Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Một số tình huống liên quan đến lĩnh vực dân sự
Ngày cập nhật 06/09/2016

     TÌNH HUỐNG 1: Khi phát hiện ra con trâu lạc vào đàn trâu nhà mình, ông An đã báo cho UBND xã biết. Theo lời cán bộ UBND xã, ông An đem trâu về nhà mình nuôi giữ, chờ nguời mất trâu đến nhận lại. Ba tháng sau, ông Bình là người có con trâu bị thất lạc biết tin đã đến gặp ông An đòi lại trâu và yêu cầu ông An phải bồi thường thiệt hại vì vụ mùa vừa qua ông phải thuê trâu để cày ruộng. Ông An không đồng ý vì cho rằng ông không bắt trộm trâu và đòi ông Bình phải thanh toán tiền công và các chi phí nuôi giữ trâu ba tháng. Là Tổ viên Tổ Hoà giải, theo ông (bà) việc này nên hòa giải như thế nào? 

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Điều 242, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định “Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc” như sau:“Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia súc bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được”.

- Đạo lý: Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Không tham của người”, “Nhặt được của rơi, trả lại người bị mất” là một việc làm rất tốt, có tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ mọi người. Đó cũng chính là bản chất thật thà, bình dị, của người Việt Nam từ ngàn xưa, nhất là phát huy tình làng, nghĩa xóm, “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” …

TÌNH HUỐNG 2: Hai anh em nhà ông Mão và ông Dậu ở kề sát nhau. Ông Dậu ở phía trong, ông Mão ở phía ngoài, hai nhà cùng chung một ngõ (đây là lối đi duy nhất vào nhà ông Dậu). Con trai ông Dậu thường xuyên tụ tập bạn bè ở đầu ngõ, dựng xe bừa bãi, gây ồn ào. Sau nhiều lần nhắc nhở em trai và cháu mình nhưng không thấy có chuyển biến gì, ông Mão đã rào ngõ lại, không cho gia đình nhà ông Dậu đi qua. Là Tổ viên Tổ Hoà giải, theo ông (bà) việc này nên hòa giải như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Khoản 1, Điều 275, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định “Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”, cụ thể: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.”

- Đạo lý: Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tình cảm gia đình “Anh em như thể tay chân, anh em hòa thuận song thân vui vầy”; thực hiện nếp sống gia đình văn hoá, xây dựng thôn, khu phố văn hoá. “chuyện anh em trong nhà đóng cửa nhẹ nhàng bảo nhau”...

TÌNH HUỐNG 3: Nhà bà Lan và nhà ông Tư sát cạnh nhau, khi sửa nhà, bà Lan làm thêm mái tôn che mưa nhưng không làm đường thoát nước. Do vậy, mỗi khi trời mưa, nước từ mái tôn nhà bà Lan chảy sang mái bằng nhà ông Tư và thấm xuống các phòng bên dưới. Khi ông Tư yêu cầu bà Lan phải làm đường thoát nước thì bà Lan cho rằng việc nhà ông Tư bị thấm nước là do mái nhà ông đã không được xử lý chống thấm, việc này không can hệ gì tới bà. Ông Tư đã tới gặp Tổ trưởng Tổ hòa giải đề nghị giúp đỡ. Nếu được giao việc này, ông (bà) sẽ hoà giải mâu thuẫn giữa hai gia đình như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Điều 269, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định “Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa”, cụ thể như sau: “Chủ sở hữu nhà phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề”.

- Đạo lý: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”; Truyền thống tương thân tương trợ lẫn nhau “Bầu ơi thương lấy bí cùng - Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Không nên để “cái sảy nảy cái ung”, ông bà ta từng nói “bà con xa không bằng láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau”…

 TÌNH HUỐNG 4: Ông bà Sử có người con đẻ là anh Hà và người con nuôi là chị Lê. Ông bà Sử nhận chị Lê về nuôi từ lúc chị Lê một tuổi và đã làm thủ tục đăng ký tại UBND xã. Sau khi ông bà Sử mất, chị Lê yêu cầu được chia thừa kế tài sản của ông bà Sử để lại nhưng anh Hà không đồng ý vì cho rằng chị Lê là con nuôi của bố mẹ anh nên toàn bộ số tài sản đó thuộc quyền sở hữu của anh. Ông (bà) hãy cho ý kiến về việc làm của anh Hà và phương án hoà giải trường hợp này?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Căn cứ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 676, Bộ Luật Dân sự năm 2005 thì anh Hà và chị Lê thuộc hàng thừa kế thứ nhất: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Đồng thời, khoản 2, Điều 676,  Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần thừa kế di sản bằng nhau”.

- Đạo lý: "Một giọt máu đào, hơn ao nước lã"; "Anh em như thể tay chân, anh em hòa thuận song thân vui vầy", không nên để những chuyện toan tính, nhỏ nhen, ích kỷ, hẹp hòi và lợi ích vật chất đánh mất đi tình cảm anh em trong một gia đình…

TÌNH HUỐNG 5: Nhà ông Hoàng và nhà ông Tình thầu hai đầm thả cá ở sát nhau. Ông Hoàng nuôi toàn cá rô phi, ông Tình nuôi toàn cá mè. Việc này dân trong làng đều biết. Sau một trận mưa rào, cá từ đầm nhà ông Hoàng tràn sang đầm nhà ông Tình. Ngay sau đó, ông Tình bắt cá rô phi trong đầm nhà mình để đem bán. Ông Hoàng biết chuyện đã yêu cầu ông Tình phải trả lại số cá rô phi mà ông Tình đã bắt. Ông Tình không đồng ý vì cho rằng "cá vào ao ta, ta được". Hai bên cãi nhau, mâu thuẫn xảy ra. Là Tổ viên Tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải vụ việc này như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Điều 244, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về “Xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước”, cụ thể: “Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trong trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình, thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận, thì vật nuôi dưới nước thuộc sở hữu người có ruộng, ao, hồ đó”.

 - Đạo lý: Tình làng nghĩa xóm "Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “Của người thì trả lại cho người"; “Đói cho sạch, rách cho thơm”...

TÌNH HUỐNG 6: Ông Ba và ông Bình cư ngụ trên cùng các thửa đất liền kề nhau. Từ trước đến nay cả 2 hộ đều sử dụng chung một lối đi nằm trên phần đất của ông Ba ra đường công cộng. Gần đây, ông Bình phân lô đất của mình và bán cho bà Na xây nhà ở nhưng không chừa lối đi cho bà. Do vậy bà Na cũng dùng lối đi chung trên phần đất của ông Ba. Ông Ba không đồng ý và dùng kẽm gai rào lối đi. Mâu thuẫn xảy ra. Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hoà giải mâu thuẫn trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 275, Bộ Luật Dân sự: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi thuận tiện và hợp lý ra đến đường công cộng, người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi”.

- Đạo lý: Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người” Đã là hàng xóm láng giềng cần tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau…

TÌNH HUỐNG 7: Anh Tú đang tiến hành xây dựng căn nhà liền kề nhà ông Đồng. Trong quá trình thi công, anh đã xây phần ban công dôi ra lấn sang phần không gian nhà ông Đồng. Ông Đồng ngăn cản, cho rằng anh Tú lấn chiếm đất của mình. Anh Tú có ý kiến phần không gian này không thuộc sở hữu của ông Đồng. Hai bên phát sinh mâu thuẫn, gây gổ với nhau. Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải mâu thuẫn trên như thế nào?

 Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Theo khoản 2, điều 265, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về “Nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản”, cụ thể như sau: “Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

- Đạo lý: Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người”… Khuyên hai người không nên gây gổ nhau “Lời nói không mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”…

TÌNH HUỐNG 8

Vườn ông An trồng một cây xoài có một số nhánh ngã qua phần đất vườn ông Bình. Nhánh xoài ngã sang phần đất ông Bình ra trái, ông Bình hái sử dụng mà không hỏi ý kiến ông An vì cho rằng trái nằm trên phần đất của ông thì ông có quyền được hưởng. Ông An không đồng ý, hai bên lời qua tiếng lại, tranh chấp xảy ra. Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải tranh chấp trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật:  Theo quy định tại khoản 2, Điều 265, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định “Nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản: Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

- Đạo lý: Cha ông ta thường răn dạy “không nên tham của người khác”, “đói cho sạch, rách cho thơm”… Vả lại, hai người là hàng xóm của nhau, cần coi trọng tinh thần “bán anh em xa mua láng giềng gần”, giúp đỡ nhau, giữ hòa khí với nhau “tối lửa tắt đèn có nhau”…

TÌNH HUỐNG 9: Tùng (12 tuổi) là con ông Quý thường xuyên trốn học đi chơi nhưng nhà trường không báo cho ông Quý biết. Một lần trốn học chơi đá banh, Tùng đá banh trúng cửa nhà bà Nga làm vỡ kính. Bà Ngà đòi ông Quý bồi thường kính vỡ, ông Quý không đồng ý cho rằng Tùng làm vỡ kính trong thời gian nhà trường quản lý (thời gian học ở trường), do đó ông không có trách nhiệm phải bồi thường. Giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn. Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải mâu thuẫn trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Theo khoản 1, Điều 621, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định “Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý: Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra”.

- Đạo lý: Nêu trách nhiệm của người làm cha mẹ: “Con dại cái mang”, “Thương cho roi cho vọt”, tránh nuông chiều con cái, không quan tâm quản lý, giáo dục thì con cái dễ chơi bời lêu lỏng, dễ hư hỏng. Phía nhà trường cần nêu cao trách nhiệm quản lý, giáo dục theo phương châm “Kỷ luật - Tình thương - Trách nhiệm”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”…

TÌNH HUỐNG 10: Bà Ba là chủ quán kinh doanh ăn uống trên đường Y thường xuyên xả nước thải, thức ăn thừa ra đường, mọi người góp ý, thì bà lại đổ thức ăn thừa, nước thải xuống ống cống thoát nước của khu phố. Đến mùa mưa, cống bị nghẽn nên nước, thức ăn thừa tràn lên đường, gây mất vệ sinh và cản trở cho việc đi lại. Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải tranh chấp trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Điều 270, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải: Chủ sở hữu nhà phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng làm ô nhiễm môi trường”.

Điều 82, Luật bảo vệ mội trường năm 2014 có quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình như:  Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định.

- Đạo lý: Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua làng giềng gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người”; cư xử có văn hóa; nêu cao ý thức “Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chúng ta”; góp phần xây dựng khu phố “xanh, sạch, đẹp”…

TÌNH HUỐNG 11: Nhà anh Hà và nhà chị Thanh ở cùng chung cư X, sử dụng chung một khoảng sân. Anh Hà dạy thêm tại nhà, các em đến học thường xuyên để xe tràn lan, chiếm hết khoảng sân gây cản trở việc đi lại của gia đình chị Thanh. Chị Thanh nhiều lần nhắc nhở, nhưng gia đình anh Hà vẫn chưa khắc phục. Hai gia đình thường to tiếng làm mất trật tự xung quanh. Là thành viên Tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải tranh chấp trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Theo quy định tại Điều 225, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về sở chung trong nhà chung cư: Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự thỏa thuận của tất cả các chủ sở hữu. Chủ sở hữu các căn hộ trong nhà chung cư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng phần diện tích và thiết bị chung.

- Đạo lý: Ông bà ta có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “làng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”, cư xử có văn hóa“Lời nói không mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”,“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang - Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”…

 TÌNH HUỐNG 12: Do vị trí tự nhiên thửa đất nhà ông Sung liền kề và cao hơn thửa đất nhà ông Bời. Ông Sung đã lắp đặt một hệ thống ống thoát nước mưa từ nhà mình sang đất nhà ông Bời để ra đường thoát nước công cộng. Khi mưa xuống, do ống bị bể, nước xối làm trôi đất của nhà ông Bời, nên ông Bời đắp đất lại để không cho nước chảy, do đó mâu thuẫn xảy ra. Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải trường hợp trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

 - Pháp luật: Điều 277, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định quyền về cấp thoát nước qua bất động sản liền kề: “Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác, thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

- Đạo lý: “bà con xa không bằng láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau” , không nên để “cái sảy nảy cái ung”, …

TÌNH HUỐNG 13: Anh Hải kết hôn với chị Bảo là người cùng xã. Sáu tháng sau, chị Bảo sinh một cháu trai. Hàng xóm đồn đại rằng con trai anh không giống anh, mà giống anh Cường, bạn cũ của chị Bảo. Ban đầu, anh Hải không tin nhưng vì nghe nhiều người nói nên anh về căn vặn và nặng lời với vợ. Đôi lúc anh Hải còn tuyên bố thằng bé không phải là con anh. Chị Bảo giải thích và khuyên anh Hải không nên tin vào những lời đồn đãi nhưng anh vẫn không nghe. Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng căng thẳng. Là Tổ viên Tổ hoà giải, ông (bà) sẽ hoà giải vụ việc trên như thế nào?

 Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Điều 88, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc xác định cha, mẹ như sau:

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Điều 89, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc xác định con như sau:

“1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.

2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình”.

- Đạo lý: Vợ chồng phải đặt niềm tin ở nhau, “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”… Khuyên anh Hải không nên nghe những lời đồn đại, đừng vì “búa rìu dư luận” mà làm đổ vỡ tình cảm vợ chồng, gia đình. Đã là vợ chồng càng cần phải cẩn trọng hơn trong lời nói, cần phải xem xét cụ thể, không vì lời đồn không xác thực mà đánh mất đi tình cảm vợ chồng, bản thân không vui mà nhiều khi còn ân hận  về sau “Lời nói không mất tiền mua –Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

TÌNH HUỐNG 14: Vợ chồng anh Kính và chị Hồng là công chức Nhà nước, anh chị có hai con, kinh tế gia đình ổn định. Bà con hàng xóm ai cũng khen anh chị hạnh phúc. Thời gian gần đây, anh Kính có quan hệ với một người phụ nữ khác và bỏ mặc, không quan tâm đến vợ con. Sau khi tìm hiểu rõ sự việc, chị Hồng đã hỏi chồng nhưng anh Kính chối và không cho chị can thiệp vào việc riêng của mình. Hai vợ chồng thường to tiếng với nhau, chị Hồng dẫn hai con về nhà mẹ đẻ. Gia đình có nguy cơ tan vỡ. Là Tổ viên Tổ hoà giải ông (bà) sẽ giải quyết việc trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Điều 19, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”.

- Đạo lý: Tình nghĩa vợ chồng là đáng quý, “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”; “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… Phân tích cho anh Kính thấy: Đã là vợ chồng, gá nghĩa trăm năm, sao lại đành dứt tình dứt nghĩa? Đạo làm người và phép xử thế trong ca dao tục ngữ đã luôn nhắc nhở cho mọi người “Trách người một, trách ta mười - Bởi ta tệ trước nên người tệ sau” Khuyên chị Hồng cần bình tĩnh:“Chồng nóng thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.

TÌNH HUỐNG 15: Vợ chồng anh An và chị Mai sinh được hai con gái. Anh An là con trưởng trong gia đình nên rất muốn có con trai để nối dõi, anh bàn với vợ sinh thêm đứa con thứ ba với hy vọng sẽ là con trai nhưng chị Mai không chịu. Buồn chán, anh An thường bỏ bê công việc đi uống rượu, về nhà mắng chửi vợ con, gia đình có nguy cơ tan vỡ. Là Tổ viên Tổ hoà giải, ông (bà) sẽ hoà giải vụ việc trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Điều 2, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

- Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

- Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

- Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Điều 21, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về việc tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng: “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau”.

- Đạo lý: “Con nào chẳng là con”; “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”; Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 hoặc 2 con, vì xã hội phồn vinh… Không phân biệt con trai hay con gái, khuyên hai vợ chồng biết quan tâm, chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ cho hai con học đến nơi đến chốn, ngoan ngoãn, lớn lên trở thành người con hiếu thảo, có ích cho xã hội…

TÌNH HUỐNG 16: Gia đình bà Hạnh mở tiệm cơm tấm bình dân. Sáng nào bà Hạnh cũng mang bếp than tổ ong ra trước tiệm nhóm lửa, nướng thịt làm khói bay mù mịt vào những nhà xung quanh. Không những thế, bà Hạnh còn thường xuyên đổ rác, nước thải ở gốc cây gần nhà ông Minh gây ô nhiễm môi trường chung. Ông Minh và hàng xóm đã góp ý nhiều lần nhưng bà Hạnh không chịu sửa mà còn có thái độ thách thức. Là Tổ viên Tổ hoà giải, ông (bà) giải quyết việc trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Khoản 1, Điều 68, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như sau: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:

- Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

- Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật;

- Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động.

Tại Điều 82, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình như sau: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.

- Đạo lý: Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người”; cư xử có văn hóa “Lời nói không mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”,“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang - Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”…

 

TÌNH HUỐNG 17: Gia đình ông A và ông B là hàng xóm của nhau (nhà ông B ở phía trong, ông A ở phía ngoài, ông B muốn đi ra chỉ có thể đi qua đất nhà ông A). Do hiềm khích cá nhân, ông A đã xây bờ tường chặn lối đi ra ngoài của nhà ông B, nhà ông B muốn ra ngoài phải xin phép ông A. Ông A và ông B hay xích mích, gây gỗ với nhau về lối đi, ông B yêu cầu ông A phải để lối đi ra ngoài cho mình, ông A kiên quyết không đồng ý. Là Tổ viên Tổ hoà giải ông (bà) sẽ giải quyết việc trên như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Theo quy định tại Điều 171 của Luật đất đai năm 2013, quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng đã quy định rõ:

“1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.

- Đạo lý: ông cha ta từng nói “bà con xa không bằng láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau”, không nên để “cái sảy nảy cái ung”, mâu thuẫn này chồng chất lên mâu thuẫn khác dễ xảy ra hậu quả khó lường trước được…

TÌNH HUỐNG 18: Nhà ông H liền kề với nhà ông M. Trên phần đất giáp ranh giữa hai nhà, ông M có trồng 02 cây nhãn. Theo thời gian, cây phát triển, nhiều cành ngả sang phần đất nhà ông H. Lá cây rụng nhiều tích tụ làm hư mái ngói nhà ông H. Hơn nữa, một cây còn bị nghiêng có nguy cơ đe dọa đổ sập vào nhà ông H. Đã nhiều lần ông H sang thương lượng với ông M về việc chặt các cành vươn sang đất nhà ông H và đốn cây nhãn bị nghiêng đi nhưng ông M không đồng ý. Ông H không kiềm chế được, tính tình ông H vốn nóng nảy nên đã to tiếng cãi vả với ông M, nhiều lần hai ông xích mích qua lại, những người hàng xóm xung quanh khuyên can nhưng cả hai ông không nghe. Là Tổ viên Tổ hoà giải, nếu phải hòa giải vụ việc trên thì ông (bà) sẽ giải quyết như thế nào?

 Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Vấn đề được hỏi quy định tại Điều 265 và Điều 272 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó, tại khoản 2 Điều 265 Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản như sau: người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Cũng theo quy định tại Điều 272 Bộ luật Dân sự, trong trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề hoặc nơi sinh hoạt công cộng thì chủ sở hữu phải chặt cây, sửa chữa hoặc phá dỡ công trình xây dựng đó. Chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền yêu cầu chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ phải chặt cây, phá dỡ; nếu người đó không chặt cây, phá dỡ thì chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.

- Đạo lý: Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người”; cư xử có văn hóa “Lời nói không mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”,“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang - Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”…

TÌNH HUỐNG 19: Nhà ông B và nhà bà C liền kề nhau, ranh giới giữa phần đất thuộc quyền sử dụng của nhà hai ông, bà là một hàng rào tre. Ông B định sửa sang nhà cửa, xây tường rào xung quanh cho sạch đẹp. Ông B bàn với bà C là mỗi gia đình bớt một ít đất để xây tường rào chung, nhưng bà C không đồng ý. Theo bà C, ông B muốn xây tường rào thì cứ xây trên phần đất nhà mình chứ không được lấn sang đất nhà bà. Ông B lại cho rằng vì lợi ích chung nên ông vẫn xây ở đúng vị trí của hàng rào tre cũ. Vì vậy, giữa ông B và bà C xảy ra xích mích, cả hai ông, bà yêu cầu tổ hòa giải giải quyết, là Tổ viên Tổ hòa giải thì anh (chị) sẽ giải quyết như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Pháp luật dân sự có quy định rõ nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản và quyền sở hữu đối với mốc giới giữa các bất động sản tại Điều 265, Điều 266 Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể như sau: Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác (Khoản 2 Điều 265 Bộ luật Dân sự năm 2005).

Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó (Khoản 1 Điều 266 Bộ luật Dân sự năm 2005).

- Đạo lý: Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người”, đã là hàng xóm láng giềng cần tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau…

TÌNH HUỐNG 20: Cày xong thửa ruộng, anh Thắng vào nhà bạn chơi, định uống ly nước xong ra ngay. Thế nhưng vui chuyện cùng bạn nên anh quên buộc trâu, để trâu ăn mất gần 100 m2 bắp đang kỳ trổ bông của bà Thái. Bà Thái bắt anh Thắng phải đền toàn bộ thiệt hại cho bà. Anh chỉ chịu đền một nửa vì cho rằng anh không cố ý. Chẳng qua là anh quên buộc trâu thôi. Mỗi người một ý không ai chịu ai, mâu thuẫn giữa hai nhà ngày càng gay gắt. Là Tổ viên Tổ hoà giải, nếu phải hòa giải vụ việc trên thì ông (bà) sẽ giải quyết như thế nào?

 Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Theo quy định tại khoản 1 Điều 625 Bộ luật Dân sự 2005 thì: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác...”.

Tại khoản 1, 2 Điều 605 Bộ luật Dân sự 2005 cũng quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

“Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình”.

- Đạo lý: Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; tinh thần biết bỏ qua những lỗi nhỏ nhặt đừng để “chuyện bé xé ra to”, đã là hàng xóm láng giềng cần tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau.

TÌNH HUỐNG 21: Anh Thanh và chị Hiền đã kết hôn với nhau được 6 năm và đã có hai con chung, đứa lớn lên 4, đứa nhỏ lên 2 nhưng đều là con gái, gia đình anh Thanh chỉ có anh Thanh là con trai duy nhất nên bắt vợ chồng anh phải sinh bằng được con trai mới thôi. Tuy nhiên chị Hiền không đồng ý cho rằng 2 con là đủ, con nào cũng là con, không nên sinh  thêm nữa, dẫn đến gia đình thường xuyên xảy ra to tiếng với nhau, gia đình anh Thanh nói chị Hiền không sinh thêm cháu trai, họ sẽ đi hỏi cưới vợ khác cho anh Thanh để có cháu trai nối dõi.

Nếu anh (chị) là hòa giải viên của khóm nơi anh Thanh và chị Hiền đang sinh sống, chị Hiền đến gặp anh (chị) để nhờ giúp đỡ, trong trường hợp này anh (chị) sẽ giải quyết như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ chồng anh có trách nhiệm thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

          Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 còn nghiêm cấm các hành vi cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn.

         - Đạo lý: “Con nào chẳng là con”; “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”; Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 hoặc 2 con, vì xã hội phồn vinh… Không phân biệt con trai hay con gái, khuyên hai vợ chồng biết quan tâm, chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ cho hai con học đến nơi đến chốn, ngoan ngoãn, lớn lên trở thành người con hiếu thảo, có ích cho xã hội…

TÌNH HUỐNG 22: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi hiếp dâm cháu N (15 tuổi). Khi vụ việc bị phát giác, A đề nghị bồi thường cho gia đình người bị hại một số tiền với điều kiện không bị kiện ra tòa. Gia đình nạn nhân vì không muốn ảnh hưởng đến tâm lý của cháu N và sợ tai tiếng nên cũng không muốn kiện A ra tòa. Hai bên tiến hành hòa giải và nhờ một hòa giải viên làm trung gian. Nếu anh (chị) là hòa giải viên, anh (chị) sẽ làm như thế nào trong trường hợp này?

Căn cứ giải quyết: Điều 3 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012 thì những hành vi vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được phép hòa giải.

TÌNH HUỐNG 23: Anh Tâm và chị Lan kết hôn được gần 5 năm và đã có với nhau 2 đứa con. Thời gian gần đây, hai vợ chồng anh chị thường xuyên cãi cọ, xô xát lẫn nhau, dẫn đến chị Lan phải làm đơn xin ly dị anh Tâm. Được biết, về kinh tế, tài chính của gia đình giao cho chị Lan quản lý. Khi anh em, bạn bè ăn cưới hoặc mừng nhà mới, anh bảo chị Lan đưa tiền để đi mừng, chị cũng không đưa. Vì lý do trên mà khi anh Tâm đến nhà anh em, bạn bè có lòng cho ăn uống thì anh thường uống say, khi về nhà hay chửi bới, dọa nạt chị Lan (theo anh nói là làm thế để cho chị Lan bỏ cái tính ky bo ấy đi).

Về việc xin ly hôn, chị Lan cho biết việc chị đòi ly dị là do anh Tâm hay uống say rượu, chửi bới, dọa nạt chị, anh Tâm sống không có tình cảm.Về phần anh Tâm, anh không muốn ly hôn vì anh còn thương yêu vợ con nên anh đã đề nghị tổ hòa giải xóm giúp đỡ.

 

Nếu ông (bà) là Tổ viên Tổ hòa giải thì trong trường hợp này ông (bà) sẽ giải quyết như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Khoản 3 Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình: Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con. Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nghiêm cấm hành vi bạo lực gia đình.

- Đạo lý: Tình nghĩa vợ chồng là đáng quý, “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”; “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… Phân tích cho chị Lan, anh Tâm thấy: Đã là vợ chồng, gá nghĩa trăm năm, sao lại đành dứt tình dứt nghĩa? Đạo làm người và phép xử thế trong ca dao tục ngữ đã luôn nhắc nhở cho mọi người “Trách người một, trách ta mười - Bởi ta tệ trước nên người tệ sau”. Khuyên anh chị cần bình tĩnh:“Chồng nóng thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.

TÌNH HUỐNG 24: Bà Dung đã nhiều năm mâu thuẫn, xích mích với con dâu của bà là chị Hoa, ban đầu chỉ là những mâu thuẫn nhỏ xảy ra trong sinh hoạt gia đình, rồi cách cư xử của con dâu chưa được khéo léo trong quan hệ với mẹ chồng, sau ngày càng gay gắt, bà Dung đã đuổi chị Hoa ra khỏi nhà. Biết được mâu thuẫn của gia đình bà Dung và cũng biết được nhà bà có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, đất đai nhà cửa chật hẹp, tổ hòa giải đã cử hòa giải viên đến nắm tình hình, tiến hành hòa giải vụ việc.

Nếu ông (bà) là hòa giải viên tiến hành hòa giải vụ việc trên, ông (bà) sẽ giải quyết như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Khoản 3 Điều 2, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau…”

- Đạo lý: Đối với bà Dung, làm cha, làm mẹ, bà nên thông cảm, vị tha và hiểu cho con dâu mình còn “trẻ người non dạ”, con dâu có điều gì không phải thì nhẹ nhàng dạy bảo, chắc chắn con dâu bà sẽ nhận ra cái sai của mình mà tự sửa chữa, cuộc sống gia đình sẽ thoải mái, vui vẻ. Đối với chị Hoa, là phận con, cô cần yêu quý, kính trọng, hiếu thảo, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, cha mẹ chồng cũng như cha mẹ đẻ, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

TÌNH HUỐNG 25: Gia đình ông N là gia đình có đông con trai. Khi các con ông trưởng thành và lập gia đình đều sống chung cùng với ông bà. Chính vì thế nhiều mâu thuẫn xích mích xảy ra giữa các thành viên trong đại gia đình. Đặc biệt, việc ông N đối xử không bình đẳng giữa các con đã làm cho mâu thuẫn giữa ông N và anh T ngày càng trầm trọng, có những lúc anh T đã từng dọa đánh bố.

Nếu ông (bà) là hòa giải viên tiến hành hòa giải vụ việc trên, ông (bà) sẽ giải quyết như thế nào?

 Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Khoản 3 Điều 2, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau…”

Khoản 1, Điều 49, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

- Đạo lý: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; con nao cũng là con,...

TÌNH HUỐNG 26: Anh T và chị V sau một thời gian tìm hiểu, hai anh chị đã quyết định xin phép gia đình hai bên cho họ kết hôn với nhau. Song do trước đây, bà C là mẹ anh T có mâu thuẫn với gia đình chị V nên bà C cương quyết không cho anh T cưới chị V. Mặc dù bị mẹ ngăn cản nhưng họ vẫn quyết tâm đến với nhau, hai anh chị đã đến Uỷ ban nhân dân xã xin đăng ký kết hôn. Bà C biết chuyện đã đến Uỷ ban nhân dân nơi hai anh chị đang đăng ký kết hôn, mắng chửi chị V và dọa sẽ chết nếu anh T cương quyết đăng ký kết hôn với chị V. Anh T đã phải hoãn ngày đăng ký kết hôn lại và đến nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ thuyết phục mẹ.

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: khoản 1, Điều 2, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014  quy định: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng…”, điểm b, khoản 2, Điều 5: Nghiêm cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.

- Đạo lý: “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”, phương châm “kiên trì thuyết phục”, “mưa dầm ướt áo”

TÌNH HUỐNG 27: Anh Sơn và chị Hòa kết hôn và có 02 con chung, thời gian đầu hôn nhân giữa hai người rất hạnh phúc. Tuy nhiên, thời gian sau này giữa hai người thường xuyên xảy ra cãi vã, lời qua tiếng lại, hai người không làm thủ tục ly hôn mà sống ly thân từ hơn một năm nay, Anh Sơn và chị Hòa vẫn sống chung nhà. Thời gian gần đây anh Sơn có quan hệ tình cảm với chị Hương (người cùng xóm), thời gian đầu anh Sơn còn giữ kín mối quan hệ nhưng về sau anh Sơn công khai sống chung với chị Hương như vợ chồng. Biết chuyện, chị Hòa đến tổ hòa giải nhờ giải quết.

Nếu ông (bà) là hòa giải viên tiến hành hòa giải vụ việc trên, ông (bà) sẽ giải quyết như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: khoản 1, Điều 2, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014  quy định: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng…”,

Điểm c, khoản 2, Điều 5: nghiêm cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

Điều 3, Luật hòa giải ở cơ sở quy định các vụ việc không được hòa giải: vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

TÌNH HUỐNG 28

Chị H làm công tác xã hội thường xuyên đi làm về muộn, ít có thời gian chăm sóc gia đình và các con. Anh T, chồng chị H rất khó chịu, thường mắng chửi vợ. Chị H lại nóng tính, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thôn xóm.

Nếu ông (bà) là hòa giải viên tiến hành hòa giải vụ việc trên, ông (bà) sẽ giải quyết như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Điều 19, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

- Đạo lý: Tình nghĩa vợ chồng là đáng quý, “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”; “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”

TÌNH HUỐNG 29

Tân và Hoài cưới nhau được 12 năm, có một bé gái tên Kiều được 11 tuổi. Hoài làm công nhân may cho một khu công nghiệp còn Tân làm công nhân cho một công ty đồ gỗ. Mỗi khi uống rượu say về là Tân thường xuyên đánh Hoài nhưng khi tỉnh rượu Tân lại xin lỗi Hoài. Hoài tìm đến tổ hòa giải khu phố mong được giúp đỡ.

Là Tổ viên Tổ Hoà giải, theo ông (bà) việc này nên hòa giải như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp lý: khoản 1, Điều 19, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

Điều 2 của Luật phòng chống bạo lực gia đình thì những hành vi bạo lực gia đình gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) .....

Khoản 1, Điều 49, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

- Đạo lý:  Tình nghĩa vợ chồng là đáng quý, vợ chồng có trách nhiệm yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc tiến bộ, cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo.

TÌNH HUỐNG 30: Ông Hoàng có hai người con đẻ, người con lớn 22 tuổi đã có gia đình riêng, còn người con thứ hai mới lên 9 tuổi. Vì biết mình bị bệnh nặng không thể qua khỏi, ông Hoàng ra Uỷ ban nhân dân xã lập di chúc để lại toàn bộ tài sản là một căn nhà cho người con lớn, ông cho rằng người con thứ hai còn nhỏ, nên không cho tài sản. Sau khi ông Hoàng chết, người con lớn có ý đuổi mẹ và em ra khỏi nhà. Bà Linh là vợ hợp pháp của ông Hoàng biết sự việc ông lập di chúc cho người con lớn toàn bộ tài sản, nên bà làm đơn đề nghị tổ hoà giải ở ấp can thiệp.

Nếu anh (chị) là hòa giải viên, anh (chị) sẽ giải quyết như thế nào?

Căn cứ giải quyết:

- Pháp luật: Điều 669 Bộ luật dân sự năm 2005. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật dân sự năm 2005:

        1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

        2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

- Đạo lý: “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”; “Anh em như thể tay chân, anh em hòa thuận song thân vui vầy”, không nên để những chuyện toan tính, nhỏ nhen, ích kỷ, hẹp hòi và lợi ích vật chất đánh mất đi tình cảm anh em trong một gia đình…

 

Thanh Bình
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.386.233
Truy cập hiện tại 1.093