Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Quy định pháp luật về kết hôn, quan hệ giữa vợ chồng và ly hôn
Ngày cập nhật 11/04/2014

 

 A. KẾT HÔN

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định bao quát các nội dung về hôn nhân và gia đình, như: kết hôn, quan hệ giữa vợ và chồng, giữa các thành viên trong gia đình (giữa cha mẹ và con, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh chị em và giữa các thành viên trong gia đình); cấp dưỡng, xác định cha mẹ con; con nuôi; giám hộ giữa các thành viên trong gia đình; ly hôn; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Trong phạm vi chuyên đề, bài viết đề cấp đến một số nội dung về quan hệ hôn nhân và gia đình trong nước là: kết hôn, quan hệ giữa vợ chồng và ly hôn.
 
 

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. 

I. Điều kiện kết hôn

Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình quy định điều kiện kết hôn gồm:

- Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;

- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy

 1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên.

 Nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn.

2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở.

Các trường hợp sau đây được xem là vi phạm điều kiện kết hôn tự nguyện:

a) Một bên ép buộc nên bên bị ép buộc đồng ý kết hôn. Ví dụ: Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần hoặc dùng vật chất...

b) Một bên lừa dối nên bên bị lừa dối đã đồng ý kết hôn. Ví dụ: Lừa dối là nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp hoặc nếu kết hôn sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu; biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu; che giấu hoặc sửa chữa lý lịch chính trị hoặc lý lịch tư pháp đặc biệt xấu của mình...

c) Một bên hoặc cả hai bên nam và nữ bị người khác cưỡng ép, buộc người bị cưỡng ép kết hôn trái với nguyện vọng của họ. Ví dụ: Bố mẹ của người nữ do nợ của người nam một khoản tiền nên cưỡng ép người nữ phải kết hôn với người nam để trừ nợ; do bố mẹ của hai bên có hứa với nhau nên cưỡng ép con của họ phải kết hôn với nhau...

3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau đây:

a) Người đang có vợ hoặc có chồng:

Người đang có vợ hoặc có chồng là:

- Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn;

- Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

b) Người mất năng lực hành vi dân sự.

Người mất năng lực hành vi dân sự là người mất khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Ví dụ như: người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Căn cứ để xác định một người là bị mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Toà án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.  

c) Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ là giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại. Giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là giữa những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

d) Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Quy định này được hiểu là ngoài việc cấm kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi thì điều luật còn cấm kết hôn:

- Giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi;

Giữa người đã từng là bố chồng với con dâu;

- Giữa người đã từng là mẹ vợ với con rể;

- Giữa người đã từng là bố dượng với con riêng của vợ;

- Giữa người đã từng là mẹ kế với con riêng của chồng.

đ) Giữa những người cùng giới tính.

II. Đăng ký kết hôn

1. Thẩm quyền đăng ký kết hôn: việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật, đó là:

a) Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam ở trong nước do UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của 1 trong 2 bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn.

b) Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài thì cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan đăng ký kết hôn.

c) Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tiến hành tại Việt Nam thì do Sở Tư pháp thụ lý hồ sơ trình UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận kết hôn.

2. Đối với công dân thuộc các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vẫn phải tuân thủ các quy định về kết hôn nói trên. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên kết hôn, pháp luật có các quy định riêng như sau:

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn.

Việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tại tổ dân phố, thôn, bản, phum, sóc, nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn.

Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần làm 01 bộ hồ sơ bao gồm: Tờ khai đăng ký kết hôn, bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Sổ hộ khẩu hoặc Giấy khai sinh; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực, thì phải xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

Sau khi nhận Tờ khai đăng ký kết hôn, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, nếu các bên đã có đủ điều kiện hết hôn theo quy định tại Nghị định này, thì thực hiện ngay việc đăng ký kết hôn trong ngày làm việc đó, nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ thì việc đăng ký được thực hiện trong ngày làm việc tiếp theo; trong trường hợp cần xác minh, thời hạn được kéo dài không quá 05 ngày làm việc.

Sau khi hai bên nam, nữ ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký Giấy chứng nhận kết hôn. Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn được trao cho vợ, chồng mỗi người một bản tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tại nơi cư trú.

3. Các quy định liên quan đến đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10; Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hanh Nghị quyết số 35/2000/QH10; Thông tư số 07/2001/TT-BTP ngày 10/12/2001 hướng dẫn thi hành Nghị định số 77/2001/NĐ-CP):

Quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn đối với những trường hợp này không bị hạn chế về mặt thời gian.

Ngày công nhận quan hệ hôn nhân trong trường hợp này được tính từ ngày các bên xác lập quan hệ vợ chồng.

III. Hủy việc kết hôn trái pháp luật:

Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định.

1. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:

- Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Hôn nhân và gia đình về kết hôn tự nguyện.

- Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình (điều kiện về độ tuổi kết hôn và những trường hợp cấm kết hôn).

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình:

+ Vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn;

+ Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật. 

2. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật:

- Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

- Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.

- Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

B. QUAN HỆ GIỮA VỢ VÀ CHỒNG

I. Mối quan hệ giữa vợ và chồng:

Pháp luật quy định vợ chồng chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình; Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín; Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; Giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt và đại diện cho nhau...

Vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả vợ chồng; việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Toà án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó.

Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình. 

Quan hệ hôn nhân khi một bên bị tuyên bố là đã chết mà trở về:

Khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục; trong trường hợp vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật.

II. Một số quy định về tài sản của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng:

- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

- Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng, như: nhà ở, quyền sử dụng đất…

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày 18/10/2001 (ngày Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực) mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng; nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh. Nếu không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Trong trường hợp vợ chồng ly hôn hoặc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật đã đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng mà có ghi tên vợ và chồng có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.

2. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung:

 - Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng. 

Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng.

Tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng nói trên được xác định căn cứ vào phần giá trị của tài sản đó trong khối tài sản chung của vợ chồng.

- Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung nêu trên mà không có sự đồng ý của một bên, thì bên đó có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo quy định của pháp luật (cụ thể là Bộ luật Dân sự). 

3. Chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân

Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận.

Theo yêu cầu của những người có quyền, lợi ích liên quan thì việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ về tài sản sau đây bị Toà án tuyên bố là vô hiệu, gồm: 

- Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác theo quy định của pháp luật.

- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

- Nghĩa vụ thanh toán khi bị Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

- Nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.

- Nghĩa vụ trả nợ cho người khác.

- Các nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật.

4. Khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng:

Trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung và sau đó muốn khôi phục chế độ tài sản chung, thì vợ chồng phải thoả thuận bằng văn bản có ghi rõ các nội dung sau đây:

- Lý do khôi phục chế độ tài sản chung;

- Phần tài sản thuộc sở hữu riêng của mỗi bên;

- Phần tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, nếu có;

- Thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung;

- Các nội dung khác, nếu có.

Văn bản thoả thuận phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản và phải có chữ ký của cả vợ và chồng; văn bản thoả thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. 

5. Tài sản riêng của vợ, chồng:

Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia; đồ dùng, tư trang cá nhân. 

Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Việc nhập tài sản riêng của một bên vào khối tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ riêng của bên đó về tài sản thì vô hiệu theo quy định, cụ thể các trường hợp trốn tránh

- Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác theo quy định của pháp luật.

- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

- Nghĩa vụ thanh toán khi bị Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

- Nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.

- Nghĩa vụ trả nợ cho người khác.

- Các nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật.

C. LY HÔN

I. Quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn

- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.

- Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.

- Có hai trường hợp yêu cầu ly hôn: Thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên.

1. Thuận tình ly hôn:

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định.

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải. Trong trường hợp Toà án hoà giải không thành thì Toà án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hoà giải đoàn tụ không thành. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không có phản đối sự thoả thuận đó, thì Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên toà khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;

- Hai bên đã thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;

- Sự thoả thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.

2. Ly hôn theo yêu cầu của một bên:

Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn.

Cần lưu ý rằng, đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn.

Hoà giải tại Toà án: trước khi quyết định việc ly hôn, Toà án tiến hành hoà giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

II. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng được sống trực tiếp với ai của người con. 

3.Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.

III. Chia tài sản khi ly hôn:

1. Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn:

- Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

- Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

+ Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+ Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+ Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

- Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Đối với các dân tộc theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ thì cần chú ý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ hoặc của người chồng trong việc chia tài sản chung khi ly hôn. Nghiêm cấm phong tục, tập quán đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.

2. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn

- Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thoả thuận với gia đình; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

- Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia.

3. Chia quyền sử dụng đất của vợ, chồng khi ly hôn:

- Quyền sử dụng đất riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

- Việc chia quyền sử dụng đất chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:

+ Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thoả thuận của hai bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết theo nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn.

Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng.

+ Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn.

+ Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn.

+ Việc chia quyền sử dụng đối với các loại đất khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật dân sự.

- Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết như trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn.

4. Chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng nhà ở phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.

5.Giải quyết quyền lợi của vợ, chồng khi ly hôn trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên:

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên đã được đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn, nhà ở đó vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà, nhưng phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị nhà, căn cứ vào công sức bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà. 

 

 

Cổng thông tin điện tử Sở Tư Pháp Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.387.490
Truy cập hiện tại 1.293