Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
GIAI CẤP NÔNG DÂN THỪA THIÊN HUẾ NGUYỆN “YÊU BÁC LÒNG TA TRONG SÁNG HƠN”
Ngày cập nhật 08/06/2016
Bác Hồ với bà con nông dân (Ảnh tư liệu)

    Hằng năm, mùa sen nở, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại lắng đọng tưởng nhớ Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Năm nay, ngày 19/5 lại về, chúng ta vui mừng kỷ niệm lần thứ 126 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2016). 

    Bác Hồ, tuổi ấu thơ là cậu bé Nguyễn Sinh Cung, tiếp đến là anh thanh niên Nguyễn Tất Thành có gần mười năm sống và học tập ở Huế. Những năm tháng tuổi trẻ ở Huế đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhân tố quan trọng góp phần hình thành nên nhân cách cao đẹp và tạo dựng sự nghiệp lẫy lừng của một bậc vĩ nhân trong thế kỷ XX: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, thời gian hình thành nên một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”. Những năm tháng đó cũng đã để lại mốc son trong lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, để lại cho Huế những di tích về thời niên thiếu Bác Hồ và hình ảnh người học sinh yêu nước Nguyễn Tất Thành ở Trường Quốc Học, nay đã trở thành di sản tinh thần vô cùng quý giá cho vùng đất cố đô.

    Như chúng ta đã biết: Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng mà ngay từ rất sớm đã được hàng triệu người trên thế giới biết đến. Người được ngưỡng mộ là “Nhà Mácxít – Lêninít khiêm tốn nhất và triệt để nhất của thời đại chúng ta” (Phiđen Caxtrô); là “biểu tượng của sự sáng suốt cộng sản chủ nghĩa ở châu Á” (R.Arixmênđi); là “nhà lãnh đạo vĩ đại và kiên định” (I.Ganđi); là tấm gương lớn nhất về “sự toàn vẹn, lòng nhân ái và tính khiêm tốn” (X.Agienđê)... Thế giới ngày nay tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà Văn hóa kiệt xuất. Tất cả những giá trị cao đẹp ấy hội tụ trong chân dung Hồ Chí Minh: là một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam; một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết của phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ.

   Tâm đắc với nhà báo Hạnh Nguyên, trong một bài báo của mình có đoạn viết: “Vì sao trong những năm tháng gian khổ nhất, đói rét nhất và máu chảy nhiều nhất của dân tộc, những đứa con của dân tộc ấy lại sẵn sàng hiến dâng tất cả sự sống của mình không một chút đắn đo hay sợ hãi?  ... 

    Khi Người cất tiếng, những kiếp nô lệ đã đứng dậy đi theo Người. Người đứng vào giữa những người nô lệ, không phải với danh nghĩa một lãnh tụ khởi nghĩa, mà với danh nghĩa một con người cùng chung số phận nô lệ, chung giấc mơ lớn về tự do và là một  người bạn lớn của những người cùng khổ.

   Người bước trước một người nông dân với niềm tin mãnh liệt rằng người nông dân đó là một người yêu nước chân chính. Và người nông dân đó trở thành một chiến sĩ đấu tranh cho tự do của dân tộc”.

   Đối với Hồ Chí Minh, dân tộc là trên hết. Dân tộc là tài sản của tất cả con người sinh ra trên mảnh đất của dân tộc đó kể cả những người đã có một thời lầm lạc. Chính vì vậy mà tất cả nhân dân Việt Nam trong đó có giai cấp nông dân đã đứng bên Người trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. 

    Bác Hồ luôn quan tâm mọi giai tầng xã hội, vun xới cho khối đại đoàn kết toàn dân, chăm lo củng cố liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; Người đã giành cho giai cấp nông dân những tình cảm hết sức đặc biệt. Thật cảm động khi xem lại những hình ảnh Bác Hồ về thăm nông thôn: Vị lãnh tụ tối cao của đất nước gần gũi với nông dân, xắn quần lội ruộng, cầm cày trên những cánh đồng chiêm trũng,  hoặc ngồi trên guồng đạp nước giữa trưa hè... Đúng là “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già!” (Tố Hữu). Bác là người yêu thiên nhiên, có tầm nhìn chiến lược về bảo vệ môi trường: “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, Bác phát động “Tết trồng cây” trong nhân dân nay trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc ta mỗi dịp tết đến, xuân về. Với tình cảm sâu nặng giành cho giai cấp nông dân, nên trước lúc đi xa Bác đã căn dặn trong Di chúc: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Khi ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Bác quan tâm miễn thuế cho nông dân là một tư tưởng nhân văn, tiếp tục thượng sách “khoan thư sức dân, để làm kế sâu rễ bền gốc” của tiền nhân trong lịch sử.

   “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngày nay, giai cấp nông dân Việt Nam nói chung, giai cấp nông dân Thừa Thiên Huế nói riêng tiếp tục có sự đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương, đất nước. Mặc dù phải thường xuyên đối phó với thiên tai, dịch bệnh và chịu ảnh hưởng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn liên tục tăng trưởng và phát triển một cách toàn diện. Nhiều phong trào thi đua sôi nổi, nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện ở hầu khắp các địa phương. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ với hiệu quả ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển lớn, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, thiết thực góp phần “xây dựng nông thôn mới” đạt tiến độ và mang tính bền vững. 

   Kỷ niệm Sinh nhật Bác 19/5, chúng ta thầm hứa với lòng mình như nhà thơ Tố Hữu viết: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường sơn” .

 
Phan Công Tuyên (Nguyên UVTVTU, nguyên TB Tuyên giáo Tỉnh ủy TT. Huế)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.385.672
Truy cập hiện tại 980