắn gặt xong đem ra trồng ngay địch không biết là ruộng mới gặt… “Nhiều nơi địch càn quét vừa rút về là nhân dân ùa ra gặt, có những cuộc tranh đấu chống tập trung lúa có 2.500 người tham gia (Phú Thiện, Phú Vang), lăn ra ôm bánh xe không cho chở lúa (Phú Ân, Phú Tài, Phú Thiện - đều thuộc Phú Vang), ở Hương Toàn (Hương Trà) nhân dân kéo nhau hàng trăm người lên đồn giằng co suốt 7, 8 ngày không chịu đặt tề, một mặt những người mạnh ùa ra gặt lúa, kết quả không đặt tề mà vẫn gặt được” .
Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Hội Nông dân giải phóng các cấp là trung tâm đoàn kết, tập hợp nông dân hăng hái lao động sản xuất, bảo đảm đời sống và có nguồn lương thực cung cấp cho kháng chiến.
Trong những năm 1954 - 1959, khi kẻ thù khủng bố tàn bạo, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật thì quần chúng nông dân với các mẹ, các chị vẫn âm thầm nuôi giấu, cưu mang cán bộ cách mạng để từ đó nhen nhóm lại phong trào, góp phần xây dựng căn cứ địa miền núi vững mạnh, tiến hành cuộc đồng khởi miền núi năm 1960, đồng khởi nông thôn đồng bằng năm 1965, làm thất bại quốc sách “ấp chiến lược” và chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, giai cấp nông dân đã tham gia tích cực công tác phục vụ chiến đấu và chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân trong toàn tỉnh, đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch.
Khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” từ năm 1969, để lôi kéo nông dân chúng đã tung tiền đổ của vào nông thôn với các chương trình bình định đặc biệt, bình định bổ sung, bình định cấp tốc v.v.. nhưng bà con nông dân vẫn một lòng hướng về cách mạng, nỗ lực vượt qua thử thách, cùng với nhân dân toàn tỉnh xây dựng thế và lực, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris (1973), rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cho nhân dân ta thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Quê hương, đất nước được giải phóng, xóm làng trở lại yên ổn, thanh bình là bối cảnh thuận lợi để nông dân trong tỉnh bắt tay vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Nông dân tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức của mình vào công cuộc kiến thiết một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Từ tháng 6-1975, toàn tỉnh đã hình thành hệ thống chính quyền từ tỉnh xuống 102 xã và 595 thôn, tỉnh Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên nhanh chóng được củng cố và bắt tay ngay vào việc, căn cứ vào chủ trương của tỉnh Đảng bộ để kịp thời đề ra những biện pháp cụ thể đối với nông dân, nông thôn và nông nghiệp.
Cho đến khi hợp tỉnh, nông dân Thừa Thiên Huế đã phát huy truyền thống anh dũng trong chiến đấu, với tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực cao độ trong xây dựng quê hương mới, đã tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, bước đầu khôi phục và phát triển nền kinh tế nông nghiệp, làm nên những thành tựu rất có ý nghĩa. Tuy rằng cuộc sống lúc đó vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí bị thiếu đói vào lúc giáp hạt, nhưng từ sự yên bình của làng xóm, sự chăm lo của các cấp chính quyền và đoàn thể, mọi người đều vững vàng một niềm tin vào một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.
Chỉ trong hơn một năm kể từ ngày hoàn toàn giải phóng, 85% nông dân trong tỉnh đã vào tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp với 85% trâu bò và trên 62% ruộng đất, căn bản xóa bỏ tàn tích phong kiến về ruộng đất. Nhờ đó đã tạo được một sức mạnh to lớn để khôi phục sản xuất, để xây dựng một số cơ sở vật chất - kỹ thuật bước đầu trong nông nghiệp, nhất là đẩy mạnh tốc độ khai hoang, làm thủy lợi, kết hợp một bước tập thể hóa với thủy lợi hóa, kết hợp cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp với việc tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, tạo tiền đề thuận lợi cho phong trào “sản xuất giỏi, văn hóa cao, an ninh tốt” ở nông thôn.
Từ năm 1976 đến tháng 6-1989, trong tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất, phong trào nông dân và hoạt động của Hội Liên hiệp nông dân tập thể ở các huyện thuộc Thừa Thiên Huế đã có bước chuyển biến mới, nhất là khi thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (13-1-1981) và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (5-4-1988) về chế độ khoán trong nông nghiệp. Bằng nỗ lực lớn của nông dân khắp mọi miền trong tỉnh, từ một nền nông nghiệp độc canh, lạc hậu, năng suất thấp trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp với hình thức sở hữu hạn hẹp, qua các phong trào sôi nổi trong nông thôn, đã bước đầu xây dựng được một nền nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, năng suất ngày càng tăng, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Qua ba lần tổ chức đại hội đại biểu từ cơ sở đến cấp tỉnh, tổ chức Hội ngày càng được quan tâm hơn, vị thế của Hội ngày càng vững chắc. Hội đã tổ chức nhiều phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, tham gia củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội và an ninh quốc phòng.
Trên bước đường đổi mới từ năm 1989 đến năm 2005, phong trào nông dân và Hội Nông dân Thừa Thiên Huế chuyển biến mạnh, khởi săc trên nhiều lĩnh vực.
Việc chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng hội viên được các cấp Hội tiến hành đồng bộ. Hội các cơ sở đã thực sự có cải tiến phương thức tập hợp hội viên, nông dân bằng hình thức gắn nghĩa vụ với quyền lợi nên đã thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia sinh hoạt Hội. Số lượng hội viên được kết nạp trong năm 2005 tăng cao nhất trong 5 năm 2000-2005. Công tác chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội tiếp tục được đổi mới và sâu sát cơ sở hơn. Vị thế của Hội được nâng lên rõ rệt.
Công tác tuyên truyền từng bước được các cấp Hội đổi mới đã nâng cao nhận thức về lý luận và thực tiễn cũng như ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, hội viên, nông dân các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, ổn định tình hình chính trị nông thôn, làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi dần tiêu cực và các tệ nạn xã hội, ngày càng củng cố, nâng cao niềm tin của giai cấp nông dân đối với Đảng và Nhà nước.
Việc tổ chức triển khai các chương trình phối hợp với các Ban của Trung ương Hội, các Sở, Ban ngành của tỉnh được đẩy mạnh, đã huy động tốt các nguồn lực, chương trình dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng cao, công tác xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng thu được nhiều kết quả. Ở các địa phương, công tác dân số, gia đình và trẻ em, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, xây dựng làng văn hóa, gia đình nông dân văn hóa được các cấp Hội duy trì thường xuyên và tạo được sự chuyển biến tích cực.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới, các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa đều có quan hệ chặt chẽ với hoạt động của giai cấp công nhân trong lĩnh vực chế biến nông, lâm thủy sản, chế tạo công cụ sản xuất mới... Đây cũng là biểu hiện sinh động của liên minh công - nông - trí thức trong thời kỳ đổi mới.
Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của các cấp cấp ủy Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, các ban ngành chức năng của tất cả các huyện, xã trong tỉnh và sự nỗ lực của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh.
Từ thực tiễn phong trào nông dân và Hội Nông dân Thừa Thiên Huế 1930-2005, có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm sau:
Trong thời kỳ tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vấn đề nông dân quan hệ trực tiếp tới sự thành công hay thất bại của cách mạng. “Dân cày đóng một vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc, là nguồn gốc của quân đội và là cơ sở chủ lực của chính trị, căn bản của kinh tế. Không nắm được dân cày thì không thể thành công. Do đó chúng ta càng nhận rõ công tác nông vận là công tác trọng tâm của dân vận” . Bác Hồ chỉ rõ: Vận động nông dân là phải vận thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội Nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc”.
Từ đó, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Hội Nông dân cứu quốc tỉnh tăng cường “giáo dục cho nông dân thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, có tư tưởng tiến bộ và tập thể, đánh tan những tàn tích phong kiến còn sót lại để mạnh bạo thực hiện những cải tiến kỹ thuật trong việc tăng gia sản xuất và kiến thiết nền dân chủ mới.
Tích cực đưa lại quyền lợi cho nông dân bằng cách triệt để thi hành chính sách ruộng đất, hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức; cải cách ruộng đất đi đôi với việc tăng gia sản xuất và cải tiến kỹ thuật; tăng gia sản xuất và bảo vệ mùa màng để bồi dưỡng lực lượng. Làm cho nông dân thấu hiểu chính sách ruộng đất của Đảng, làm cho họ hiểu những quyền lợi do cách mạng đem lại.
Thực hiện liên minh công nông. Cần nhận rõ dân cày không liên minh với công nhân thì dân cày không được giải phóng, trái lại công nhân không liên minh với nông dân thì cách mạng vô sản không thành công” .
Do đó, “cần phải xây dựng nông Hội vững mạnh. Kiện toàn ban chấp hành các cấp, kiện toàn Ban Chấp hành nông Hội tỉnh, lấy việc thi hành chính sách ruộng đất để củng cố nông Hội” .
Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng từ năm 1986 đến nay, “Đảng xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu và đặt nhiệm vụ đó trong mối quan hệ chặt chẽ với vấn đề nông dân và nông thôn để khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” . Trên bước đường xây dựng nông thôn mới của một nước Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị, và trên thực tế Hội đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Từ thực tế hoạt động của Hội, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, tranh thủ và bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể là điều kiện quan trọng để các cấp Hội tổ chức tốt các phong trào nông dân cũng như xây dựng Hội. Hội đề ra nhiệm vụ, mục tiêu và phương pháp hoạt động của phong trào nông dân phải dựa trên cơ sở nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thấu hiểu nguyện vọng và năng lực của quần chúng. Mặc khác, nhiệm vụ của Ban Chấp hành Hội các cấp là đề xuất ý kiến tham mưu về công tác xây dựng Hội, nhất là công tác cán bộ và công tác xây dựng phong trào quần chúng, đồng thời phản ánh kịp thời tình hình, nguyện vọng của quần chúng và kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách hiện hành.
Hai là, muốn xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội phải dựa vào hội viên, đến với nông dân, gắn bó với nông dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng và xuất phát từ lợi ích của nông dân để phát động tổ chức các phong trào sản xuất nông nghiệp toàn diện dưới sự quản lý, điều hành của Hội. Bằng nhiều hình thức, nội dung khác nhau, Hội phát huy cho được nội lực của giai cấp nông dân kết hợp với hướng dẫn giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thực hiện xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Qua đó xây dựng sự đoàn kết tương trợ, tình làng nghĩa xóm để tập hợp lực lượng và giúp cho nông dân thấu hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ba là, muốn phong trào thành công phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có uy tín, năng lực, nhiệt tình, phải có được lực lượng hội viên, nông dân làm nòng cốt. Hội phải biết chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, nêu cao tính tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, không ỷ lại trông chờ.
Bốn là, trong hệ thống tổ chức cấp Hội, việc tập trung chỉ đạo xây dựng cơ sở Hội có tầm quan trọng đặc biệt. Phát triển và củng cố cơ sở Hội là nhiệm vụ thường xuyên, được tiến hành bằng cách tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, nông dân hiểu Hội là tổ chức của mình, hoạt động vì lợi ích kinh tế xã hội thiết thân của mình. Qua đó, đẩy mạnh các hoạt động của Hội ngày càng sâu rộng trong quần chúng, góp phần nâng cao chất lượng hội viên và phát triển thêm nhiều hội viên mới.
Năm là, Hội nhất thiết phải có quỹ tài chính. Nơi không có quỹ Hội thì Hội khó phát động được phong trào, đoàn kết thôn xóm yếu, sinh hoạt Hội lỏng lẻo, cán bộ Hội lơ là, thiếu trách nhiệm trước nông dân. Chính quỹ Hội góp phần quan trọng vào sự tồn tại và phát triển của Hội.
Sáu là, việc tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, tổng kết có vai trò rất quan trọng, qua đó giúp cơ sở thấy được nhân tố mới để phát huy, thấy cái sai để sửa và Hội mới nắm được tâm tư, nguyện vọng của hội viên, giải quyết được quyền lợi chính đáng của hội viên, thực hiện tốt cầu nối giữa nông dân với Đảng. Hội các cấp phải thường xuyên kiểm tra các hoạt động của mình và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở, tránh tình trạng buông lỏng cơ sở và hội viên, nông dân, đồng thời bảo đảm quyền làm chủ của nông dân theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”.
Tự hào với quá khứ xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, nông dân và Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế hôm nay càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục tiến công vào nghèo nàn, lạc hậu để một nông thôn mới của tất cả mọi người dân ngày càng khởi sắc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. SÁCH
1. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Văn kiện Đảng 1930-1945. Nxb Sự thật (ST), Hà Nội (HN), 1977.
2. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, Di tích, địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế. Nxb Thuận Hóa (TH), Huế (H), 2001.
3. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Những trận đánh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên địa bàn Thừa Thiên Huế 1945-1975, tập I. Nxb Chính trị quốc gia (CTQG), HN, 2005.
4. Cao Xuân Huy, Thạch Can (chủ biên), Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập II. Nxb Khoa học xã hội (KHXH), HN, 1978.
5. Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919 - 1945). Nxb Giáo dục (GD), HN, 2000.
6. Dương Văn An, Ô châu cận lục. Hiệu đính và dịch chú: Trần Đại Vinh - Hoàng Văn Phúc. Nxb TH, H, 2001.
7. Đại hội đại biểu nông dân tập thể và những đơn vị, cá nhân sản xuất nông nghiệp giỏi tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ nhất. Hội Nông dân tập thể và Ty Văn hóa thông tin Bình Trị Thiên ấn hành, tháng 6-1978.
8. Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể Bình Trị Thiên lần thứ hai, Báo cáo tình hình và nhiệm vụ trình bày tại Đại hội, tháng 4 -1984.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, các tập 2-47. Nxb CTQG, HN, 1998-2006.
11. Đặng Phong, Kinh tế miền Nam Việt Nam thời kỳ 1955-1975. Nxb KHXH, HN, 2004.
12. Hoàng Anh, Quê hương và cách mạng. Nxb TH, H, 2001.
13. Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb CTQG, HN, 2000.
14. Lê Chưởng, Trên những chặng đường chiến đấu. Nxb CTQG, HN, 2004.
15. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục. Bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh. Nxb Văn hóa thông tin (VHTT), HN, 2007.
16. Lê Tự Đồng, Tình dân biển cả. Nxb TH, H, 1993.
17. Lịch sủ biên niên xứ ủy Nam Bộ và Trung uơng Cục miền Nam (1954-1975). Nxb CTQG, HN, 2002.
18. Ngô Kha (chủ biên), Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập II (1954-1975). Nxb CTQG, HN, 1995.
19. Ngô Kha (chủ biên). Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập III (1975-2000). Nxb CTQG, HN, 2000.
21. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, bản dịch của Hoàng Văn Lâu. Nxb VHTT, HN, 2000.
22. Nguyễn Đình Đầu. Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Thừa Thiên. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
23. Nguyễn Hữu Châu Phan, Phong trào kháng thuế Thừa Thiên Huế năm 1908. Tập san Nghiên cứu Huế, tập I, 1999.
24. Nguyễn Q Thắng, Huỳnh Thúc Kháng - con người và văn thơ. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1972.
25. Nguyễn Thành, Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945. Nxb KHXH, HN, 1984.
26. Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn. Nxb Lửa thiêng, Sài Gòn, 1971.
27. Nguyễn Văn Hoa (chủ biên), Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử. Nxb KHXH, HN, 2005.
28. Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1958-1897). Tác giả xuất bản, California, USA, 1994.
29. Nhiều tác giả, Bình Trị Thiên tháng Tám bốn lăm. Nxb TH, H, 1985.
30. Nhiều tác giả, Đảng Cộng sản Việt Nam - Chặng đường qua hai thế kỷ. Nxb CTQG, HN, 2006.
31. Nhiều tác giả, Đường Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên. Nxb Quân đội nhân dân (QĐND), HN, 1992.
32. Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Nxb HN, 1983.
33. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (chính biên), tập 33. Nxb KHXH, HN.
34. Thủy Dương - một Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Nxb TH, H, 1994.
35. Tiểu ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, Hồ Chí Minh thời niên thiếu. Nxb Nghệ An, 1999.
36. Tố Hữu, Nhớ lại một thời. Nxb Hội Nhà văn, HN, 2000.
37. Trịnh Nhu (chủ biên). Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam (1930-1995). Nxb CTQG, HN, 1998.
38. Trương Hữu Quýnh, Đại cương Lịch sử Việt Nam. Nxb GD, HN, 2003.
39. Võ Văn Sen, Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở miền Nam Việt Nam (1954-1975). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
II. BÁO
Báo Nhành Lúa số 4, ngày 5-2-1937.
Báo Nhành Lúa số 8, ngày 5-3-1937.
Báo Tiếng Dân, số 864, năm 1935; số 875, năm 1935; số 953, năm 1936.
III. TÀI LIỆU LƯU TRỮ
1. Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) Thừa Thiên, Báo cáo tình hình các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên tháng 10-11 năm 1947.
2. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình một năm kháng chiến.
3. UBKCHC Liên khu IV, Báo cáo tình hình Liên khu IV trong 18 tháng kháng chiến, từ ngày 19-12-1946 đến cuối tháng 5-1948.
4. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình tỉnh Thừa Thiên đệ tam cá nguyệt, từ 16-6 đến 15-9-1948.
5. UBKCHC Liên khu IV, Quyết nghị án của Hội nghị kháng chiến hành chính Liên khu IV ngày 31-5-1948.
7. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình tỉnh Thừa Thiên đệ tam cá nguyệt, từ 16-6 đến 15-9-1948.
8. Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Đề án kinh tế tài chính thi hành trong năm 1949 của Ban Kinh tài.
9. UBKCHC Liên khu IV, Báo cáo 3 tháng 1, 2 và 3-1949.
10. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tam cá nguyệt (tháng 1, 2 và 3-1949).
12. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tam cá nguyệt (tháng 7, 8 và 9-1949).
13. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình tỉnh Thừa Thiên từ ngày 1-1 đến ngày 31-10-1949.
14. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tam cá nguyệt (tháng 10, 11 và 12-1949).
15. Mặt trận Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình Bình Trị Thiên, từ ngày 19-12-1946 đến đầu năm 1950.
16. Mặt trận Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình Bình Trị Thiên từ cuối năm 1948 đến tháng 8-1950.
17. UBKCHC Liên khu IV, Báo cáo niên kết 1950 và chương trình hoạt động năm 1951.
18. Ban Chấp hành (BCH) Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Báo cáo vụ lùng ngày 12 và 13-2-1951 tại Phú Vang.
19. BCH Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Chỉ thị số 15 CT/TT, ngày 13-5-1951 về “Bổ khuyết vấn đề bảo vệ mùa màng”.
20. Mặt trận Bình Trị Thiên, Biên bản cuộc họp cán bộ trung đoàn do Bộ Chỉ huy Mặt trận Bình Trị Thiên triệu tập, ngày 20-4-1952.
21. UBKCHC Liên khu IV, Báo cáo 6 tháng đầu năm 1952.
22. Mặt trận Bình Trị Thiên, Biên bản Hội nghị Báo cáo tình hình bộ đội địa phương và dân quân Bình Trị Thiên 6 tháng 1952, ngày 11-7-1952.
23. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo thường bán niên 1952.
24. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình từ 15-8 đến 15-9-1952.
25. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình từ 15-12 đến 20-1-1953.
26. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình từ 20-4 đến 20-5-1953.
27. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình từ 20-6 đến 20-7-1953.
29. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình địch và ta năm 1953.
30. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo công tác kinh tế tài chính năm 1953.
31. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo 3 tháng đầu năm 1954.
32. UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo 6 tháng đầu năm 1954.
36. Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo của Tỉnh ủy Thừa Thiên ngày 8-4-1956.
49. Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo việc thực hiện chủ trương đấu tranh chính trị ở thành phố, nông thôn, đồng bằng 1971.
58. Tỉnh ủy Thừa Thiên, Chỉ thị số 70/CT “Kế hoạch ra sức khôi phục và phát triển nông nghiệp” của Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên.
60. Tỉnh Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên, Báo cáo tình hình tháng 6-1975 của Ban Chấp hành Tỉnh Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên.
61. Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Nghị quyết Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên về tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 29-6-1975.
62. Tỉnh Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên, Chỉ thị về việc tổ chức lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và 30 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Ban Chấp hành Tỉnh Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên Huế, ngày 11-8-1975.
64. Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo của Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên trong hội nghị toàn thể Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ tháng 1-76.
65. Ty Nông Lâm Thừa Thiên, Báo cáo sơ kết vụ Đông Xuân 1975-1976 - phần nông nghiệp, ngày 27-2-1976.
66. Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo tại cuộc họp Tỉnh ủy ngày 30-3-1976: “Phát huy thắng lợi vẻ vang trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Đảng bộ ta quyết lãnh đạo nhân dân Thừa Thiên Huế hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần đắc lực vào việc xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên giàu đẹp”.
67. Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Bình Trị Thiên, Thông báo về việc tiến hành hợp nhất các tổ chức Hội Nông dân tỉnh Bình Trị Thiên, ngày 24-5-1976.
68. Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Bình Trị Thiên, Quyết định số 14 của Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Bình Trị Thiên về tổ chức biên chế của Hội Nông dân tỉnh, ngày 28-6-1976.
69. Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Bình Trị Thiên, Quyết định số 453 của Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Bình Trị Thiên về việc thống nhất Hội Nông dân tập thể tỉnh và Ban Nông nghiệp Tỉnh ủy, ngày 17-10-1977.
70. Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Đề cương số 8 của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên về việc kết luận Hội nghị Tỉnh ủy về nông nghiệp, ngày 23-7-1977.
71. Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Báo cáo công tác tháng 7-1977, số 10BC/TU, ngày 3-8-1977 và Báo cáo tình hình sản xuất và công tác tháng 8-1977, số 14BC/TU, ngày 8-9-1977.
72. Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình 3 tháng 7, 8, 9-1977, số 16BC/TU, ngày 10-10-1977.
73. Dự thảo báo cáo tại Hội nghị phát động Đông Xuân toàn tỉnh ngày 17-10-1977 “về việc quán triệt Nghị quyết II của Trung ương Đảng và Nghị quyết III của Tỉnh ủy về nông nghiệp, phát huy kết quả vụ Đông Xuân vừa qua, phấn đấu thực hiện các mục tiêu nông nghiệp năm 1977, tiến lên giành thắng lợi toàn diện, vượt bậc nhiệm vụ phát triển nông nghiệp năm 1978, mở đầu là vụ sản xuất Đông Xuân sắp tới”, ngày 15-10-1977.
74. Ban Bí thư, Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 12-12-1977 “Về việc tăng cường công tác nông hội ở các tỉnh miền Nam”.
75. Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 về nhiệm vụ kinh tế năm 1978, số 01-NQ/TU, ngày 16-1-1978.
76. Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Báo cáo công tác tháng 2-1978, số 03BC/TU, ngày 13-3-1978 và Báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm 1978, số 08BC/TU, ngày 7-7-1978.
77. Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy về việc tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về chính sách lương thực trước mắt và tiến hành ngay việc cân đối lương thực trên bàn huyện trong năm 1979, số 2 NQ/TU, ngày 6-2-1979.
78. Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy “Một số chủ trương, biện pháp về công tác lương thực nhằm thực hiện Nghị quyết số 25 của Bộ Chính trị”, số 4/NQ-TU, ngày 18-5-1980.
79. Đảng đoàn Nông vận tỉnh Bình Trị Thiên, Báo cáo của Bí thư Đảng đoàn Nông vận tỉnh Bình Trị Thiên ngày 3-7-1980 gửi Thường vụ Tỉnh ủy.
80. Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 1980, ngày 18-9-1980.
81. Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết 02 của Thường vụ Tỉnh ủy trong Đông Xuân 1980-1981.
Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo Tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh năm 1991.
Báo cáo kết quả Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, số 33 BC/HND, ngày 23-4-1993.
Văn kiện Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh khóa VI.
Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 23-11-1999.
Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên, Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2002.
Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2004.
Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2004.
Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2004.
Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo ngày 19-7-1952 gửi Ban Thường vụ Liên khu ủy Liên khu IV.
Tỉnh ủy Thừa Thiên, Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy họp từ 15 đến 18-10-1952.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo công tác kinh tế tài chính năm 1953, số 26, ngày 10-1-1954.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên, Báo cáo về “Nhiệm vụ dân vận thu đông năm 1950”.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên, Báo cáo về “Nhiệm vụ dân vận thu đông năm 1950”.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên, Báo cáo về “Nhiệm vụ dân vận thu đông năm 1950”.
Trịnh Nhu (chủ biên). Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam (1930-1995). Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.