Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã đem lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với nhân dân cả nước, lần đầu tiên sau 60 năm (kể từ năm 1885) bị xâm lược và thống trị bởi đế quốc Pháp và phát xít Nhật,
nhân dân Thừa Thiên Huế đã thật sự làm chủ đời mình, làm chủ quê hương đất nước.
Từ tháng 9-1945, hệ thống chính quyền cách mạng từ cấp tỉnh, thành phố đến huyện, xã nhanh chóng được hình thành và đi vào hoạt động. Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên được thành lập do Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch. Đến cuối năm 1945, thực hiện Sắc lệnh số 63/SL ngày 22-11-1945 và Sắc lệnh số 77/SL ngày 21-12-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức chính quyền nhân dân và ủy ban hành chính các cấp, ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được đổi thành ủy ban hành chính lâm thời tỉnh, với Chủ tịch Hoàng Anh và Phó Chủ tịch Hoàng Phương Thảo.
Chính quyền cách mạng vừa mới thành lập đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách. Trong toàn tỉnh, nạn đói xảy ra từ cuối năm 1944 do chính sách cai trị tàn bạo của đế quốc Pháp và phát xít Nhật vẫn còn đe dọa tiếp diễn. Nhiều gia đình thiếu ăn, đói kém. Đồng ruộng xơ xác, sức kéo bị thiếu hụt do trâu bò chết chóc nhiều trong chiến tranh và nạn đói. Các ngành sản xuất bị đình đốn. Nền tài chính cực kỳ eo hẹp với kho tàng ngân quỹ trống rỗng. Ngoài ra, những di hại của một nền giáo dục nô dịch do thực dân để lại cũng rất nặng nề với hơn 85% dân chúng bị mù chữ, các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, mê tín dị đoan còn phổ biến. Đấy là những vấn đề nhức nhối mà chính quyền cách mạng phải cấp bách giải quyết.
Trong lúc những khó khăn về kinh tế - xã hội còn đang gay gắt thì họa thù trong giặc ngoài lại đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của chế độ mới. Dưới danh nghĩa quân đồng minh, 20 vạn quân Tàu Tưởng từ ngày 28-8-1945 đã kéo vào miền Bắc nước ta cho đến vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) để giải giáp quân đội Nhật. Đầu tháng 9-1945, 5.000 quân Tưởng đến Huế. Đi đến đâu chúng cũng gây ra những cảnh cướp bóc, đánh đập đồng bào, lại dùng đồng Quan Kim đã mất giá để mua hết lương thực, thực phẩm đang rất thiếu thốn của nhân dân ta. Bên cạnh quân Tưởng, hơn 4.500 quân Nhật với đầy đủ vũ khí vẫn còn ở Huế, đang chờ ngày quân đội đồng minh giải giáp cũng tìm cách gây xung đột với tự vệ của ta.
Đến tháng 3-1946, khi quân Tưởng phải rút về nước do sự thỏa thuận giữa Chính phủ Trùng Khánh và Pháp bởi Hiệp ước Pháp - Hoa ngày 28-2-1946, thì lập tức ở Huế có mặt 850 quân Pháp với trang bị vũ khí hiện đại (xe bọc thép, pháo tự hành...) do viên quan năm Coste chỉ huy, cộng với hơn 400 sĩ quan, binh lính và nhân viên người Pháp đã có từ trước cũng được vũ trang đầy đủ. Chúng được đóng tại một số vị trí ở bờ Nam sông Hương, trong khu tam giác theo trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Hùng Vương hiện nay.
Đi theo quân Tưởng là những tên tay sai tụ tập trong các đảng phái như Việt Quốc, Việt Cách với cùng một âm mưu là tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, lật đổ chính phủ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tại Thừa Thiên Huế, chúng tuyên truyền nói xấu Mặt trận Việt Minh, kích động một số người chống phá chế độ mới, lại đòi chính quyền cách mạng phải cung cấp phương tiện để chúng lập trụ sở hoạt động.
Lãnh đạo chính quyền Thừa Thiên Huế tuy được tôi luyện và thử thách trong đấu tranh cách mạng trong suốt 15 năm (1930-1945), nhưng đi vào tổ chức xây dựng và bảo vệ cuộc sống mới thì chưa có kinh nghiệm, không thể tránh khỏi những lúng túng, sai sót ban đầu.
Bên cạnh những khó khăn rất lớn nói trên, Thừa Thiên Huế sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám còn có những thuận lợi cơ bản. Đó là ý chí và quyết tâm không gì lay chuyển nổi của mỗi người dân đã được đổi đời, từ nô lệ vươn lên làm chủ vận mệnh của mình trong việc xây dựng và bảo vệ một chế độ mới của dân và vì dân. Đó là lòng yêu nước nồng nàn và truyền thống cách mạng kiên cường, là tinh thần đoàn kết keo sơn và luôn biết chịu khó, đã vượt qua nhiều thử thách. Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, nhân dân Thừa Thiên Huế với những thuận lợi đó đã sẵn sàng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chế độ mới.
Trước thực trạng khó khăn của đất nước sau Cách mạng tháng Tám, trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Hồ Chủ tịch đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách nhằm ổn định đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng; sau đó, Người khái quát thành ba nhiệm vụ trọng tâm là diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, ngay trong tháng 9-1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đã xác định một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt và khẩn trương cho tiến hành:
- Chia lại ruộng đất công cho công bằng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng.
- Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khắc phục nạn đói giáp hạt.
- Xóa nạn mù chữ và phát triển giáo dục phổ thông .
Trong 6 huyện và thành phố Huế, các xã, thôn, phường đã “công bố quyền nam nữ bình đẳng, mời chị em tham dự việc xóm, việc làng, xóa bỏ việc chia ruộng đất công trước đây và tổ chức việc chia lại cho công bằng, quan trọng nhất là bảo đảm cho mọi người nam cũng như nữ đều được nhận một phần ruộng đất như nhau” , và “ngày các xã thôn chia lại ruộng đất công, ở nhiều nơi trở thành một ngày hội của quần chúng” .
Trên mặt trận cứu đói, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, biện pháp trước mắt được thực hiện trong toàn tỉnh là phát động phong trào “nhường cơm xẻ áo”, đồng cam cộng khổ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau để vượt qua đói kém. Một phong trào quyên góp cho “Ngày đồng tâm”, “Hũ gạo cứu đói” được phát động mạnh mẽ khắp cả tỉnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng lương thực cứu đói thu được khá nhiều, không chỉ giúp được đồng bào tại chỗ mà còn gửi ra cứu trợ đồng bào miền Bắc.
Để giải quyết nạn đói tận gốc, biện pháp cơ bản lâu dài mà chính quyền cách mạng phát động song song với việc cứu đói là đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất. Khắp nơi khoai sắn, rau đậu được trồng tỉa, phủ kín những vạt đất còn để hoang. Những rẻo đất bên đường, ven sông hồ, bìa rừng cũng được tận dụng trồng màu. Vụ rau màu cuối năm 1945, đầu năm 1946 và vụ lúa mùa năm 1946 được bội thu. Nhờ vậy, kỳ giáp hạt tháng giêng, tháng hai năm 1946 đã không một ai xảy ra thiếu đói.
Để giải quyết những khó khăn của nền tài chính quốc gia, bên cạnh việc kêu gọi các ngành các giới khắc phục gian khổ, thực hành tiết kiệm, chính quyền tỉnh còn hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, phát động nhân dân tham gia tích cực “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng”. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ (từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945), với sự nhiệt tâm của quần chúng, riêng ở 6 huyện đã góp trên 10 kg vàng (1 kg vàng = 26,66 lượng), “nhiều gia đình đã không tiếc những đôi xuyến, đôi hoa tai, những bộ đồ tam sự, ngũ sự đã được gìn giữ từ đời này sang đời khác” , thiết thực giúp vào việc khắc phục sự eo hẹp của nền tài chính đất nước, trước mắt là dùng để mua sắm và chế tạo vũ khí, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến.
Trên mặt trận văn hóa giáo dục, nhiệm vụ hàng đầu là tấn công vào “giặc dốt”, chống nạn mù chữ để tạo điều kiện đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân đồng thời tăng sức đề kháng của dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, phong trào bình dân học vụ trong toàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi từ thành thị đến nông thôn, cuốn hút nhiều tầng lớp tham gia với đủ mọi lứa tuổi. Một không khí học chữ quốc ngữ tràn ngập khắp các xóm làng, cả đêm lẫn ngày. Với tinh thần ham học, sau gần một năm Thừa Thiên Huế đã có hàng vạn người thoát nạn mù chữ. Xã Phú Hương (nay là Vinh Thanh) là xã thanh toán nạn mù chữ đầu tiên của huyện Phú Vang được Nhà nước và Quốc hội tuyên dương khen thưởng.
Từ miền núi phía Tây của tỉnh, một số Trưởng thôn về các huyện đề nghị đưa cán bộ lên xây dựng, tổ chức cách mạng, trước hết là đưa thầy thuốc và thầy giáo lên chữa bệnh, dạy “cái chữ” cho đồng bào, góp phần đẩy lùi dần nạn mê tín cúng bái khi đau ốm và từng bước đưa đồng bào dân tộc ít người thoát khỏi cảnh lạc hậu.
Những thắng lợi bước đầu trên mặt trận chống “giặc đói”, chống “giặc dốt” đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố hệ thống chính trị của chế độ mới.
Để củng cố nhà nước về mặt pháp lý và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ngày 6-1-1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội được tổ chức trong cả nước. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, nhân dân Thừa Thiên từ 18 tuổi trở lên được cầm lá phiếu bầu những đại biểu vào cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên 90%, có xã đạt 100%. Tất cả ứng cử viên do mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao. Tỉnh Thừa Thiên bầu được 5 đại biểu Quốc hội (Đoàn Trọng Tuyến, Hoàng Anh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Kinh Chi, Thích Mật Thể) trong số 9 người tranh cử, và thành phố Huế bầu 2 đại biểu Quốc hội (Trần Hữu Dực, Tôn Quang Phiệt) trong số 4 người tranh cử.
Tháng 3-1946, việc bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp được tiến hành. Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên gồm 30 ủy viên đã họp phiên đầu tiên tại Duyệt thị Đường (Đại Nội) để bầu ra Ủy ban Hành chính tỉnh (chính thức). Hội đồng Nhân dân tỉnh đã bầu Hoàng Anh làm Chủ tịch và Hoàng Đức Trạch làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh. Ở các huyện, Ủy ban Hành chính cũng nhanh chóng được kiện toàn. Riêng đối với miền núi, từ ngày 15-9-1945, Huyện ủy Phú Lộc đã thành lập Ban Thượng du vận để tiến tới thành lập các tổ chức cách mạng ở miền núi phía tây, và đến tháng 1-1946 thì thành lập chính quyền cách mạng ở miền núi Nam Đông lấy tên là xã Đại Hóa.
Cùng với việc xây dựng chính quyền cách mạng, các tổ chức quần chúng như mặt trận Việt Minh, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, công nhân cứu quốc v.v.. được thành lập và ngày càng phát triển. Đối với nông dân, tổ chức Hội Nông dân cứu quốc của tỉnh được củng cố ngay từ những ngày đầu của chế độ mới, và khắp các huyện, xã đều lần lượt hình thành tổ chức Nông hội, ngay ở mỗi làng cũng đều có tổ chức Đoàn Nông dân cứu quốc.
Để bảo vệ chế độ mới, cuộc sống mới của nhân dân và chống lại âm mưu của kẻ thù, chính quyền cách mạng tỉnh Thừa Thiên ngay từ ngày đầu thành lập đã hết sức coi trọng việc xây dựng lực lượng tự vệ và vũ trang tập trung. Hầu hết các thôn, xã đều có lực lượng tự vệ chiến đấu. Với những vũ khí thô sơ như gậy gộc, giáo mác, anh em các đội tự vệ đã hăng hái luyện tập ngày đêm, thường xuyên giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm và sẵn sàng tham gia hỗ trợ chiến đấu khi cần thiết. Nhiều làng rèn trong tỉnh đẩy mạnh việc rèn đúc vũ khí. Xưởng quân giới Ngọc Lâm của tỉnh được thành lập tại làng An Đô (Hương Trà) để sản xuất vũ khí cho bộ đội.
Ngày 5-9-1945, thành lập Chi đội Giải phóng quân Trần Cao Vân với 15 trung đội, và tháng 4-1946 phát triển thành trung đoàn, lấy tên là Trung đoàn Trần Cao Vân. Từ nhân dân mà ra, đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh đã sẵn sàng cho cuộc chiến đấu, mặc dù trang bị vũ khí còn rất thô sơ.
Đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ lập tức nổ ra. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch về việc ủng hộ sức người, sức của cho Nam Bộ kháng chiến, nhân dân Thừa Thiên Huế đã động viên con em mình vào Nam chiến đấu. Phong trào “Nam tiến” diễn ra sôi nổi, rầm rộ. Lực lượng tự vệ ở các thôn xã, đường phố, thanh niên học sinh trong các trường học đã tự nguyện vào Nam chiến đấu và lập được công to (trận thắng ở đèo Phượng Hoàng trên đường 21 ngày 27-10-1945).
Đến giữa năm 1946, quan hệ giữa ta và Pháp trở nên căng thẳng. Nhân dân trong tỉnh đã hết sức nhân nhượng, tranh thủ thời gian hòa hoãn quý báu để xây dựng và củng cố lực lượng, nhưng quân Pháp ngày càng lấn tới, liên tiếp gây ra những vụ khiêu khích trắng trợn, có ngày hai ba lần chúng bắn súng chỉ thiên đe dọa tự vệ, lại còn tổ chức bắt cóc rồi thủ tiêu cán bộ, bộ đội và công an. Nguy cơ bùng nổ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược Pháp đã ở trước mắt. Cùng với cả nước, nhiệm vụ cấp bách của nhân dân toàn tỉnh là tích cực và khẩn trương hơn trong việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến biết rằng không thể tránh khỏi này.
Tháng 7-1946, Hội nghị Cán bộ Đảng tỉnh Thừa Thiên được tổ chức với sự tham dự của đại biểu 6 huyện và thành phố Huế, dưới sự chủ trì của Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Chí Thanh. Hội nghị đề ra 3 nhiệm vụ lớn: gấp rút kiện toàn các huyện ủy, xây dựng các chi bộ cơ sở; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội chủ lực tỉnh; bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cho các tổ chức quần chúng. Sau hội nghị, công tác chuẩn bị kháng chiến càng khẩn trương. Với tư tưởng chỉ đạo là “cán bộ bám đất, bám dân, bám cơ sở, kiên quyết tiêu diệt quân Pháp ở Huế khi có lệnh của Trung ương”, Tỉnh ủy đã cử 2 đoàn cán bộ về các huyện để đôn đốc công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Hệ thống công sự chiến đấu và giao thông hào được nhanh chóng xây dựng. Một hệ thống giao thông hào ở khu tam giác Nam sông Hương, chạy dọc theo bờ sông An Cựu đến Đập Đá được đào đắp. Trên trục đường quốc lộ I và các trục đường quan trọng khác, nhân dân xẻ đường, ngả những cây to làm chướng ngại vật để ngăn chặn bước tiến của quân thù. Khắp 6 huyện, các mẹ, các chị ngày đêm xay lúa, giã gạo, chuẩn bị cho bộ đội đánh giặc. Nhà nào cũng có hũ gạo nuôi quân.
Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nhân dân đã tự tay đập phá những nơi địch có thể lợi dụng để đóng quân, lập đồn bót. Một đoàn cán bộ được tỉnh cử đi nghiên cứu, xác định địa bàn lập căn cứ kháng chiến về sau. Vùng Trò, Khe Trái, Hòa Mỹ sẽ là căn cứ chính thức của tỉnh. Một kế hoạch tản cư, đưa người già, phụ nữ và trẻ em ra khỏi vùng chiến sự được tiến hành.
Tháng 11-1946, sau khi giải thể Xứ ủy Trung Bộ, Trung ương Đảng quyết định bỏ cấp xứ, chia Trung Bộ thành 2 khu: Khu IV và Khu V. Thừa Thiên là tỉnh nằm ở tận cùng phía nam của Khu IV cùng với 5 tỉnh ở phía bắc là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Ngày 20-11-1946, quân Pháp đánh chiếm thành phố Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn, bịt hai cửa ngõ đường thủy và đường bộ vào Việt Nam, rồi sau đó đổ thêm quân vào Đà Nẵng. Qua tháng 12-1946, bộ máy chiến tranh của Pháp hoạt động dồn dập hơn. Ngày 15-12-1946, khi quân Pháp nổ súng ở nhiều nơi trong thành phố Hà Nội, Khu ủy Khu IV mở Hội nghị để bàn kế hoạch tiến công quân Pháp ở Huế. Bộ máy lãnh đạo kháng chiến của tỉnh được Trung ương bổ sung cán bộ và nhanh chóng bắt tay vào việc. Từ tỉnh xuống huyện, xã đều thành lập thêm ủy ban bảo vệ bên cạnh ủy ban hành chính. Cùng cả nước, nhân dân Thừa Thiên đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
II. NÔNG DÂN THỪA THIÊN HUẾ THAM GIA KHÁNG CHIẾN VÀ KIẾN QUỐC (TỪ 12 - 1946 ĐẾN 1952)
1. Năm mươi ngày đêm bao vây, tiến công giặc Pháp tại Huế
Bước vào trận đánh đầu tiên, phía Pháp có trên 1.000 tên, trang bị đầy đủ vũ khí, có cả xe bọc thép, pháo tự hành, súng liên thanh; có cả một bề dày kinh nghiệm trận mạc và không lạ gì với mảnh đất và con người Việt Nam. Tại các khu vực đóng quân mà phần lớn được xây dựng bằng bê tông cốt sắt kiên cố, chúng còn đào thêm công sự, xây hầm ngầm để phòng bị trước. Bên ta có 300 chiến sĩ thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân gồm 3 Tiểu đoàn 16, 17, 18 và một số tiểu đoàn của các tỉnh Khu IV. Tất cả đã bố trí sẵn sàng tại các địa bàn trọng yếu của tỉnh.
Ta có lực lượng đông nhưng vũ khí lại quá thiếu. Cả Trung đoàn Trần Cao Vân không đầy 200 khẩu súng trường cũ kỹ, đủ loại như Indochinois, Mousqueton... Đạn rất ít, có khẩu không có hoặc chỉ năm bảy viên. Lại phải trang bị thêm đại đao, mã tấu và còn tận dụng cả những khẩu thần công của nhà Nguyễn. Thiếu súng ống lại vừa thiếu kinh nghiệm chiến trường, bộ đội ta chưa hề quen với việc tiến công bao vây và tiêu diệt các vị trí kiên cố được địch bố phòng chặt chẽ. Phần lớn chiến sĩ là công nhân, nông dân, học sinh, tự vệ, chưa ai được huấn luyện một cách bài bản. Bù lại, bộ đội ta đều chung một tấm lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương vừa mới thoát khỏi xiềng xích nô lệ, quyết tâm thực hiện lời thề đã được trịnh trọng ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập, “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” cho Tổ quốc.
Chiều 19-12-1946, Ủy ban Kháng chiến tỉnh họp. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh thông báo tình hình trước giờ nổ súng và giao nhiệm vụ cho các đơn vị: tập trung sức tiêu diệt địch trước khi chúng có quân tiếp viện đến, khi tiêu diệt hết số địch ở bên trong thì sẽ rảnh tay đối phó với viện binh địch từ ngoài đánh vào.
Hai giờ rưỡi sáng ngày 20-12-1946, cuộc chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên Huế bắt đầu. Quả bom 50 kg của ta phát nổ, giật sập cầu Trường Tiền cùng lúc với việc công nhân phá hủy nhà máy Đèn. Trong đêm đen, bộ đội và dân quân từ nhiều vị trí hò reo xung phong, tiến công đồng loạt vào các khu vực đóng quân của địch. Thừa Thiên Huế nhất tề đứng lên, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”.
Trong đêm đầu tiên, bộ đội và tự vệ đã chiếm ngã Năm, khách sạn Thanh Minh, tiến công địch ở trường Thiên Hựu, Miếu Đại Càng, trường Khải Định.
Liền sau những đợt xung phong đầu tiên là tiếng nổ của những quả bom làm bật tung các chiếc cầu bắc qua sông Hương và sông An Cựu. Sau cầu Trường Tiền đến lượt cầu Ga, cầu An Cựu, cầu Dã Viên bị gãy chìm xuống nước, cắt đứt khu vực đóng quân của Pháp với bên ngoài. Cuộc tiến công tiêu diệt địch của quân và dân Thừa Thiên Huế chuyển sang cuộc bao vây, vừa bao vây vừa quấy rối, làm tiêu hao sinh lực địch và không cho địch ra ngoài, liên lạc với nhau. Đêm đêm, hết đợt này đến đợt khác, các đơn vị bộ đội cùng với những tiểu tổ cảm tử, dân quân tự vệ thay nhau tiến công các vị trí của giặc. Dựa vào các tòa nhà kiên cố với vũ khí đạn dược dồi dào, lính Pháp cố sức chống trả và chờ viện binh.
Từ ngày 3-1-1947, quân và dân Thừa Thiên Huế do trang bị vũ khí thiếu thốn mà lòng thì nôn nóng tiêu diệt giặc, nên đã nghĩ tới và sử dụng một hình thức đánh giặc với vũ khí thô sơ. Đó là trận rơm - ớt tại khách sạn Morin. Nông dân các huyện Phú Vang, Hương Thủy đã gánh gồng lên Huế hàng trăm bó rơm, rồi dùng bột ớt rắc lên trên, đốt cháy, hy vọng xông khói cay lên tận trên lầu, buộc địch phải ló đầu ra mà bắn tỉa. Tuy nhiên, cách đánh này không có hiệu quả. Dưới làn mưa đạn của địch, một số bộ đội và tự vệ bị thương vong, nhiều đống rơm quẳng lại ngổn ngang dọc đường !
Trong khi ta còn chưa biết cách dứt điểm trận đánh như thế nào thì viện binh địch đã ập đến. Ngày 10-1-1947, 1.000 lính Pháp có trọng pháo và máy bay yểm hộ, mở một mặt trận ở phía tây Quảng Trị, theo đường số 9 đánh dọc xuống. Ngày 14-1, một cánh quân khác đông hơn, gồm 5.000 tên, đủ cả bộ binh, nhảy dù, pháo binh, xe tăng, máy bay, đổ bộ lên vùng Thừa Lưu, Lăng Cô, mở một mặt trận thứ hai ở nam Thừa Thiên.
Từ Lăng Cô theo dọc đường I lên Huế đã chịu cảnh tàn phá vô cùng dã man do cuộc hành binh của Pháp gây ra. Trước khi bộ binh ào ạt tiến chiếm là hàng trăm quả bom được máy bay dội liên hồi xuống làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn. Rồi đại bác nổ vang trời, xe tăng cày xé đất để dọn đường. Nhà rội, nhà rường với đa phần lợp tranh lá bốc cháy dữ dội. Tre pheo, vườn tược cũng xác xơ. Đến khi bộ binh vào làng, thấy người chúng bắn người, thấy gà heo trâu bò chúng cũng bắn sạch. Bà con không một tấc sắc, chỉ biết kêu trời, cố sức chạy giặc.
Ngày 26-1, một tiểu đoàn địch đi đường thủy đổ bộ lên cửa Tư Hiền. Cánh quân này đánh chiếm làng Hà Úc ngày 31-1 và chuẩn bị hợp quân với cánh đường bộ để giải vây cho đồng bọn ở Huế. Quân theo đường bộ đến sáng ngày 5-2-1947 đã tập trung ở Dạ Lê Thượng, chỉ cách Huế 10 km. Chúng bèn chia thành nhiều cánh, từ nhiều hướng tiến vào khu vực Nam sông Hương. Cùng lúc, cánh quân theo đường thủy từ làng Hà Úc và cửa Thuận An vượt qua đầm Sam, đổ bộ lên An Truyền, rồi đánh thẳng lên Huế. Ngày hôm sau (6-2-1947), các cánh quân địch đã liên lạc được với số lính đang bị vây hơn một tháng ở Huế. Bị đánh từ nhiều phía, các đơn vị bộ đội ta trước sau phải rút qua bờ bắc sông Hương, nhiều đơn vị mất liên lạc với nhau.
Sang ngày 8-2-1947, địch quân tràn qua sông Hương, bao vây khu vực phía bắc Huế, và đến ngày 13-2-1947 thì chúng chiếm được Mỹ Chánh, địa điểm ở Quảng Trị tiếp giáp với Thừa Thiên về phía bắc.
2. Tham gia gây dựng lại phong trào kháng chiến trong năm 1947
Đầu tháng 2-1947, cuộc kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên Huế gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Ủy ban Kháng chiến tỉnh phải chuyển ra xã Hương Cần (Hương Trà), sau đó phải lùi xa Huế hơn, đến Bồ Điền, Hiền Sỹ và Khe Trái, Hòa Mỹ. Một bầu không khí hoang mang, lo âu trùm lên mọi người.
Ngày 12-3-1947, Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên đầu tiên sau ngày thực dân Pháp xâm chiếm được toàn tỉnh. Cuộc họp đã thống nhất mấy việc:
- Khi đã chiếm được các vùng xung yếu và đường giao thông quan trọng trong tỉnh, địch sẽ lùng bắt thanh niên vào lính, lập bộ máy ngụy quyền, tiếp tục chống phá cuộc kháng chiến của ta. Nhiệm vụ cần kíp của cán bộ là phải bám đất bám dân, động viên mọi người giữ vững kháng chiến, ủng hộ bộ đội, không hợp tác với giặc.
- Các huyện phải mau chóng tập hợp những bộ đội còn tản mác, thu thập vũ khí, chọn một số tự vệ hăng hái lập thành những đội quyết tử quân để có thể chiến đấu bảo vệ xóm làng, quấy rối đồn địch và trừ gian diệt tề.
- Chọn vùng Hòa Mỹ (Phong Điền) làm căn cứ kháng chiến của tỉnh, gọi là chiến khu Hòa Mỹ.
- Củng cố các đơn vị bộ đội đã tập hợp được, điều tra tình hình địch và chuẩn bị đánh một vài trận để gây tiếng vang.
Như nhận định của cuộc họp, sau ngày chiếm được Huế không lâu, Pháp đã thiết lập chính quyền bù nhìn ở các cấp. Ngày 15-4-1947, Hội đồng Chấp chánh lâm thời Trung Kỳ đặt tại Huế do Trần Văn Lý làm Hội trưởng được Pháp dựng lên. Ngày 27-6, Trần Văn Lý ban hành một nghị định nói rõ mỗi làng phải có từ 10 đến 50 hương vệ để kiểm soát mọi động tĩnh của dân làng. Lần lượt từ tỉnh cho đến huyện, xã và thôn, bộ máy ngụy quyền làm việc cho Pháp được lập ra mà nhiệm vụ trước hết và quan trọng nhất là dẹp cho được Việt Minh, phá cho được phong trào kháng chiến.
Trong 6 huyện của tỉnh với dân số 340.000 người, địch đóng tất cả 61 vị trí rải khắp các huyện, chưa kể thị xã Huế , và 214/500 thôn trong toàn tỉnh địch đã lập chính quyền bù nhìn, trong đó Phong Điền 7/79 thôn, Quảng Điền 53/79 thôn, Hương Trà 54/105 thôn, Hương Thủy 14/42 thôn, Phú Vang 61/102 thôn, Phú Lộc 25/93 thôn. Tuy nhiên, việc đặt hương lý rất khó khăn. Số đông tổng lý Pháp đặt ra đã quay về với chính phủ kháng chiến hoặc xin từ chức .
Việc đóng đồn và lập tề ngụy đi liền với việc cướp bóc, “mùa màng bị địch cướp nhiều nhất là năm 1947 và đầu năm 1948. Có vài huyện mất đến 60 % như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc” .
Cán bộ đảng viên sau ngày loạn lạc đã tìm cách bắt mối liên lạc với nhau. Tuy số lượng còn lại không nhiều, chẳng hạn ở 3 huyện Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy chỉ còn 73 đảng viên, nhưng những người con kiên trung đó đã biết bám dân, bám đất. Và việc bám dân, bám đất hồi ấy không đơn giản và dễ dàng chút nào.
Giữa vòng vây của giặc, luôn có những trận càn đi quét lại và bọn Việt gian mật thám lùng sục tận các xóm ngõ, thì việc trở về làng xã của cán bộ, đảng viên, bộ đội là vô cùng gian khổ và hiểm nguy, phải đổi bằng mạng sống. Ban ngày phải nằm bờ nằm bụi ở cồn mồ, đồng ruộng hoặc giữa cồn cát nóng, chịu đựng cái đói, cái rét và cả bệnh tật hoành hành. Ban đêm mới len lỏi, bí mật vào tận thôn xóm, tuyên truyền bà con tham gia kháng chiến, gây dựng cơ sở, thành lập dân quân du kích. Nhiều cán bộ chiến sĩ bị địch bắt, tra tấn hết sức dã man nhưng vẫn kiên cường, bất khuất. Tra tấn không xong thì chúng giết, cắt đầu cắm trên cây tre đem khắp các chợ làng.
Để kháng chiến có chỗ đứng chân cần phải xây dựng chiến khu. Không bao lâu sau ngày mặt trận vỡ, với những nỗ lực rất lớn, ta đã biến vùng Hòa Mỹ thành một căn cứ kháng chiến của tỉnh.
Hòa Mỹ ở phía tây huyện Phong Điền, bao gồm một vạt đất bằng nằm giữa sông Ô Lâu - Rào Quao và dải núi rừng sát chân động Chuối. Đầu tháng 3-1947, chiến khu Hòa Mỹ đã được phân thành từng khu, từ CK I đến CK VII, dành cho những yêu cầu khác nhau.
Từ ngày 25 đến ngày 27-3-1947 tại làng Nam Dương (Quảng Điền) diễn ra hội nghị với sự tham dự của các cán bộ chủ chốt trong tỉnh. Hội nghị đề ra chủ trương:
- Tiếp tục tiếng súng kháng chiến, tiến hành trừ gian diệt tề và phá chính sách bình định của giặc. Đánh địch bằng cách đánh du kích để nhân dân thấy rõ bộ đội vẫn còn, Việt Minh vẫn còn, kháng chiến còn tiếp tục.
- Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cất giấu lương thực, tiếp tế cho chiến khu. Chú ý chống giặc tàn phá mùa màng, canh gác để bà con làm ăn.
- Xây dựng lại cơ sở kháng chiến ở các huyện, xã. Tiếp tục đưa cán bộ trở về địa phương để hoạt động, nhanh chóng khôi phục lực lượng kháng chiến.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở cán bộ: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”.
Đầu tháng 4-1947, các chiến sĩ Tiểu đoàn 18 từ chiến khu Hòa Mỹ đã băng rừng lội suối dọc Trường Sơn đến các huyện Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc với nhiệm vụ giúp cán bộ ở đây đẩy mạnh kháng chiến, phát triển cơ sở, đánh địch và diệt tề trừ gian. Sau năm tháng, nhiều thôn xã trong ba huyện đã gây dựng được phong trào chiến tranh du kích. Khí thế kháng chiến ngày một lên cao. Nhiều cách đánh độc đáo xuất hiện, tiêu biểu là trận “ôm hè” ở làng Thanh Lam (Hương Thủy) ngày 15-6-1947.
Trong năm 1947, Huyện ủy Phong Điền và Hương Trà đưa cán bộ lên phụ trách các xã ở miền núi A Lưới, đồng thời đẩy mạnh việc dạy chữ và giác ngộ cách mạng cho đồng bào. Miền núi A Lưới, Nam Đông trở thành những vùng căn cứ kháng chiến quan trọng của các huyện miền xuôi.
Cuối năm 1947, nhiều gia đình cơ sở kháng chiến ở nông thôn được xây dựng. Bắt đầu xuất hiện hầm bí mật ở trong nhà, ngoài vườn, dưới rặng tre... do các cơ sở kháng chiến tự làm để bảo vệ, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Nông dân bắt đầu hồi cư, trở về làng cũ.
Tuy nhiên, “tình hình kinh tế là hết sức nguy ngập, đất khô trồng màu không làm được, trâu bò bị bắn giết, nhà bị đốt, nhiều nơi cả trâu lẫn người đều bị bắn chết giữa đồng. Mùa tháng 4-1947 bị mất trên 70% vì tiết trời, đến lúc gặt về nhà còn bị cướp phá trên 1/2. Trận lụt tháng 5-1947 (xưa nay chưa khi nào tháng 5 có trận lụt như thế) đã làm cho số khoai sắn bị hư hại trên 80 %. Một số lớn lúa tháng tư gặt về để trong nhà sợ Pháp cướp, đốt nhà, đem chôn xuống đất bị trận lụt này số bị thối, số bị mộng. Nạn đói đã hăm dọa nhiều nơi” .
3. Tham gia cuộc kháng chiến toàn diện trong những năm 1948 - 1949
Đầu năm 1948, chiến trường Thừa Thiên Huế bắt đầu hình thành các vùng: vùng tự do, gồm các xã miền núi, các chiến khu của tỉnh, huyện, nơi có chính quyền kháng chiến của ta; vùng căn cứ du kích gồm các xã có cơ sở và phong trào kháng chiến tương đối phát triển, có chính quyền ta quản lý, là hậu phương của cuộc kháng chiến; vùng du kích, nơi địch tạm thời chiếm đóng, lập hội tề, cũng là nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động chiến tranh du kích của ta; vùng tạm bị chiếm, nơi chính quyền địch kiểm soát chặt. Ranh giới giữa các vùng chỉ là tương đối. Theo sự thăng trầm của phong trào kháng chiến mà các vùng này có sự thay đổi, chuyển hóa lẫn nhau.
Ở mỗi vùng, địch có những thủ đoạn khác nhau. Tại các vùng du kích và căn cứ du kích thì chúng tập trung đánh phá rất ác liệt theo phương châm ba sạch: giết sạch, đốt sạch và phá sạch. Đối với vùng địch đã lập được hội tề do lý trưởng cầm đầu ở mỗi làng thì chúng tiến hành những biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển thóc gạo, thuốc chống sốt rét, thuốc cứu thương; ra sức phát hiện, bắt bớ, khủng bố cán bộ, gia đình cơ sở, gia đình có người thân tham gia kháng chiến; ngăn chặn mọi sự tiếp xúc của bà con với với cán bộ, đẩy cho được Việt Minh ra khỏi xóm làng; ráo riết thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Đối với vùng địch chưa dựng được hội tề thì chúng coi đó là vùng của Việt Minh, tha hồ bắt giết, đốt nhà, cưóp bóc, hãm hiếp. Từng toán quân ngày đêm càn quét, lùng sục, chà đi xát lại nhiều lần, cho đến khi dân không chịu nổi phải xin lập hội tề.
Tính đến tháng 5-1948, ở Thừa Thiên Huế địch đã lập được 462 hội tề trong tổng số 548 thôn và đóng quân ở 84 đồn bốt. Nội việc làm đồn đã là một tai họa cho bà con, đến nỗi có viên Quận trưởng do Pháp lập ra buộc phải báo cáo rằng: “Hiện nay dân tình rất ta thán về việc bắt nộp tranh tre, nhân công và các vật liệu cần thiết trong việc sửa chữa đồn và làm đồn... Nhất là ở các đồn Pháp, dân tình hết sức kêu ca vì sự đài thọ ấy quá nặng nề, nhất là trong lúc điều kiện sinh hoạt ở thôn quê rất chật vật”.
Chỉ tính riêng trong năm 1948, giặc Pháp trong các trận càn trên toàn tỉnh đã gây ra bao cảnh tang tóc cho xóm làng. Bên cạnh việc giết người không ghê tay, giặc Pháp còn thực hiện những trận “giặc lúa”, phá hoại mùa màng ở những nơi chúng không kiểm soát được, giết chết cả trâu bò và cho xe cày nát ruộng đồng, vườn tược.
Theo báo cáo “Tình hình Bình Trị Thiên, từ ngày 19-12-1946 đến đầu năm 1950”: “Trong năm 1948, địch tàn phá mùa màng rất quyết liệt. Chúng đốt kho lúa, cho xe cơ giới đi cày khoai, sắn, bắp; bắn trâu bò và dân cày không cho làm ruộng. Có huyện bị thiệt hại rất nặng như Phú Lộc. Có gia đình bị đói. Về nhà cửa thì không có vùng nào là địch không đốt phá… Ở những vùng địch còn kiểm soát chặt chẽ thì đến mùa vụ chúng bắt dân kê khai số lúa ở từng gia đình rồi bắt dự trữ số lúa ấy cho chúng, chỗ nào xa vị trí đóng quân thì chúng càn quét và bắt nhân dân gánh về tập trung ở vị trí, chỗ nào thuộc phạm vi ta kiểm soát thì chúng càn quét lớn và phá hoại triệt để” .
Báo cáo “Ba tháng 4-5-6 năm 1948” của Ủy ban kháng chiến hành chính Thừa Thiên cho biết thêm: “Địch bắt nhân dân tập trung lúa, một nhà giấu lúa cả thôn bị tiêu diệt (địch ra lệnh một nhà không được giữ trên 2 thùng lúa). Trong các vùng bị chiếm và bị uy hiếp, đất bỏ hoang nhiều vì thiếu trâu bò. Ở các tỉnh Bình Trị Thiên, trâu bò bị địch cướp giết gần sạch không còn để cày cấy. Đi đến đâu chúng cũng tàn phá hoa màu (chặt ngang chuối, sắn, bắp, lúa, đập phá nông cụ…). Chúng bắt các huyện trưởng nói với dân chúng rằng nếu không lập xong hội tề thì không được gặt hái mùa màng, thành lập xong chúng sẽ cho hương vệ đến gặt hái rồi tập trung lúa lại tại phủ lị và phân phát cho dân chúng ăn để tránh nạn cướp bóc của Việt Minh”.
Mặc khác, “địch rất chăm thu thuế điển thổ. Chúng phải dùng đến vũ lực, cho bảo vệ quân đi thu từng nhà, bắt nộp thuế rồi mới cho gặt hái, chặn đò lúa bắt nộp thuế mới cho đi... Chúng đã thu được một phần thuế ở Hương Trà, Phú Lộc, Quảng Điền và Phong Điền, riêng ở Phú Vang, Hương Thủy chỉ thu được một ít” .
Trong hoàn cảnh đó, ngày 31-5-1948, Quyết nghị án của Hội nghị kháng chiến hành chính Liên khu IV đã xác định nhiệm vụ kinh tế trước mắt là: xây dựng một nền kinh tế nhân dân đi đến tự túc từng địa phương một, vận động mọi khả năng nhân dân vào công việc tăng gia sản xuất, hướng dẫn nhân dân trong mọi hoạt động kinh tế thích hợp với nhu cầu kháng chiến, triệt để thực hiện chính sách tiết kiệm và phá kinh tế địch. Hội nghị chỉ rõ những công việc cụ thể là: “thi hành Thông tư của Bộ Nội vụ và Bộ Canh nông về việc giảm địa tô 25%. Chấn chỉnh hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức những phường, bản làm giúp công, đổi công. Giúp đỡ nhân dân có đủ phương tiện làm ăn như nông cụ, mục súc, kỹ thuật và phân bón. Bảo vệ mục súc bằng cách cấm giết trâu bò và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm. Khuyến khích giúp đỡ và lãnh đạo nhân dân thực hiện công tác thuỷ lợi ở hương thôn” .
Để đưa cán bộ nhanh chóng trở lại bám dân, bám đất, giải quyết tình hình khó khăn, ta có chủ trương lập tề 2 mặt và phát triển rộng rãi các loại hầm bí mật. Chủ trương này đã được nhiều xã thôn bắt tay thực hiện.
Ở những nơi và những lúc lực lượng địch quá mạnh, đòi dân phải lập hội tề thì cán bộ đã hướng dẫn cho dân đưa ra những khó khăn để từ chối, trì hoãn hoặc tìm những người từng làm cho địch nhưng biết hợp tác với ta để lập tề. Khi họ ra làm việc thì tránh được thiệt hại cho dân và có lợi cho kháng chiến. Đó là loại tề hai mặt. Còn ở những nơi mà người cầm đầu hội tề trước sau vẫn điên cuồng chống phá kháng chiến, giết hại cán bộ, thì cho du kích cảnh cáo hoặc phải trừng trị để hạn chế những tổn thất cho kháng chiến.
Từ cuối năm trước, hầm bí mật đã xuất hiện ở huyện Quảng Điền, Phú Vang. Sang đầu năm 1948 việc làm hầm bí mật đã lan rộng cả 6 huyện và thành phố Huế. Có cả hầm bí mật bảo vệ, che dấu cán bộ, du kích, và có cả loại hầm dùng để cất giấu thóc gạo, tài sản.
Tháng 5-1948, tỉnh quyết định dời chiến khu vào Dương Hòa, nơi chỉ cách thành phố Huế 12 cây số theo đường chim bay nhưng lại nằm ven dãy Trường Sơn, có núi rừng che chắn. Dương Hòa lại nằm giữa 2 nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch chảy về sông Hương nên giao thông đường thủy thuận tiện. Xây dựng Dương Hòa thành chiến khu sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào kháng chiến trong toàn tỉnh, nhất là đối với các huyện phía nam đang gặp khó khăn.
Mùa thu năm 1948, Trung đoàn 101 đưa các đại đội của hai Tiểu đoàn 227 và 328 về hoạt động độc lập ở các huyện trong tỉnh. Được sự hỗ trợ tích cực của các đại đội độc lập, lực lượng du kích xã đã phát triển khá mạnh và đều trong cả 6 huyện. Cán bộ của các huyện đã có thể bám đất, bám dân, mở rộng mạng lưới các gia đình cơ sở kháng chiến. Các vùng căn cứ du kích ở đồng bằng dần dần được nới rộng. Đến cuối năm, các xã vùng dưới của huyện Phú Vang, Phú Lộc và các xã vùng cát thuộc Phong Điền, Quảng Điền đã nối liền với nhau, thông với Triệu Phong và Hải Lăng của Quảng Trị. Ở những xã đó, cán bộ và bộ đội ăn ở, đi lại công khai giữa ban ngày. Bộ mặt nông thôn thay đổi trông thấy.
Chính quyền kháng chiến từ cuối năm 1948 bắt đầu chia lại công điền, công thổ cho nông dân . Trong năm 1948 ở Thừa Thiên, “mặc dù bị giặc Pháp đốt hoa màu và bắn giết trâu bò, mùa tháng 3-1948 vẫn làm được và được mùa” , đến “mùa tháng 8 nhờ thời tiết thuận tiện, thu hoạch được nhiều. Sắn khoai dư ăn. Riêng huyện Phong Điền được bội thu, 1/3 lúa có thể tiêu thụ ra ngoài. Trong tỉnh không lo nạn đói kém”. Tuy nhiên, vẫn chưa khắc phục được tình trạng bỏ hoang ruộng đất: “ruộng bỏ hoang ở Phong Điền chừng 100 mẫu, ở Hương Trà 300 mẫu, Hương Thủy 150 mẫu”. Mặc khác, “phân bón rất thiếu. Trâu bò bị địch tàn sát rất nhiều. Về đê hói, xã Phong Hải đắp xong con đê dài 6.000 mét, bảo vệ cho 300 mẫu ruộng sâu, xã Phong Khánh cũng hoàn thành con đê 3.000 mét, bảo vệ hơn 250 mẫu ruộng. Đồng bào thượng du hăng hái kháng chiến, giúp rất nhiều trong công việc vận tải, tăng gia sản xuất, nhờ được mùa nên đời sống có thể nói là tạm đủ, tuy sự tiếp tế muối chưa được dồi dào” .
Với những thành tựu ban đầu đó, nông dân trong tỉnh đã bước đầu nộp thuế. Trong năm 1948 thu được 799.931 đồng về thuế điền thổ trong số thuế phải thu là 1.997.766,52 đồng .
Từ đầu năm 1949, để đối phó với sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến và sự mở rộng của vùng căn cứ du kích, địch có những nỗ lực mới: ráo riết tung quân càn quét đồng bằng, dựng lại các hội tề, chấn chỉnh lại hệ thống đồn bốt, tăng cường bảo vệ các đường giao thông, tiếp tục dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, huy động sức của sức người ở những vùng tạm bị chiếm vào cuộc chiến tranh xâm lược.
So với năm 1948, số lượng đồn bốt của địch năm 1949 sụt giảm vì chúng chủ trương tăng sức phòng thủ đường quốc lộ. Trừ thị xã Thuận Hoá, số vị trí địch trong tỉnh là 57 đồn .
Ngày 30-3-1949, hội nghị bất thường của ngụy quyền Thừa Thiên đã thoả luận 2 việc: chặn đường tiếp tế của Việt Minh và tập trung lúa. Theo báo cáo “Tình hình Bình Trị Thiên từ ngày 19-12-1946 đến đầu năm 1950”: “đến năm 1949, chúng chủ trương tập trung tất cả lúa về vị trí chứ không giao cho dân chúng hay ngụy quyền nữa. Nhưng chính sách này không thi hành được vì dân chúng không chịu tập trung lúa mà địch thì không đủ quân để đi gánh về. Ở trong vùng ta kiểm soát thì nhân dân đã tổ chức cất giấu kỹ càng để tránh địch đi cướp bóc hoặc đốt phá” .
Do biết kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận mà cuộc kháng chiến của ta có thêm những thắng lợi mới. Những tháng đầu năm 1949, ta đã làm nên chiến thắng Hói Mít (12-1-1949), bẻ gãy cuộc tiến công của 2.000 tên địch có máy bay yểm hộ lên chiến khu Dương Hòa (từ ngày 25-2 đến ngày 14-3), tiến công bốt Vỹ Dạ (ngày 2-3), tiêu diệt đồn Vân Trình (ngày 18-3), làm thất bại trận càn quy mô lớn của địch lên vùng núi Khe Tre, Nam Đông (tháng 4-1949).
Những chiến thắng của ba tháng đầu năm 1949 chính là cơ sở để Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh họp tại chiến khu Dương Hòa từ ngày 16-4 đến ngày 27-4-1949 quyết nghị những vấn đề quan trọng và toàn diện hơn để đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của tỉnh tiến lên. Nghị quyết của Hội nghị nêu rõ: “Trong năm 1949, phát huy tất cả mọi lực lượng của nhân dân, đánh mạnh vào địch về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa; làm cho ta mau mạnh, địch mau yếu”, “phát triển Đảng thật mạnh mẽ và đều khắp nơi, củng cố phải đi đôi với phát triển”, “bầu cử lại các Hội đồng nhân dân xã”, “củng cố các đoàn thể cứu quốc và Mặt trận Việt Minh để làm nòng cốt cho Hội Liên Việt”, “mở rộng chiến tranh du kích, tích cực quấy rối giặc, tiêu hao giặc... tiến tới vận động chiến... mở rộng phạm vi kiểm soát của ta”, “triệt để thi hành chính sách giảm tô, tịch thu ruộng đất Việt gian chia cho dân cày nghèo”, đồng thời “bao vây và phá hoại kinh tế địch, loại đồng bạc Đông Dương trên thị trường ta”, “xúc tiến học bình dân học vụ” v.v..
Qua tháng 5-1949, ta bắt đầu tập trung lại các đại đội độc lập để xây dựng tiểu đoàn, trung đoàn tập trung để mau chóng tiến tới vận động chiến, tức là đánh tiêu diệt với quy mô lớn hơn, buộc địch phải từng bước co lại, thu hẹp phạm vi chiếm đóng. Trong khi đó, từ tháng 6-1949, địch bắt đầu thực hiện cách đánh kết hợp giữa sự vững chắc của các lô cốt tháp canh với sự kịp thời của các đội quân ứng chiến, đặc biệt là ra sức bắt lính và tiếp tục chấn chỉnh lại hệ thống đồn bốt, mọi việc đều nhằm chống phá phong trào kháng chiến.
Ngày 18-8-1949, tại huyện Phong Điền, quân ta làm nên một chiến công lớn. Lần đầu tiên ta đánh tan 1 tiểu đoàn ứng chiến Bắc Phi, tiêu diệt được xe bọc thép lội nước - một loại phương tiện chiến tranh hiện đại mà địch vừa mới đem sử dụng ở Thừa Thiên. Các hoạt động du kích, bao vây quấy rối đồn địch tiếp tục được tăng cường. “Khoảng tháng 8 tháng 9-1949, gần 1 phần 3 số đồn địch ở Thừa Thiên rơi vào tình trạng bị du kích bao vây, những đồn khác cũng không dám xông xáo đi càn quét như trước. Khu vực hoạt động của du kích càng được mở rộng. Nhiều vùng sát nách thành phố Huế như Kim Long, Vỹ Dạ, An Cựu, Bao Vinh, Nam Giao, Bến Ngự... quân địch cũng chỉ kiểm soát được từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, sau đó và suốt đêm du kích và cán bộ hoạt động công khai”.
Thắng lợi trên lĩnh vực quân sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hoạt động khác tiếp tục đi lên.
Mặt trận Việt Minh và Liên Việt phát triển rộng rãi, thu hút một số lớn nhân dân, đoàn kết thành một khối chống giặc Pháp. Các đoàn thể cứu quốc hoạt động mạnh. Đến tháng 10-1949, số hội viên Việt Minh lên đến 57.263 người, so với năm 1948 đã tăng gấp đôi. Ngoài ra, còn có thêm 13.520 hội viên Liên Việt .
Đồng thời với việc bao vây kinh tế địch đã trở nên thường xuyên, “chính sách kinh tế của ta cũng đã chuyển hướng: vấn đề cải cách ruộng đất, giảm tô, giảm tức, các cuộc vận động tăng gia sản xuất, hiến điền cho bộ đội được đề ra và được nhân dân hưởng ứng. Phần đông địa chủ ở những vùng ta kiểm soát đều thi hành chính sách ruộng đất của Đảng, số đông địa chủ tự động xung phong giảm tô” . Kết quả, Phú Vang đã thực hiện giảm tô ở 6/13 xã. Ở Hương Thủy, mùa tháng 4 đã có 5 chủ ruộng xung phong giảm tô với 50 mẫu ruộng và mùa tháng 8 đã giảm thêm được 171 mẫu 7 sào. Ở Phong Điền, số ruộng giảm tô được 200 mẫu và đã có chủ ruộng xung phong giảm tô được Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh khen .
Lúc này, “địch ra lệnh đuổi dân chúng không cho ở miền núi, xả súng bắn vào nhà, bắn vào dân chúng đang cày cấy, vì vậy dọc theo miền núi 4 huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Lộc hơn 2.500 mẫu ruộng đất bỏ hoang. Cái nguy cơ cho nghề nông là việc địch bắn trâu bò. Huyện nào cũng bị bắn 300 hay 400 con. Địch thường hay lùng bắt khủng bố làm cho dân chúng phải chạy trốn, bỏ công việc, một ngày còn lại làm nửa ngày hay chạy suốt luôn cả ngày, vì vậy mà 1 mẫu ruộng đáng làm một ngày xong thì nay phải làm 2, 3 ngày. Thêm nữa, một số nhân công trong thời bình sản xuất được như anh em cán bộ, bộ đội thì nay phải thoát ly sản xuất làm mất một số nhân công. Trước kia dân chúng nuôi được trâu bò, heo, lấy được phân bón ruộng, nay không nuôi được vì địch chuyên cướp bắn nên thiếu phân bón ruộng, lúa bị xấu. Về giống cũng vậy, dân chúng phải thu cất nên hay bị hư, đã có nhiều người ở thôn quê lên thuê đất xung quanh ngoài thành phố để gieo mạ vì ở đây đất tốt, nhưng vì chiến tranh mà việc đi lại khó khăn, sản xuất lúa bị sụt giảm” .
Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của chính quyền kháng chiến và sự giúp đỡ, động viên của tổ chức Nông hội, một loạt các biện pháp đã được nông dân trong tỉnh thực hiện có kết quả:
- Tích cực đắp đập, đào hói, làm cho diện tích trồng trọt tăng thêm, như ở Phong Điền đắp hơn 9.000 mét đập, thêm diện tích ruộng được 200 mẫu và 600 mẫu làm được 2 mùa.
- Thu cất và phân tán tài sản. Thu cất bằng cách đào hầm để chôn, phân tán bằng cách nhà giàu chia thóc lúa gạo cho người nghèo giữ dùm để ăn chung do các ủy ban kháng chiến hành chính địa phương bảo đảm.
- Hợp lực nhau lại thành từng đoàn để cày cấy hay gặt hái chung, mục đích là làm thật mau, tránh địch khủng bố. Các đoàn này không những làm việc trong địa phương mình mà còn làm cho vài địa phương khác. Như ở Phú Vang, Hương Thuỷ và Quảng Điền, xã này lúa chưa chín mà xã trên lúa chín trước thì anh em xã này lên tiếp sức với anh em xã trên gặt cho kịp. Trong công việc đồng áng, nông dân đã tìm đủ cách để làm cho được, bất luận ngày hay đêm.
- Ra sức bảo vệ trâu bò. Ở các xã khi được tin địch đến không chỉ người lo chạy trốn mà trâu bò cũng phải đập chạy thật xa .
Công tác xây dựng hội vần công và hợp tác xã nông nghiệp đạt nhiều tiến bộ. Cho đến nửa đầu năm 1949, “về hợp tác xã nông nghiệp, đã thành lập ở Phong Điền 2, Hương Thủy 3, Phú Vang 1... Ngoài ra còn có hàng chục hội vần công trong toàn tỉnh. Các hợp tác xã nông nghiệp đã vận động dùng máy nước để làm ruộng, riêng ở Hương Trà đã có 7 máy” .
Tuy bà con nông dân trong tỉnh đã nỗ lực rất lớn, nhưng “sức sản xuất năm 1949 kém 1948 là 30% do mùa tháng 4 bị hạn hán mất mùa, mùa tháng 8 cũng bị mất, ruộng hoang nhiều, thiếu nhân công, thiếu trâu bò, thiếu phân bón. Khoai sắn chỉ trồng được 2/3 diện tích, sức sản xuất chỉ được 1/3 năm 1948” . Trong tháng 10-1949 lại xảy ra nhiều trận lụt liên tiếp khiến “lúa chôn cất là lúa vãi bị hư thối, địch lại tăng cường cướp bóc nên giá sinh hoạt lên rất cao, nhất là gạo (ở chiến khu 100 đồng chỉ có 7 lon và ở đồng bằng chỉ có 8 lon, ở Phong Điền và Quảng Điền 100 đồng được 10 lon. Một vài xã thuộc Quảng Điền và Hương Trà có thể xảy ra nạn đói” . Còn ở vùng núi cũng bị mất mùa, và “địch đóng thêm bốt gác kiểm soát dọc đường quốc lộ nên đồng bào ở miền núi không được tiếp tế đầy đủ, đời sống vật chất thiếu hơn” . Trong điều kiện cực kỳ khó khăn như vậy, việc mua công phiếu kháng chiến vẫn được nhân dân tích cực hưởng ứng. “Thừa Thiên được nhận bán 5.000.000 đồng thì đến cuối tháng 3-1949 đã bán được 2.974.410 đồng. Công phiếu kháng chiến rất được dân chúng hoan nghênh” . Còn thuế điền thổ, “đến ngày 31-12-1949 đã thu thuế điền thổ được 1.643.925,4 đồng” .
Các lĩnh vực khác phục vụ cho kháng chiến cũng đi lên. Tháng 8-1949, cử tri trong tỉnh tích cực hưởng ứng đợt bầu cử Hội đồng Nhân dân xã. Số cử tri là 148.816 thì số người đi bỏ phiếu là 138.540, chiếm 93%. Năm học 1949-1950, chính quyền kháng chiến đã mở được 74 trường tiểu học trong toàn tỉnh với trên một vạn học sinh. Với những thắng lợi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã gửi điện khen ngợi: “Bình Trị Thiên kháng chiến ngày càng vững mạnh lên, địch cũng phải công nhận. Đó là điều đáng khen”.
4. Đẩy mạnh cuộc kháng chiến và kiến quốc trong những năm 1950 - 1952
Bước vào năm 1950, khi hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã có được những thắng lợi lớn trong chiến dịch Lê Lai, thì ở Thừa Thiên, Trung đoàn 95 đã phối hợp với Trung đoàn 101 triển khai trận vận động chống càn ở Phò Trạch - Lương Mai.
Sáng ngày 27-1-1950, 2.000 tên địch bắt đầu mở trận càn. Các đơn vị bộ đội địa phương huyện Phong Điền (Thừa Thiên) và Hải Lăng (Quảng Trị) đã nổ súng chặn địch ngay từ đầu. Cho đến 5 giờ chiều thì quân địch đành phải rút lui, trận càn bị bẽ gãy. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhận xét rằng: “Trận Phò Trạch - Lương Mai có thể coi là một trận vận động kiểu mẫu trong toàn quốc suốt quá trình phát triển vận động chiến của quân ta ở đồng bằng”.
Trước sự phát triển của phòng trào kháng chiến, địch lại có thêm những cố gắng mới. Cho đến giữa năm 1950, trên địa bàn Thừa Thiên, địch đã bắt thêm 1.500 lính, đưa tổng số quân ngụy và quân viễn chinh lên đến 5.721 tên. Số lượng máy bay, súng hạng nặng và xe bọc thép cũng tăng lên. Đặc biệt là hệ thống Delatour được chúng xây dựng khá vững chắc.
“Đóng rộng ra bên ngoài là những lô cốt bằng bê tông hoặc xây bằng gạch cao từ 3 mét đến 7 mét. Mỗi lô cốt được bố trí thường xuyên một tiểu đội lính ngụy, được trang bị súng trường, một đại liên hoặc trung liên, nhiều lựu đạn. Bên ngoài lô cốt khoảng 20 mét - 25 mét có hàng rào dây thép gai bảo vệ, từ trên cao mỗi lô cốt có thể quan sát bằng mắt được từ 3 đến 5 km.
Giữa các lô cốt và trong một vùng hai hoặc ba xã, có một đồn bốt cỡ một trung đội lính ngụy chiếm đóng được trang bị súng trường, tiểu liên, súng máy và súng cối. Mỗi đồn đều có ổ đề kháng kiên cố và công sự phòng ngự. Trong một vùng rộng hoặc nơi xung yếu, giữa các đồn bốt có một đồn lớn được bảo vệ vững chắc, có một hoặc hai đại đội cơ động, có pháo để chi viện cho các đồn bốt hoặc lô cốt trong vùng. Trong mỗi tỉnh có những binh đoàn cơ động của tỉnh hoặc liên tỉnh có nhiệm vụ ứng cứu cho các đồn bốt, lô cốt hoặc lực lượng cơ động các tiểu khu, tổ chức những cuộc hành quân càn quét lớn. Tất cả những lô cốt, đồn, bốt, binh lực hỏa lực nói trên liên kết với nhau thành một hệ thống gọi là hệ thống Delatour”.
Hệ thống này quả thực đã gây cho ta nhiều khó khăn mới trong việc đi lại, tiếp tế. Bất kỳ chỗ nào trên đường I và đường sắt, địch cũng có thể nhìn ra và bắn tới. Chỉ trên một đoạn của đường I từ Huế đến Đông Hà địch đã xây dựng 120 lô cốt. Toàn tỉnh có trên 70 đồn bốt lớn nhỏ. Do đi lại, tiếp tế khó khăn trong khi đánh vào lô cốt thì chưa thể, mà nhiều vùng căn cứ du kích ở đồng bằng của ta bị thu hẹp lại.
Cùng với hệ thống Delatour là những trận “giặc lúa” được địch “tích cực thi hành vào đầu năm 1950. Chúng cho xe lội nước chạy dẫm lên phá tan nát hay cho máy bay và canon bắn xả vào các đám người gặt hay cày cấy” .
Cùng với địch họa, bà con ta từ giữa năm 1950 trở đi còn liên tiếp gánh chịu nhiều thiên tai. Đầu tiên là vụ trái ở hai huyện Phong Điền, Quảng Điền tuy lúa đã bắt đầu chín rộ nhưng nông dân vẫn không được hưởng vì mưa lũ tràn về, cuốn trôi cả lúa má, hoa màu và tài sản. Sau đó là trận lụt lớn xảy ra vào tháng 10 cùng năm. Tại các huyện đồng bằng, thiệt hại về người và của là vô cùng lớn: cả tỉnh có hơn 400 người chết, trong đó riêng ở Huế là 224 người, lúa bị ngập 1.600 tấn, muối bị ướt mất 1.000 tấn, 1.400 trâu bò bị chết và gần 1.000 nóc nhà bị cuốn trôi.
“Nước ngập suốt bảy ngày đêm liền. Khi nước rút ra thì các cánh đồng nổi tiếng phì nhiêu chỉ còn lại dăm ba đám lúa non ngả màu vàng úa, bị một lớp bùn dày phủ kín lên trên. Mùa màng hư hỏng hết, một vụ đói khủng khiếp nhất định sẽ xảy ra không thể nào tránh khỏi. Dân lo, Đảng lo, chính quyền lo, bộ đội lo... Tất cả xô vào để cứu lấy mạng người. Tất cả bà con đổ ra đồng. Nơi nào không còn trâu bò thì người kéo cày thay. Người khỏe đi trước làm trâu, người già đi sau cầm cày”.
Khó khăn chồng chất khó khăn như vậy nhưng đã không làm sờn lòng cán bộ, chiến sĩ và bà con đã đi theo kháng chiến. Sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của quân và dân trong tỉnh năm 1950 tiếp tục có thêm những thành tựu mới.
Tháng 7-1950, Tiểu đoàn 231 bộ đội địa phương tỉnh thành lập với quân số 513 chiến sĩ. Mỗi huyện có 1 đại đội bộ địa phương với tổng số trong cả 6 huyện là 931 chiến sĩ. Dân quân du kích các xã có 16.224 người. Trong năm 1950, có trên 2.000 thanh niên vào bộ đội, số lượng hội viên của các đoàn thể tham gia Mặt trận Việt Minh và Liên Việt chiếm 70% tổng số dân cư .
Về nông nghiệp, “trong vụ tháng 4-1950, nhân dân đã tích cực tranh đấu với địch từng hạt lúa, gặt ngày không được thì gặt đêm, gặt đông người không được thì gặt lẻ tẻ, người này bị đạn thì người khác tiếp tục gặt, gặt dưới làn bom đạn của địch, liều chết gặt cho được lúa đem về thu giấu. Trong vụ mùa tháng 8-1950, mặc dầu nhân dân đã hết sức tranh đấu, nhưng trong tỉnh đã bỏ hoang mất 3.000 mẫu. Đứng trước sự phá hoại của địch, các đoàn thể địa phương đã vạch kế hoạch bảo vệ mùa màng và mở cuộc vận động tăng gia sản xuất và để bù đắp lại những sự hao hụt do địch gây nên. Nhân dân đã tích cực hưởng ứng tăng gia sản xuất, như ở Thừa Thiên đã canh tác thêm được 1.000 mẫu” . Tính chung cả năm 1950, diện tích canh tác lúa trong tỉnh đạt 43.000 ha với sản lượng 27.900 tấn; tổng số ruộng đất đồng bào ủng hộ trong các cuộc vận động hiến điền là 3 mẫu 7 sào .
Việc tạm cấp ruộng đất “được xúc tiến mạnh, nhất là sau cuộc hội nghị kinh tế toàn tỉnh đầu tháng 3-1950. Hội đồng tạm cấp ở tỉnh thành lập ngày 10-4-1950, ở các xã cũng đã được thành lập. Kết quả, đã tạm cấp cho nông dân 43.065 mẫu 8 sào ruộng. Về quân cấp công điền, công thổ, phần lớn các xã trong toàn tỉnh đã đem công điền thổ ra quân cấp, đúng theo nguyên tắc hợp lý và công bằng. Trừ một vài xã chưa đủ điều kiện hoặc trong vùng địch kiểm soát chặt chẽ” .
Có thể nói, “về kinh tế, đời sống nông dân được cải thiện một phần lớn, do đó mà họ rất phấn khởi trong việc tăng gia sản xuất. Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phát triển; về chính trị, do đời sống được cải thiện nên họ tham gia kháng chiến một cách tích cực hơn nhiều. Nông dân thiết tha với Chính phủ kháng chiến vì họ nhận rõ chính phủ đã thực tế mưu lợi ích cho họ. Họ hiểu rõ chủ trương đoàn kết của Chính phủ một cách đúng đắn hơn. Các đoàn thể, nhất là Nông hội, được rộng rãi và chặt chẽ hơn. Nhờ thế, tính đến ngày 30-9-1950 đã thu được 473.936 tấn thóc quỹ công lương và 412.296 tấn thóc thuế điền thổ” .
Đầu năm 1951, chiến trường Bình Trị Thiên là một trong những trọng điểm bình định của địch. Những cố gắng mới của quân đội viễn chinh bằng kế hoạch Delattre de Tassigny (bố trí lại lực lượng tại các địa bàn quan trọng như Phong Điền, Quảng Điền, Huế, Truồi, tăng thêm pháo binh ở Phú Ốc, An Lỗ, Phú Bài, liên tiếp mở các trận càn...) đã gây thêm cho ta những khó khăn mới. Chỉ riêng trong trận càn ngày 12 và 13-2-1951 tại Phú Vang, địch đã “đốt 220 nóc nhà (Phú Thái 120, Phú Thanh 100), một số lúa công lương bị đốt cháy rất nhiều (riêng Phú Thái 111 thúng)” .
Tháng 1-1951, Thường vụ tỉnh ủy họp. Căn cứ chỗ mạnh, chỗ yếu của ta và địch lúc bấy giờ, Tỉnh ủy đã chủ trương đánh từng trận nhỏ để tiến tới trận lớn, thực hiện tốt phương châm đánh nhỏ ăn chắc, giữ vững và khuếch trương đà chiến thắng của bộ đội chủ lực, đồng thời tích cực làm công tác địch vận.
Mở đầu cho hoạt động quân sự của năm 1951 là trận tiến công của Tiểu đoàn 436 (Trung đoàn 101) tiêu diệt hoàn toàn lô cốt An Gia trong hệ thống phòng thủ Phú Ốc - Sịa của địch vào ngày 12-2-1951. Lần đầu tiên ta tiêu diệt một vị trí vững chắc được bố phòng theo hệ thống Delatour của địch. Trên đà chiến thắng, ngày 9-3-1951, Tiểu đoàn 436 phối hợp với một số tiểu đoàn chủ lực và dân quân du kích Quảng Điền tổ chức đánh đồn Phổ Lại. Chiến thắng An Gia - Phổ Lại đã bẻ gãy tuyến phòng ngự Phú Ốc - Sịa của địch. Vùng giáp ranh giữa Thừa Thiên và Quảng Trị được khai thông.
Trước những hoạt động mạnh của ta tại khu vực bắc Thừa Thiên, từ đầu tháng 3-1951, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã ráo riết chuẩn bị cho một cuộc hành quân càn quét lớn. Quân ứng chiến từ Đồng Hới, Đông Hà, đường số 9 và phía nam Thừa Thiên được gấp rút điều động. Ngày 10-3-1951, địch hoàn thành công tác chuẩn bị và triển khai cuộc hành quân với trên 2.200 tên, có pháo binh, công binh và máy bay yểm hộ. Tất cả chia làm 2 cánh, hình thành thế trận bao vây vùng Thanh Hương - Vĩnh Xương. Trải qua 3 ngày đêm liên tục chiến đấu (từ ngày 11 đến ngày 13-3-1951), Trung đoàn chủ lực 95 và 101 của Trị - Thiên đã xóa sổ 2 binh đoàn địch (Buttin và Socken), làm nên chiến thắng Thanh Hương vang dội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi.
Trong niềm tin về sự tất thắng của cuộc kháng chiến, Hội nghị toàn Đảng bộ tỉnh tiến hành từ ngày 20 đến ngày 24-7-1951 đã phân tích cụ thể tình hình và đề ra những biện pháp mới. Với chiến thắng Thanh Hương, “tinh thần cán bộ, bộ đội và nhân dân phấn khởi, tinh thần binh lính địch dao động… địch bị đẩy vào thế bị động”, “trong vấn đề xây dựng lực lượng nói chung ta đã tạo được đà chiến thắng cho chủ lực, bộ đội địa phương và cả dân quân xã”… Trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết trước đây của Liên khu ủy IV, gần nhất là Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Liên khu ủy IV (1-1951), Hội nghị Đảng bộ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là “củng cố bộ đội địa phương, phát triển dân quân du kích; xây dựng kinh tế tài chính, đặc biệt tăng gia sản xuất bảo đảm cung cấp và cải thiện dân sinh”… Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Húng nói rõ: “trước khó khăn và triển vọng của tình hình mới, chúng ta cần khắc phục khó khăn và phát huy ưu điểm,… phải làm thế nào ngày mai chuyển khó khăn thành thắng lợi”.
Hội nghị vừa kết thúc thì thêm một trận thắng nữa làm nức lòng quân và dân trong tỉnh - chiến thắng Thanh Lam Bồ (Phú Vang) ngày 26-7-1951. Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi quân và dân Trị - Thiên.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Thông tư số 76 TT/TT, ngày 5-3-1951 của Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên “về việc bảo vệ mùa tháng tư sắp đến” đã chỉ rõ: “Vụ mùa sắp đến là cả một vấn đề gay go mà cả ta và địch đều cố gắng tranh chấp. Nhiệm vụ bảo vệ mùa tháng tư do đó sẽ rất nặng nề. Tuy rằng đó là một nhiệm vụ thường xuyên năm nào ta cũng đã có làm và cũng đã có nề nếp, nhưng với tính chất tích cực của địch lần này, với nhu cầu cần thiết cho việc xây dựng lực lượng tổng động viên của ta trong giai đoạn hiện tại, chúng ta cần phải thấy rõ nhiệm vụ quan trọng của nó.
Mùa sắp đến nhiệm vụ của chúng ta là phải tích cực bảo vệ cho kỳ được. Để thực hiện được nhiệm vụ đó chúng ta cần phải huy động lực lượng toàn dân, toàn Đảng hay nói một cách cụ thể hơn là mọi ngành quân - dân - chính phải được phối hợp chặt chẽ để lo việc bảo vệ mùa màng. Đảng phải thực sự lãnh đạo và chỉ đạo công tác đó và phải coi là công tác trọng tâm trong thời gian sắp tới và ngay cả bây giờ nữa” .
Thực hiện Thông tư nói trên, toàn tỉnh đã thành lập 2 đoàn chỉ đạo bảo vệ mùa màng gồm cán bộ các Ty, ngành thuộc chính quyền và các đoàn thể; các Ban bảo vệ mùa màng từ huyện đến xã cũng đã thành lập xong ngay trong tháng 4-1951.
Với sự nỗ lực cao độ của cán bộ và nhân dân (hoàn thành hai cống ngăn nước ở Vĩnh An và Phò Trạch (Phong Điền) tưới cho 320 mẫu ruộng. Ủy ban tỉnh tiếp tục cấp giấy ra Quảng Trị mua trâu làm mùa tháng 6-1951…) , thành quả trong nông nghiệp đã góp phần cải thiện được cái ăn trước mắt. “Đầu mùa địch tập trung càn quét lớn ở Phú Vang và Quảng Điền, bắn giết đồng bào ra gặt giữa đồng, bắt dân nộp mỗi mẫu 60 thúng lúa và 100 đồng bạc Đông Dương. Tuy nhiên, đến tháng 5-1951 mùa đã gặt được 1/3 mà địch chưa cướp phá được bao nhiêu. Sở dĩ được như vậy là nhờ sự chuẩn bị của ta được đầy đủ, tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, hoạt động quân sự của ta mạnh mẽ, đúng hướng và kịp thời; sự lãnh đạo của ta sát đúng, sự chỉ đạo cũng được thấu suốt đến tận xã” . Trên cơ sở đó, nông dân trong tỉnh đã nộp thuế nông nghiệp năm 1951 được hơn 3.000 tấn, trên 50% mức do Trung ương quy định .
Cho đến đầu năm 1952, sau nhiều đợt bắt lính, chúng đã xây dựng được 13 tiểu đoàn ngụy quân. Tính chung trong ba tỉnh Bình - Trị - Thiên, số lượng quân địch lên tới 31.459 tên, trong đó khoảng một nửa là quân ngụy. Tại Thừa Thiên, tổ chức ngụy quyền còn ở 89/330 thôn . Bản thân tướng Salan, Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương vào ngày 12-3-1952 cũng “kinh qua Huế để xem xét tình hình quân sự ở Trung Việt”.
Đặc biệt là trong thời điểm đó, địch đã “đề cao viện trợ Mỹ, tích cực tranh chấp quần chúng, tổ chức những trạm phát thuốc “viện trợ Mỹ, phát phân phốt phát” ở Quảng Điền. Lễ khai mạc có Donald Heath (đại sứ Mỹ) tới dự, chiếu phim, phát tranh ảnh, tuyên truyền ráo riết để mị dân lôi kéo, tranh chấp quần chúng với ta, đối đãi tử tế với đồng bào vùng căn cứ tản cư vào vùng địch trong các cuộc lùng ở Quảng Điền, Phú Vang.
Nổi bật trong vấn đề kinh tế là địch ráo riết phá hoại kinh tế ta và tăng sức áp bức bóc lột nhân dân. Địch tích cực thực hiện đốt nhà cửa, lúa gạo, nông cụ, bắn giết trâu bò, phá ghe đò, không cho làm nghề và vớt phân rong, phá đê đập. Trong cuộc lùng ở Quảng Thái địch đã bắn 300 con heo, đốt gần 1.000 chiếc ghe, xuồng ở 2 xã Quảng Ngạn và Phong Phú, đốt gần 2.000 cái nhà và 3.000 thùng lúa ở Quảng Điền, hơn 4.000 thùng lúa ở Phong Điền, cho xe chạy càn trên lúa ở Quảng Điền và Phú Vang, bắn 65 con trâu ở Lại Bằng, hơn 300 con ở Phú Vang. Đặc biệt nhất là trong cuộc càn ở Phú Vang địch đốt phá hơn bao giờ hết.
Đi đôi với việc cướp phá ở vùng căn cứ, vùng du kích, địch bóc lột nhân dân vùng tạm chiếm: thu thuế thương vụ, quốc phòng, thuế chợ, đặt thêm một thứ thuế dân phu an ninh xã hội (người nghèo phải nộp một năm 120 đồng, người khá một năm 840 đồng, số dự thu mỗi năm ở thị xã tính đến 15 triệu đồng Đông Dương)” .
Ngày 6-2-1952, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị vận động tòng quân và đẩy mạnh du kích chiến. Nhờ những cố gắng vượt bậc mà qua tháng 3-1952, ta đã tiến công và tiêu diệt một loạt vị trí địch ở các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc. Vùng tự do của ba tỉnh Bình - Trị - Thiên nối liền nhau thành một dải dọc Trường Sơn và dọc đường I, từ Phú Lộc ở phía nam ra Phong Điền ở phía bắc của tỉnh, nối liền với cửa ngõ Huế.
Ngày 20-4-1952, Bộ Chỉ huy Mặt trận Bình trị Thiên triệu tập các Ban chỉ huy trung đoàn, các Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị để bàn cụ thể công việc bảo vệ mùa. “Lực lượng chính để bảo vệ mùa là nhân dân, gây thành một phong trào đấu tranh rộng rãi; lực lượng quân sự hỗ trợ, chủ yếu là dân quân và bộ đội địa phương, phát triển du kích chiến tranh mạnh mẽ để bảo vệ mùa” .
Đi đôi với chiến thắng về quân sự, việc bảo vệ mùa tháng 4-1952 đã đem lại kết quả khả quan, mặc dù địch tăng cường phá hoại và cướp bóc. Trên toàn tỉnh chỉ bị giặc gặt và phá hết 54 mẫu 6 sào, bị cướp 1.058 thùng lúa .
Đối phó với sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến, địch lại tung ta những biện pháp mới, ngặt nghèo hơn. Ngày 16-8-1952, cầm đầu ngụy quyền Trung Việt là Thủ hiến Lê Quang Thiết cho thành lập “Nghĩa dũng đoàn Trung Việt”, tại mỗi tỉnh có chi đoàn nghĩa dũng, mà nhiệm vụ là “lưu động tại các thôn xã để tìm biết và cản phá kịp thời các tổ chức và hoạt động của đối phương”, đồng thời chúng nâng quân số lên, thành lập 7 tiểu đoàn ứng chiến và 15 tiểu đoàn chiếm đóng.
Trong ba tháng 7, 8 và 9-1952, địch mở liền ba cuộc hành quân càn quét lớn (Catherille, Sauterelle, Caiman), tập trung vào hai huyện Phú Vang, Phong Điền với mục đích bình định vùng căn cứ du kích của ta ở đây và tiêu diệt Trung đoàn 101. Kết quả của ba trận càn là cả địch và ta đều có thương vong lớn. Một số vùng căn cứ du kích của ta ở Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền lại bị đặt dưới quyền kiểm soát của địch.
Tại vùng địch mới chiếm, “chúng bắt khai điền thổ thành 4 loại: ruộng tư, ruộng công, ruộng tập đoàn và ruộng tạm cấp. Phối hợp với gián điệp chỉ điểm, chúng công khai cướp lúa của nhân dân ngoài đồng, gặt số ruộng tập đoàn và tạm cấp. Ngoài ra chúng còn bắt nộp thuế và tập trung lúa vào đồn (mỗi nhà chỉ giữ lại 30 kg thóc), tích cực thu thuế hơn trước (mỗi mẫu từ 100 đồng đến 300 đồng), tập trung lúa và lập kho dự trữ.
Địch vừa tập trung lúa vào vùng địch vừa cấm ngặt việc đưa gạo ra vùng ta. Chúng tịch thu những người mang gạo ra vùng ta nếu quá 1 kg. Ngoài ra, địch còn tích cực đốt phá của cải nhà cửa, bắn giết trâu bò của nhân dân (trong trận lùng ở Phong Quảng địch bắn chết 237 con trâu)” .
Mặc khác, bốn trận lụt liên tiếp trong năm 1952 đã gây thiệt hại lớn cho nhân dân. “Có những đồng bào không nhà phải mang tơi, đội nón đứng trên trảng cát trong những ngày lụt. Riêng 4 xã Hương Thọ, Hương Vinh, Hương Hải, Hương Toàn bị hư sập gần 300 cái nhà. Hoa màu bị mất trên phân nửa. Lúa ướt phơi không kịp, một số bị hư mộng (riêng Quảng Điền hư gần 100 tấn)” .
Tính chung trong cả năm 1952, theo báo cáo tình hình kinh tế năm 1952 của Ủy ban kháng chiến hành chính Thừa Thiên, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực giải quyết những khó khăn về nhân công và phương tiện (về nông cụ, đã vận động nhân dân sửa sang lại các nông cụ cũ, làm thêm những cái mới, các huyện vận động nhân dân vùng trên sản xuất để cung cấp cho vùng dưới; về trâu bò, vì địch bắn giết nhiều (gần 300 con) và bị dịch trên 300 con nên trâu cày thiếu nhiều, nhưng nhờ vận động đổi công, đổi trâu cày ở ruộng sâu, cuốc rang ở ruộng cao nên việc thiếu trâu cũng đã giải quyết được phần lớn; về nhân công, các nhóm sản xuất được tổ chức rộng rãi, riêng huyện Phú Vang đã tổ chức được một số Mẹ binh sỹ, phụ nữ lên cày giúp cho đồng bào miền trên; thực hiện công tác vệ nông và cứu hạn (đặc biệt hơn các năm trước, việc đắp đập đào mương, vét hói được xúc tiến mạnh và sử dụng được khả năng của nhân dân. Ở Hương Phong (Hương Trà) đắp được 3 đập dài mỗi đập 1.800 mét, đào vét thêm các hói cũ dài 13.930 mét. Ở Quảng Thái (Quảng Điền) đắp được một đập lớn cấy thêm được 146 mẫu ruộng).
Về năng suất, vụ mùa tháng 4 nói chung sút từ 30 đến 50%, mùa tháng 8 mặc dầu thiếu trâu nhưng nhờ tinh thần tích cực của nhân dân, tinh thần tương trợ nhau, cấy được kịp vụ cho nên năng suất tăng nhiều ở vùng dưới.
Tinh thần sản xuất của nhân dân cao, nhưng do địch hoạt động mạnh, những trận càn quét đầu tiên khi địch lan ra ở Phú Vang đã cày nát hơn 200 mẫu ruộng, 95% dân số phải tản cư nên phần lớn ruộng đất bị bỏ hoang. Lại thêm đại hạn khiến tất cả khe hói đều khô cạn. Gần 700 mẫu bị hạn cháy ở Hương Thuỷ.
Năm 1952, 341 con trâu bị chết dịch, 313 con trâu khác bị địch cướp và giết, số trâu bò trong tỉnh còn lại gồm 18.473 trâu và 1.894 bò. Số trâu bò cày so với năm 1951 giảm nhiều. Số trâu mua ở ngoài tỉnh và số sinh sản thêm không bằng số bị thiệt hại.
Vấn đề giảm tô không thành một phong trào như trước mà chỉ lẻ tẻ một vài nơi, vấn đề giảm tức chưa phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Việc cho vay nặng lãi còn nhiều ở các địa phương (hình thức vay nặng lãi thường là bán lúa non lấy 10 thùng sau đó trả 20 thùng).
Về vấn đề tạm cấp ruộng đất, tỉnh đã chỉ thị cho các xã, huyện giải thích và điều chỉnh, trả lại số ruộng đất đã tịch thu không đúng chủ trương, đồng thời rút số ruộng đất do hưởng tạm cấp sai và số ruộng đất tạm cấp trước đây cho các đoàn thể xã làm quỹ để tạm cấp cho nông dân nghèo.
Việc quân cấp ruộng đất đã tiến hành cấp lại theo đơn vị thôn. Các xã trước đó được cấp theo đơn vị thôn và cấp một năm đều đã quân cấp 3 năm.
Về thuế nông nghiệp, toàn tỉnh chỉ thu được 40%, không đạt mức do cấp trên ấn định. Đến cuối tháng 11-1952, đã tận thu của năm 1951 được 540.103 kg lúa và 3.787 đồng Đông Dương, tạm thu của năm 1952 được 2.207.002 kg lúa và 815.473.393 đồng bạc Việt Nam, 558.938 đồng Đông Dương. Trong khi đó, địch đã thu được thuế ở một số xã thuộc Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà và Hương Thuỷ, nông dân ở đây phải nộp thuế 1 mẫu 50 đồng Đông Dương.
Nhìn chung, năm 1952 là năm đầy khó khăn và thử thách đối với cuộc kháng chiến và kiến quốc của quân và dân Thừa Thiên Huế nói chung và nông dân nói riêng.
III. NÔNG DÂN THỪA THIÊN HUẾ GÓP PHẦN ĐƯA CUỘC KHÁNG CHIẾN ĐẾN THẮNG LỢI (1953 - 1954)
Ngày 5-1-1953, Trung đoàn 101 cùng với Trung đoàn 18 ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh để bổ sung quân số, ổn định tổ chức và xây dựng thành Đại đoàn 325, một trong 6 đại đoàn bộ binh chủ lực của cả nước lúc bấy giờ.
Qua tháng 2-1953, Tỉnh ủy họp và nhận định sắp tới địch sẽ tiếp tục công cuộc bình định ác liệt hơn, tung quân càn quét mạnh hơn ở các huyện. Vì thế, nhiệm vụ của ta là phải tiếp tục chống bình định, chống càn, đẩy mạnh chiến tranh du kích, trong tác chiến phải phối hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, địch vận. Trước mắt, bộ đội địa phương của tỉnh sẽ cùng với du kích thôn xã thực hiện ba bám: bám dân, bám địch và bám nông thôn đồng bằng.
Mở màn cho cuộc chiến đấu của năm là những trận phục kích các đoàn xe, đoàn tàu địch trên các đoạn đường Câu Nhi - Phò Trạch, Mỹ Chánh - Phú Ốc - Sịa. Đặc biệt là ngày 11-2-1953, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích hai xã Quảng Ninh, Quảng Hòa đã khéo léo kết hợp với địch vận, lấy được đồn Sơn Tùng (Quảng Điền).
Với một hệ thống đồn bốt, lô cốt còn dày đặc và quân số đông, địch tiếp tục hành quân càn quét trên khắp các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy và Phú Vang. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 1953 mà liên tiếp đến 55 trận càn lớn nhỏ, trong đó có 17 trận càn với qui mô từ một đến bốn tiểu đoàn. Riêng tại các xã Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Đại (Quảng Điền) và Phú Thái (Phú Vang), chúng còn chà đi xát lại nhiều lần. Cùng với việc bắn giết trên bộ là bom cháy từ trên không dội xuống tàn phá mùa màng, nhà cửa. Xóm làng tiêu điều, xơ xác. Cán bộ du kích nhiều ngày phải sống dưới hầm bí mật. Chỉ trong 1 tháng (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-1953), địch đã cướp được gần 200 mẫu lúa ngoài đồng, tập trung một số lớn lúa hột, nhất là Hương Thủy 16.336 thùng, Quảng Điền 2.489 thùng .
Phối hợp với việc chống càn là những hoạt động đấu tranh chính trị, địch vận diễn ra sôi nổi. Hàng nghìn bà con ở Viễn Trình, Quảng Xuyên (Phú Vang), Thủy Thanh (Hương Thủy) và nhiều nơi khác đã đấu tranh trực diện với địch, chống bắt lính, chống dời làng. Những cuộc đấu tranh địch vận cũng diễn ra thường xuyên. Nhiều lần bà con và du kích bắc loa hướng vào đồn địch tuyên truyền, kêu gọi chúng trở về với nhân dân. Ở Thuận Phước có 60 ngụy binh đào ngũ. Ở Huế có 200 lính địch trở về với kháng chiến.
Việc chuyển lương thực, thực phẩm ra chiến khu và vùng tự do của ta thời gian này đã trở nên khó khăn hơn trước. Ngày 7-1-1953, ngụy quyền miền Trung ra nghị định nêu rõ: “Ngoài phạm vi thành phố và thị xã ở Trung Việt, những người chuyên chở các thứ thực phẩm sau này, không được chuyên chở quá 5 kg mỗi người và mỗi thứ: lúa, gạo, muối mắm và cá khô”. Tuy nhiên, bà con vùng tạm chiếm vẫn tìm mọi cách để mua gạo muối, thuốc men, đồ dùng chuyển ra vùng tự do. Đồng bào Phật tử ở Huế đã gửi ra chiến khu hàng chục tấn gạo.
Đầu tháng 5-1953, được Mỹ đồng ý và giúp sức thêm, Chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Kế hoạch Navarre ra đời với tham vọng là sẽ “tạo ra một tình hình quân sự cho phép đưa ra một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh”.
Ở Bình Trị Thiên, Navarre cho tiếp tục củng cố các vị trí và đồn bốt, thúc ép ngụy quyền bắt lính, duy trì thường xuyên các trận càn quét, tăng cường vơ vét vật lực để cung cấp cho chiến trường chính Bắc Bộ. Trong một thời gian ngắn, chúng đã tổ chức thêm 6 tiểu đoàn quân ngụy để thay thế cho 4 tiểu đoàn Âu Phi làm quân tập trung, mở lại các trận càn vào vùng đồng bằng Phong - Quảng - Hương - Phú, trước mắt là cướp phá vụ lúa của đồng bào vào tháng 4-1953. Trên tất cả các cánh đồng lúa từ Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy trở ra Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền đều có tiếng súng của bộ đội và du kích chống trả trận “giặc lúa” của địch.
Đi đôi với việc cướp mùa, địch tích cực dồn dân ở Phú Vang và Phú Lộc . “Chúng đã lừa bịp và tập trung được một số khá đông nhân dân và đã thu được thuế. Chúng bắt được lính nhiều nhất trong năm qua cũng tại những nơi này” .
Đặc biệt là kể từ ngày 28-7-1953, Navarre đã huy động một lực lượng khổng lồ chưa từng thấy ở chiến trường Bình - Trị - Thiên để mở một trận càn qui mô lớn, mang tên là cuộc hành binh Camargue (Opération Camargue). Về quân số, địch gồm 13 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 trung đoàn pháo binh, 400 xe cơ giới, 48 máy bay, 160 xe lội nước, 4 tàu thủy và 14 ca nô. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của viên tướng tư lệnh quân đội Pháp ở Trung Việt. Ngoài ra còn có thêm sự có mặt của Navarre, trực tiếp đốc chiến. Về mục đích và khu vực càn quét, địch nhằm thu hẹp căn cứ kháng chiến của ta, tiến tới bình định vùng Phong - Quảng - Triệu - Hải (bắc Thừa Thiên và nam Quảng Trị), tiêu diệt chủ lực và phá hoại kinh tế của ta, đồng thời qua đó bắt thêm thanh niên vào lính ngụy.
Để đối phó với trận càn, kế hoạch của ta là chỉ để lại Tiểu đoàn 310 để cùng phối hợp với các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích thực hiện việc quấy rối, chặn địch, còn phần lớn Trung đoàn 95 sẽ vượt ra ngoài vòng vây, sau đó quay lại tập kích vào nơi sơ hở của địch. Nhân dân ở khu vực xảy ra trận càn được tổ chức cất giấu tài sản và tản cư lên chiến khu.
Sáng ngày 28-7-1953, bộ binh cơ giới của địch rầm rộ mở trận càn. Ở mọi hướng tiến công của chúng, bộ đội và du kích ta đã kiên trì bám sát chặn địch. Khi mục đích tiêu diệt Trung đoàn 95 của cuộc càn quét đã không thực hiện được, ngày 5-8, Bộ chỉ huy Pháp đành ra lệnh lui quân, kết thúc trận càn.
Vừa phải liên tiếp chống lại các cuộc càn quét của giặc Pháp, nhân dân ta vừa tiếp tục thi hành chính sách ruộng đất của Đảng. Trong tháng 7-1953, Ủy ban kháng chiến hành chính Thừa Thiên đã “tổ chức được 16 cuộc đấu tranh đòi giảm tô, tức. Ở Hương Thuỷ có 26 địa chủ, 13 phú nông giảm tô cho 80 tá điền với số tô đã giảm 1.813 thùng, ở Hương Trà có 58 địa chủ giảm tô cho 95 tá điền với số tô được giảm 800 thùng. Mạnh nhất là Phong Điền, toàn huyện đã giảm tô được 52.051 kg của 237 chủ điền, 395 tá điền được hưởng.
Sau những cuộc học tập đấu tranh, nông dân rất phấn khởi, thêm tin tưởng mạnh mẽ chính sách ruộng đất của Đảng, của Chính phủ, đã hăng hái tham gia học tập làm các công tác kháng chiến, có người đã nói “bữa nay mới thấy rõ Chính phủ và cán bộ đem lại lợi ích cho nông dân” .
Tháng 9-1953, Trung đoàn 95 ra vùng tự do Thanh - Nghệ, trở về đội hình của Đại đoàn 325. Lực lượng tác chiến ở Trị Thiên chỉ còn lại bộ đội địa phương và dân quân du kích. Lợi dụng tình hình đó, giặc Pháp mở tiếp một số trận càn nữa, cũng vào bốn huyện Phong - Quảng - Triệu - Hải, đồng thời cho không quân đánh phá ác liệt nhiều nơi, nhất là vào chiến khu và cùng căn cứ du kích của ta. Kết quả là chúng đã lập thêm được 202 hội tề, cướp mất của ta hơn 2.000 tấn lúa, giết trên 3.000 trâu bò, mở rộng thêm vùng chiếm đóng tại các huyện phía nam của tỉnh và hai huyện Phong - Quảng, lập được vành đai trắng dọc theo đường I, từ Phú Lộc đến Hương Thủy, từ Quảng Thái (Quảng Điền) đến Mỹ Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị).
“Đại bộ phận cơ sở của ta bị mất, trừ một số xã ở Quảng Điền và Phong Điền trong và sau trận càn Camargue tương đối còn giữ vững, còn các nơi khác, nhất là Phú Vang, Phú Lộc, các xã ngoại ô ở Hương Thuỷ, Hương Trà, nam Quảng Điền đại bộ phận cơ sở bị mất. Tổng số dân số toàn tỉnh là 47 vạn, mà ở trong vùng địch kiểm soát gần 30 vạn. Vùng địch tạm chiếm mở rộng ra, khu du kích ta bị thu hẹp lại, vùng căn cứ du kích ở đồng bằng bị chiếm đóng. Cán bộ cốt cán bị tiêu hao một số lớn” .
Trong lúc phong trào kháng chiến gặp khó khăn thì thiên tai lũ lụt lại ập đến. Đầu năm 1953, đập ngăn nước mặn Thuận An bị vỡ, gây tác hại lớn đến mùa màng . Đến tháng 9-1953, xảy ra một trận lụt lịch sử. “Từ ngày 22-9 đến ngày 25-9-1953, Thừa Thiên bị một trận lụt lớn xưa nay chưa từng thấy. Mực nước sông Hương cao hơn năm 1950 là 3 mét. Sự thiệt hại đã sơ kết được: số người chết 535 người, nhà bị trôi 1.290 cái (chưa kể Phong Điền và Phú Lộc), lúa bị trôi 18.860 thùng (chưa kể số bị hư thúi), hoa màu bị mất 80% (Hương Trà 392 mẫu, Phú Lộc 266 mẫu), trâu bị trôi gần 300 con. Trận lụt này xảy ra trong giữa mùa tiếp theo trận lụt tháng 6 đã làm bỏ hoang trên 4.000 mẫu ruộng, do đó nạn đói có thể xảy ra trầm trọng và dài ngày.
Sau trận lụt tỉnh cũng như các huyện đã có kế hoạch giúp nhân dân làm lại nhà cửa, phơi phóng lúa, giải quyết hoa màu, đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh chống địch, đã phối hợp với đoàn thể tập trung một số cán bộ các ngành về các địa phương nắm tình hình, đồng thời giúp địa phương chống lụt cứu đói. Tiếp đó đã vạch kế hoạch chống đói, thành lập Ban chống đói. Mặc khác, đã cho người đi Quảng Trị mua ngọn khoai và giống má” . Sau trận lụt, nông dân trong tỉnh đã “khôi phục ruộng hoang được 2.060 mẫu 7 sào, canh phá thêm 500 mẫu đất rẫy trồng khoai sắn, phát triển được 3.400 vườn rau cứu đói” .
Thế là trong lúc cùng cả nước chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Thừa Thiên Huế lại lâm vào tình trạng khó khăn, mất mát. Thuế nông nghiệp chỉ thu được 1.200 tấn, trong khi định mức trên giao cho tỉnh là 6.500 tấn (3.000 tấn tận thu của năm 1952 và 3.500 tấn của vụ chiêm năm 1953) .
Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn về nhiệm vụ quân sự trong Đông xuân 1953-1954. Cuộc họp đã xác định nhiệm vụ của vùng sau lưng địch - như Bình Trị Thiên, là đẩy mạnh chiến tranh du kích để tích cực phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ. Liên khu 4, Bình Trị Thiên nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng bắt tay vào việc chuẩn bị mọi mặt để cùng cả nước tiến hành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 lịch sử.
Tháng 11-1953, Trung đoàn 101 thuộc Đại đoàn 325 sang chiến đấu ở Trung Lào. Trên chiến trường Bình Trị Thiên, lực lượng tác chiến của ta chỉ còn bộ đội địa phương và dân quân du kích. Tất cả gồm 3 tiểu đoàn tỉnh, 17 đại đội huyện và khoảng 8.000 dân quân du kích. Trong khi đó, lực lượng địch có trên 30.000 tên, được tổ chức thành 24 tiểu đoàn, mà 91% là quân ngụy.
Tại Thừa Thiên Huế, vì đã dồn quân cho mặt trận Trung Lào nên những trận càn của địch chỉ ở qui mô nhỏ và vừa. Bù lại, chúng mở trận càn vào ban đêm. Liên tục vùng Phong - Quảng và phía nam tỉnh bị chà đi xát lại nhiều lần. Mặt khác, chúng còn ra sức đồn dân lập thêm khu trắng ở vùng Nam Giao (Huế), củng cố vành đanh trắng dọc theo đường I và tăng cường phòng bị tuyến giao thông đường bộ và đường sắt ngang qua tỉnh.
Đối với nhân dân, “địch vẫn tiếp tục bóc lột vơ vét, nhất là sau lụt. Chúng cho kê khai nói là để bồi thường, sau đó đã tàn nhẫn lợi dụng sơ hở của nhân dân kê cao để bồi thường nhiều, dựa vào đó tăng thuế. Chúng hết sức càn quét phá hoại và tăng thuế 30%” .
Trong khó khăn và thiếu thốn, cuộc kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên Huế vẫn được tiếp tục. Giữa tháng 12-1953, bộ đội ta đánh sập nhiều cầu ở đường I, phục kích 2 đoàn tàu quân sự tại Lăng Cô. Dịp Tết Giáp Ngọ (đầu năm 1954) quân và dân Hương Trà tổ chức đánh đồn Văn Thánh, Võ Thánh giành được thắng lợi, thu toàn bộ vũ khí. Đêm mồng 7-2-1954 (mồng 5 Tết), 2 trung đội bộ đội địa phương chiếm và phá hủy đồn Niêm Phò (Quảng Điền) chỉ sau 15 phút chiến đấu. Sau đó là những trận thắng liên tiếp của ta, nhiều đồn địch bị hạ: đồn Phú Bài (Hương Thủy) khuya mồng 4-3, đồn Kim Long (Hương Trà) rạng sáng ngày 10-3, đồn An Hòa (Hương Trà) khuya 30-3, đồn Nam Phổ Hạ (Phú Lộc) đêm mồng 1-4, đồn Nguyệt Biều (Hương Thủy) đêm mồng 8-4 v.v..
Trên đà chiến thắng, bộ đội ta chuyển hướng tiến công hệ thống đồn bốt dọc bờ biển ở Phong Điền. Chỉ trong vòng một đêm, bộ đội tỉnh và huyện đã nhổ được 4 đồn của địch là Lãnh Thủy, Thế Chí Đông, Thanh Hương và Đại Lộc. Sau đó, ta còn hạ thêm 2 vị trí địch ở phía bắc huyện Phong Điền là đồn Vân Trình và lô cốt Hòa Viện.
Hoạt động phối hợp tích cực với chiến trường chính ngoài những cuộc tiến công quân sự còn có những cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng. Ở nhiều huyện, xã, bà con tiếp tục duy trì việc đấu tranh trực diện với địch, chống bắt lính, đòi chồng con trở về. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 560 ngụy binh đào ngũ trở về quê quán. Ở một số đơn vị quân ngụy đã xảy ra hiện tượng binh lính đấu tranh để khỏi bị điều đi hành quân càn quét.
Ngày 23-12-1953, nhân dân Quảng Điền đấu tranh buộc địch phải thả 713 người trong tổng số 819 người chúng bắt đi lính. Trong tháng 1-1954, đã có 421 gia đình ở Huế gọi được người thân bỏ hàng ngũ địch. Đáng kể là vào ngày 15-2-1954, có 150 lính ngụy ở đồn Đại Lộc (Phú Lộc) bỏ đồn và mang 180 súng về với kháng chiến.
Hoạt động của địch vào đầu năm 1954 vẫn chủ yếu là những trận càn với qui mô vừa. Trong 3 tháng đầu năm 1954, nhân dân trong tỉnh tiếp tục chịu đựng trên 100 trận càn của địch, trong đó có 32 trận diễn ra với qui mô vừa. Có cả những trận càn vào ban đêm và có cả những cuộc hành quân lùng sục trong thành phố.
Ngày 16-4-1954, Thường vụ Liên khu ủy Liên khu IV họp với các Tỉnh ủy, bàn việc đẩy mạnh các công tác phối hợp với đợt 2 chiến dịch Điện Biên Phủ và quyết định: “Đẩy mạnh mọi mặt công tác, tích cực chống càn và tăng cường lãnh đạo chống càn nhỏ để phá kế hoạch bắt lính, cướp của của địch… Đẩy mạnh công tác vùng tạm bị chiếm, đặt biệt là các đô thị tạm bị chiếm, làm cho đông đảo quần chúng đồng tình với lập trường kháng chiến và ngoại giao của ta để đứng về phe kháng chiến, tin tưởng và ủng hộ Hồ Chủ tịch và Chính phủ ta, ủng hộ lập trường của ta trong Hội nghị Genève”.
Những ngày tháng 4, tháng 5 và sau đó, ở Thừa Thiên Huế tiếp tục vẫn là các trận chống càn, các cuộc tiến công về quân sự của bộ đội ta và những đợt đấu tranh chính trị của quần chúng, trước mắt để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy lúc này là khôi phục lại căn cứ ở hai huyện Phong - Quảng, mở rộng khu du kích, và sau đó là để cùng với cả nước giành thắng lợi trong trận đọ sức cuối cùng, khi mà tiếng súng của quân ta đã nổ dòn ở Điện Biên Phủ.
Ngày 28-4-1954, bộ đội tỉnh tiến công các lô cốt địch từ Ưu Điềm đến Vân Trình (Phong Điền) và trên địa bàn ba xã Quảng Ninh, Quảng Hòa và Quảng Đại (Quảng Điền). Trên các đường giao thông, ta liên tục chặn đánh địch, không cho chúng cơ động ứng chiến. Cầu Nước Ngọt (Phú Lộc) bị phá, đoàn tàu thứ 29 của địch bị đánh nhào ở đèo Hải Vân.
Tiến công quân sự giành được thắng lợi thì quần chúng trong đấu tranh chính trị càng hăng hái hơn. Nhiều gia đình có chồng con đi lính cho địch kéo đến tận đồn, đấu tranh với bọn chỉ huy, đòi người thân trở về. Từ việc đào ngũ lẻ tẻ đã chuyển lên việc cả tiểu đội, trung đội ngụy binh ra đầu hàng. “Phong trào lan rộng và tiếp diễn khắp thành phố và thôn quê, có trên vài chục cuộc đấu tranh từ 5, 70 người đến vài ba ngàn người, nói chung đã đòi lui được hàng trăm thanh niên, trên 5.000 thùng lúa và giành nhà lui hàng trăm nhà” .
Cuộc sống của nông dân vào đầu năm 1954 được cải thiện hơn do chính quyền đã “vận động đẩy mạnh sản xuất hoa màu mùa xuân, tập trung khả năng của cán bộ, bộ đội, nhân dân một mặt đẩy mạnh du kích chiến tranh, một mặt cố gắng vượt qua nạn đói. Kết quả đến tháng 2-1954, đi đôi với thành tích quân sự, toàn tỉnh đã vượt qua nạn đói, đã khôi phục được 2.000 mẫu ruộng bỏ hoang và 1.500 mẫu hoa màu.
Trong vụ tháng 4, tuy ruộng bị nước mặn, địch lại ra sức cướp phá, ta đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ mùa, thu cất lúa gạo, nâng cao được mức sống của nhân dân, giải quyết được cung cấp. Năm 1954 địch chỉ cướp được 20 mẫu lúa và tập trung được 8.467 thùng. Trong tháng 5, 6-1954 nhân dân đã đấu tranh lấy lại được trên 5.000 thùng.
Vụ tháng 8, hầu hết các đê đập, cống nhỏ chống nước mặn, giữ nước chống hạn ở các địa phương đều đã đắp lại được, như Phú Vang đắp 38 đập, xã Phong Thái đắp và sửa 53 đập, hoặc như Quảng Đại, Hương Phong... đã đắp đập dài 1,2 cây số ngăn nước mặn cho hàng ngàn mẫu ruộng. Tổng số khôi phục ruộng hoang được 1.107 mẫu, nhưng phải bỏ hoang 1.377 mẫu vì nước mặn. Do nạn nước mặn trước đó tràn vào mà đã làm chết 2.033 mẫu lúa, trong đó Phú Vang bị 1.733 mẫu. Đồng thời nạn nước mặn còn làm chết phân rong, ảnh hưởng tai hại đến sản xuất hoa màu của các vùng đất cát ở Phú Vang, Phú Lộc và Quảng Điền. Về thuế nông nghiệp, vụ tháng 4 đến cuối tháng 6 đã thu trên 500 tấn lúa” .
Ngày 7-5-1954, quân ta giành được toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đóng góp cho thắng lợi rực rỡ này có phần của quân và dân Thừa Thiên Huế. Cùng với cả nước, những hoạt động quân sự và chính trị không biết mệt mỏi trong Đông xuân 1953-1954 của Thừa Thiên Huế chính “là sự phối hợp chiến lược rộng khắp tạo điều kiện rất thuận lợi cho mặt trận Điện Biên Phủ”.
Đối với địch, tuy đã thua rất đau ở Điện Biên Phủ, nhưng đối với Bình Trị Thiên, chúng còn cố gắng tung thêm những trận càn. Trong hai ngày 28 và 29-5-1954, với 2.000 lính Âu Phi và 2 đại đội cơ giới, chúng mở một trận càn lớn, tập trung vào 4 huyện Phong - Quảng - Triệu - Hải và đường số 9. Thế nhưng nỗ lực cuối cùng này của địch đã không thành. Vừa tác chiến chặn địch vừa làm công tác địch vận, quân và dân khu vực bắc Thừa Thiên và nam Quảng Trị đã bẻ gãy được trận càn.
Ngày 6-6-1954, tại xã Phong Thu (Phong Điền), 6.000 bà con kéo đến đồn địch, đấu tranh đòi trả lúa, trả tiền đã đóng góp để làm lô cốt. Tiến lên một bước, bà con đã tổ chức biểu tình, đòi thực dân phải chấm dứt chiến tranh. Ngày 17-6-1954, tại thành phố Huế, hơn 2 vạn đồng bào, học sinh, tiểu thương và cả lính ngụy tổ chức biểu tình, ủng hộ lập trường của Chính phủ ta tại Hội nghị Genève.
Ngày 21-7-1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Genève. Ở Thừa Thiên Huế, mặc dù địch còn cố gắng mở thêm một số trận càn nhưng rút cục cũng không thể xoay chuyển được tình thế đã quá rõ. Quân viễn chinh thì đã thảm bại, quân ngụy thì đã chán ghét chiến tranh. Đến ngày 1-8-1954, địch buộc phải ngừng bắn ở Thừa Thiên Huế. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Thừa Thiên Huế kết thúc thắng lợi.
Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) Liên khu IV, Báo cáo tình hình Liên khu IV trong 18 tháng kháng chiến, từ ngày 19-12-1946 đến cuối tháng 5-1948.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên tháng 10, 11-1947.
Mặt trận Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình Bình Trị Thiên từ ngày 19-12-1946 đến đầu năm 1950.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình một năm kháng chiến, ngày 14-12-1947.
Mặt trận Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình Bình Trị Thiên, từ ngày 19-12-1946 đến đầu năm 1950.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình tỉnh Thừa Thiên đệ tam cá nguyệt, từ 16-6 đến 15-9-1948, ngày 28-9-1948.
UBKCHC Liên khu IV, Quyết nghị án của Hội nghị kháng chiến hành chính Liên khu IV ngày 31-5-1948.
Mặt trận Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình Bình Trị Thiên từ cuối năm 1948 đến tháng 8-1950.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình tỉnh Thừa Thiên đệ tam cá nguyệt, từ 16-6 đến 15-9-1948, ngày 28-9-1948.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tam cá nguyệt (tháng 1, 2 và 3-1949), ngày 1-6-1949.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo lục cá nguyệt (1-2-3-4-5-6 năm 1949), ngày 20-7-1949. Một báo cáo nhan đề “Tài liệu thiết yếu tương quan đến đời sống của dân quê ở Thừa Thiên, Quảng Nam và thành phố Huế 1948 – 1949” của Văn phòng Phủ Thủ hiến Trung Việt cho biết có 16 đồn bốt của địch ở thị xã Thuận Hóa.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình tỉnh Thừa Thiên từ ngày 1-1 đến ngày 31-10-1949.
Mặt trận Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình Bình Trị Thiên, từ ngày 19-12-1946 đến đầu năm 1950.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tam cá nguyệt (tháng 7, 8 và 9-1949).
Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Đề án kinh tế tài chính thi hành trong năm 1949 của Ban Kinh tài.
Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Đề án kinh tế tài chính thi hành trong năm 1949 của Ban Kinh tài.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình tỉnh Thừa Thiên từ ngày 1-1 đến ngày 31-10-1949, ngày 24-11-1949.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tam cá nguyệt (tháng 10, 11 và 12-1949, tháng 2-1950.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tam cá nguyệt (tháng 7, 8 và 9-1949).
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tam cá nguyệt (tháng 1, 2 và 3-1949), ngày 1-6-1949.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tam cá nguyệt (tháng 10, 11 và 12-1949), tháng 2-1950.
Mặt trận Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình Bình Trị Thiên từ cuối năm 1948 đến tháng 8-1950.
Mặt trận Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình Bình Trị Thiên từ cuối năm 1948 đến tháng 8-1950.
Mặt trận Bình Trị Thiên, Báo cáo tình hình Bình Trị Thiên từ cuối năm 1948 đến tháng 8-1950.
UBKCHC Liên khu IV, Báo cáo niên kết 1950 và chương trình hoạt động năm 1951.
UBKCHC Liên khu IV, Báo cáo niên kết 1950 và chương trình hoạt động năm 1951.
UBKCHC Liên khu IV, Báo cáo niên kết 1950 và chương trình hoạt động năm 1951.
Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Báo cáo vụ lùng ngày 12 và 13-2-1951 tại Phú Vang, ngày 24-2-1951.
UBKCHC Thừa Thiên, Mật điện gửi UBKCHC Liên khu IV, ngày 24-4-1951.
Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên, Chỉ thị số 15 CT/TT, ngày 13-5-1951 về việc “Bổ khuyết vấn đề bảo vệ mùa màng”.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo thường bán niên 1952, ngày 1-8-1952.
Mặt trận Bình Trị Thiên, Biên bản Hội nghị Báo cáo tình hình bộ đội địa phương và dân quân Bình Trị Thiên 6 tháng 1952, ngày 11-7-1952.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo thường bán niên 1952, ngày 1-8-1952.
Mặt trận Bình Trị Thiên, Biên bản cuộc họp cán bộ trung đoàn do Bộ Chỉ huy Mặt trận Bình Trị Thiên triệu tập, ngày 20-4-1952.
UBKCHC Liên khu IV, Báo cáo 6 tháng đầu năm 1952, ngày 13-6-1952.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo từ 15-10 đến 15-11-1952.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình từ 20-4 đến 20-5-1953.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình địch và ta năm 1953.
Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên, Nhận xét chung của Thường vụ Tỉnh ủy ngày 6-2-1954: “Hơn một năm qua cuộc đấu tranh giữa ta và địch về mọi mặt xẩy ra rất ác liệt, có nhiều gay go gian khổ. Địch và ta đều có thành công và thất bại”.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo tình hình địch và ta năm 1953.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo công tác kinh tế tài chính năm 1953.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo 3 tháng đầu năm 1954.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo 6 tháng đầu năm 1954.
UBKCHC Thừa Thiên, Báo cáo 6 tháng đầu năm 1954.