Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT THÁNG 5
Ngày cập nhật 04/05/2016

   1. Mức hưởng BHXH một lần đối với BHXH tự nguyện

Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Theo đó:
- Mức hưởng BHXH một lần được thực hiện theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 77 của Luật BHXH, Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13.
- Mức hưởng BHXH một lần của người tham gia BHXH có thời gian đóng BHXH chưa đủ 12 tháng được tính bằng 22% của tổng các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
- Khi tính mức hưởng BHXH một lần trong trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
- Mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 77 của Luật BHXH.
Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 04/4/2016.
 

   2. Thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Theo Công văn 1075/BHXH-CSXH ngày 29/3/2016 hướng dẫn về thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau:
- Khi đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật, người lao động có thể nộp ngay hồ sơ cho người sử dụng lao động mà không phải đợi đến hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
- Sau khi nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có thể nộp ngay cho cơ quan BHXH để giải quyết sớm quyền lợi cho người lao động.

   3. Hồ sơ xét hưởng chính sách đối với phụ nữ DTTS khi sinh con
 
Từ ngày 30/5/2016, Thông tư liên tịch 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, hồ sơ xét hưởng chính sách hỗ trợ bao gồm:
- Tờ khai đề nghị hỗ trợ kinh phí sinh con đúng chính sách dân số (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau:
+ Giấy đăng ký kết hôn đối với đối tượng hưởng chính sách là người dân tộc Kinh có chồng là người DTTS.
+ Kết luận của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương đối với trường hợp sinh con thứ ba nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền.
Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số tại Thông tư liên tịch 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH được thực hiện từ ngày 15/6/2016.
 
   4. Chính sách mới đối với thân nhân người nhập ngũ
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 27/2016/NĐ-CP để quy định chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
Theo đó, đối tượng thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có nhiều chính sách mới so với quy định cũ, cụ thể như sau:
-  Được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/suất/lần nếu gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế (Không quá 02 lần/năm đối với một hạ sĩ quan, binh sĩ);
-  Khi ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần (không quá 02 lần/năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ);
- Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.
Nghị định 27/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2016.
 
   5. Thêm trường hợp chuyển bệnh được xem là đúng tuyến
 
Ngày 27/4/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1568/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó:
Tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, BSGĐ có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến.
Riêng phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện, việc chuyển tuyến Y học gia đình bao gồm cả việc chuyển người bệnh vào các khoa lâm sàng của bệnh viện mà vẫn được coi là đúng tuyến.
Mô hình phòng khám BSGĐ được triển khai nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, giúp giảm quá tải bệnh viện và được tổ chức dưới các hình thức sau:
- Trạm Y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình.
- Phòng khám BSGĐ:
+ Phòng khám BSGĐ tư nhân (bao gồm cả phòng khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính có nhu cầu hoạt động theo mô hình phòng khám BSGĐ).
+ Phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (bệnh viện nhà nước).
Quyết định 1568/QĐ-BYT có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
 
   6. Xác định hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình
 
Từ ngày 10/5/2016, Thông tư 02/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2016 - 2020 bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, việc xác định này là để làm căn cứ xác định đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo Luật BHYT. Quy trình xác định đối tượng như sau:
- Hộ gia đình đăng ký tham gia BHYT làm Giấy đề nghị, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến UBND cấp xã để thẩm định.
- UBND cấp xã tiếp nhận Giấy đề nghị của các hộ gia đình và chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã tổ chức thẩm định.
- Thời gian từ khi tiếp nhận Giấy đề nghị của hộ gia đình đến khi hoàn thành công việc thẩm định, xác nhận đối tượng không quá 10 ngày làm việc.
 
Thanh Bình (Ban Tổ chức – Kiểm tra)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.387.039
Truy cập hiện tại 1.242