Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
CHƯƠNG IV
Ngày cập nhật 30/06/2009

NÔNG DÂN VÀ HỘI NÔNG DÂN THỪA THIÊN HUẾ

TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

1954 - 1975

 

I. THAM GIA ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ VÀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG, TIẾN HÀNH ĐỒNG KHỞI MIỀN NÚI (1954 - 1960)

Sau Hiệp định Genève, Mỹ thay chân thực dân Pháp thống trị miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, đồng thời dùng miền Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc, ngăn chặn phong trào cách mạng tràn xuống Đông Nam Á và uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa khác.

So với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống Mỹ gồm ba vùng khác nhau thể hiện khá rõ:

Vùng rừng núi chiếm 3/4 diện tích toàn tỉnh, phần lớn là núi cao, rừng rậm, dân cư thưa thớt. Một số căn cứ cách mạng đã được xây dựng ở đây trong cuộc kháng chiến chống Pháp như Hòa Mỹ, Dương Hòa. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng núi phía tây Thừa Thiên vốn có truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng sâu sắc, tham gia tích cực trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, tuy nhiên, cuộc sống của họ còn quá khó khăn. “Đồng bào các dân tộc ít người vẫn sống theo lối du canh, du cư, tập quán sản xuất lạc hậu, chỉ đủ ăn 6 tháng, cuộc sống còn phải dựa vào tự nhiên như hái lượm và săn bắt, nạn đói và bệnh tật thường xuyên đe dọa” [1].

Vùng nông thôn đồng bằng có diện tích hẹp hơn với các làng mạc chạy dọc theo bờ biển gồm các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang và Phú Lộc. Đây là vùng đông dân nhất của tỉnh với đại bộ phận là nông dân sống bằng nghề làm ruộng vườn. Ngay ở các làng nổi tiếng về nghề thủ công cũng tồn tại một bộ phận dân cư mà cuộc sống gắn liền với nông nghiệp. Vùng đồng bằng của tỉnh có nhiều sông, hói, một số đập vệ nông được xây dựng từ thời chống Pháp. Quan trọng hơn cả là hệ thống đường bộ và đường sắt chạy qua, nối liền các huyện với nhau và nối nông thôn với thành phố Huế.

Từ thời phong kiến, nhân dân vùng nông thôn đồng bằng đã tạo dựng được một truyền thống cần cù, chịu khó trong làm ăn và anh dũng, kiên cường trong đánh giặc. Đặc biệt là từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân các huyện đồng bằng đã đi theo Đảng làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, sau đó, suốt trong những năm khói lửa chống Pháp, đã tiếp tục vượt qua mọi thiên tai và địch họa, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Là một kho người, kho của, vùng nông thôn đồng bằng là nơi thường xuyên diễn ra cuộc tranh đấu, giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Thực dân Pháp trước đó đã bằng mọi thủ đoạn để một mặt lôi kéo nông dân, mặt khác ra sức phá hoại kinh tế nông nghiệp để gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của ta. Đến thời chống Mỹ, nông thôn đồng bằng là một trọng điểm bình định của Mỹ - ngụy. Với chủ nghĩa thực dân mới, chúng vừa đổ tiền đổ của để lôi kéo nông dân, vừa đàn áp, khủng bố dã man các cuộc đấu tranh của nông dân. Chính nông dân là nguồn lực chủ yếu để Mỹ - ngụy xây dựng ngụy quân nói chung và các lực lượng bán vũ trang nói riêng.

Đối với ta, nông thôn đồng bằng là địa bàn chiến lược rất quan trọng, là hướng tiến công chủ yếu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tính chung trong toàn tỉnh, 81% nhân dân sống bằng nghề nông là một lực lượng hùng hậu, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của cuộc kháng chiến [2].

Vùng đô thị của tỉnh có thành phố Huế là một thành phố lớn, bấy giờ chỉ xếp sau Sài Gòn và Đà Nẵng. Huế chiếm một vị trí quan trọng về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của miền Nam, là nơi tập trung các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy không chỉ của tỉnh mà còn cho cả miền Trung.

Ngày 16-6-1954, Mỹ buộc Bảo Đại đưa Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng và sau đó dựng ra ở miền Nam chính quyền Việt Nam Cộng hoà, lấy Sài Gòn làm thủ đô. Lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm thi hành một loạt chính sách phản động, tiến hành bầu cử quốc hội lập hiến ở miền Nam và ban hành Hiến pháp 1956, lập đảng Cần lao nhân vị, phong trào Cách mạng quốc gia, Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ liên đới, đồng thời khủng bố tàn bạo những người tham gia kháng chiến. Các luật lệ phát xít liên tiếp được ban hành, đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.

Ở Thừa Thiên, ngoài bộ máy ngụy quyền tỉnh, thành phố Huế và các quận, chính quyền Ngô Đình Diệm còn thiết lập ở Huế một bộ máy cai trị cấp miền (gồm các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên). Chúng còn chia lại địa bàn hành chính, thành lập các xã mới. Ngày 20-4-1956, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 711-NĐ/PC, thành lập 6 quận và 2 nha đại diện hành chính ở tỉnh Thừa Thiên: quận Phong Điền (9 xã), Quảng Điền (7 xã), Hương Trà (20 xã), Hương Thủy (13 xã), Phú Vang (13 xã), Phú Lộc (7 xã), nha đại diện hành chánh Mộc Đức (11 xã) và nha đại diện hành chánh Đình Môn - Bảng Lảng (3 xã).

Trên địa bàn tỉnh, ngụy quyền thiết lập 2 trung tâm cải huấn, một ở Thanh Tân (Phong Điền) và một ở Thành Nội (Huế) nhằm đánh vào những người yêu nước, tham gia kháng chiến. Về quân sự, ngoài lực lượng chốt đóng tại Nam Giao và Phú Bài, địch xây dựng các căn cứ ở Thuận An, Thừa Lưu, Tứ Hạ, Hòa Mỹ và ở các quận lỵ. Ở mỗi xã có lực lượng dân vệ được trang bị vũ khí.

Với âm mưu phá hoại Hiệp định Genève, trong tháng 9-1954, địch đã tập trung lực lượng mở những cuộc hành quân càn quét vào chiến khu Hòa Mỹ, Dương Hòa và các vùng căn cứ du kích từ Phong Điền đến Phú Lộc, bắn giết nhiều đồng bào ta. Chúng ngang ngược tuyên bố “không bị ràng buộc bởi Hiệp định Genève, Hiệp định không có giá trị”, đồng thời liên tiếp gây ra những vụ tàn sát đẫm máu, giết 24 người ở Kim Đôi (Quảng Điền), giết và làm bị thương hàng chục người ở Đông Lộc (Phú Vang), Vinh Hòa (Phú Lộc) [3].

Trên lĩnh vực kinh tế, từ đầu năm 1955 cho đến cuối năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cho thực hiện “chương trình cải cách điền địa” gồm 3 bước:

Bước một là Dụ số 2, ban hành ngày 8-1-1955, quy định về khế ước tá điền và mức địa tô đối với những ruộng thực đang canh tác. Điều 28 của Dụ này quy định tất cả mọi tá điền phải ký khế ước thuê ruộng của điền chủ, bất kể ruộng đó do tá điền đang thực tế canh tác. Khế ước được ký loại này gọi là khế ước loại A.

Bước hai là Dụ số 7, ban hành ngày 5-2-1955, quy định về những ruộng đất đã bỏ hoang trong thời kháng chiến. Theo Dụ này, tất cả những ruộng đất của những điền chủ bỏ vào thành phố thời kháng chiến mà chính phủ kháng chiến đã chia cho nông dân, thì các địa chủ có quyền trở về làm thủ tục khai báo để chiếm hữu trở lại và tiếp tục cho thuê như trước. Tá điền dù đã từng được cấp số ruộng đó cũng phải ký khế ước, gọi là khế ước loại B.

Bước ba là nhằm giải quyết vấn đề giới hạn quyền sở hữu của địa chủ bằng biện pháp gọi là “truất hữu”. Theo Dụ số 57, ban hành ngày 22-10-1956, mọi điền chủ ở miền Nam không được chiếm hữu quá 100 ha (không kể 15 ha làm ruộng hương hỏa). Ai có sở hữu quá 100 ha thì áp dụng chế độ “truất hữu”, tức là chính phủ mua lại số phụ trội đó. Số ruộng “truất” này được Nhà nước bán lại cho nông dân theo giá tương đương giá tiền mà chính phủ bồi thường cho người bị truất hữu đất [4].

Kết quả là “chương trình cải cách điền địa” của chính quyền Sài Gòn đã giúp cho địa chủ lấy lại ruộng đất mà trước đây kháng chiến đã chia cho nông dân. Nông dân khắp các quận trong tỉnh rơi vào cảnh làm thuê với thân phận tá điền, quanh năm lam lũ nhưng cơm vẫn không đủ ăn.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa II (7-1954), mà nội dung cơ bản là chuyển cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị, ngày 24-8-1954, Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức Hội nghị Cán bộ toàn tỉnh tại chiến khu Hòa Mỹ. Hội nghị đã quyết định một số vấn đề cấp bách như: kết hợp chặt chẽ đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, lấy hoạt động bí mật là chính; hình thức và phương pháp đấu tranh phải linh hoạt, kết hợp đấu tranh chính trị với khẩu hiệu đòi quyền dân sinh dân chủ cho mọi tầng lớp nhân dân; tuyệt đối không để bộc lộ lực lượng nhưng cũng không vì giữ bí mật, giữ lực lượng mà thủ tiêu đấu tranh; về địa bàn phải coi trọng cả thành thị và nông thôn. Tỉnh ủy quyết định phát động phong trào rộng lớn trong toàn tỉnh nhằm “Đấu tranh khôi phục đời sống bình thường sau chiến tranh, đòi địch thi hành Hiệp định, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, chống khủng bố những người kháng chiến cũ, chống cướp ruộng đất, đòi hiệp thương tổng tuyển cử” [5].

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân Thừa Thiên Huế đã dấy lên một phong trào đấu tranh sôi nổi đòi địch thi hành hiệp định Genève, chống khủng bố những người kháng chiến và đòi các quyền dân sinh, dân chủ.

Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, hàng nghìn văn bản Hiệp định được in và phổ biến trong thành phố và các huyện. Có tiếng vang hơn cả là phong trào Hòa bình quy tụ nhiều trí thức tên tuổi tham gia với nhiều hình thức hoạt động như tổ chức cứu đói và xóa nạn mù chữ cho bà con nông dân.

Tại các huyện, bằng nhiều hình thức, nhân dân liên tục nổi dậy uy hiếp địch, hỗ trợ cho cán bộ làm nhiệm vụ, cùng với cán bộ đấu tranh đòi địch phải thi hành Hiệp định Genève. Tại Quảng Điền, ngày 2-8-1954, nhân dân các làng Kim Đôi, Thành Trung, Thủy Điền, Phú Lương, Tây Thành, Phú Ngạn, biểu tình bao vây đồn Kim Đôi kêu gọi lính ngụy bỏ súng về với nhân dân. Khi đoàn biểu tình vượt qua hàng rào kẽm gai tràn vào đồn để trực tiếp vận động binh lính, địch đã bắn vào nhân dân làm 2 người chết và 49 người khác bị thương. Đây là một trong những vụ tàn sát lớn nhất của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với nhân dân miền Nam ngay khi Hiệp định Genève còn chưa ráo mực.

Cũng tại Quảng Điền, ngày 5-11-1954, khi địch cho công an và nhân viên phòng tình báo Tiểu đoàn 24 về vây bắt cán bộ ta đang hoạt động ở làng An Cư, nông dân trong làng đã nổi dậy bao vây địch, chất vấn chúng và đòi trả tự do cho những người bị bắt.

Tại Phú Vang, ngày 7-11-1954, địch mở cuộc hành quân vây bắt cán bộ ta đang tổ chức dân chúng học tập chính trị tại làng Đông Lộc. Để bảo vệ cho cán bộ, nông dân đã đánh mõ đập thùng, mang đùi gậy bao vây uy hiếp địch để giải nguy cho cán bộ ta. Trước khí thế đó, địch cho quân tiếp viện, nhưng khi đến Lê Xá thì bị dân chúng trên 500 người bao vây, bằng vũ khí tự có bà con đã chống trả địch kịch liệt.

Tại Phong Điền, ngày 31-10-1954, khi địch ở đồn Thế Chí Tây mở cuộc hành quân vào làng, quần chúng đã đánh mõ báo động vây bắt địch, sau đó kéo đến bao vây đồn và bắt luôn viên đồn trưởng. Cũng ở Phong Điền, ngày 13-11-1954, địch cho lính Nghĩa dũng đoàn và Tiểu đòan 7 mở cuộc vây bắt cán bộ ta đang hoạt động ở làng Vĩnh An. Khi một số cán bộ của ta bị bắt, nông dân trong làng đã nổi dậy bao vây địch, buộc chúng phải trả lại [6].

Tháng 10-1954, tại thôn Lang Xá Bàu (Hương Thủy), Tỉnh ủy họp xem xét tình hình sau hai tháng thi hành Hiệp định, quyết định phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn trong toàn tỉnh với khẩu hiệu: “Dân sinh, dân chủ, hòa bình, thống nhất”, trước mắt tập trung cho khẩu hiệu “dân sinh”, đòi cứu đói, đòi đắp đập Thuận An ngăn nước mặn, đòi khôi phục đời sống bình thường sau chiến tranh [7].

Từ tháng 11-1954 đến giữa năm 1955, phong trào đấu tranh đòi địch đắp đập Thuận An diễn ra gần như đều khắp các quận trong tỉnh, thu hút hàng vạn người tham gia. Mở đầu là cuộc đấu tranh của nông dân xã Phú Đa (Phú Vang) vào ngày 23-11-1954 với việc biểu tình bao vây đồn Mộc Đức. Bất chấp sự ngăn cản của địch, bà con đã xông vào đồn buộc tên chỉ huy phải đệ trình “đơn thỉnh nguyện” đã chuẩn bị sẵn lên cấp trên, trong đó yêu cầu ngụy quyền cứu đói và đắp đập Thuận An.

Tiếp theo, đã có hàng trăm lá đơn của nhân dân các xã, làng, vạn, giáp, xóm gửi đến ngụy quyền Thừa Thiên yêu cầu đắp đập Thuận An chống nước mặn xâm nhập gây đói khổ cho nông dân. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng từ tỉnh xuống các địa phương, những lá đơn được ký với đầy đủ mọi thành phần của làng, xã, vạn, giáp, xóm, không chỉ hàng chức sắc, hào lão, đại diện các họ tộc, mà cả đại diện từng hộ gia đình, cả nam nữ, và có cả những người trong bộ máy chính quyền địch ở xã thôn, liên tiếp gửi tới ngụy quyền địa phương.

Đơn đề ngày 27-12-1954 của hào cựu, ban Hội đồng hương chính và nhân dân Nghi Giang (Phú Lộc), sau khi nêu rõ tình trạng đói khổ của nhân dân trong xã đã vạch ra rằng: “Nhân dân đói khổ, nhưng hiện nay cấp trên sức cấm ban đêm không được ra đường. Vả lại nhân dân làm ruộng không có ăn, đêm hôm đi soi cá, đi rớ, đi làm các nghề khác để sinh sống, nhưng cấm lại đói khổ thêm, nhân dân không thể sinh sống bằng cách nào nữa. Nên chúng tôi kính trình quý ông thẩm nghĩ thế nào để nhân dân ban đêm được đi lại làm ăn dễ dàng” [8]. Trong đơn đề ngày 17-1-1955 của nhân dân thôn Phước Tượng (Phú Lộc), ngoài việc xin đắp đập Thuận An còn yêu cầu cho nhân dân đi lại làm ăn và mở trường dạy học, để cho con em được học hành.

Ngày 1-5-1955, 3 vạn người từ các quận kéo về Huế tham gia cuộc biểu tình tại Phu Văn Lâu. Đòan biểu tình đã giương cao khẩu hiệu: “Phải đắp đập Thuận An ngăn nước mặn để đảm bảo cho dân gia tăng sản xuất” cùng với nhiều khẩu hiệu khác đòi quyền dân sinh dân chủ, chống khủng bố, đòi thiết lập quan hệ Bắc - Nam.

Kéo dài suốt nhiều tháng với hàng vạn người tham gia, “phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, cứu đói, đắp đập Thuận An ngăn nước mặn do Đảng lãnh đạo đã tập hợp được một lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân trong giai đoạn đấu tranh chính trị. Phong trào đấu tranh đã khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương đất nước, tình nghĩa xóm làng, tinh thần cộng đồng; củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân vốn là nguồn sức mạnh trường tồn của dân tộc ta” [9].

Trong một diễn biến khác, khi Ngô Đình Diệm trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 để phế truất Bảo Đại, nhân dân ở nhiều xã đã vứt thùng phiếu tẩy chay, đồng thời tổ chức mít tinh, diễn thuyết vạch trần bộ mặt bán nước của ngụy quyền.

Lúc 3 giờ sáng ngày 23-10-1955, địch bắt các ban tề đánh thanh la vang thôn xóm, tiếp tục các đơn vị bảo chính hành quân bắn từng loạt súng để uy hiếp tinh thần nhân dân, mờ sáng là lùa nhân dân đi bỏ phiếu. Việc tổ chức bỏ phiếu chúng cũng dùng nhiều thủ đoạn man trá. Ở Phú Vang, Phú Lộc chúng trắng trợn bắt ngay những người bỏ phiếu cho Bảo Đại hoặc chất vấn đấu tranh như ở Phú Vang bắt 12, Phú Lộc bắt 4.

Trước ngày bỏ phiếu, ở Phú Vang, Phú Lộc đều rải khẩu hiệu “Đả đảo Ngô Đình Diệm độc tài và ngoan cố”, “Phản đối trưng cầu dân ý”. Ở Phú Lộc có nông dân không viết được chữ đã mượn người đúc khẩu hiệu vào tấm thùng thiết rồi tối đem sơn đi tô các chữ đó lên các bức tường.

Trong ngày bầu phiếu, địch cho lính đi lùa nhân dân đến thùng phiếu nhưng nhân dân đã đấu tranh giằng co kéo dài, có thùng phiếu đến 7 giờ tối vẫn chưa xong, chủ yếu là đấu tranh đòi tự do dân chủ, bỏ phiếu kín, kết hợp các khẩu hiệu đòi giải quyết nạn đói, tha những người bị bắt.

Kết quả cuộc bầu phiếu ở Phú Vang, Phú Lộc đã có 300 khẩu hiệu đòi hiệp thương, quyền lợi bỏ vào thùng phiếu, có 4.500 ảnh Ngô Đình Diệm bị xé. Ở Phú Lộc, nhiều nơi chúng đã phải tuyên bố kết quả là 50/100 số phiếu không hợp lệ (gạch mặt, bỏ phiếu trắng, khẩu hiệu) [10].

Để tạo dựng cơ sở xã hội làm chỗ dựa cho chế độ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành cưỡng bức đồng bào theo Công giáo ở miền Bắc di cư vào miền Nam. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ địch cho thiết lập hai trại di cư ở Truồi và ở Lương Văn.

Trại di cư ở Truồi tập trung trên 1.000 người thuộc vùng Kế Son, Kẻ Bàng (Quảng Bình). Thời gian đầu đồng bào chưa có nhà ở, đói khát, cực khổ, đã có 20 người bị chết. Sau chúng xây dựng ở đây thành nơi điển hình di cư để hòng mua chuộc, lừa phỉnh để ổn định tình hình di cư của chúng. Nói chung tinh thần đồng bào là ưa trở về quê hương nhưng sợ địch khủng bố. Trại di cư ở Lương Văn gồm có 120 gia đình. Địch tìm cách mua chuộc dọa dẫm như chúng nói “Quốc tế đến ai có chồng con ở Bắc muốn vào làm đơn trình với quốc tế, ai muốn ra thì ra nhưng ra rồi sẽ chết” [11].

Dưới bàn tay của bạo chúa Ngô Đình Cẩn, chính quyền Ngô Đình Diệm đã triển khai chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” ở Thừa Thiên hết sức ác liệt nhằm tiêu diệt tận gốc mầm mống cách mạng trong nhân dân.

Tháng 5-1955, địch mở chiến dịch “tố cộng” đợt 1. Chúng bắt tất cả đảng viên, quần chúng tích cực đi học tập. Trọng điểm “tố cộng” đợt 1 của địch ở Thừa Thiên Huế là các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà. Ở mỗi huyện, chúng tập trung đánh phá các xã có phong trào cách mạng mạnh. Các đoàn lưu động về xã có đủ quyền thành lập nhà giam, bắn, giết người [12].

Ở các lớp học “tố Cộng”, tay chân Ngô Đình Cẩn ra sức nói xấu Đảng, xuyên tạc chủ trương, chính sách của cách mạng, vu khống cán bộ đảng viên cộng sản và bắt phải khai báo, đầu hàng và ly khai Đảng.

Đối với quần chúng nông dân ở các xã thôn, chính quyền Sài Gòn tiến hành phân chia làm 3 loại để theo dõi và đưa vào các lớp học “tố Cộng” với mức độ khác nhau. Loại A gồm những người vừa tham gia kháng chiến và gia đình có con em đi tập kết, học ở quận 3 tháng. Loại B gồm những người có cảm tình với cách mạng, học ở xã hoặc liên xã 1 tháng. Loại C gồm những gia đình có người tham gia ngụy quân, ngụy quyền, học ở xã trong 10 ngày.

Chúng thường xuyên gây ra một tâm lý hoang mang, lo sợ trong từng gia đình, thôn xóm. Chúng bắt con tố cáo cha mẹ, anh em tố cáo nhau, bắt vợ ly dị chồng đi tập kết. Ban đêm, chúng cấm mọi người dân thắp đèn, cấm đi lại, bắt đảng viên và các gia đình có người tập kết tập trung tới ngủ ở trụ sở xã, ấp.

Trong chiến dịch “tố cộng” đợt 1, Mỹ - Diệm đã giết hàng trăm cán bộ, đảng viên, đồng bào yêu nước Thừa Thiên Huế, gây ra những thảm cảnh rùng rợn, làng xóm tiêu điều, bà con ruột thịt cũng không còn tin nhau. Không thể kể xiết những thủ đoạn tàn bạo trong khủng bố, giam cầm, tra tấn và giết hại những người yêu nước, những cán bộ đảng viên cộng sản trong các đợt “tố Cộng” và trong các nhà giam mọc lên khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Anh Phan Chí (Phong Thu) bị treo lên xà nhà và bị đánh cho đến chết. Chị Thái Thị Thiu (Phong Sơn) bị đánh đến văng thai. Nhiều người bị treo lên cây rồi bị bắn. Nhiều người khác bị giết bằng những nhác cuốc bổ vào đầu hoặc bị bỏ vào bao tải rồi ném xuống sông v.v..

Tháng 8-1955, Tỉnh ủy họp hội nghị nhấn mạnh nhiệm vụ lãnh đạo đấu tranh chống các chiến dịch “tố cộng” của địch, phát động tinh thần trung kiên, giữ trọn khí tiết đảng viên cộng sản, giáo dục lòng yêu nước, một lòng sắt son thủy chung với cách mạng, quê hương, nâng cao lòng căm thù Mỹ - Diệm trong nhân dân, cảnh giác trước những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống chính sách “tố Cộng” đã xuất hiện rất nhiều tấm gương bất khuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong các buổi đấu tố, nhiều cụ già, nông dân đã lấy những việc làm cụ thể của chính quyền để tố cáo tội ác dã man của chúng, biến những buổi “tố cộng” của địch thành những cuộc đấu tranh tố cáo tội ác của chế độ tay sai Ngô Đình Diệm [13].

Cuối năm 1955 đầu năm 1956, địch mở chiến dịch “tố cộng” đợt 2 (gọi là Chiến dịch Trịnh Minh Thế) tiến hành khủng bố dai dẳng. Chúng mở rộng địa bàn đánh phá hòng phát hiện cơ sở nội tuyến, cán bộ đổi vùng. Theo báo cáo số 102-VP/TT của Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, ngày 2-4-1956:

“Địch vẫn ráo riết khủng bố bắt bớ, tập trung nhân dân vào các trại. Chưa kể 2 huyện Phú Vang và Quảng Điền, tổng số địch bắt và tập trung toàn tỉnh là 3.355 người (chưa đầy đủ). Có những nhà giam đến 200 người như ở Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc, gồm đại bộ phận là gia đình cán bộ, tập kết, cơ sở ta và những người được chúng gọi là tình nghi chống lại chúng ngay cả trong nội bộ chúng. Ở Phong Điền có nhiều thôn chúng bắt sạch chỉ còn bà già, con nít như Khánh Mỹ, Vĩnh Nguyên.

Trong việc học tập và khủng bố chúng vẫn tiếp tục dùng những thủ đoạn tra tấn tàn nhẫn. Xung quanh lớp học hay nhà tập trung chúng đều rào dây thép gai, cho hương vệ, bảo an canh gác. Trong lớp học 200 người ở La Chữ có bà mẹ đứng lên chất vấn về tự do dân chủ, chúng đã bắt 199 người kia đánh mẹ mỗi người một tai, ai không chịu đánh là chúng đánh ngay người ấy. Khi một bác phụ lão đã hô đả đảo Ngô Đình Diệm, chúng liền bắt quỳ 2 ngày, giong 2 tay lên, dưới nách cắm hai cọc tre nhọn không cho hạ xuống. Trại tập trung ở thôn Cổ Bưu cứ buổi tối đến chúng bắt quỳ từ 7 giờ đến 9 giờ và sáng quỳ 1 giờ mới được đi về làm ăn” [14].

Tháng 12-1956, Tỉnh ủy họp, đề ra chủ trương cho cán bộ, đảng viên còn lại rút vào hoạt động bí mật, một số đồng chí vào làm ăn và móc nối với Đảng bộ các tỉnh cực nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Sau chiến dịch “tố Cộng” giai đoạn 2 của địch, các huyện ủy, xã ủy tan vỡ gần hết. Trên hai tỉnh Trị - Thiên, đến cuối năm 1958 chỉ còn 160 so với 23.400 đảng viên trước đó. Mặc dầu vậy, nhân dân Thừa Thiên Huế vẫn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Những kỷ vật do bộ đội Cụ Hồ trao tặng, đồng bạc tài chính có in ảnh Hồ Chủ tịch vẫn được nhân dân cất giấu, giữ gìn.

Tháng 11-1957, trước phong trào đồng bằng và thành phố bị tổn thất nặng nề, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế còn lại 4 đồng chí đã họp tại bản Ấp Rùng xã Thượng Long (miền tây huyện Phú Lộc) quyết định xây dựng miền núi Thừa Thiên thành căn cứ địa cách mạng, sử dụng và phát huy vai trò miền núi đối với phong trào cách mạng toàn tỉnh [15].

Bấy giờ cuộc sống của đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi tây Thừa Thiên còn du canh, du cư, nhiều phong tục tập quán mang dấu ấn thời cộng đồng nguyên thủy. Ví như dân tộc Cà Tu, làng này còn đem người đi đánh làng kia để cướp con gái. Có khi 3 người đàn ông cùng góp trâu, đồng, dao, rựa chung vốn để đi đổi một phụ nữ làm vợ chung [16].

Các cuộc đấu tranh chính trị ở miền núi bắt đầu được dấy lên với nội dung phong phú như chống bắt lính, chống thuế, chống phá hoại mùa màng, đòi tự do đi lại làm ăn, đòi được tự do xuống đồng bằng để mua gạo, vải, muối. Nổi bật là cuộc đấu tranh của hàng trăm đồng bào miền núi Phong Điền, Hương Trà kéo về quận lỵ Nam Hòa đòi được về đồng bằng mua lương thực, công cụ lao động, vải, muối, tên quận trưởng buộc phải chấp nhận yêu sách của nhân dân.

Nhiều gia đình đồng bào các dân tộc miền núi đã hết lòng nuôi dưỡng cán bộ, cụ già và các cháu nhỏ phải ăn khoai, sắn, ngô mà vẫn dành gạo, nếp, muối tiếp tế cho cán bộ ở ngoài rừng. Cán bộ cách mạng bám trụ ở miền núi là nhờ sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân [17].

Kết quả là trong năm 1957, ở miền núi một số cơ sở được xây dựng và kết nạp thêm đảng viên. Nhân dân tổ chức ăn thề giữa các thôn bản, nguyện đoàn kết một lòng bảo vệ bản làng, bảo vệ cách mạng. Qua năm 1958, miền núi Thừa Thiên đã có 15 chi bộ và 60 đảng viên. Phong trào đấu tranh chống địch gom dân và lập làng bản chiến đấu trở nên sôi nổi, quyết liệt. Ở Ba Đa, Khe Tre (vùng núi Phong Điền), nhân dân đã phá trại tập trung và trở về làng cũ.

Từng bước, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang tự vệ bằng vũ khí thô sơ đã nảy sinh. Nhân dân gài chông, đặt bẫy dưới hình thức hợp pháp là chống thú rừng, bảo vệ nương rẫy, bản làng. Trên cơ sở phong trào quần chúng, ở miền núi đã hình thành các tổ chức tự vệ nhân dân và du kích mật làm nòng cốt cho hoạt động vũ trang.

Cùng với phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm, nhân dân các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế còn đóng góp sức người, sức của để mở Đường vận tải chiến lược 559 qua miền núi của tỉnh.

Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp Hội nghị lần thứ 15 và ra Nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam. Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nghị quyết nhấn mạnh: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân[18].

Tháng 7-1959, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế mở Hội nghị tiếp thu Nghị quyết 15 tại làng Cà Chê (Hương Sơn). Sau khi triển khai nghị quyết 15, các Huyện ủy, Thành ủy từng bước được kiện toàn. Các đội công tác được thành lập trở về bám trụ địa phương, vùng nông thôn đồng bằng của tỉnh bắt đầu có những chuyển biến tích cực, phong trào cách mạng dần dần khôi phục và phát triển.

Trước tình hình đó, địch đã mở các cuộc hành quân càn quét vây bắt, gom dân vào các khu A Lưới, A So, Khe Tre, Nam Đông hoặc dồn vào các khu định cư An Bằng, Cư Chánh. “Càn quét đến đâu, chúng đốt phá, cướp bóc đến đó. Những rẫy lúa chín vàng, những nương sắn, nương khoai, rẫy bắp đang đến kỳ thu hoạch bị chúng đốt sạch, phá sạch” [19].

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Liên khu ủy 5 (tháng 4, 5-1960) là “củng cố, mở rộng và nối liền các trung tâm căn cứ, tiến lên thực sự làm chủ ở rừng núi” [20], tháng 10-1960, Tỉnh ủy chủ trương phát động đồng khởi miền núi, giành chính quyền về tay nhân dân, qua đó góp phần phát triển đường giao thông chiến lược và xây dựng miền núi thành căn cứ địa vững chắc của toàn tỉnh. Ban Cán sự miền núi mở lớp tập huấn cho 30 cán bộ tại làng Gôn, xã Thượng Long (Nam Đông), thảo luận chủ trương, biện pháp phát động quần chúng, xác định kế hoạch đồng khởi cụ thể của từng xã, nhất là hai xã đột phá điểm Hương Lâm và Phong Lâm (A Lưới).

Sau khi dự lớp tập huấn 22 ngày, cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã khẩn trương bắt tay vào việc, tích cực chuẩn bị cho cuộc đồng khởi ở các xã miền núi.

Đêm 18-10-1960, cán bộ cùng du kích xã Phong Lâm bí mật về Khe Tranh tiến hành diệt ác, trừ gian và cảnh cáo một số tên tay sai, đồng thời phát động nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ. Cùng lúc, du kích tiến công trụ sở xã Hương Lâm, bắt gọn một trung đội địch. Hơn 2.000 đồng bào Hương Lâm đã mít tinh, tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm và tuyên bố chính quyền về tay nhân dân.

Tháng 12-1960, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây được thành lập. Trong số 18 căn cứ ở miền núi trước đây, địch phải rút bỏ hết 15, chỉ còn lại 3 vị trí Nam Đông, A So và Khe Tre.

“Đi dọc trên núi Trường Sơn, thỉnh thoảng lại gặp những trạm liên lạc, những trạm thu mua, những bộ phận mậu dịch của cách mạng. Ở đây, cứ mỗi buổi sáng, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô gùi đến những gùi hàng lâm sản như xương hổ, xương khỉ, mây, lá, trầm hương, mộc nhĩ… để đổi lấy những thứ cần thiết như muối, vải, đá lửa, giấy bọc, thuốc chữa bệnh, áo quần may sẵn… Hoạt động mậu dịch này tuy còn nhỏ bé và đơn giản, nhưng chính nhờ nó mà đã giải quyết được một phần những nhu cầu sinh hoạt của nhân dân miền núi và một phần cho đồng bào miền xuôi. Nhờ đó, đời sống kháng chiến tuy khó khăn, đồng bào vẫn tin tưởng ở thắng lợi, tin tưởng ở Cụ Hồ” [21].

Từ căn cứ địa miền núi, các Huyện ủy viên tỏa về đồng bằng móc nối thêm cơ sở. Một số cơ sở cách mạng và chi bộ Đảng được xây dựng ở các xã vùng nông thôn. Tuyên ngôn và Chương trình hoạt động gồm 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bắt đầu được tuyên truyền trong dân chúng, trước hết là đối với các gia đình cơ sở cách mạng [22]. Hàng chục thanh niên nông thôn đã thoát ly, tham gia kháng chiến.

Giai đoạn 1954-1960 là những năm khó khăn của cách mạng miền Nam nói chung và của Thừa Thiên nói riêng. Tính chung trong toàn tỉnh, chỉ có vùng núi ở phía tây là cơ bản thuộc về cách mạng, còn lại các quận và thành phố Huế vẫn nằm trong sự kềm kẹp nặng nề của địch. Người nông dân ở các làng xã và vùng ven thành phố Huế với “chương trình cải cách điền địa” của chính quyền Ngô Đình Diệm trở nên khốn đốn hơn trước. Tất cả số ruộng đất được chính quyền kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp quân cấp đã không còn nữa. Đại bộ phận nông dân trong tỉnh rơi vào tình trạng làm thuê. Chỉ ở những nơi mà truyền thống xã thôn về công hữu ruộng đất còn mạnh thì nông dân đỡ khổ hơn. Họ được cấp ruộng khẩu phần của làng, canh tác và nộp thuế cho cả ngụy quyền và làng xã (khoản nộp cho làng xã lại được chi dùng cho các hoạt động tế tự theo truyền thống).

Tuy nhiên, cuộc sống của người nông dân sau lũy tre làng giai đoạn này vẫn rất tối tăm do phải đóng rất nhiều thứ thuế trong khi hoa lợi thu được không nhiều hơn so với giai đoạn trước. Ngụy quyền “bắt dân đóng góp nặng nề, ngoài những thứ thuế khác, chúng còn bắt đóng thuế thân mỗi người 75 đồng, thuế trâu mỗi con 60 đồng, thuế chó mỗi con 20 đồng” [23].

Trong canh tác nông nghiệp, hình ảnh con trâu đi trước cái cày đi sau vẫn thường xuyên xuất hiện trên đồng ruộng của tất cả các làng. Các loại giống lúa không thay đổi so với trước, vẫn là lúa hẻo, lúa chiêm…, dài ngày và năng suất thấp. Phân bón thì vẫn là các loại phân tro cổ truyền và phân xanh. Phân hóa học chỉ mới sử dụng ở vùng tạm bị Pháp chiếm trước đây với số lượng ít ỏi [24].

Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của người nông dân không phải là kế sinh nhai dù rằng đã rất thiếu thốn, mà là sự chết chóc do cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra. Đây là một tai họa mà người nông dân phải thường xuyên đối mặt. Không có làng xã nào là không có thanh niên trai tráng bị chính quyền Sài Gòn bắt đi lính. Thỉnh thoảng người dân trong thôn xóm lại phải chứng kiến sự thương vong bởi chiến tranh. Cha mất con, vợ xa chồng, người thân không còn nữa… Đó là thảm cảnh mà người dân trong vùng địch chiếm phải chịu đựng, và sự chịu đựng đó không phải chỉ ngày một ngày hai mà là lâu dài và thường trực. Ngay từ những ngày đầu thành lập, ngụy quyền Thừa Thiên đã tiến hành “kê khai thanh niên từ 18 đến 35 tuổi để bắt nhập ngũ” [25]. Vào lính rồi thì phải ra trận, quay lưng lại với đồng bào, với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân là Nam-Bắc phải sum họp một nhà, đất nước phải thống nhất và mọi người dân đều sống trong độc lập, tự do.

II. TIẾN HÀNH ĐỒNG KHỞI ĐỒNG BẰNG, GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT” (1961 - 1964)

Từ năm 1961, để đối phó với cách mạng miền Nam đang trên đà phát triển, nhất là từ sau phong trào đồng khởi của quân và dân ta, Mỹ đã đề ra chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Thực hiện chiến lược này, ở Thừa Thiên Huế, Mỹ - Diệm ra sức bình định nông thôn, lập phòng tuyến ngăn chặn ở bắc đường 9 và tây Trị - Thiên, đồng thời tập trung đánh phá miền núi và tuyến đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn.

Nhằm bình định nông thôn đồng bằng, dập tắt phong trào kháng chiến, tách nhân dân ra khỏi cách mạng, triệt hạ nguồn tiếp tế và làm mất chỗ ẩn náu của cán bộ và du kích, Mỹ - Diệm đã tiến hành ráo riết việc rào làng, dồn dân để lập ra các ấp chiến lược mà chúng đặt thành “quốc sách” trên khắp các xã, huyện trong tỉnh.

Theo Mỹ - Diệm, “quốc sách ấp chiến lược” là một cuộc chiến tranh tổng lực trên các mặt, từ chính trị, quân sự, kinh tế đến tâm lý, xã hội và gián điệp nhằm mục đích tiêu diệt các cơ sở cách mạng ở hạ tầng, đẩy du kích ra khỏi thôn ấp, qua đó xiết chặt ách kìm kẹp đối với dân chúng. Mỗi gia đình ở nông thôn phải nộp 20 cây tre và 60 cái chông, bỏ mọi công việc để rào làng lập ấp chiến lược. Trong toàn tỉnh ngụy quyền đã rào làng, lập xong 118 ấp chiến lược. Sống trong ấp bị bao bọc bởi thế trận 3 núi 2 sông (3 luỹ tre cao và 2 hào sâu) cùng với chông mìn, tháp canh và sự kìm kẹp chặt chẽ, nông dân phải trải qua những ngày tháng như trong ngục tù.

Cùng với hệ thống ấp chiến lược, Mỹ - Diệm cho tăng cường xây dựng ngụy quân cả quân chính quy và quân địa phương. Thường xuyên ở quận lỵ có một đại đội địa phương quân chốt đóng và nhiều trung đội lính nghĩa quân ở khắp các xã. Ngoài ra, chúng còn tiến hành quân sự hóa thanh niên bằng các tổ chức như “Thanh niên xung kích”, “Thanh niên cộng hòa”, “Thanh niên bảo vệ hương thôn” để phục vụ cho việc bình định vùng nông thôn đồng bằng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 21-4-1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập và trở thành thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng. “Sự ra đời của tổ chức hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân mà trên thực tế đã có tới hàng ngàn cơ sở nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã đã được phục hồi trong thời gian đồng khởi” [26].

Từ khi Hội Nông dân Giải phóng miền Nam được thành lập, cách mạng miền Nam đã tập hợp được đông đảo nông dân thực hiện các cuộc đấu tranh chống càn quét đánh phá nông thôn của địch, thi đua thực hiện “Mỗi người dân là một chiến sĩ giết giặc dốt, sản xuất giỏi, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng, vì độc lập dân tộc, tiến lên giải phóng miền Nam”.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 21 đến ngày 26-4-1961, Đại hội Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã họp tại làng Ta Pat. Quán triệt đường lối cách mạng miền Nam do Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng vạch ra và Nghị quyết của Liên Khu ủy (2-1961), Đại hội đề ra nhiệm vụ là xây dựng căn cứ địa miền núi vững chắc, nhanh chóng phát triển lực lượng, tiến công từ rừng núi xuống đồng bằng, đẩy mạnh tuyên truyền và hoạt động vũ trang, phá tan ấp chiến lược, diệt ác trừ gian, xây dựng cơ sở chính trị rộng rãi trong quần chúng, kiên quyết giành dân, giành quyền làm chủ, đưa chiến tranh cách mạng phát triển lên một bước. Về phương châm đấu tranh, Đại hội xác định lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh vũ trang và sử dụng song song hai hình thức đấu tranh chính trị và quân sự; ở miền núi lấy đấu tranh quân sự là chủ yếu, vùng giáp ranh và đồng bằng đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, nhanh chóng tạo thế liên hoàn giữa ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị).

Sau Đại hội, các Huyện ủy đã tổ chức vũ trang tuyên truyền ở nhiều xã trong huyện. Bên trong các ấp chiến lược bắt đầu có cán bộ bám trụ, xây dựng cơ sở bí mật. Đại đội bộ binh 105 tỉnh Thừa Thiên (K 105) bước đầu hoạt động có kết quả, liên tục phá các ấp chiến lược ở một số nơi.

Ở miền núi phía tây của tỉnh, “phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh. Nhiều nơi, nhân dân đã tổ chức các tổ sản xuất để tương trợ làm ăn, đời sống được cải thiện. Đồng bào đã đóng góp nhiều công sức và của cải để mở rộng và bảo vệ đường hành lang chiến lược, nuôi cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang. Hàng ngàn thanh niên tham gia vận chuyển hàng hóa, gia nhập lực lượng giải phóng. Các cấp bộ Đảng đã chú ý đến các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế trong từng làng. Những yêu cầu bức thiết của nhân dân như muối, thuốc chữa bệnh, dao, rựa bước đầu được giải quyết tốt. Đến tháng 7-1961, làng chiến đấu đầu tiên được xây dựng ở A Cuôn, xã Phong Lâm, sau đó phát triển rộng ở nhiều xã miền núi. Mỗi làng, bản ở miền tây thực sự trở thành một trận địa. Hầm chông, bẫy sập gây cho kẻ thù bao nỗi kinh hoàng, góp phần to lớn cùng bộ đội và du kích đẩy lùi các cuộc càn quét của địch” [27].

Theo “Chỉ thị tăng cường công tác tài chính”, số 33-KN, ngày 5-11-1961 của Tỉnh ủy Thừa Thiên, về sản xuất, “chúng ta đã lãnh đạo nhân dân sản xuất, sản lượng cũng như diện tích nương rẫy so với trước năm 1960 tăng lên” [28].

Đầu năm 1962, Tỉnh ủy họp hội nghị chuyên đề về đấu tranh chính trị của 3 huyện phía bắc tại xã Hương Hữu (Hương Trà). Hội nghị thống nhất một số chủ trương sau: đẩy mạnh đấu tranh chính trị đòi cải thiện dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, chống dồn dân lập ấp chiến lược, trì hoãn hoặc rào ấp chiến lược không đúng kỹ thuật, đòi tự do đi lại, đi làm rừng...

Ở nhiều làng xã, với sự hoạt động tích cực của các gia đình cơ sở cách mạng, nông dân trong làng đã cố tình trì hoãn việc rào làng với lý do bận rộn với công việc đồng áng, hoặc rào không đúng quy cách.

Ở miền núi, đến giữa năm 1962 với sự chi viện của miền Bắc, đã có thêm 2 khung cán bộ tiểu đoàn. Nhân dân miền núi vui mừng đưa cả bò, heo, gạo cho bộ đội ăn. Đồng bào dân tộc rất quý voi. Với họ voi là thần, là tượng trưng sự giàu có, danh giá. Làng nào có voi họ rất tự hào và chỉ chủ làng mới được giữ voi. Thế mà khi ta cần huy động họ đều sẵn sàng[29] .

Trong cuộc đấu tranh chống phá “quốc sách ấp chiến lược” của Mỹ - ngụy nổi lên chiến công của Đại đội bộ binh 105 tỉnh Thừa Thiên - tập kích ấp chiến lược Hòa Mỹ đêm mồng 3 rạng mồng 4-3-1963.

Ấp chiến lược Hòa Mỹ thuộc xã Phong Mỹ (Phong Điền), nằm trên trục đường số 14, cách huyện lỵ 15km về phía tây nam. Đầu ấp là dinh cơ của Ngô Đình Cẩn, án ngữ con đường chạy lên vùng chiến khu của ta. “Ấp chiến lược Hòa Mỹ được chọn là ấp thí điểm đầu tiên và cũng là ấp mạnh nhất của địch ở Thừa Thiên, được mệnh danh là “Ấp kiểu mẫu, bất khả xâm phạm”. Bao quanh ấp là 3 lớp hàng rào tre dày đặc, kết hợp với hàng rào dây kẽm gai và được bố trí hệ thống vật cản, chông, mìn nhằm đề phòng lực lượng ta tập kích. Trong hàng rào là hệ thống giao thông hào chạy bao quanh ấp và kết hợp với các ụ súng, hố chiến đấu cá nhân” [30].

Kết quả, ấp chiến lược Hòa Mỹ hoàn toàn bị tan rã, và sau đó địch đã không củng cố lại được. “Chiến thắng Hòa Mỹ mở ra khả năng đánh phá ấp chiến lược trong toàn tỉnh bằng 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận, trong đó vai trò quân sự là then chốt” [31].

Cho đến giữa năm 1963, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Thừa Thiên Huế có thêm những thành tựu mới. Ở miền núi xây dựng được 30 chi bộ với 229 đảng viên, 1.309 thanh niên tham gia lực lượng du kích. Ở đồng bằng, cơ sở gia đình cách mạng phát triển ở 67 xã, 483 thôn; “khá nhất là Phong Điền có 916 cơ sở, Phú Lộc có 132 cơ sở, Quảng Điền 79 thôn có cơ sở, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang có trên 60 cơ sở” [32].

Từ tháng 5-1963, khi phong trào đấu tranh của nhân dân Thừa Thiên Huế nổ ra quyết liệt chống kỳ thị và đàn áp Phật giáo của chính quyền Sài Gòn, các huyện ủy đã kịp thời lãnh đạo nhân dân hưởng ứng và xây dựng được hàng chục cốt cán ở Huế. Đến tháng 11-1963, khi chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm bị sụp đổ, các huyện ủy đã nhanh chóng thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy là tận dụng cơ hội tốt để tập trung đánh phá ấp chiến lược.

Ở Phong Điền, đêm mồng 2-11-1963, quân ta tấn công hai ấp Thanh Tân và Sơn Quả, đánh bật 2 trung đội dân vệ và làm chủ hai ấp suốt ngày hôm sau. Cũng trong đêm đó, các đội vũ trang công tác đã tiến công đồng loạt vào các ấp chiến lược ở Công Thành, Hiền An, Phổ Lại, Xuân Điền Lộc, Hương Hội Trại, Đông Lâm, Bắc Thạnh và Phò Ninh. Ở Phú Vang, đêm mồng 2 và ngày 3-11-1963, lực lượng vũ trang và quần chúng tiến công một loạt ấp chiến lược ở các xã thuộc quận Phú Thứ v.v..

Trên đà phát triển của cuộc kháng chiến, ngày 8-4-1964, Tỉnh ủy họp và quyết định phát động một đợt tiến công địch, nổi dậy phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng trong tỉnh. Thời gian tiến hành đồng khởi nông thôn đồng bằng được ấn định là vào dịp kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định Genève (7-1954 - 7-1964).           

Đêm mồng 5 rạng ngày 6-7-1964, phong trào đồng khởi diễn ra khắp vùng nông thôn trong tỉnh. Nhân dân nhiều làng xã ở các huyện đã đồng loạt nổi dậy, phối hợp với bộ đội và các đội công tác võ trang tiến công địch, phá ấp chiến lược, xóa bỏ ngụy quyền, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở cơ sở và chính quyền tự quản của nhân dân.

Cho đến những tháng cuối năm 1964, một vùng giải phóng rộng lớn đã được mở ra gồm các xã Phong Sơn, Phong An, Phong Thái, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Hiền (Phong Điền); Phong Nhiêu, Quảng Thái (Quảng Điền); Hương Vân, Hương Thọ, Hương Hồ, Hưong Mai, Hương Thái, Hương Bình, Hương Thạnh (Hương Trà); Phú Đa, Phú Hồ, Vinh Thái, Vinh Phú, Phú Lương, Phú Xuân (Phú Vang); Mỹ Thủy, Hải Thủy, Nguyên Thủy, Thủy Thanh (Hương Thủy) v.v..

Từ thắng lợi của phong trào đồng khởi, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng và các đoàn thể (nông dân, phụ nữ, thanh niên...) được thành lập ở các xã thôn, các chi bộ Đảng và lực lượng du kích phát triển mạnh. Dù còn phải liên tục chống trả các cuộc phản kích của địch, chính quyền cách mạng phối hợp với Nông hội ở một số xã đã bắt tay thực hiện Chương trình hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tiến hành chia lại ruộng đất công, tịch thu ruộng đất của bọn ác ôn, vắng chủ chia cho nông dân từ 18 tuổi trở lên.

“Thôn xóm trong vùng giải phóng đổi mới hẳn, bộ mặt tươi vui, lành mạnh, đoàn kết, tiến bộ. Những cột sắt, vòng dây thép gai, ấp chiến lược bị phá sạch. Chòi thông tin được dựng lên, lớp bình dân học được mở, du kích và dân quân hoạt động sôi nổi, đào hào chiến đấu, luyện tập quân sự, tổ văn hóa ra văn nghệ ra đời học hát, tổ binh vận kêu gọi chồng con đi lính ngụy trở về với cách mạng, thanh niên rủ nhau cắt tóc ngắn, phụ nữ bỏ kiểu tóc “Lệ Xuân”, rủ nhau đi học bình dân, góp gạo nuôi quân, đi vận tải tiếp tế… Có những anh nông dân mới 30 - 35 tuổi, trước đây sợ địch bắt đi quân dịch phải để râu dài làm cho bộ mặt già sạm lại, bây giờ quê hương được giải phóng, họ cạo râu, “giải phóng luôn bộ mặt”. Làng trên xóm dưới rủ nhau làm vũ khí, gậy gộc, giáo mác, chông tre, chuẩn bị chống giặc. Một thế hệ thanh niên mới, tiếp thu ánh sáng cách mạng như đang dang đôi cánh đại bàng qua sóng gió, quyết đập nát bất công, xây dựng cuộc đời mới” [33].

Hoà nhịp với phong trào đấu tranh quân sự và đấu tranh đô thị trong toàn tỉnh, vào tháng 12-1964, hàng ngàn chị em trong “đội quân tóc dài” ở các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong An, Phong Sơn, Phong Thu đã bao vây quận lỵ Phong Điền tại Phò Trạch để phản đối việc địch càn quét, chống bắn pháo vào làng, chống bắt bớ, đánh đập người dân vô tội và đòi tự do làm ăn, buôn bán. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt 8 ngày làm tắc nghẽn tuyến giao thông Huế - Quảng Trị. Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng và đã giành được thắng lợi to lớn. Viên Quận trưởng Phong Điền đứng ra xin lỗi và ký giấy cam kết thực hiện những yêu sách của nhân dân.

 

Thắng lợi của phong trào đồng khởi đồng bằng đã đem lại ruộng đất cho nông dân, người dân thấy được tính ưu việt của chế độ mới. Trong khi đó, ở những làng xã còn nằm dưới ách kềm kẹp của địch, nông dân vẫn canh tác trên những ruộng đất công của làng và ruộng tư của địa chủ. Ở những làng xã này, do chính sách thực dân mới của Mỹ, một lượng tiền của đã được Mỹ đổ ra để lôi kéo nông dân, tranh chấp lực lượng với cách mạng. Vì cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng ác liệt và mở rộng, nhiều thanh niên bị bắt đi lính ngụy nên lực lượng lao động trong nông nghiệp ở những làng xã này ngày càng mỏng đi. Cuộc sống của người nông dân vẫn cơ cực như trước.

III. ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH, GÓP PHẦN THỰC HIỆN TỔNG TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1968, ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH CỤC BỘ” (1965 - 1968)

Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Ở Thừa Thiên Huế, chúng đưa 2.000 quân ra Phú Bài lập căn cứ tiền phương và làm chỗ dựa cho quân ngụy ở vùng giới tuyến. Huế không chỉ là trung tâm chính trị, quân sự của địch ở Thừa Thiên mà còn là điểm trung chuyển giao thông, tiếp tế từ Đà Nẵng ra đường 9 Quảng Trị.

Từ ngày 13-3 đến ngày 25-3-1965, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị để đánh giá các mặt công tác những tháng đầu năm 1965 và đề ra nhiệm vụ: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tranh thủ thời cơ thuận lợi, quyết tâm mở rộng cao trào khởi nghĩa, nỗ lực phấn đấu hoàn thành về căn bản giành lại nông thôn đồng bằng, xây dựng và củng cố vùng giải phóng, tăng cường phát triển lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng, Nông hội đi đôi với việc giải quyết vấn đề ruộng đất. Phát triển phong trào du kích chiến tranh, xây dựng thôn, xã chiến đấu vững chắc, mở rộng căn cứ địa miền núi, nối liền với căn cứ đồng bằng”.

Về công tác dân vận, Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Muốn làm tốt công tác dân vận, trước mắt phải quán triệt chính sách nông thôn, nông dân của Đảng là dựa vào bần cố nông và trung nông lớp dưới, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông, tranh thủ phân hóa giai cấp địa chủ, tập trung đả kích vào bọn địa chủ cường hào ác ôn tay sai đế quốc Mỹ. Ra sức củng cố và phát triển các đoàn thể, khẩn trương bồi dưỡng đào tạo cán bộ làm nòng cốt trong quần chúng. Hết sức coi trọng Nông hội (bao gồm cả nam, nữ thanh niên), đó là một tổ chức đóng vai trò rất quan trọng ở nông thôn”.

Thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Đảng ủy miền Tây Thừa Thiên Huế đã chú trọng tới việc củng cố tổ chức Hội Nông dân giải phóng, phát triển hội viên, phát động nông dân tham gia vào các phong trào đấu tranh chống Mỹ-ngụy.

Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên Huế được kiện toàn về tổ chức và tăng cường cán bộ với Ban Chấp hành Nông hội gồm Đặng Tràm (Thân)-Bí thư, Huỳnh Chính (Luyến) và Ngô Tiến Dũng. Tháng 8-1965, đồng chí Đặng Tràm hy sinh, Thường vụ Tỉnh ủy điều động đồng chí Đoàn Lân (Bí thư Huyện ủy Phú Lộc) lên làm Phó ban Dân vận kiêm Bí thư Nông hội, đồng thời bổ sung đồng chí Võ Lạng vào Ban Chấp hành.

Hội cử cán bộ về giúp các huyện, củng cố tổ chức Hội cơ sở, phát triển hội viên, phát động quần chúng nông dân đấu tranh chống phá ấp chiến lược, hướng dẫn nông dân áp dụng thành quả khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tạo nguồn dự trữ để đóng góp vào công tác “nuôi quân, đánh giặc”. Cán bộ Nông hội các cấp luôn bám sát cơ sở, cùng ăn, cùng ở, lao động sản xuất với nông dân, dùng hoạt động thăm nghèo, hỏi khổ, qua đó chọn ra một số cốt cán, quần chúng tốt trong phong trào đấu tranh của nông dân làm nòng cốt cho Nông hội ở các xã.

Tháng 7-1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thừa Thiên Huế lần thứ V họp, đề ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Đối với công tác ở nông thôn đồng bằng, Nghị quyết Đại hội xác định:

Ra sức mở rộng và củng cố vùng giải phóng, phấn đấu đến tháng 10-1965 giành lại một phần nông thôn đồng bằng, giành và làm chủ thêm 300.000 dân. Phát động nông dân với khẩu hiệu “Đoàn kết sản xuất, giết giặc”, làm cho nông dân thấy rõ bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ, bọn tay sai bán nước và tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Xây dụng tổ chức Nông hội vững mạnh. Thông qua đợt phát động nông dân, khởi nghĩa phá ách kìm kẹp, giành lại nông thôn đồng bằng mà chọn lọc thành phần ưu tú để đưa vào tổ chức Nông hội. Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo cán bộ xã, thôn, củng cố phong trào nông dân để quần chúng nông dân thực sự đóng vai trò chủ lực trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền ở nông thôn. Thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, chia ruộng đất công điền công bằng, hợp lý, tịch thu ruộng đất của bọn ác ôn, phản động chia cho nông dân nghèo, tạm giao ruộng vắng chủ cho nông dân cày cấy. Phát triển phong trào đổi công, thâm canh tăng vụ, cải tiến kỹ thuật canh tác, đảm bảo năng suất bình quân lao động 450 kg.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội và phát huy thắng lợi giành được trong phong trào đồng khởi miền núi và đồng bằng (1960-1964), cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã cùng với nhân dân đoàn kết đấu tranh chống địch càn quét, xây dựng làng xã chiến đấu, tiếp tục đóng góp nhân tài, vật lực phục vụ kháng chiến.

Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên Huế phát động nông dân hưởng ứng chủ trương của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở đợt phát hành công phiếu nuôi quân năm 1965. Công phiếu nuôi quân đã được các cấp Hội phân bổ về cơ sở xã, thôn ở vùng giải phóng cũng như đô thị và vùng địch còn kiểm soát, được đông đảo nông dân hưởng ứng. Một lượng lớn tiền mặt và lương thực được huy động để phục vụ tiền tuyến và nuôi quân đánh giặc, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của giai cấp nông dân trong tỉnh.

Để lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân phát triển lên một bước mới, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ra Chỉ thị “Về phát động quần chúng nông dân năm 1965” với mục đích tăng cường đoàn kết trong nông dân, làm tăng thêm lòng tin tưởng của nông dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.  Chỉ thị vạch rõ: động viên toàn thể nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm, hăng hái dốc sức người, sức của phục cho cuộc kháng chiến. Bảo đảm thực hiện tốt chủ trương giành lại toàn bộ ruộng đất về tay nông dân, xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, đẩy mạnh tinh thần chống đế quốc, phong kiến trong giai cấp nông dân. Kiện toàn các tổ chức quần chúng và tổ chức Đảng, đoàn ở nông thôn, củng cố, phát triển Nông hội, mở rộng các tổ chức tương trợ, đổi công. Tổ chức Đại hội nông dân toàn xã để phát động tòng quân, đóng góp tài chính, hạ quyết tâm thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng.

Thực hiện Chỉ thị nói trên, Hội Nông dân Giải phóng Thừa Thiên Huế đã cử cán bộ về bám sát cơ sở, cùng các đội vũ trang công tác của tỉnh tuyên truyền, vận động nông dân đấu tranh.

Trong những tháng đầu năm 1965, toàn tỉnh đã phát động được 241 thôn ở 45 xã và 7 nông trường, giành được trên 150.000 dân, trong đó đã làm chủ được 124 thôn ở 25 xã và 6 nông trường với 74.383 dân, xây dựng một số làng chiến đấu ở 65 thôn. Bước đầu thực hiện chính sách ruộng đất ở vùng giải phóng, quân cấp 1.166 mẫu ruộng và tạm cấp 289 mẫu đất ruộng cho nông dân nghèo.

Phong trào đấu tranh của nông dân phát triển mạnh mẽ, đã phát động được 178 cuộc đấu tranh trực diện với ngụy quyền cấp tỉnh, quận, xã với 22.857 lượt người tham gia; đã làm rã 1.009 thanh niên chiến đấu, nghĩa quân, 1.847 lính cộng hòa; vận động được 1.233 thanh niên bổ sung cho lực lượng vũ trang tỉnh, huyện [34].

Trên đà phát triển của phong trào cách mạng toàn miền Nam, tháng 7-1965, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam ban hành Dự thảo Điều lệ hoạt động của Hội nhằm mở rộng hoạt động của các cấp Hội cơ sở, phát triển hội viên và động viên nông dân tiếp tục đấu tranh chống Mỹ. Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên Huế đã in hàng ngàn cuốn Điều lệ chuyển về cho các cấp Hội cơ sở và tổ chức cho hội viên học tập, quán triệt.

Trong toàn tỉnh phong trào đánh Mỹ được phát động mạnh mẽ. Nông dân Quảng Điền tham gia chiến đấu chống càn quét, bình định, lấn chiếm của địch. Tháng 11-1965, ở Quảng Điền diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên ở Tây Hoàng (Quảng Thái). Nhiều trận chiến đấu chống các đoàn bình định nông thôn diễn ra ở Phong Thái, Phong Nhiêu (Phong Điền) để giữ vững vùng giải phóng.

Ở vùng núi, trong hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt, nhất là vào tuyến vận tải chiến lược 559, nhân dân đã nêu cao tinh thần cách mạng, chịu đựng hy sinh gian khổ để nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ. Nông dân các huyện đã đóng góp hàng vạn ngày công vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh, làm kho tàng, nhà cửa cho các cơ quan của tỉnh, huyện ở chiến khu. Hội Nông dân giải phóng phát động nông dân thi đua lao động sản xuất, áp dụng kỹ thuật thâm canh tăng vụ, trồng lúa nước, đưa giống ba trăng có năng xuất cao vào sản xuất. Năm 1965, diện tích trồng lúa nước của các xã thuộc huyện A Lưới đã cho thu hoạch sản lượng cao, nông dân phấn khởi đóng góp lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Ban dân công các huyện miền Tây được củng cố từ huyện tới xã, phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, cùng với Hội Nông dân giải phóng tổ chức cho nông dân học tập chủ trương, chính sách của Đảng, nghĩa vụ của người công dân đối với kháng chiến. Trong năm 1965, nông dân huyện A Lưới đóng góp 87.883 ngày công phục vụ kháng chiến. Công tác nuôi quân được các cấp ủy Đảng, Hội Nông dân chú trọng, thường xuyên tổ chức các cuộc họp tuyên truyền, vận động nông dân nhận thức sâu sắc về nghĩa vụ của mình đối với cuộc kháng chiến. Vụ ba trăng năm 1965, toàn huyện đóng góp 1.900 thùng lúa, vụ mùa và vụ trái đóng góp 2.729 thùng lúa [35].

Từ năm 1966, chiến trường Trị Thiên Huế có vai trò mới, là một hướng chiến lược quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tháng 4-1966, Trung ương quyết định thành lập Khu, Quân khu Trị Thiên (B4), đến tháng 6-1966 thành lập Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5). Trị - Thiên - Huế từ một chiến trường đã trở thành hai mặt trận trên cùng một địa bàn với chiều dài 150 km từ sông Bến Hải đến đèo Hải Vân, một trong những phương hướng trọng yếu, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế là hai đơn vị ngang cấp, trực thuộc Khu Trị Thiên. Tỉnh ủy Thừa Thiên gồm 13 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Vạn làm Bí thư.

Năm 1966, chiến trường Thừa Thiên Huế trở nên hết sức ác liệt. Trong toàn tỉnh địch sử dụng Trung đoàn 3, các chi đoàn thiết giáp M113, các đội lính “hắc báo”, “lôi hổ”, bảo an và 30 đoàn “bình định” càn quét, khủng bố, liên tục bắt bớ, bắn giết, đốt phá nhà cửa, cày ủi xóm làng, gom dân, xúc dân, nhất là ở các vùng giáp ranh, các vùng giải phóng đồng bằng, còn ở miền núi chúng rải chất độc hóa học, dùng máy bay B52 ném bom, thả biệt kích để tìm cơ quan, kho tàng của ta.

Từ ngày 4-1 đến 9-1-1966, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị, đề ra Nghị quyết về nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 1966, trong đó nhấn mạnh: xây dựng, củng cố vững chắc vùng giải phóng, vùng căn cứ, bồi dưỡng sức dân, động viên nhân dân phục vụ tiền tuyến. Tiếp tục tiến hành tốt cuộc phát động nông dân. Trong quá trình phát động, tập trung vào nhiệm vụ phản đế là hàng đầu, đồng thời thực hiện nhiệm vụ phản phong từng bước vững chắc. Ở những xã đã tiến hành phát động, cần đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị, binh vận, khôi phục và phát triển sản xuất, bảo vệ mùa màng, làm tốt công tác phục vụ tiền tuyến, phục vụ kháng chiến.

Qua phát động quần chúng và phong trào đấu tranh, ra sức củng cố xây dựng các đoàn thể, đặc biệt là Nông hội cần được xây dựng vững mạnh, giúp cho các cấp ủy Đảng, chính quyền vận động nông dân thi hành tốt chính sách ruộng đất, đẩy mạnh sản xuất, lập các tổ đổi công.

Về ruộng đất, giải quyết căn bản chính sách ruộng đất là đem lại quyền lợi ruộng đất cho nông dân, trước hết là những người không có ruộng và thiếu ruộng. Cải tiến kỹ thuật canh tác, thực hiện thâm canh tăng vụ, cấy hết diện tích. Ở đồng bằng cần ra sức đấu tranh với địch để làm hết diện tích, phục hồi ruộng hoang, chăm bón, phát triển hoa màu. Ở miền núi, phát động phong trào đánh địch, chống thả chất độc, chống càn, làm rẫy phân tán, chống thú rừng phá hoại, làm lúa nước, ruộng bậc thang, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổ chức bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế những thiệt hại do địch gây nên.

Các cấp ủy cần tăng cường chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, có kế hoạch hướng dẫn cụ thể, có kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ. Ở các cấp thành lập Ban vận động sản xuất gồm cán bộ Ban kinh tế, Nông hội, thanh niên, phụ nữ, trong đó Nông hội và Ban kinh tế làm nòng cốt do đồng chí Thường vụ cấp ủy phụ trách.

Thi hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, Nông hội đã lãnh đạo quần chúng nông dân thi đua lao động sản xuất, thành lập các tổ vần công, đổi công giúp đỡ tương trợ nhau những lúc hoạn nạn khó khăn, đồng thời đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị chống Mỹ-ngụy. Trong tháng 3-1966 đã có 20 cuộc đấu tranh giằng co tại chỗ và tản cư ngược của nông dân các xã Phong Chương, Phong Hòa, Phong Nguyên, Phong Sơn (Phong Điền), Hương Thành, Hương Thái (Hương Trà), Mỹ Thủy, Nguyên Thủy, Hương Thọ (Hương Thủy), Phú Gia, Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Lương (Phú Vang), Vinh Lộc, Tân Lập, Lương Lộc, Diên Lộc (Phú Lộc), có trên 9.000 lượt người tham gia đấu tranh phản đối càn quét, cướp bóc, chống thả bom, bắn ca nông vào làng, đòi cứu chữa những nguời bị thương, đòi bồi thường thiệt hại. Ở Phong Điền, nông dân tổ chức 7 cuộc đấu tranh đòi địch phải giải quyết các yêu sách. Ở Hương Trà diễn ra các cuộc tản cư ngược với 1.800 người tham gia. Ở Phú Lộc nhân dân đấu tranh chống lệnh cấm đi làm cá. Nhân dân Vinh Lộc (Phú Lộc) đấu tranh đòi tự do đi lại làm ăn với 2.500 người tham gia.

Công tác binh vận có chuyển biến, cơ sở ở nông thôn đã vận động gia đình binh lính mặc áo chế, đeo khăn tang đi đấu tranh đòi trả lại xác chồng, con, đòi tiền tử tuất. Có nơi quần chúng đã lăn xả vào đồn địch đấu tranh trực diện. Từ ngày 18-2 đến ngày 10-3-1966 có 246 gia đình binh lính ngụy tham gia đấu tranh và có 137 binh sỹ đào ngũ [36]. Qua phong trào, các huyện đã xây dựng, củng cố lại cơ sở cốt cán, Nông hội. Ở các xã, thôn vùng giải phóng đều có cơ sở cách mạng, chi bộ Đảng. Nhiều chi bộ trong điều kiện chiến đấu ác liệt vẫn kiên trì bám dân, bám đất lãnh đạo quần chúng đấu tranh duy trì và phát triển phong trào. 

Trong 6 tháng đầu năm 1966 toàn tỉnh đã phát động được 289 thôn trong 64 xã với số dân 163.923 nguời, đưa lên làm chủ được 107 thôn trong 25 xã với 65.390 dân, đưa lên thế tranh chấp được 84 thôn trong 26 xã với số dân 30.034 người. Cùng với thắng lợi quân sự, thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng nông thôn, đồng bằng đã tạo thành căn cứ nối liền từ miền núi về đồng bằng, đẩy lùi phạm vi chiếm đóng của địch, hình thành vùng giải phóng nối liền các xã ở phía bắc và phía nam tỉnh, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của nhân dân thành phố Huế. Căn cứ địa miền núi được mở rộng sau khi tuyến phòng ngự biên giới của địch bị đẩy lùi (địch rút khỏi Nam Đông, A So, A Lưới).

Công tác xây dựng làng xã chiến đấu được chú trọng, bao gồm cả xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang vững mạnh, tổ chức bố phòng chặt chẽ với chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để đánh bại âm mưu càn quét, lấn chiếm của địch. Việc xây dựng làng, xã chiến đấu ở vùng giải phóng đã tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, đối phó kịp thời với những âm mưu phá hoại của kẻ thù.

Tháng 7-1966, thêm 30 thôn trong 10 xã với dân số 22.600 người đã phá thế kìm kẹp, xây dựng thành làng xã chiến đấu. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho quần chúng nông dân được các cấp ủy Đảng chú trọng. Thông qua Hội Nông dân giải phóng, đã tổ chức cho nông dân học tập về tình hình nhiệm vụ, Nghị quyết của Tỉnh ủy về chính sách ruộng đất. Qua các đợt học tập, quần chúng nông dân đã nắm bắt được tình hình chung, xác định vai trò quan trọng của mình đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Ở các xã giải phóng đều có Mặt trận Dân tộc giải phóng và các đoàn thể. Chính quyền tự quản xã có các bộ phận giúp việc: xã đội, an ninh, kinh tế, tài chính, văn hóa xã hội. Ủy ban nhân dân tự quản xã có 5 đồng chí. Bí thư chi bộ làm Chủ tịch phụ trách chung và công tác an ninh; Bí thư Nông hội giải phóng là Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế tài chính; xã đội trưởng là ủy viên quân sự. Chính quyền tự quản đã điều hành quản lý xã, thôn, xây dựng lực lượng quân sự, chính trị, văn hóa xã hội, tổ chức đấu tranh chống địch càn quét, động viên sức người, sức của phục vụ cuộc kháng chiến.

Cùng với hoạt động đấu tranh, xây dựng làng xã chiến đấu, Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên Huế còn tổ chức cho nông dân tăng gia sản xuất để có đủ nguồn lương thực dự trữ phục vụ kháng chiến và cải thiện đời sống. Các mặt sản xuất ở vùng căn cứ miền núi và vùng giải phóng đồng bằng luôn có sự kết hợp giữa sản xuất và chiến đấu bảo vệ sản xuất. Hội Nông dân tỉnh đề ra chỉ tiêu bình quân cho mỗi nhân khẩu ở miền núi đạt 250 kg thóc, đồng bằng 450 kg/năm.

Ở miền núi, nông dân đã nỗ lực vượt bậc, phấn đấu sản xuất để bù lại sản lượng lương thực thiệt hại do địch phá hoại, trồng xen canh các loại cây lương thực ngắn ngày (ngô, khoai, sắn), đảm bảo cho nông dân không bị đói. Nông hội còn vận động nông dân đẩy mạnh chăn nuôi, nhất là các loại gia cầm (lợn, gà, vịt), vận động nông dân giúp đỡ lẫn nhau về vốn để mua giống, nhờ vậy mà đàn gia cầm của các huyện miền núi dần được khôi phục. Ở đồng bằng, Nông hội vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất vụ trái, chú trọng giải quyết cho được vấn đề nước và giống, bảo đảm sản xuất ở vùng giáp ranh. Huyện Phong Điền tăng cường chỉ đạo các xã Phong Sơn, Phong Nguyên, Phong An kịp thời giúp dân giải quyết khó khăn để sản xuất vụ trái. Ở những vùng thiếu nước thì tận dụng đất đai trồng các loại cây lương thực ngắn ngày (khoai lang, đậu, khoai từ, khoai tía).

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc chia ruộng đất cho nông dân, các huyện trong tỉnh đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách ruộng đất, nắm lại diện tích, sản lượng các loại ruộng đất công, ruộng của Việt gian, ruộng vắng chủ, ruộng phát canh thu tô, ruộng của các hộ nông dân. Trên cơ sở đó, các xã đã tổ chức tiến hành chia lại ruộng đất, chú trọng hộ nông dân thiếu ruộng hoặc ruộng quá ít. Trong đợt cuối năm 1966, toàn tỉnh đã chia lại và điều chỉnh hợp lý gần 12.000 mẫu ruộng cho nông dân [37].

Việc thực hiện chính sách ruộng đất đã đem lại cho nông dân niềm phấn khởi, hăng hái lao động sản xuất, tích cực tham gia phục vụ chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ thành quả mà cách mạng đem lại.

Nông dân vùng giải phóng đã đóng góp đảm phụ kháng chiến hàng chục triệu đồng tiền mặt, hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm tấn muối; nuôi dưỡng hàng ngàn cán bộ, thương bệnh binh, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội chủ lực tỉnh, huyện và cán bộ các ban, ngành trong tỉnh. Mặc khác, trong sáu tháng cuối năm 1966, nông dân đã góp 255.500 ngày công, trong đó có 7.500 ngày công phục vụ tiền tuyến, dẫn đường cho bộ đội [38].

Việc thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách khoan hồng đối với những người trong hàng ngũ địch trở về với nhân dân cũng được các cấp ủy, các ủy ban nhân dân tự quản chú trọng, đem lại niềm tin, động viên mọi tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng chống Mỹ, cứu nước. Ở vùng giải phóng, tỉnh đã mở các trường bổ túc văn hóa, các lớp bình dân học vụ cho cán bộ và nhân dân, mở các trường tiểu học, trạm xá, trạm thông tin, quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, động viên nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia vào sự nghiệp kháng chiến.

Bị thất bại nặng nề trên mặt trận quân sự, bước sang năm 1967 Mỹ - ngụy ra sức thực hiện âm mưu bình định nông thôn đồng bằng, đưa quân viễn chinh Mỹ chiếm đóng, càn quét, bắn phá vùng giáp ranh miền núi từ Phong Điền đến Hương Trà, Hương Thủy, mở rộng kiểm soát ở các vùng chiếm đóng. Chúng đưa 18 đoàn bình định, mỗi đoàn gồm 59 tên đến các xã An Thủy, Bích Thủy, Thiên Thủy, Mỹ Thủy (Hương Thủy), Hương Bình, Hương Thái, Hương Thạnh (Hương Trà), Phú Thiện, Phú Thái (Phú Vang), Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Đại (Quảng Điền). Vừa đe dọa vừa dụ dỗ (cho gạo, cho áo quần), chúng vừa tuyên truyền xuyên tạc chiến thắng của ta và sử dụng chính sách chiêu hồi, chiêu hàng.

Để kịp thời đối phó với thủ đoạn của địch, từ ngày 3-1 đến ngày 5-1-1967, Tỉnh ủy họp và ra nghị quyết về nhiệm vụ của Đảng bộ trong những tháng đầu năm 1967. Nghị quyết chỉ rõ: “phát triển chiến tranh nhân dân nhằm tiêu diệt thật nhiều địch, tập trung diệt bọn tề, điệp ác ôn và bọn bình định, cán bộ địa phương phải quyết tâm bám dân và động viên nông dân bám đất, thực hiện khẩu hiệu “cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám địch”; diệt ác trừ gian, diệt bình định phải đi đôi với phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, đưa nông dân ra đấu tranh chính trị và binh vận, chống địch bắn phá, cướp bóc, đòi bồi thường thiệt hại, đòi tự do đi lại làm ăn, đòi chồng, con, em trở về”.

Thực hiện nghị quyết Tỉnh ủy, các Huyện ủy chú trọng củng cố và xây dựng Hội Nông dân giải phóng vững mạnh. Các huyện đều cử 1 đồng chí huyện ủy viên phụ trách Nông hội, tuyển chọn cán bộ cốt cán từ các đoàn thể bổ sung vào Ban Chấp hành Nông hội và kết nạp thêm hội viên mới. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, nông dân Thừa Thiên Huế đã phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm, sẵn sàng đương đầu với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Phong trào đấu tranh chính trị của nông dân có bước chuyển biến mới. Nông dân các huyện Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà đấu tranh chống địch dỡ nhà, dồn dân, kết hợp tố cáo tội ác của địch. Một số cuộc đấu tranh có trên 100 người tham gia. Có cuộc đấu tranh huy động hàng ngàn người ở nông thôn vào thành phố Huế để tìm xác người thân, đòi yêu sách [39].

Cơ sở cách mạng tiếp tục được xây dựng, phát triển. Ở Phú Vang, tháng 5-1967 ta đã mở ra được các thôn như Mỹ Lam, An Lưu, Ngọc Anh, Dưỡng Mong làm bàn đạp để phát triển phong trào. Ở Hương Thủy vùng An Thủy, Bích Thủy gặp khó khăn, nông dân bị dồn vào khu tập trung, cơ sở bị thiệt hại và bật ra từ tháng 6-1967, tuy vậy nông dân vẫn một lòng với kháng chiến, cho đến đầu tháng 8-1967, cán bộ cách mạng đã vào nối liên lạc với 3 xóm ở Lợi Nông, xây dựng lại cơ sở ở An Thủy, Bích Thủy. Đặc biệt nông dân vùng giải phóng bị dồn vào vùng bị chiếm như Thần Phù, Phát Lát đã phát huy truyền thống cách mạng, cùng với cốt cán tuyên truyền, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của địch, xây dựng lại cơ sở trong vùng tạm bị chiếm. Ở vùng phía tây nam Huế như Cư Chánh, Dương Xuân Thượng, Ngũ Tây cơ sở phát triển khá, cán bộ cách mạng đã vào hoạt động được, cơ sở du kích phát triển, cơ sở Đảng được xây dựng lại. Tuy nhiên, do chiến trường ác liệt nên trong những tháng đầu năm 1967 ở huyện Phú Vang, Hương Thủy gần 100 cán bộ, đảng viên hy sinh, 80 người dân bị chết (Phú Vang 30, Hương Thủy 50). [40]

Bộ đội chủ lực tỉnh có bước tiến bộ trong việc bám đồng bằng, đánh càn, phục vụ tốt nhiệm vụ mở rộng và củng cố vùng giải phóng. Ở thôn Lợi Nông từ đầu tháng 2-1967 đến giữa tháng 2-1967 địch dùng máy bay, xe cơ giới bắn phá, cày ủi để hủy diệt, Đảng ủy xã Mỹ Thủy đã tổ chức đội du kích kiên cường bám trụ địa phương, rào làng chiến đấu, vận động nông dân đấu tranh chính trị chống cày, ủi. Địch phá hàng rào, du kích và nhân dân rào lại. Địch đuổi dân ra khỏi nhà, chất rơm, châm lửa đốt nhà, nhưng nông dân vẫn “một tấc không đi, một ly không rời”, kiên cường bám chặt thôn, xóm, tiến hành đấu tranh chính trị trực diện với ngụy quyền quận, đòi bồi thường thiệt hại. Ở các thôn Nguyệt Biều, Châu Chữ (xã Nguyên Thủy), địch xúc dân về quận lỵ Nam Hòa, nhân dân vẫn kiên quyết đấu tranh buộc chúng phải để dân trở về làng cũ.

Ở Hương Trà, các lực lượng vũ trang và nông dân tổ chức phục kích, tiến công các đoàn ô tô, xe lửa chở lính trên đường quốc lộ 1, đường sắt, đánh các đồn, các lô cốt vùng ven thành phố. Các đường dây liên lạc được đảm bảo thông suốt để đưa cán bộ từ thành phố ra huấn luyện và đưa cán bộ và tài liệu vào nội thành. Bằng các đường dây bí mật, các xã vùng ven đã đưa vũ khí vào thành phố trong năm 1967. Thôn Phú Xuân, Xuân Long là trạm chuyển tiếp vũ khí giữa bên ngoài và bên trong thành phố Huế. Các thôn Văn Xá, An Ninh, Xuân Long đã có trạm đường dây đảm bảo bí mật, an toàn. Năm 1967, huyện Hương Trà cấp lương thực cho dân vạn đò sống ven sông Bồ, huy động người và phương tiện tổ chức thành đội vận tải đường thủy phục vụ kháng chiến. Nông hội vận động hội viên các xã Hương Thạnh, Hương Mai, Hương Thái mua lương thực, thực phẩm cho căn cứ, xã Hương Bình mua nhu yếu phẩm như thuốc tây, vải, giấy, mực, quần áo, bông băng. Nông dân huyện Hương Trà và vùng phụ cận vượt qua gian khổ, khó khăn, tiết kiệm lương thực, đi mua lúa, gạo đóng góp cho tiền tuyến. Lực lượng vận tải của Quân khu (K200) thường xuyên có 250 người và lực lượng thanh niên địa phương 200 người liên tục về vùng đồng bằng vận chuyển gạo, một đêm 8 chuyến, tổng số gạo mua đầu năm 1967 là 1.700 tấn, đưa được 18 con trâu từ đồng bằng lên vùng căn cứ.

Huyện Quảng Điền phát huy vai trò của huyện đồng bằng, có thế mạnh về lương thực, cử cán bộ phụ trách Nông hội về tận cơ sở bám sát dân, tuyên truyền, vận động nông dân đóng góp lương thực và tìm nguồn lúa, gạo mua cho kháng chiến. Nông dân Quảng Điền đã đóng góp một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến và có đủ nguồn dự trữ đáp ứng một phần yêu cầu của phong trào kháng chiến toàn tỉnh.

Tại miền núi, Đảng bộ và nhân dân các quận mặc dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn nhưng vẫn kiên cường bám trụ, xây dựng củng cố vùng căn cứ. Tháng 3-1967, Tỉnh ủy Thừa Thiên ra nghị quyết về công tác miền núi với nhiệm vụ cụ thể:

Phát động phong trào chiến tranh du kích, thi đua bắn máy bay rải chất độc hóa học nhằm bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, phát triển thêm nhiều trận địa bắn máy bay, củng cố kiện toàn các ban chỉ huy xã đội, thôn đội, phát triển du kích và dân quân tự vệ.

Tăng cường sản xuất, chống đói, gấp rút tiến hành cuộc vận động sản xuất và bảo vệ sản xuất với yêu cầu: Động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và nông dân thi đua sản xuất trồng trỉa kịp thời vụ, dập tắt nạn đói trong vụ Đông Xuân 1967, nâng dần mức sống của nông dân, có đủ ăn, có dự trữ, có cung cấp cho nhu cầu kháng chiến, ổn định tư tưởng quần chúng, củng cố khối đoàn kết nông thôn.

Về sản xuất, chú trọng đẩy mạnh trồng các loại hoa màu ngắn ngày như bắp, khoai lang, dưa, bí, chuối tây. Mỗi lao động phải đảm bảo gieo 2 lon bắp giống, trồng 200 bụi chuối, 1.000 bụi sắn. Về giống, vận động điều hòa trong quần chúng nhân dân các loại giống. Đi đôi với việc sản xuất, bảo vệ sản xuất, chống đói cần củng cố đưa phong trào hợp tác tương trợ lao động lên một bước. Trên cơ sở phát triển sản xuất cần chú ý đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm nhất là đàn trâu, bò, lợn, gà, vịt.

Thực hiện nghị quyết Tỉnh ủy, Đảng ủy miền Tây đã lãnh đạo nông dân thi đua lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ vùng căn cứ. Cán bộ huyện, cán bộ các ban, ngành, Hội Nông dân của tỉnh chỉ để lại một số đồng chí thường trực tổng hợp tình hình, theo dõi, chỉ đạo, còn đại bộ phận đi xuống dân, thực sự lăn lộn và gương mẫu, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất với nông dân, tập trung mọi lực lượng vào việc phát triển sản xuất, bảo vệ sản xuất và chống đói.

Cho đến cuối năm 1967, nông dân các dân tộc Thừa Thiên Huế đã trồng 31.339.372 gốc sắn (bình quân mỗi lao động 2.036 gốc); khoai lang 1.989.622 vồng, chuối tây 3.009.089 cây; các loại môn, khoai từ, khoai tía 1.404.403 bụi; 3.816 lon hạt giống các loại hoa màu ngắn ngày… Nhờ thế đã giải quyết một phần khó khăn về lương thực cho nông dân, đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Từ chỗ nông dân có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự cứu trợ, bà con đã phấn khởi bắt tay vào lao động sản xuất, tự mình lo giống má, cải tiến cách chăm bón, tích cực hưởng ứng khẩu hiệu “ăn rau mới sống, ăn giống sẽ chết”.

Ngoài việc phấn đấu giải quyết vấn đề lương thực, Đảng bộ các quận, huyện miền Tây còn quan tâm giải quyết vấn đề chỗ ở cho quần chúng. Đảng viên các xã tự mình đi nghiên cứu địa hình, tìm ra những điểm có nước, đất đai màu mỡ và an toàn để quần chúng sản xuất. Ở quận 3 các đồng chí trong cấp ủy phối hợp với Nông hội đã phát động nông dân đục núi làm địa đạo, tự tạo ra cho mình chỗ ở ổn định để đẩy mạnh sản xuất [41].

Nhờ giải quyết tốt vấn đề lương thực, đời sống nông dân miền núi được nâng lên, bộ mặt miền núi Thừa Thiên Huế đổi thay, đồng bào phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Năm 1967, do yêu cầu của chiến trường, quận 4 đã huy động 200 dân công làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa trong thời gian 2 tháng, bà con nông dân đã hăng hái lên đường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đợt phát động quần chúng “Dũng cảm xông lên quyết giành đông xuân thắng lợi” bắt đầu từ tháng 11-1967, nông dân miền núi Thừa Thiên đã vượt qua khó khăn, tích cực tham gia phục vụ chiến trường với 3.000 người, ngày đêm có mặt ở những vùng trọng yếu.

Tháng 8-1967, cấp trên quyết định giải thể 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, thành lập các mặt trận gồm các đơn vị hành chính và quân sự trực thuộc Khu và Quân khu Trị Thiên Huế. Thành phố Huế gồm 3 quận nội thành (Hữu Ngạn, Tả Ngạn, Thành Nội) và 3 huyện ngoại thành (Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà) và lực lượng Thành đội Huế (Đoàn 5). Thành ủy Huế cử đồng chí Võ Lạng thay đồng chí Đoàn Lân phụ trách Nông hội. Huyện Phú Lộc cùng Trung đoàn 4 và đại đội vũ trang huyện gọi là mặt trận Phú Lộc (Đoàn 4). Hai huyện Phong Điền, Quảng Điền vẫn trực thuộc Khu. Các quận miền núi Thừa Thiên cùng với huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thành lập Đảng bộ miền tây Trị Thiên.

Tính đến cuối năm 1967, Thành ủy Huế đã xây dựng được 1.000 cơ sở mật ở nội thành, hàng ngàn cơ sở ở 40 xã ngoại thành và 40 đội, tổ, mũi võ trang công tác phát động quần chúng. Một mạng lưới giao thông liên lạc ngang dọc từ rừng núi về đồng bằng, vào thành phố, đào tạo liên lạc viên, đưa cán bộ ra vào thành phố, đưa vũ khí, tài liệu vào bên trong... được Thành ủy Huế xây dựng.

Phát huy những thắng lợi trên chiến trường miền Nam, Hội nghị Bộ Chính trị (12-1967) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (1-1968) quyết định: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.  Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 chỉ rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” [42].

Để thực hiện nhiệm vụ lịch sử, Thành ủy Huế và Ban cán sự Đoàn 4, Huyện ủy Phong Điền, Quảng Điền đã lãnh đạo mọi công tác chuẩn bị. Nhân dân trong tỉnh hăng hái bắt tay vào việc chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968. Thành ủy Huế tập trung cán bộ thành lập các đội vũ trang công tác làm nhiệm vụ phát động quần chúng. Cán bộ các ban, ngành Kinh tế, Tài chính, Y tế, Giáo dục, Tuyên huấn, Báo chí... đều tham gia vào các đội vũ trang công tác. Nhiều cơ sở cốt cán bí mật (Nông hội, Phụ nữ, Thanh niên) được đưa lên căn cứ hoặc đưa ra vùng giải phóng tập huấn rồi đưa về cơ sở làm nòng cốt cho phong trào quần chúng nổi dậy. Các đồng chí Thành ủy viên hoạt động ở nội thành lên căn cứ để quán triệt nhiệm vụ, hợp đồng kế hoạch tổng tấn công và nổi dậy.

Ở các huyện, công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương. Quần chúng nông dân ở các xã Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền đêm đêm rủ nhau xuống đường tập luyện với gậy gộc, giáo mác. Khẩu hiệu “Mâu cầm tay, dao phay tra cán” thúc dục tinh thần của mọi người dân. Ở vùng ven thành phố như Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang đều tổ chức nhiều đội vận tải, đội tải thương, nông dân đào hầm bí mật trong vườn nhà, chuẩn bị nơi băng bó, mổ xẻ để có thể cứu chữa thương binh. Nông hội vận động nông dân gói nhiều bánh chưng, bánh tét, làm các loại lương khô sẵn sàng đón quân giải phóng về làng.

Các Huyện ủy và Nông hội tổ chức cho nông dân học tập Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với nội dung: đoàn kết toàn dân chống Mỹ cứu nước, xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập và phồn vinh; lập lại quan hệ bình thường giữa 2 miền Nam-Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc; thi hành chính sách ngoại giao hòa bình và trung lập. Tỉnh uỷ chủ trương mở Đại hội mừng công năm 1967 ở các đơn vị, các xã giải phóng. Ngày 25-12-1967, Khu ủy tổ chức Đại hội Chiến sỹ thi đua, có 300 đại biểu là chiến sỹ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ, của các huyện, các đơn vị về dự.

Trong suốt thời gian chuẩn bị tổng tấn công và nổi dậy, các cấp ủy Đảng, Nông hội đã tổ chức cho quần chúng ở vùng giải phóng học tập phương pháp phát động quần chúng khởi nghĩa, mở các đợt giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần cách mạng để giai cấp nông dân sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Quần chúng nông dân được giác ngộ đã tham gia chuẩn bị khởi nghĩa với tinh thần hăng hái, phấn khởi chưa từng có. Hàng ngàn tấn gạo, thuốc men, hàng ngàn dân công đã được huy động. Nông dân đóng góp cho kháng chiến từ sự chắt chiu trong sản xuất và thu mua gạo của địch. Các mẹ, các chị, các em nhỏ đều tham gia mua gạo cho cách mạng. Có thể nói, để mua 1 tấn gạo và chuyển an toàn lên vùng căn cứ, nhân dân và cán bộ, chiến sỹ đã đổ mồ hôi, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình.

Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, Huyện ủy Phú Vang đã huy động nông dân thu mua 300 tấn lương thực, thực phẩm để dự trữ, đồng thời tổ chức hệ thống vận chuyển và nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, thương binh, bộ đội. Các xã tổ chức các đại đội tiền phương, hoàn thành nhiệm vụ tải thương, vận chuyển vũ khí, lương thực, làm nhà ở khu hậu cứ, phát động phong trào phụ nữ lập “hũ gạo nuôi quân”.

Huyện Hương Thủy thuộc cánh Nam, nông dân các xã trong huyện đã khẩn trương chuẩn bị địa bàn hành lang để lực lượng chủ lực có điều kiện tiến công vào các mục tiêu của địch, đồng thời chuẩn bị lương thực, hậu cần tiếp tế, nuôi dưỡng bộ đội, phục vụ thương binh, tổ chức các đoàn dân công tải đạn, tải gạo, chuẩn bị giao liên đón các cánh quân phía Nam vào thành phố.

Nông hội các quận, huyện miền Tây vận động nông dân đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến. Hội Nông dân giải phóng được củng cố, tăng cường cán bộ về cơ sở, tuyên truyền vận động nông dân thu mua hàng trăm tấn gạo phục vụ chiến dịch. Nông dân, du kích các xã dọc đường 559 đã giữ cho tuyến đường thông suốt, đảm bảo bí mật, an toàn.

2 giờ sáng ngày 31-1-1968, pháo binh của ta đồng loạt nã vào những căn cứ lớn của địch, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử. Đúng 9 giờ ngày 31-1-1968, lá cờ của Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình  thành phố Huế đã tung bay trên đỉnh Cột Cờ trước mặt Ngọ Môn.

Bộ đội ta vừa đánh địch phản kich vừa phát động quần chúng nổi dậy, đập tan chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng từ phường, vạn đến khu phố, các đoàn thể cách mạng được tổ chức.

Hòa nhịp với tiếng súng tấn công thắng lợi của lực lượng vũ trang, hàng chục vạn quần chúng nông dân ở vùng nông thôn, có tổ chức và lãnh đạo đồng loạt nổi dậy, cùng đội du kích và dân quân kéo đến bao vây đồn địch, vừa tấn công quân sự vừa kêu gọi ngụy quân đầu hàng. Quần chúng nông dân tham gia cứu chữa thương binh, vận chuyển vũ khí, đạn dược, đào hầm tránh pháo, nấu cơm tiếp tế cho bộ đội, truy nã bọn ác ôn.

Ở La Chữ (Hương Trà), nông dân đóng góp 700 thúng gạo và thực phẩm, lập quán cơm “Xã hội chủ nghĩa” trong thời gian 1 tuần lễ để cán bộ, bộ đội trên đường ra vào thành phố có nơi ăn uống đầy đủ. Hàng ngày có 100 người ăn ở bếp này. Trong cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế, thương binh được đưa ra nuôi dưỡng ở Hương Trà, nông dân đã đóng góp công sức tải thương, cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi dưỡng thương binh, vận chuyển thương binh tới bệnh xá an toàn. Khi địch phản kích dữ dội và bộ đội ta rút khỏi thành phố, hàng trăm thương binh còn lại ở đồng bằng đã được nông dân che chở, nuôi dưỡng trong hầm bí mật và đưa lên chiến khu an toàn.

Nông dân Hương Thủy đóng góp tiền của, lương thực phục vụ sở chỉ huy và các đơn vị đóng quân trong vùng. Mặc cho địch phản kích ác liệt, nông dân vẫn cùng bộ đội đào hầm hào, công sự chiến đấu, lập nhà ăn phục vụ bộ đội đánh địch tại chỗ, lập bệnh viện dã chiến ở xã Thủy Xuân để kịp thời cứu chữa thương binh.

Ở huyện Quảng Điền trong cuộc chiến đấu chống địch phản kích, nông dân các xã trong huyện đã đón và nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh từ mặt trận Huế chuyển về. Các xã Quảng Ninh, Quảng Đại, Quảng Hòa đã tiếp nhận, chăm sóc 1.000 thương binh, trong đó nhiều gia đình nông dân nhận chăm sóc cùng lúc nhiều thương binh trong khi địch tập trung phản kích rất quyết liệt.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, nông dân huyện Phú Vang đồng loạt nổi dậy giành quyền làm chủ. Ngoài vùng giải phóng cũ, các xã ven biển, ven thành phố đều được giải phóng với dân số 10 vạn người. Nông dân tham gia cách mạng với nhiều hình thức: đi dân công phục vụ tiền tuyến, chuyển thương binh về tuyến sau, lập nhà ăn phục vụ bộ đội đánh địch tại chỗ, lập bệnh xá cứu chữa thương binh, thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân Phú Vang huy động hơn 100 tấn lương thực và 20 triệu đồng cung cấp cho tiền phương, bảo đảm yêu cầu vật chất cho cuộc tiến công và nổi dậy. Khi địch phản kích, hàng trăm thương binh phân tán trong nhà dân ở các xã Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Lương, Phú Đa, Vinh Phú, Vinh Thái đã được bảo vệ chu đáo ở các hầm bí mật.

Ở thành phố Huế, quân và dân ta đánh địch hết sức kiên cường, làm chủ thành phố 26 ngày đêm. Đó là thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trung ương và Khu ủy giao, góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Hội Nông dân giải phóng tỉnh, phong trào nông dân giai đoạn 1965-1968 đã phát triển mạnh mẽ. Nông dân hăng hái tham gia phong trào đấu tranh chính trị do Đảng bộ phát động, chống các chiến dịch bình định nông thôn của Mỹ-ngụy, xây dựng làng xã chiến đấu, đấu tranh trực diện với kẻ thù đòi các quyền tự do dân chủ, đòi lại ruộng đất, đấu tranh chống cày ủi ruộng vườn, phá hoại sản xuất. Cùng với phong trào đấu tranh chính trị của nông dân, tổ chức Nông hội từ tỉnh, xuống huyện, xã được củng cố và có bước phát triển, là tổ chức chính trị tập hợp đông đảo giai cấp nông dân hỗ trợ nhau trong sản xuất và đấu tranh chống Mỹ-ngụy, mở rộng vùng giải phóng.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, quần chúng nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền với khí thế như triều dâng, thác đổ. Hàng chục vạn nông dân đã xuống đường bao vây đồn bốt, quận lỵ, kêu gọi binh lính ngụy bỏ súng về nhà làm ăn; cùng với các lực lượng vũ trang xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng các cấp; tham gia đào công sự chiến đấu; đóng góp lương thực, thực phẩm; tải thương, vận chuyển vũ khí, bảo vệ và nuôi dưỡng thương binh.

Ngày 20-1-1968, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất cho Hội Nông dân Giải phóng Thừa Thiên do những thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Hội và phục vụ kháng chiến.

IV. CHỐNG ĐỊCH BÌNH ĐỊNH, GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG VỀ CƠ BẢN CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” (1969 - 1972)

Đầu năm 1969, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với việc rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam, giữ vững chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu, tiếp tục áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, nhằm mục đích dùng người Việt đánh người Việt bằng vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ. Mỹ sử dụng sức mạnh tối đa về quân sự để tiến hành cùng lúc ba loại hình chiến tranh ở miền Nam (giành dân, bóp nghẹt và hủy diệt) nhằm thực hiện chương trình trọng tâm là bình định nông thôn, qua đó để làm cho cách mạng mất chỗ dựa và đi đến suy yếu.

Trị Thiên Huế được Mỹ cho là một trong những chiến trường quan trọng để chúng thực hiện 3 loại hình chiến tranh đó. Các đội quân của địch mang tên “Phượng hoàng”, “Thiên nga” được tập trung ở khu vực Trị Thiên để tiến hành các cuộc càn quét, khủng bố.

Để kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nông dân, ngày 6-1-1969 Trung ương Cục miền Nam đã ra chỉ thị đẩy mạnh công tác nông vận, trong đó nêu rõ:

Ra sức phát huy truyền thống cách mạng của quần chúng nông dân, nâng cao giác ngộ giai cấp, quyết tâm cách mạng để giành thắng lợi quyết định trước mắt. Không ngừng phát triển và củng cố tổ chức Nông hội, kiện toàn, chấn chỉnh tổ chức và lề lối công tác của Ban Nông vận các cấp đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cùng với việc động viên nhân tài vật lực của nông dân cho cuộc chiến tranh, phải chú ý đúng mức việc chăm lo đời sống mọi mặt của nông dân, thực hiện chính sách ruộng đất, chính sách văn hóa [43].

Tháng 1-1969, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam tiến hành Đại hội tổng kết phong trào đấu tranh của nông dân trong 8 năm và đề ra nhiệm vụ: vận động nông dân đấu tranh giành chính quyền, làm chủ và bảo vệ chính quyền cách mạng, đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu, đẩy mạnh 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận), giữ vững quyền làm chủ về ruộng đất, thực hiện dân sinh, dân chủ, vận động nông dân vùng tạm bị chiếm từ 20% đến 30%, vùng tranh chấp từ 40% đến 50%, vùng mới giải phóng từ 60% đến 80% nông dân vào Nông hội.

Đại hội là sự kiện chính trị to lớn của giai cấp nông dân miền Nam Việt Nam, khẳng định vai trò của Hội Nông dân là tổ chức tập hợp, vận động nông dân thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng, phát huy sức mạnh của ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược.

Qua tháng 2-1969, trong Chỉ thị “Về đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm phục vụ kháng chiến” Trung ương Cục miền Nam nhấn mạnh: “Trên cơ sở phát động quần chúng vượt mọi gian khổ hy sinh, bẻ gãy âm mưu bình định cấp tốc, giải phóng đại bộ phận nông thôn, nỗ lực vượt bậc, đẩy mạnh sản xuất với mức cao nhất, mở rộng diện tích khai hoang, phục hóa, thu hẹp vùng trắng, xây dựng kinh tế vùng giải phóng vững chắc, giữ vững sản xuất ở vùng ven, bảo đảm đời sống nông dân, bảo đảm cung cấp cho chiến trường và tạo dự trữ to lớn để tiếp tế cho mặt trận” [44].

Từ ngày 8-3 đến 13-3-1969, Khu ủy Trị Thiên tổ chức hội nghị, ra nghị quyết xác định nhiệm vụ của quân và dân Trị Thiên Huế: kiên quyết đánh bại kế hoạch bình định cấp tốc của địch, giành lại quyền làm chủ của quần chúng ở nông thôn. Xây dựng được thế đứng vững chắc ở vùng rừng núi, giành lại giáp ranh, tạo thế thường xuyên chia cắt, uy hiếp địch. Đối với vùng nông thôn, phát động quần chúng nông dân đấu tranh, chống gom dân, chống phá mùa màng, chống bắt lính, đòi tự do đi lại, làm ăn, trở về làng cũ, động viên nông dân tham gia chiến tranh du kích, phục vụ cách mạng, tham gia công tác binh, địch vận, phát triển hệ thống tổ chức và đào tạo cán bộ quần chúng, chú trọng tổ chức Nông hội. Ra sức xây dựng miền núi vững mạnh về mọi mặt, hướng dẫn đồng bào đẩy mạnh sản xuất, cải thiện việc ăn, ở, vệ sinh phòng bệnh.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Cục, Nghị quyết của Đại hội Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Nghị quyết của Khu ủy, Thừa Thiên Huế đã củng cố lại Hội Nông dân Giải phóng, phát động nông dân đoàn kết đẩy mạnh sản xuất ở vùng giải phóng, vùng căn cứ, kiên quyết chống các chiến dịch càn quét, bình định cấp tốc của Mỹ-ngụy. Tháng 6-1969, Khu ủy phân công đồng chí Lê Sáu (Phó ban Dân vận Khu) phụ trách Nông hội Khu Trị Thiên Huế. Ban Chấp hành Nông hội Khu gồm các đồng chí Lê Sáu, Võ Lạng, Hồ Binh và Ngô Tiến Dũng.

Sau khi củng cố tổ chức, Hội Nông dân Giải phóng Thừa Thiên Huế đã tập trung vào việc phát động quần chúng đấu tranh bảo vệ quyền lợi thiết thực của mỗi người, mỗi gia đình, đặc biệt là quyền tự do đi lại, làm ăn, chống áp bức, khủng bố, bảo vệ cách mạng, bảo vệ phong trào.

Năm 1969, Mỹ-ngụy tiến hành chiến dịch “bình định cấp tốc” ở nông thôn đồng bằng và đánh phá căn cứ địa cách mạng ở miền tây Thừa Thiên. Thủ đoạn của chúng vẫn là đánh phá, khủng bố, bắt lính đi đôi với việc chiêu hồi, tổ chức gián điệp, đánh bại lực lượng ta ra khỏi đồng bằng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với nhân dân toàn tỉnh, nông dân Thừa Thiên Huế đã kiên trì vượt qua khó khăn, tham gia khôi phục và phát triển phong trào. Nông hội đã lãnh đạo nông dân toàn tỉnh đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, chống dồn dân, cày ủi làng xóm, chống bắt lính. Nông dân các thôn Xuân Sơn, Ngũ Tây đã đấu tranh nhiều đợt, mỗi đợt có từ 30 đến 40 người tham gia, làm thất bại âm mưu dồn dân của địch. Nông dân xã Hương Vân (Hương Trà) đấu tranh đòi trở về làng cũ làm ăn, đòi cấp tôn lợp lại 170 căn nhà bị bom Mỹ phá hỏng. Nông dân các xã Phú Thạnh, Phú Cường, Khu 3 (Hương Thủy) đấu tranh không chịu đi phát bụi, phát bờ. Khi địch bắt đồng bào đi phát ruộng bị lựu đạn nổ chết 2 người, bị thương 5 người, đồng bào đã gánh xác lên quận lỵ đấu tranh đòi bồi thường, địch phải nhượng bộ. Quần chúng ở Hương Bình (Hương Trà) đấu tranh đòi dời 70 ngôi mộ liệt sỹ về chùa Phước Duyên [45].

Ở huyện Hương Thủy, các chi bộ, Nông hội lãnh đạo nông dân chống địch cào nhà, bắt lính, có nơi chúng đưa xe ủi về 5 - 7 lần nhưng đều bị “đội quân tóc dài” nằm chặn ngang trước xe. Nông dân các thôn Lợi Nông, Dạ Lê đấu tranh không chịu vào khu tập trung, các nơi dân bị dồn vào khu tập trung rồi thì đấu tranh đòi về làm ăn tại làng cũ. Tháng 3-1969, địch tiến hành cày ủi các lăng mộ ở vùng giáp ranh vì chúng nghi ở những nơi đó có hầm bí mật ta. Cuộc đấu tranh đã diễn ra quyết liệt 4 giờ liền ở các xã Thủy Phương, Thủy Bằng, Thủy Thanh, Thủy Châu chống địch cày ủi, bảo vệ mồ mả, và qua đó bảo vệ được cán bộ cách mạng.

Các mẹ, các chị cơ sở cách mạng đã bí mật đào hầm nuôi dưỡng cán bộ bám trụ ở các xã Hồng Thuỷ, Bích Thuỷ, Thiên Thuỷ, Hải Thuỷ, Mỹ Thuỷ, Phong Thuỷ. Ông Nguyễn Đình Chuân, một nông dân đã hy sinh để cứu sống 12 cán bộ dưới hầm bí mật. Hai ngàn dân Thuỷ Phương đã đấu tranh trực diện ở quận lỵ Hương Thuỷ đòi bồi thường tính mạng cho gia đình ông, địch đã chấp thuận và sau đó để cho dân về làng, không ở khu tập trung tại bệnh viện Dạ Lê nữa.

Ở Quảng Điền, mặc dù bị địch khủng bố, gom dân, thanh lọc, nhưng cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng vẫn tiếp tục lãnh đạo nông dân chống địch phá hoại mùa màng, đòi tự do đi lại, trở về quê cũ làm ăn.

Phong trào đấu tranh binh vận cũng phát triển mạnh. Hội Nông dân vận động những gia đình có người thân đi lính bỏ ngũ, làm rã ngũ nhiều đoàn phòng vệ dân sự (Phú Vang 2 đoàn, Hương Thuỷ 3 đoàn). Ở Phú Lương có 300 binh sĩ đào ngũ, nhiều sĩ quan và binh lính ngụy tìm bắt liên lạc với cách mạng.

Từ tháng 1 đến tháng 5-1969, địch dùng 12 tiểu đoàn hành quân lên vùng núi Côcava-Cô Tiên và các điểm cao từ quận 3 đến quận 4 hòng đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi vùng núi, đánh phá kho tàng, đường chiến lược của ta. Sát cánh cùng bộ đội chủ lực, du kích, dân công, đồng bào các dân tộc quận 1, quận 3, quận 4, miền tây Thừa Thiên mà chủ yếu là nông dân đã hăng hái phục vụ chiến đấu và chiến đấu, gây cho địch nhiều tổn thất, đồng thời bảo vệ an toàn đường hành lang, kho tàng và các cơ quan lãnh đạo. Nông dân quận 4 trong khó khăn vẫn làm tốt nhiệm vụ hậu phương, trực tiếp nuôi dưỡng, giúp đỡ 1 đơn vị kinh tế của tỉnh mới thành lập, 1 trung đội chiến đấu, 1 đội phẫu của Đoàn 4, huyện đội các huyện Hương Thuỷ, Phú Vang, Phú Lộc và thành đội Huế, thương binh từ các nơi chuyển về.

Nổi lên biết bao tấm gương chiến đấu anh dũng của đồng bào các dân tộc miền tây, trong đó tiêu biểu là Hồ A Nun ở Hồng Bắc (A Lưới). Tháng 12-1969, anh được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang do những thành tích đã đạt được. Trong 7 năm anh đã gùi trên vai, chuyển đi 138 tấn hàng phục vụ kháng chiến.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam từ trần. Cùng với đồng bào cả nước, nông dân Thừa Thiên Huế bất chấp sự khủng bố gắt gao của kẻ thù đã lập bàn thờ, để tang Bác Hồ. Khắp toàn tỉnh từ đồng bằng, miền núi đến đô thị đã dấy lên phong trào “biến đau thương thành hành động cách mạng”. Nhân dân xã Quảng Ninh (Quảng Điền) dựng cổng chào, treo ảnh Bác có viền băng đen, bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn. Nông dân Hương Trà từ vùng giáp ranh tới vùng biển, từ khu tập trung, đến các thôn, xóm bằng mọi cách để tang Bác như dùng nón quai đen, mặc áo đen, cúng cơm, cầu siêu cho Bác. Nông dân huyện Hương Thuỷ tổ chức cầu siêu cho Bác, Huyện uỷ tổ chức lễ truy điệu và nêu quyết tâm khôi phục phong trào toàn huyện, thực hiện Di chúc của Người [46]. Nông dân các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang tổ chức trọng thể lễ tang Bác và tích cực hưởng ứng phong trào tiến công tiêu diệt địch. Đồng bào các dân tộc miền tây Thừa Thiên nhiều người lấy họ Hồ làm họ của mình, thể hiện tấm lòng yêu kính và biết ơn vô hạn đối với Bác.

Tháng 1-1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 18, đề ra chủ trương, phương châm chiến lược trong giai đoạn mới. Nghị quyết Hội nghị nhấn mạnh: “Đẩy mạnh tiến công toàn diện về quân sự, chính trị, ngoại giao; kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; kết hợp việc tiêu diệt địch với việc giành lấy và giữ vững quyền làm chủ của nhân dân. Vận dụng đúng phương châm tiến công trên cả 3 vùng chiến lược, trong đó lấy nông thôn làm hướng tiến công chính” [47].

Từ ngày 11-3 đến ngày 18-3-1970, Khu uỷ Trị Thiên Huế đã họp để triển khai Nghị quyết lần thứ 18 của Trung ương Đảng và đề ra nhiệm vụ đối với nông thôn, đồng bằng: kiên quyết đánh bại âm mưu bình định của địch, giành quyền làm chủ bằng nhiều hình thức. Nội dung đánh bình định và làm chủ bao gồm: tiêu diệt địch, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đấu tranh để sản xuất và bảo vệ sản xuất. Xây dựng miền núi vững mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế, trước mắt đảm bảo lương thực cho cuộc chiến đấu ở vùng giáp ranh, lấy việc sản xuất, chiến đấu và đời sống của quần chúng làm nội dung chủ yếu để phát động quần chúng tham gia xây dựng căn cứ.

Để đánh bại một bước kế hoạch bình định của địch, khôi phục lại phong trào ở nông thôn, đồng bằng, Khu uỷ đề ra nhiệm vụ trung tâm cấp bách trước mắt là chiếm lĩnh địa bàn giáp ranh và xây dựng 4 nhân tố mới ở đồng bằng (Đảng lãnh đạo, lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị, lực lượng du kích và chiến tranh du kích, địa bàn đứng chân và hành lang hay còn gọi là địa bàn lõm).

Khắp trong tỉnh, phong trào “đánh, đấu, xây” ở đồng bằng được chú trọng. Từ Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà cho đến Phú Vang, Hương Thuỷ, Phú Lộc, nơi nào cũng quyết tâm giành cho được quyền làm chủ ở cơ sở, giáp ranh, không cho địch dồn dân, lập ấp. Các cấp uỷ Đảng lãnh đạo Hội Nông dân giải phóng, tập hợp lực lượng nông dân, đấu tranh quyết liệt với kẻ thù ở khắp các huyện trong tỉnh với khẩu hiệu bảo vệ sản xuất và đời sống, chống cày ủi phá hoại mùa màng, đòi về làng cũ sinh sống, chống bắt ép vào các đảng phái phản động, đòi quyền dân sinh, đòi bồi thường thiệt hại về người và tài sản do địch gây ra. Riêng ở xã Phong Thu (Phong Điền) trong năm 1970 đã diễn ra 50 cuộc đấu tranh chính trị quy mô toàn xã, 200 cuộc đấu tranh quy mô thôn. Tháng 12-1970, chi bộ Phong Thu, tổ chức nội tuyến đã vận động được toàn bộ trung đội phòng vệ dân sự của địch gồm 38 người với 20 súng quay về với nhân dân [48].

Quần chúng nông dân ở các địa phương còn tham gia đánh phá các phương tiện chiến tranh của địch như phá ống dẫn dầu từ cửa Thuận An về Phú Bài, phá ống dẫn nước từ Nam Hoà về ấp 5. Hàng trăm mét ống dẫn dầu đi qua Phú Vang, Hương Thuỷ bị nhân dân ở đây phá tan.

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh, Đảng bộ Thừa Thiên Huế luôn dựa vào nguồn hậu cần tại chỗ huy động chủ yếu từ nông dân để kịp thời nuôi quân đánh giặc, không trông chờ ỷ lại vào Trung ương. Nông dân các huyện Hương Thuỷ, Phú Vang thu mua hơn 1.000 tấn gạo. Nông dân Phong An, Phong Sơn (Phong Điền) mua được 200 tấn gạo, 20 tấn muối, 700 kg bột ngọt, hàng trăm mét vải, hàng ngàn mét ni lông, thuốc chữa bệnh, chuyển lên chiến khu phục vụ kháng chiến.

Tháng 3-1970, lực lượng vũ trang Phú Lộc phối hợp với du kích mở đợt tấn công tiêu diệt 2 trung đội Mỹ ở thôn Hoà Mậu (Lộc Trì), tiêu diệt địch ở Hói Mít (Lộc Hải) và phá 2 ấp chiến lược, hỗ trợ tích cực cho phong trào chống phá địch bình định. Phong trào đấu tranh chính trị, tố cáo tội ác của Mỹ-ngụy phát triển mạnh. Nông dân các xã Thế Lộc, Mỹ Lộc kéo về quận lỵ Vinh Lộc đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ-nguỵ phải bồi thường chiến tranh. Cuộc đấu tranh chính trị của nông dân các xã Khu 3 đã góp phần khôi phục phong trào cách mạng ở nông thôn vùng sâu. Vượt qua khó khăn, nông dân các xã đã vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, vải vóc đưa lên căn cứ.

Từ tháng 4 đến tháng 10-1970, Đảng bộ và nông dân các quận miền tây đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực mở các đợt tiến công liên tục tiêu hao, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch, buộc chúng phải rút khỏi các vị trí chiếm đóng, miền tây Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Phong trào cách mạng từ đây bước sang giai đoạn mới - giai đoạn Đảng bộ và nhân dân các quận xây dựng miền núi thành căn cứ hậu phương vững chắc, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng đồng bằng và thành phố Huế. Nông dân các xã phấn khởi trở về bản làng làm lại nhà cửa, thi đua tăng gia sản xuất, ổn định đời sống. Đảng uỷ miền Tây đề ra quyết tâm trồng 40 triệu gốc sắn, và tổ chức Nông hội vận động nông dân thi đua thực hiện. Sau 2 tháng nhân dân đã trồng được 47 triệu gốc, góp phần giải quyết khó khăn về nguồn lương thực.

 Đảng uỷ miền Tây tổ chức phát động phong trào thi đua “Hai giỏi” trong nông dân (giỏi sản xuất, giỏi dân công). Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn dân công (quận 4, quận 3, quận 1). Nông dân các huyện đóng góp hàng ngàn ngày công, trâu, bò, sức kéo, tải lương, tải đạn ra tiền tuyến. Các mặt đời sống văn hoá của quần chúng có chuyển biến. Các cấp Hội phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh, ăn chín, uống sôi, ngủ màn. Ngành y tế đào tạo hàng chục y tá, hộ sinh cho các xã, hình thành mạng lưới y tế cơ sở. Các trường bổ túc văn hoá của miền, của quận mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, lớp đào tạo giáo viên vỡ lòng.

Tháng 10-1970, Khu uỷ Trị Thiên họp Hội nghị để đánh giá tình hình và đề ra nhiệm vụ công tác năm 1971: về chính trị, tiếp tục  đấu tranh chống áp bức bóc lột với khẩu hiệu “Nông dân bám ruộng đồng”, giữ quyền lợi ruộng đất do cách mạng đem lại, đấu tranh chống khủng bố, đàn áp, chia rẽ, chống chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chống tập trung dân, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ quyền sống và các quyền lợi dân sinh, dân chủ”; về kinh tế, ở đồng bằng phải động viên nông dân đấu tranh chống các chính sách kinh tế lừa bịp của địch, kiên quyết bám giữ ruộng vườn, bảo vệ đàn gia súc để sản xuất, vận động nông dân vùng giải phóng, đặc biệt là ở miền núi thực hiện phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm.

Các cấp uỷ Đảng, Nông hội đã tổ chức cho nông dân học tập, quán triệt nghị quyết Khu uỷ, phát động nông dân đấu tranh. Hoạt động chống phá bình định phát triển mạnh, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với quân sự ở 40 xã (trong 56 xã) và trên 200 thôn (trong 474 thôn), trong đó 145 thôn được phát động nổi dậy tấn công phá lỏng kìm kẹp, có 52 thôn tranh chấp mạnh gồm trên 41.000 dân. Ở huyện Hương Thuỷ, các đội công tác vũ trang, chính trị đã phát động 21.000 nông dân, huyện Phú Lộc phát động 7.000 quần chúng, các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền phát động 4 vạn quần chúng.

Để đưa phong trào cách mạng phát triển đi lên, tháng 6-1971 Trung ương Đảng ra quyết định thành lập lại Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế do đồng chí Nguyễn Vạn làm Bí thư. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trương: nhanh chóng tập trung lực lượng, xây dựng lại phong trào, lấy những thôn, xã mạnh làm bàn đạp để mở ra những vùng mới, từng bước xây dựng vững chắc cơ sở cách mạng, tiếp tục đưa cán bộ về xây dựng phong trào ở các huyện trong tỉnh. Hội Nông dân Giải phóng tỉnh được kiện toàn về tổ chức, đồng chí Huỳnh Chính (Luyến) được phân công phụ trách Nông hội.

Năm 1971, hòa nhịp với làn sóng xuống đường của đồng bào đô thị, khí thế đấu tranh ở nông thôn cũng phát triển mạnh. Nét mới của phong trào đấu tranh chính trị ở nông thôn là đã có sự phối hợp với phong trào thành phố, phát huy thế hỗ trợ cho thành phố, từ chỗ lẻ tẻ đòi quyền lợi hàng ngày, phong trào đã có bước phát triển về chất. Trong tháng 8-1971, nông dân đấu tranh chống Mỹ-ngụy dưới nhiều hình thức như: nông dân xã Hưng Lộc, Hải Thủy (Hương Thủy) huy động 660 lượt người tham gia đấu tranh đòi địch phải trợ cấp bão lụt, Hải Thủy có 500 người tham gia đấu tranh trong vụ xe Mỹ cán chết 1 học sinh ở Phú Lương, buộc địch phải bồi thường 80.000 đồng (cuộc đấu tranh này có sinh viên, học sinh và các giới lao động nội thành phối hợp, tuyến đường Huế - Đà Nẵng 2 ngày bị đình trệ giao thông), nông dân các xã Đông An, Bình An (Phú Lộc), Hưng Lộc (Hương Thủy), Liễu Thượng (Hương Trà) đấu tranh chống khủng bố, chống vào phòng vệ dân sự, chống ngủ tập trung [49].

Tính chung trong năm 1971, ở Hương Thuỷ có 104 cuộc đấu tranh gồm 21.270 lượt người tham gia, Phú Lộc có 67 cuộc gồm 15.354 lượt người, Phong Điền 45 cuộc gồm 8.500 lượt người. Ở Hương Trà có 1.600 và Hương Thuỷ có 3.000 lượt người tham gia đấu tranh cùng với hàng chục ngàn gia đình binh lính ngụy trong khi địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh sang Hạ Lào (2-1971). Cuộc đấu tranh đòi chồng, con, em, đòi bồi thường tính mạng cho lính ngụy chết trận ở Nam Lào của gia đình binh lính ngụy đã kéo dài suốt tháng 3 và tháng 4-1971 v.v.. [50].

Bên cạnh đó, phong trào đấu tranh binh vận với sự đóng góp rất quan trọng của chị em phụ nữ ở nông thôn tiếp tục có thêm những thành tựu mới. Ở Hương Thủy đã vận động được 300 gia đình binh lính, tổ chức 47 tổ nòng cốt gồm 270 người, xây dựng 21 nội tuyến, tán phát 15.000 truyền đơn, gửi 280 lá thư cho binh lính sỹ quan ngụy. Ở Phú Lộc vận động 500 gia đình, tổ chức 6 tổ nòng cốt gồm 22 người, xây dựng 11 nội tuyến, tán phát 10.000 truyền đơn.

Với sự phát triển của phong trào đấu tranh chống Mỹ-ngụy, trong toàn tỉnh đã xây dựng được tổ chức Nông hội ở 41/56 xã, cơ sở cách mạng ở 200/474 thôn. Tổng số cơ sở đã củng cố là 2.396, trong đó có 1.957 hội viên các đoàn thể thuộc Mặt trận. Ở vùng giáp ranh, ta đã tạo thế đứng chân vững chắc để hỗ trợ đắc lực cho đồng bằng, thường xuyên có 155 cán bộ vũ trang, chính trị bám trụ hoạt động, mở ra được 70 thôn, ấp dọc đường quốc lộ 1, có thể huy động được 3 vạn dân, tạo nên thế liên hoàn phục vụ cách mạng, huy động nông dân thu mua lương thực và dự trữ 350 tấn phục vụ kháng chiến. Ở miền núi, Đảng bộ và nhân dân tiếp tục giữ vững thế làm chủ, củng cố tổ chức Nông hội giải phóng, kết nạp thêm hội viên mới. Năm 1971, các huyện miền núi trồng 11.800 thùng giống (6.651 thùng giống ba trăng, trong đó bộ đội và cơ quan tỉnh trồng 800 thùng giống ba trăng, còn lại là lúa mùa), tăng hơn năm 1970 là 63%, trồng 28,5 triệu gốc sắn (bộ đội và các cơ quan tỉnh trồng 3 triệu gốc), 1.000 thùng giống ngô (bộ đội và cơ quan trồng 120 thùng). Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển với 2.880 con lợn, 7.847 gà. Nhờ nỗ lực tăng gia sản xuất, trồng nhiều loại hoa màu ngắn ngày, chỉ đạo các khâu kịp thời vụ, giống, nông cụ và quản lý lao động đảm bảo nên tổng sản lượng thu hoạch đều tăng, đời sồng nông dân được cải thiện một bước. Qua lao động sản xuất, Nông hội đã vận động bà con nông dân vào các tổ đổi công và thành lập tổ hợp tác chia hoa lợi theo điểm (6 phần trăm). 145 tổ đổi công thường xuyên gồm 1.087 hộ, 4.362 nhân khẩu (chiếm 30%) được thành lập, 191 hộ gồm 2.369 nhân khẩu làm ăn riêng lẻ, số còn lại đổi công từng vụ, mùa.

Qua sản xuất và chiến đấu, các cấp ủy Đảng, đoàn thể được củng cố. Các huyện miền tây đã bầu xong Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cách mạng các xã, lập ủy ban huyện, Quận 4, củng cố và phát triển các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, Nông hội từ huyện đến xã. 

Công tác kinh tế, tài chính cũng được Khu ủy, Thành ủy chú trọng. Khu ủy đã cấp 52 triệu tiền mặt, 150 tấn gạo và 18 tấn muối cho tỉnh, 20 tấn gạo, 10 tấn muối cho các cơ quan Tỉnh ủy và trên 15 tấn muối cho nhân dân miền núi, động viên nông dân đóng góp 20 tấn gạo, thu mua 350 tấn gạo đồng bằng, 15 tấn muối cung cấp cho 2.000 cán bộ, chiến sỹ. Năm 1971 sản xuất tự túc 250 tấn gạo (cả miền núi và đồng bằng) [51].

Việc xây dựng 4 nhân tố mới ở nông thôn, đồng bằng theo 2 xã điểm ở Phú Lộc và Hương Thủy có bước phát triển mới. Ở hầu hết các xã vùng giải phóng, giáp ranh đều phát triển 4 tổ phụ lão, 4 tổ thanh niên giải phóng, 4 tổ phụ nữ đòi quyền sống, 1 ban đấu tranh bảo vệ công lý, 8 tổ binh vận, 1 ban đại diện học sinh trường trung học, 13 tổ du kích mật, thành lập mới 2 ban cán sự thôn, 1 chi đoàn thanh niên nhân dân cách mạng, ngoài ra còn phát triển 44 cơ sở cốt cán và liên lạc lại 11 cơ sở. Mở rộng sở ở 3 thôn của Phú Lộc, một số thôn của Hương Thủy, hầu hết số thôn của các huyện giáp ranh đều có cơ sở [52].

Từ ngày 10 đến ngày 30-11-1971, Khu ủy Trị Thiên Huế họp đánh giá tình hình và đề ra chủ trương: “Động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân nỗ lực vượt bậc, đánh bại mọi âm mưu bình định của địch, giành dân, giành quyền làm chủ nông thôn, đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng, chuẩn bị đón thời cơ mới”. Đến ngày 11-3-1972, căn cứ thực tiễn phát triển của cách mạng miền Nam, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết về việc mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, xác định chiến trường Trị Thiên là hướng tiến công chủ yếu.

Ngày 30-3-1972, bộ đội ta tấn công mạnh mẽ tại mặt trận Quảng Trị, phá vỡ tuyến phòng thủ đường 9. Nhân dân Thừa Thiên Huế đã phối hợp chặt chẽ với mặt trận Quảng Trị, các đội công tác của tỉnh luồn sâu vào sau lưng địch đánh phá bình định, các Huyện uỷ phát động quần chúng nổi dậy diệt ác ôn, giành quyền làm chủ từng phần. Chiến tranh du kích được đẩy mạnh, các địa phương huy động dân công phục vụ tiền tuyến. Trong khí thế tiến công địch mạnh mẽ, nông dân các địa phương không chỉ nổi dậy phá địch kìm kẹp mà còn tích cực cùng bộ đội tấn công, bao vây đánh đồn địch dưới nhiều hình thức, phục vụ chiến đấu, tiếp lương, tải đạn, chuyển thương binh về phía sau và dẫn đường cho bộ đội tiếp cận mục tiêu.

Tháng 5-1972, ở vùng nông thôn, đồng bằng Thừa Thiên Huế Hội nông dân đã phát động quần chúng ở 175 thôn, ấp trong phạm vi 33 xã với khoảng 4 vạn dân bằng các hình thức vũ trang tuyên truyền, mít tinh, hội họp, phát động quần chúng. Nội dung phát động vạch rõ những thất bại của địch, nghĩa vụ của nông dân đối với cuộc kháng chiến là đoàn kết bám ruộng, bám quê hương, tham gia bố phòng đánh địch. Qua các đợt phát động, nông dân đã kiên quyết bám trụ xóm làng, chuẩn bị lương thực, thu dấu tài sản, đào công sự, nuôi dưỡng thương binh, đẩy mạnh sản xuất phục vụ chiến đấu. Các cuộc đấu tranh chống tập trung lúa, chống bao vây kinh tế và phong toả lương thực; đấu tranh chống bắt lính, đôn quân, phá rã phòng vệ dân sự, bảo vệ thanh niên đào binh thu hút đông đảo nông dân các huyện tham gia; đấu tranh chống dồn dân, chống ngủ tập trung, chống rào làng, đòi về làng cũ, chống cày ủi, phá hoại sản xuất ở Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc đạt kết quả cao.

Nông dân các huyện miền núi tích cực tham gia sản xuất lương thực, đóng góp nuôi quân, tham gia phục vụ chiến dịch. Các quận miền Tây sắp xếp lại sản xuất, đưa nông dân vào các tổ chức hợp tác, đổi công dưới các hình thức: hợp tác chia theo điểm (có 550 hộ, 85 tổ, 1.175 nhân khẩu); hợp tác chia hoa lợi theo công (968 hộ, 162 tổ, 1.867 nhân khẩu); đổi công thường xuyên (673 hộ, 101 tổ, 1.354 nhân khẩu); đổi công vụ việc (224 hộ, 43 tổ, 387 lao động); làm ăn riêng lẻ (121 hộ, 316 lao động) [53].

Ngoài việc tổ chức lại sản xuất, các cấp ủy Đảng và Hội Nông dân còn quan tâm tới đời sống nông dân, các xã đều có trạm xá, đảm nhận công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân. Công tác giáo dục được quan tâm đúng mức, các xã ở quận 1 đều mở các lớp bình dân học vụ với 706 người theo học, thanh toán nạn mù chữ cho 1.449 người; quận 3 có 226 người theo học, thanh toán mù chữ cho 1.914 người; quận 4 có các xã Thượng Lộ, Thượng Nhật, Hương Sơn, Hương Lâm, Hương Hữu phát triển thêm các lớp bình dân học vụ [54].

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nông dân các huyện, quận miền tây đã tích cực đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến. Năm 1972 số lượng đóng góp lương thực của các quận là: quận 1 (sắn 545.700 gốc, bắp 1.112 thùng, lúa 1.646 thùng), quận 3 (sắn 490.200 gốc, bắp 2.179 thùng, lúa 1.890 thùng), quận 4 (sắn 250.000 gốc, bắp 268 thùng). Trong việc đi dân công phục vụ tiền tuyến dài hạn từ 3 đến 4 tháng, quận 1 có 127 người, quận 4 có 172 người. Tham gia dân công ngắn hạn từ 10 đến 20 ngày quận 1 có 2.095 người, số công là 7.792, quận 4 có 199 người [55].

Trong năm 1972, tổ chức Nông hội các cấp tiếp tục được củng cố. Vùng nông thôn, đồng bằng có 338 cơ sở Nông hội giải phóng [56]. Số xã có cơ sở cách mạng vững là Tân Lộc (Vinh Lộc); Diên Lộc, Vinh Giang, Vinh Hải (Phú lộc); Hưng Lộc, Hải Thuỷ, Mỹ Thuỷ, Hồng Thuỷ, Thiên Thuỷ (Hương Thuỷ); Phong An, Phong Sơn, Phong Thu (Phong Điền); Hương Thái, Hương Thạnh (Hương Trà); Đồng Lâm (Quảng Điền). Cơ sở Đảng và Hội Nông dân giải phóng đã tuyên truyền vận động rã ngũ 2.000 binh sĩ ngụy, đào ngũ trên 1.000; đưa lên hậu cứ 210 người (chủ lực). Mặt khác, nông dân Thừa Thiên Huế còn che chở và giúp đỡ cho hàng trăm binh sĩ ngụy đào ngũ quê ở Nam Bộ trở về quê hương [57].

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân miền Nam nói chung và Trị Thiên Huế nói riêng là bước nhảy vọt của cách mạng, tạo ra cục diện mới rất có lợi cho ta tiếp tục tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ. Ở miền Bắc, cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ đã bị đánh bại, cùng với thắng lợi lớn ở miền Nam đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trong giai đoạn 1969 - 1972, cùng với nhân dân toàn tỉnh, nông dân Thừa Thiên Huế đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, chống lại các chương trình bình định khốc liệt của kẻ thù. Nông dân trong tỉnh đã không tiếc tài sản, tính mạng, trung thành tuyệt đối với cách mạng, kiên cường, bền bỉ chiến đấu bảo vệ cơ sở, bảo vệ Đảng. Hội Nông dân giải phóng các cấp được kiện toàn và củng cố đã động viên nông dân tăng gia sản xuất đóng góp vật chất cho cách mạng và tham gia tích cực các cuộc đấu tranh chính trị. Đặc biệt trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, nông dân đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đóng góp một phần quan trọng sức người, sức của vào chiến thắng của nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Cùng với nhân dân toàn tỉnh, nông dân Thừa Thiên Huế tiếp tục bước vào giai đoạn cách mạng mới, chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

V. CÙNG CẢ TỈNH VÀ CẢ NƯỚC TIẾN LÊN GIÀNH THẮNG LỢI HOÀN TOÀN (1973 - 1975)

Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris ngày 27-1-1973 là một thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, là kết quả của quá trình đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của nhân dân ta trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao.

Hiệp định đã mang lại niềm vui lớn, niềm hy vọng tràn đầy về một nền hòa bình, thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Nhiều tổ chức xã hội, nhiều công sở, trường học, một số nhà chùa tổ chức lễ ăn mừng hòa bình của đất nước. Hội học sinh, sinh viên phổ biến Hiệp định Paris về các khu phố và vùng ngoại ô. Đông đảo các tầng lớp nhân dân, ngay cả số đông binh lính ngụy quyền cũng vui mừng với hòa bình mà Hiệp định Paris mang lại.

Bất chấp việc đã ký Hiệp định Paris, chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục được Mỹ viện trợ vật chất và vũ khí, đã đẩy mạnh chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, phản kích, lấn chiếm vùng giải phóng. Ở Thừa Thiên Huế, địch tập trung Sư đoàn 1 ngụy hành quân lấn chiếm, ngăn chặn từ đường số 1 lên vùng giải phóng ở giáp ranh từ Phong Điền đến Phú Lộc, vừa để đẩy lùi lực lượng cách mạng vừa chia cắt đồng bằng với miền núi, mở rộng vùng chúng kiểm soát. Địch tiến hành bình định đồng bằng gồm lực lượng cảnh sát, CIA, tâm lý chiến, chiêu hồi, lập đoàn dân vận về các xã, kìm kẹp, khủng bố nhân dân, xuyên tạc Hiệp định, dùng các thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, bắt dân từ 14 đến 50 tuổi phải vào nhân dân tự vệ, luyện tập quân sự.

Từ ngày 2-1 đến ngày 4-1-1973, Trung ương Cục miền Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nông vận, phụ vận và xác định phương hướng công tác trong tình hình mới, chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt của Nông hội là phải tập hợp lực lượng nông dân, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, vũ trang và binh vận, diệt ác ôn, gỡ đồn bốt, giải phóng thôn xã, đưa cao trào chính trị ở nông thôn kết hợp với phong trào chính trị ở thành thị thành cao trào chung để đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chính tranh của địch”.

Tháng 3-1973, trước tình hình địch ngày càng vi phạm nghiêm trọng, có hệ thống với quy mô lớn Hiệp định Paris, Thường vụ Quân khu uỷ chủ trương: “không chủ động tấn công địch về quân sự mà lấy phòng ngự, tích cực giữ vững thế trận hiện nay là chính, đồng thời chuẩn bị chu đáo để đánh trả quân địch lấn chiếm một cách kiên quyết, đánh thật đau, tiêu diệt nhanh gọn và có điều kiện thì phát triển tấn công giành thắng lợi mới”.

Tiếp sau đó, từ ngày 8-3 đến ngày 16-3-1973, Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã họp mở rộng, ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ mới: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ra sức phát huy thắng lợi, đẩy mạnh cao trào đấu tranh chính trị khắp cả 3 vùng với khẩu hiệu “hoà bình, độc lập, tự do, dân chủ, hoà hợp dân tộc” nhằm đẩy lùi và đánh bại từng bước những thủ đoạn phát xít của địch, chiếm lĩnh từng bước nông thôn, giành quyền làm chủ với mức độ khác nhau ở cơ sở, xây dựng chính quyền cách mạng, đập tan mọi âm mưu phá hoại Hiệp định”.

Tính đến năm 1973, dân số tỉnh Thừa Thiên Huế gần 64 vạn người, trong đó nông thôn hơn 44 vạn, thành phố hơn 18 vạn, miền núi 14.500 người. Về đơn vị hành chính, ta tổ chức 6 huyện đồng bằng gồm 56 xã và 422 ấp, 3 quận miền núi (quận 1, quận 3, quận 4) gồm 27 xã, thành phố có 3 quận và các khu phố, khóm phố; địch tổ chức 9 quận đồng bằng gồm 83 xã và 422 ấp, 1 quận miền núi, 3 quận thành phố với 21 khóm và 9 khu phố. Trước đây đồng bằng có trên 500 làng nhưng chính quyền địch đã sáp nhập 2 - 3 làng vào 1 ấp nên tổng số chỉ còn 422 ấp [58]. Năm 1973, Tỉnh ủy cử đồng chí Lê Viết Phong làm Bí thư Nông hội. Ban Chấp hành Nông hội tỉnh gồm 3 đồng chí (Lê Viết Phong, Huỳnh Chính (Luyến) và Võ Lạng).

Trong những tháng đầu năm 1973, các cấp ủy Đảng, Hội Nông dân giải phóng đã tuyên truyền ở 255 ấp với 20 vạn người nghe về nội dung Hiệp định, ngoài ra còn vận động nông dân nghe đài ta, mua báo chí công khai có đăng Hiệp định để đọc. Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng vận dụng linh hoạt khẩu hiệu hòa bình, tự do dân chủ, cơm áo, hòa hợp dân tộc vào thực tiễn của từng địa phương để phát động quần chúng nông dân đấu tranh. Sôi nổi là các phong trào như đấu tranh đòi tự do đi lại làm ăn của nông dân Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà; phong trào thăm viếng bà con trong 2 đêm lễ Phật đản năm 1973 cả ở nông thôn và thành phố, có trên 20 vạn người đi lại suốt ngày đêm với danh nghĩa làm lễ và vẫn duy trì tự do đi lại sau đó mặc dù địch ra lệnh giới nghiêm [59].

Việc phát động nông dân đấu tranh đòi về làng cũ làm ăn sinh sống có kết quả. Năm 1973 có trên 20 vạn dân của 30 xã bị kìm kẹp trong các thôn ấp đấu tranh thắng lợi: 21 ấp trong 10 xã gồm 10.000 dân đã về ở hẳn nương vườn cũ; 14 ấp trong 5 xã đã về làm lại vườn, nhà theo kiểu một cảnh 2 quê tạo điều kiện để về ở hẳn; 53 ấp trong 20 xã gồm 10 vạn dân về làm lại nương vườn, đình chùa.

Các cuộc đấu tranh của nông dân đòi bồi thường nhà cửa, ruộng vườn bị tàn phá diễn ra khắp nơi, nhiều ấp địch phải giải quyết yêu sách. Nông dân còn tham gia đấu tranh chống bắt tập trung lúa vụ mùa ở các xã, ấp vùng giáp ranh, đấu tranh chống tận thu thuế ruộng đất, trâu bò diễn ra ở nhiều nơi, đấu tranh chống cưỡng ép vào đảng dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu, đấu tranh loại bỏ những tên ác ôn trong dịp bầu cử lại Hội đồng hương chính xã.

Hội Nông dân các cấp còn vận động nông dân đấu tranh trên mặt trận binh vận. Nhờ khai thác các yếu tố tâm lý, tình cảm, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, trực tiếp là Hiệp định Paris, nhất là sức mạnh tấn công của quân ta trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, mà hàng ngũ địch sa sút về ý chí chiến đấu, một bộ phận giác ngộ cách mạng đã bỏ ngũ, một số quay về với nhân dân. Qua đấu tranh binh vận, phần lớn các đại đội bộ binh thuộc Trung đoàn 3, Trung đoàn 1, Trung đoàn 54, Trung đoàn 51, 7 tiểu đoàn và 3 đại đội bảo an, nhiều trung đội dân vệ đã có binh biến, rã ngũ. Ta đã trung lập được 13 trung đội, 1 đại đội chủ lực, 6 tiểu đoàn và 3 đại đội bảo an, 37 trung đội dân vệ, 1 trung đội biệt kích, 30 toán phòng vệ, tổ chức 243 cơ sở nội tuyến trong đó có 22 ngụy quyền xã, 46 ngụy quyền ấp, 12 dân vệ [60].

Năm 1973, Nông hội đã tuyên truyền vận động, tranh thủ được 150 trưởng họ, phái, 159 người thuộc tầng lớp trên gồm thân hào, chức sắc, gia đình sỹ quan ngụy ở nông thôn. Nhiều trưởng họ, trưởng phái theo sự hướng dẫn của ta đã dùng danh nghĩa họ phái, tập hợp đông đảo quần chúng, có cả ngụy quân, ngụy quyền trong họ để phổ cập Hiệp định, động viên mọi người đoàn kết, hòa hợp, hòa giải ngay trong họ hàng, làng xóm, tổ chức đấu tranh đòi về lại làng cũ, làm lại ruộng vườn.

Qua phong trào đấu tranh ở đồng bằng, ta đã củng cố lại các cơ sở cũ, xây dựng thêm 50 cơ sở mới ở các thôn, ấp, nâng tổng số cơ sở ở nông thôn là 3.000. Ngoài ra, đã đào tạo được nhiều cán bộ mới (có 820 cán bộ huyện, trong đó có 588 cán bộ hoạt động ở đồng bằng, 1.441 cán bộ xã, ấp, trong đó có 555 cán bộ ấp, 458 xã là cán bộ mật) [61] và thành lập thêm 111 tổ Nông dân giải phóng với 415 hội viên [62].

Trong năm 1973 miền tây của tỉnh cũng có bước phát triển mới. Các cấp ủy Đảng, Hội Nông dân giải phóng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức của nông dân được nâng lên một bước, hăng hái vào các tổ đổi công, đoàn kết tương trợ nhau trong sản xuất, do đó sản lượng lương thực, nhất là hoa màu đều tăng khá, bảo đảm đủ nguồn dự trữ cho năm 1973 và cả năm 1974. 

Tháng 7-1973, Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh đấu tranh trên cả 3 mặt chính trị, quân sự và ngoại giao một cách chủ động, linh hoạt. Hội nghị nhấn mạnh: con đường cách mạng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công. Vấn đề giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực của cách mạng là yêu cầu vừa bức thiết vừa cơ bản trong giai đoạn mới [63].

Quán triệt Nghị quyết 21, tháng 1-1974 Khu ủy Trị Thiên Huế họp và đề ra nhiệm vụ: đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng ở vùng địch kiểm soát, cả ở nông thôn và thành phố nhằm chống phá các kế hoạch bình định, từng bước phá lỏng, phá rã kìm kẹp của địch, ra sức giành dân, giữ dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực cách mạng, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng tại chỗ, giành và giữ vững quyền làm chủ ở giáp ranh, tạo những điều kiện cơ bản để phối hợp với lực lượng của ta ở vùng giải phóng cùng tấn công địch, đưa phong trào vùng địch kiểm soát cả nông thôn, thành phố phát triển; ra sức xây dựng vùng giải phóng thành căn cứ vững mạnh toàn diện, chiến trường được tổ chức hoàn chỉnh, hậu cần đảm bảo, chi viện đắc lực cho phía trước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng và chiến thắng địch trong mọi tình huống.

Tháng 3-1974, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức triển khai nghị quyết Khu ủy và ra nghị quyết về tiến công địch ở vùng giáp ranh và đẩy mạnh phong trào ở nông thôn, thành thị.

Từ tháng 2 đến tháng 9-1974, lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế liên tục tiến công địch, tổ chức đánh 693 trận. Chiến thắng trên mặt trận quân sự có tác dụng thức tỉnh quần chúng nông thôn, thành phố, phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ phát triển mạnh mẽ.

Hội Nông dân giải phóng các cấp được củng cố về mặt tổ chức, kết nạp thêm hội viên mới, phát động nông dân đấu tranh theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy. Tháng 6-1974, nông dân đấu tranh chống địch bầu cử gian lận, chống tham nhũng hối lộ, đòi tự do đi lại làm ăn. Tại khu vực Đồng Lâm, khu I, khu III (Hương Thủy), khu II (Phú Lộc) hàng ngày có hàng trăm dân chúng tự do vào rừng làm ăn. Ở Phú Vang quần chúng đấu tranh đòi tự do đi lại ban đêm, buộc địch phải nhượng bộ. Tháng 9-1974, lấy lý do mùa mưa bão sắp đến, chỗ ăn, chỗ ở không bảo đảm, đồng bào Quảng Lợi, Hương Bằng, Khu III (Phú Lộc) đã đấu tranh đòi về làng cũ sinh sống [64]. Nông dân Lộc Thủy (Phú Lộc) đấu tranh đòi địch phải bồi thường, chôn cất cho 3 người chết, 4 người bị thương do mìn địch gài. Nông dân Long Hồ (Hương Trà) đấu tranh chống cướp phá tài sản. Nông dân thôn Bác Vọng Đông (Quảng Điền) đấu tranh đòi địch trừng trị tên lính dù giết người và buộc chúng phải bồi thường 5 vạn đồng. Nông dân các làng ở Phú Vang đấu tranh không nộp tiền cho địch qua cái gọi là “Cây mùa xuân chiến sỹ”, đồng thời vạch rõ thủ đoạn ăn cướp của chúng [65].

Những tháng cuối năm 1974 nông dân Thừa Thiên Huế tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, chống tăng thuế, cướp lúa gạo, đòi tự do đi lại làm ăn, chống cướp ruộng, chống phá các cuộc bầu cử Hội đồng tỉnh, thị của địch. Ở 6 huyện đồng bằng ta đã phát động 331 cuộc đấu tranh có tổ chức với 57.836 quần chúng nông dân tham gia [66].

Hội Nông dân giải phóng các huyện đồng bằng tiến hành củng cố lại Nông hội các cấp, phát động quần chúng thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm lương thực, chống chính sách bao vây kinh tế, ngăn cản mua lúa gạo của địch, chuẩn bị một lượng lớn lương thực, thực phẩm cung cấp cho cách mạng. Việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Nông hội được chú trọng. Thông qua hệ thống công khai, hợp pháp, các cấp Hội viết thư tay, phát tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, huấn luyện đào tạo cán bộ Hội.

Vào giữa năm 1974, một hiện tượng mới xuất hiện trên chiến trường miền Nam: quân ta đã giải phóng và giữ được hàng chục chi khu, quận lỵ mà chính quyền Sài Gòn đành chịu mất, không còn khả năng lấy lại được. Đây là hiện tượng chưa hề có từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị trong các kỳ họp từ tháng 10-1974, tháng 12-1974 đến tháng 1-1975 đã đi đến kết luận: chúng ta đang đứng trước thời cơ lớn, có đầy đủ các điều kiện về quân sự và chính trị để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “động viên nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, đánh đổ ngụy quyền Trung ương và các cấp, giành toàn bộ miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”. Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản giành thắng lợi trong hai năm 1975-1976, Bộ Chính trị còn có phương án giải phóng miền Nam trong năm 1975 [67].

Ngày 12-12-1974, Khu ủy Trị Thiên Huế tổ chức Hội nghị và ra nghị quyết về “Phát động cao trào quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, phá rã kìm kẹp bằng ba mũi giáp công, giành dân, giành quyền làm chủ ở nông thôn, đồng bằng năm 1975”. Đối với nông dân, Nghị quyết nêu rõ: “Phát động căm thù Mỹ-Thiệu và ác ôn cướp ruộng đất, lúa gạo, tàn phá nhà cửa, nương vườn, xóm làng..., động viên nông dân vào các Hội nông dân sản xuất, khai hoang, Hội xây dựng lại quê hương, Hội phụ lão bảo vệ ruộng đất, xóm làng, đấu tranh chống địch, giữ làng, giành quyền làm chủ, chống gom dân, khủng bố. Về động viên nhân dân đóng góp, năm 1975 động viên cả nông thôn và thành thị đảm bảo một phần lương thực và tài chính. Về lương thực động viên vùng mới giải phóng và tranh chấp khoảng 1.000 đến 1.500 tấn lúa, về tài chính từ 300 đến 500 triệu đồng”.

Thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị và đề ra nhiệm vụ cho năm 1975: “Tiến hành công kích và khởi nghĩa, phá hẳn thế phân tuyến, cắt giao thông và đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch, giành quyền làm chủ ở nông thôn, đồng bằng, nếu có thời cơ thì kiên quyết và táo bạo chuyển phong trào lên một bước nhảy vọt giành thắng lợi to lớn”.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Khu ủy Trị Thiên và Tỉnh ủy, Hội Nông dân giải phóng Thừa Thiên Huế đã lãnh đạo nông dân đẩy mạnh việc xây dựng vùng mới giải phóng, phát động phong trào thi đua sản xuất, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975. Nông dân các huyện đồng bằng và miền núi tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men phục vụ chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Hàng vạn nông dân ngày đêm tham gia dân công, tải lương, chuyển đạn, chuẩn bị hậu cần, dẫn đường cho các đoàn quân tiến về giải phóng đồng bằng.

Năm 1975, miền núi được xây dựng thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, làm bàn đạp cho các lực lượng vũ trang tiến về giải phóng đồng bằng, thành phố. Ở đây, Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ việc đào tạo cán bộ để chuẩn bị đưa về đồng bằng hoạt động (đã đào tạo được 1.141 cán bộ nòng cốt, tổ chức 150 tổ công tác khoảng 3.000 người là những cán bộ du kích các địa phương ở miền núi và đồng bằng lên).

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách là thiết lập các tuyến hành lang từ miền núi về giáp ranh và đồng bằng để vận chuyển lương thực, đạn dược từ căn cứ về, chuẩn bị cho chiến dịch. Các cấp ủy Đảng, Hội Nông dân giải phóng đã động viên được hơn 2.000 dân công, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương mở đường. Cuối năm 1974 thi công xong 210 km đường 74, cùng với đường 71, 72, 73 xây dựng từ những năm trước, tạo thành một mạng đường vận chuyển cơ giới liên hoàn từ Bắc vào Nam.

Cùng với bộ đội địa phương, dân quân du kích, nông dân các dân tộc quận 4 Nam Đông hăng hái xung phong đi dân công hỏa tuyến, gùi cõng vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường, nhất là ở các chốt điểm cao xe không vào được. Trong chiến dịch Xuân 1975, quận 4 Nam Đông đã huy động 179 dân công (chủ yếu là nông dân) đi dân công phục vụ chiến trường, đưa 3 trung đội bộ đội địa phương huyện cùng 2 trung đội dân quân du kích về vùng giáp ranh chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong suốt chiến dịch. Nông dân các dân tộc còn tham gia làm trận địa pháo 12 ly 7, 167 nhà hầm, 106 hầm đường, 177 hầm rẫy, đào 182 mét giao thông hào. Nông dân trong quận còn cung cấp hàng trăm gùi rau xanh, lương thực, thực phẩm phục vụ các đơn vị bộ đội. Quận 1 huy động 2 trung đội bộ đội địa phương và dân công về giáp ranh và đồng bằng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Trong 3 tháng đầu năm 1975, quận 3 đã huy động 2 đợt dân công với hơn 200 người tham gia phục vụ chiến đấu, đồng thời huy động bộ đội địa phương và dân công về giáp ranh và đồng bằng chiến đấu.

Ngày 21-2-1975, Đảng ủy Mặt trận Trị Thiên họp quán triệt mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và thông qua kế hoạch cụ thể của chiến dịch. Ngày 28-2-1975, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế họp đánh giá lần cuối các công tác chuẩn bị cho chiến dịch, tổ chức lực lượng sẵn sàng chờ lệnh xuất kích.

Chiến dịch Xuân 1975 ở Thừa Thiên Huế chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 5-3 đến 14-3-1975, đợt 2 từ ngày 21-3-1975 đến 26-3-1975. Trong cả hai đợt đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, ở các huyện đồng bằng Hội nông dân đã vận động quần chúng chuẩn bị mọi điều kiện vật chất, chỗ ăn ở, liên lạc dẫn đường cho lực lượng chủ lực, các đội vũ trang công tác về đồng bằng phối hợp với lực lượng chính trị đánh những đòn quyết định tiêu diệt hoàn toàn lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng Thừa Thiên Huế. Nông dân các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà nổi dậy tham gia dẫn đường cho bộ đội tiến công các vị trí cố thủ của địch, phục vụ hậu cần, tiếp lương, tải đạn, nuôi dưỡng chăm sóc thương binh, giành quyền làm chủ, giải phóng các xã trong huyện.

Cùng với đòn tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng, công tác hậu cần huy động sức người, sức của của nông dân các huyện đồng bằng, miền núi là hết sức quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch Xuân 1975, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Quần chúng nông dân cùng các lực lượng khác đã tham gia dân công, vận chuyển được 59.424 kg hàng hóa (trong đó có 36.236 kg hàng quân nhu như gạo, muối, thực phẩm, đường, sữa, vải, dầu, thuốc chữa bệnh và 23.188 kg hàng quân giới) đưa về các huỵên Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, bảo đảm đến mức cao nhất mọi điều kiện vật chất, phục vụ các lực lượng vũ trang, góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế vào ngày 26-3-1975.

Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã vượt qua mọi thử thách, lãnh đạo công cuộc xây dựng Hội Nông dân giải phóng vững mạnh. Hội Nông dân các cấp đã trở thành nơi đoàn kết, tập hợp quần chúng nông dân hăng hái lao động sản xuất, bảo đảm đời sống và có nguồn lương thực cung cấp cho kháng chiến. Hội Nông dân giải phóng đã thực sự trở thành mái ấm của quần chúng nông dân, phát động nông dân tham gia các phong trào đấu tranh chính trị do Đảng tổ chức và lãnh đạo, thi đua lao động sản xuất, bảo đảm đời sống và có nguồn dự trữ lương thực, phục vụ tốt yêu cầu của kháng chiến.

Trong giai đoạn thử thách nghiêm trọng của những năm 1954 - 1959, kẻ thù khủng bố khốc liệt, Đảng bị đánh bật ra khỏi quần chúng, tổn thất nặng nề phải rút vào hoạt động bí mật thì quần chúng nông dân với các mẹ, các chị đã âm thầm chịu đựng sự tra tấn của kẻ thù, nuôi giấu cán bộ cách mạng để từ đó nhen nhóm lại phong trào, tạo thế, tạo lực xây dựng căn cứ địa miền núi vững mạnh, tiến hành các cuộc đồng khởi miền núi năm 1960, đồng khởi nông thôn đồng bằng năm 1965, đánh bại quốc sách “ấp chiến lược” và các chương trình bình định nông thôn của địch.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, giai cấp nông dân đã tham gia tích cực công tác phục vụ chiến đấu và chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân trong toàn tỉnh.

Trải qua các phong trào đấu tranh chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” những năm 1969-1973, giai cấp nông dân Thừa Thiên Huế ngày càng trưởng thành, đã cùng với nhân dân toàn tỉnh xây dựng thế và lực mới, đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cho nhân dân ta bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - cuộc đọ sức cuối cùng đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Từ đó, giai cấp nông dân Thừa Thiên Huế tự hào với truyền thống đấu tranh bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hăng hái bước vào thời kỳ mới xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.



[1] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Nxb CTQG, HN, 1999, tr 19.

[2] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 17.

[3] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 28.

[4] Đặng Phong, Kinh tế miền Nam Việt Nam thời kỳ 1955-1975. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr 250-257.

 

[5] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 27.

[6] Nguyễn Văn Hoa (chủ biên), Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần lịch sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr 395-398.

[7] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 30.

[8] Nguyễn Văn Hoa (chủ biên), Địa chí Thừa Thiên Huế… Sđd, tr 399.

[9] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 32.

[10] Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Báo cáo ngày 2-12-1955.

[11] Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu IV, Báo cáo số 13/BC-LK4 ngày 18-2-1955.

[12] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 39.

[13] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 40-42.

 

[14] Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Báo cáo ngày 2-4-1956.

[15] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 48.

[16] Đường Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr 34.

[17] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 53-54.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 20 (1959). Nxb CTQG, HN, 2002, tr 82.

[19] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 70.

[20] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 21 (1960), tr 1114.

[21] Lê Chưởng, Trên những chặng đường chiến đấu. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 495-496.

[22] Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời ngày 20-12-1960 với Tuyên ngôn: “đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị, để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Mặt trận kêu gọi toàn thể đồng bào miền Nam đoàn kết đấu tranh theo Chương trình hoạt động 10 điểm với nội dung cơ bản là:

- Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ.

- Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ.

- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh.

- Thực hiện giảm tô tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân làm cho người cày có ruộng.

[23] Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Báo cáo số 102 VP/TT ngày 2-4-1956.

[24] Về phân bón, trước năm 1954 tình hình sử dụng phân bón hóa học trên đồng ruộng miền Nam không cao. Sau năm 1954 tình hình đã thay đổi căn bản, số lượng phân bón tăng trung bình hàng năm từ 10.000 đến 15.000 tấn và đến năm 1958 mức nhập cảng phân bón đã là 80.932 tấn và 1963 là 300.867 tấn. Số lượng phân bón lớn lao nói trên đã tác động mạnh quá trình sản xuất nông nghiệp và năng suất ruộng lúa ở miền Nam. Nông dân ở đây rất tin tưởng vào phân hóa học và việc sử dụng phân hóa rất phổ biến, ngay cả tá điền nghèo nhất cũng dùng phân hóa học. Mỗi kg phân bón hóa học sẽ cho thêm 5,6kg lúa, tức tăng khoảng 30% năng suất lúa. (Võ Văn Sen, Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở miền Nam Việt Nam (1954-1975). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr 170-171).

[25] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo ngày 8-4-1956.

[26] Trịnh Nhu (chủ biên), Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam (1930-1995). Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 367.

[27] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 85-87.

[28] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Chỉ thị tăng cường công tác tài chính, ngày 5-11-1961.

[29] Đường Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên. Nxb Quân đội nhân dân, HN, 1992, tr 40.

[30] Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Những trận đánh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên địa bàn Thừa Thiên Huế 1945-1975, tập I. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 72-73.

[31] Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Những trận đánh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên địa bàn Thừa Thiên Huế 1945-1975, tập I. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 90.

[32] Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ. Sđd, tr 103.

 

[33] Lê Chưởng, Trên những chặng đường chiến đấu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 496.

[34] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Nghị quyết tháng 3-1965.

[35] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo Tổng kết năm 1965.

[36] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Nghị quyết Tỉnh ủy tháng 3-1966.

[37] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Nghị quyết Tỉnh ủy tháng 12-1966.

[38] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Tổng kết phong trào chiến tranh du kích của Thừa Thiên 1966.

[39] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo tình hình từ tháng 1 đến tháng 4-1967.

[40] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Biên bản Hội nghị Ban cán sự Tỉnh ủy.

[41] Khu ủy Trị Thiên Huế, Những bài học trong quá trình lãnh đạo phong trào miền núi Trị Thiên, 1967.

[42] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 29 (1968). Nxb CTQG, HN, 2004, tr 50.

[43] Lịch sử biên niên xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975). Nxb CTQG, HN, 2002, tr 707-708.

[44] Lịch sử biên niên xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975). Nxb CTQG, HN, 2002, tr 717-718.

[45] Thành ủy Huế, Báo cáo sơ kết tháng 7-1969.

[46] Ngày 20-12-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu đơn vị anh hùng cho xã Mỹ Thuỷ và cho đồng chí Nguyễn Thị Lài.

[47] Đảng Cộng sản Việt Nam, Chặng đường qua hai thế kỷ. Nxb CTQG, HN, 2006, tr 346-347.

[48] Đảng bộ huyện Phong Điền, Lịch sử Đảng bộ huyện Phong Điền (1930-1975). Nxb CTQG, HN, 1999, tr 140.

[49] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Biên bản Hội nghị Thường vụ mở rộng từ ngày 8 đến ngày 11-10-1971.

[50] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo việc thực hiện chủ trương đấu tranh chính trị ở thành phố, nông thôn, đồng bằng 1971.

[51] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo Tổng kết năm 1971.

[52] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Biên bản Hội nghị Thường vụ mở rộng từ ngày 8 đến ngày 11-10-1971.

[53] Tỉnh ủy Thừa Thiên, Báo cáo tình hình miền núi Thừa Thiên 1972.

[54] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Báo cáo tình hình miền núi Thừa Thiên 1972.

[55] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Báo cáo tình hình miền núi Thừa Thiên 1972.

[56] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Biên bản Hội nghị Tỉnh uỷ tháng 10-1972.

[57] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Biên bản Hội nghị Tỉnh uỷ tháng 10-1972.

[58] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Nghị quyết của Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng từ ngày 8 đến ngày 16-3-1973.

[59] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Báo cáo tình hình nông thôn tháng 4, 5, 6 năm 1973.

[60] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Báo cáo tình hình nông thôn ba tháng 4, 5, 6 năm 1973.

[61] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Báo cáo của Tỉnh ủy năm 1973.

[62] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Báo cáo tình hình từ khi thi hành Hiệp định Pa ri đến ngày 27-7-1973.

[63] Đảng Cộng sản Việt Nam, Các đại hội và hội nghị Trung ương. Nxb CTQG, HN, 1998.

[64] Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập II (1954-1975). Nxb CTQG, HN, 1995, tr 238.

[65] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Báo cáo tình hình tháng 2-1974.

[66] Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Báo cáo tình hình Thừa Thiên Huế từ tháng 3-1974 đến tháng 12-1974.

[67] Đảng Cộng sản Việt Nam, Các đại hội và Hội nghị Trung ương. Nxb CTQG, HN, 1998, tr 110-111.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.385.023
Truy cập hiện tại 846