Mỗi lần tết đến xuân về mọi người Việt Nam đều tưởng nhớ Bác kính yêu: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Tố Hữu). Bác luôn dành sự quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội, như lời bài hát : “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...”(Thuận Yến); Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến giai cấp nông dân. Người bôn ba tìm đường cứu nước vì nền độc lập của dân tộc, để “người cày có ruộng”, để “ruộng đất về tay dân cày”, để “mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong con đường đi đến hạnh phúc ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Bác đi cùng.
Nông dân Việt Nam là lực lượng to lớn của cách mạng. Họ đã không ngại gian khổ hy sinh, tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Hơn ai hết, Bác thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những con người ấy. Những việc của nghề nông đối với Bác không có gì xa lạ. Người đã để lại một di sản làm xúc động lòng người: Chân dung một lãnh tụ bên người nông dân.
Khi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc diễn ra ác liệt, Bác dành thời gian xuống tận các hợp tác xã thăm hỏi, động viên nông dân. Hình ảnh Bác xắn quần lội ruộng, cùng tát nước, cùng đạp guồng nước chống úng với bà con là những hình ảnh đẹp trong lòng người dân.
Trong “Thư gửi nông dân thi đua canh tác” vào tháng 2-1951, Bác viết: “Thực túc thì binh cường! Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất. Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”. Bức thư đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác với giai cấp nông dân và sản xuất nông nghiệp.
Khi đến thăm đồng bào, Bác không dùng những lời lẽ chung chung mà rất cụ thể, nói rõ từng việc, chỉ ra ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để khắc phục. Đứng trước bà con, Bác không đọc diễn văn mà ân cần chuyện trò thăm hỏi.
Trên hành trình đi tìm đường cứu nước của mình, tiếp cận với nhiều xu hướng chính trị của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận: Vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam thực chất là vấn đề nông dân. Nông dân vừa là động lực nhưng cũng là đối tượng của cách mạng. Chính vì vậy, Người yêu cầu và chỉ rõ trách nhiệm của Đảng và Chính Phủ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Bác cũng là người yêu thiên nhiên, quan tâm đặc biệt đến cảnh quan môi trường, Người kêu gọi: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” để bảo vệ môi trường sinh thái cho chính cuộc sống của con người. Người đã phát động phong trào Tết trồng cây: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” trở thành nét đẹp văn hóa rộng lớn trong nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mong muốn mọi người đều có ý thức trồng cây, gây rừng để có lợi cho sản xuất nông nghiệp. Người từng nói: “Nông dân ta giàu, thì nước ta giàu – Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thực tế càng khẳng định vai trò của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong các giai đoạn nền kinh tế gặp khủng hoảng khó khăn, thì sản xuất nông nghiệp chính là giá đỡ cho sự ổn định và an dân của đất nước. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Người luôn đau đáu vì nền độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc ấm no của mỗi con người. Tư tưởng, tình cảm của Bác đối với giai cấp nông dân, đối với nền nông nghiệp nước nhà là một phần tư tưởng lớn bậc nhất của Bác: vì con người.
Trước lúc đi xa, người để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng chí, đồng bào cả nước. Trong bản Di chúc Người đã dành cho nông dân tình cảm gần gũi, thân thiết khi dùng cụm từ “đồng bào nông dân” để tuyên dương công lao to lớn và lòng trung thành vô hạn của họ đối với Đảng và Chính phủ trong hai cuộc kháng chiến. Căn dặn miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, Bác viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Khi ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Phát huy tinh thần “khoan thư sức dân”, Bác đã chăm lo đến kế sách an dân “sâu rễ bền gốc”. Đó là sau chiến tranh phải chú ý chính sách vỗ về, an dân để nông dân từng đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến, chịu nhiều thiệt thòi, mất mát trong chiến tranh có cơ hội xóa đói, giảm nghèo mà thêm hoan hỉ, phấn khởi, tin tưởng, trung thành với chế độ.
Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 7 đã ra Nghị quyết “Thực hiện miễn thuế nông nghiệp theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Miễn giảm thuế nông nghiệp tiến tới hạn chế và xoá bỏ dần những đóng góp ở khu vực nông thôn để người nông dân có điều kiện tái đầu tư sản xuất chính là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thực hiện theo đúng tinh thần và mong muốn của Bác. Ngày 5/8/2008, Nghị quyết số 26- NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, đã xác định rõ "Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển". Theo đó, một loạt vấn đề về nông nghiệp-nông thôn-nông dân trở thành những vấn đề được cả nước quan tâm.
Đặc biệt trong 3 năm qua, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng phát động đã có tác động đến sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cao và động viên tinh thần của toàn xã hội đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hệ thống thông tin tuyên truyền về nông thôn mới hoạt động phong phú, liên tục đã động viên rất tích cực, kịp thời đến phong trào xây dựng nông thôn mới... Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Với sự cố gắng của các cấp, các ngành và nông dân trong toàn tỉnh, ở Thừa Thiên Huế tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 20/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 21,7%, vượt 1,7 % so với kế hoạch Tỉnh đề ra cũng như so với mục tiêu chung của toàn quốc (20%). Đây cũng là mục tiêu đạt được của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 5 năm 2011-2015.
Bước vào năm mới Bính Thân (2016), năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và phấn đấu đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống, chúng ta có niềm tin sâu sắc rằng nông thôn Việt Nam ngày càng có diện mạo mới, làm cho nông dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tư tưởng nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục soi sáng trên mỗi bước đường đi lên của toàn Đảng, toàn dân ta: “Người nghèo thì đủ ăn; người đủ ăn thì khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm”./.