THÔNG TIN THỜI SỰ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc
Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt (CCĐB) ASEAN - Hoa Kỳ nhân Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ và dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11 - 17/5/2022.
Đây là hoạt động đối ngoại đầu tiên của ASEAN diễn ra bên ngoài lãnh thổ ASEAN kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại Hội nghị CCĐB ASEAN - Hoa Kỳ, Lãnh đạo Hoa Kỳ đã công bố nhiều đề xuất, sáng kiến hợp tác với ASEAN. Hoa Kỳ sẽ đầu tư 40 triệu USD tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, dành 60 triệu USD tăng cường hợp tác biển, 150 triệu USD để triển khai sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN - Hoa Kỳ, hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và 70 triệu USD cho các chương trình giáo dục, giao lưu nhân dân… Lãnh đạo ASEAN cảm ơn Hoa Kỳ đã hỗ trợ ứng phó Covid-19, giúp nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh, cung ứng vaccine và gần đây thành lập Văn phòng khu vực Đông Nam Á Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ tại Hà Nội. Các nước ASEAN mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ các sáng kiến phòng chống đại dịch của ASEAN.
ASEAN và Hoa Kỳ khẳng định phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin ở khu vực, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Về tình hình Myanmar, các nước kêu gọi kiềm chế, giảm căng thẳng, bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân, phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm của ASEAN, đồng thời hoan nghênh nỗ lực của Chủ tịch ASEAN hỗ trợ Myanmar sớm ổn định tình hình, tìm giải pháp bền vững cho các vấn đề hiện nay. Trao đổi về tình hình Ukraine, các bên kêu gọi kiềm chế, duy trì các nỗ lực đối thoại tìm giải pháp lâu dài trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời bảo đảm an toàn cho dân thường. Các nước nhấn mạnh tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình bất đồng, tranh chấp.
Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung phản ánh những kết quả đạt được trong 45 năm qua và đề ra định hướng tương lai. Trong đó, các nước cam kết thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ có ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 10 vào tháng 11/2022.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cũng như có các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ với Lãnh đạo Chính quyền, Quốc hội, bạn bè, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả Hoa Kỳ. Đặc biệt, phát biểu tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) với tựa đề “Chân thành, lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đi thông điệp quan trọng về chủ trương, lập trường, quan điểm của Việt Nam về một thế giới tốt đẹp hơn được xây dựng trên nền tảng của “sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm”; nhấn mạnh “Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng” trong quan hệ với các nước. Về vấn đề Ukraine, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia các nỗ lực và sáng kiến của cộng đồng quốc tế để tạo điều kiện cho đối thoại giữa các bên tìm ra giải pháp lâu dài và khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực. Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc này cũng là quan điểm, lập trường của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp tại khu vực Biển Đông. Về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng đánh giá cao thành tựu hai nước đạt được trong 30 năm qua; xác định ba lĩnh vực phát triển song phương cần tăng cường trong tương lai gồm tăng trưởng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số và đa dạng hóa nguồn cung. Đồng thời, bày tỏ “tin tưởng rằng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Một số dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2022
Trước những biến động phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa qua đã công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới. Nội dung Báo cáo tập trung đánh giá các yếu tố mới và nhận định lại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Trong bản Báo cáo, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong cả năm 2022 và năm 2023, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức cao. IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và năm 2023 chỉ đạt 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 01/2022. Tăng trưởng trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong giai đoạn từ 2004 - 2013. Đáng chú ý, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có những đánh giá tương tự khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 từ mức 4,1% xuống còn 3,2%.
Các chuyên gia của IMF cho rằng, có ba nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm trên: (1) Cuộc xung đột Ukraine - Nga tác động mạnh nhất trong chuỗi cú sốc nguồn cung làm nền kinh tế toàn cầu “điêu đứng”. Ảnh hưởng của cuộc xung đột trên được dự báo sẽ lan truyền sâu rộng thông qua thị trường hàng hóa, liên kết thương mại và tài chính, làm tăng giá năng lượng và hàng hóa trên toàn cầu. Lạm phát cao hơn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài; (2) Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc với việc đóng cửa thường xuyên do tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid”. Ngoài ra, áp lực giá cả gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới khiến các ngân hàng Trung ương buộc phải thắt chặt kiểm soát chính sách tiền tệ.
Theo IMF, sự đứt gãy nguồn cung nhiều loại hàng hóa quan trọng như nông sản, nhiên liệu, kim loại từ Nga và Ukraine sẽ khiến giá cả liên tục tăng mạnh. Nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2022 trong khi Trung Quốc là 4,4%. Tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo giảm xuống mức 2,8% trong năm 2022, thấp hơn 1,1% so với mức dự đoán trước đó. Tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm 2022, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó. Các quốc gia châu Âu và các thị trường mới nổi, được coi là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương hơn cả.
Dự báo về kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của IMF cho rằng, nhờ có chiến dịch triển khai tiêm vắc-xin đầy ấn tượng và sự chuyển hướng kịp thời trong chính sách đối phó với dịch bệnh, tiến trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh lên nhờ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ thông qua thời gian gần đây. Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều, khu vực dịch vụ vẫn đang hồi phục chậm, trong khi các rủi ro tài chính và bất bình đẳng dường như đã gia tăng. Theo Báo cáo, mặc dù giá cả hàng hóa nguyên liệu thô đang tăng lên, lạm phát cho đến nay vẫn được kiểm soát và có khả năng vẫn nằm dưới mục tiêu 4% mà các cơ quan chức năng đề ra.
Theo đó, IMF khuyến nghị, sự triển khai nhanh chóng, hiệu quả Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc xây dựng chính sách nên nhanh chóng, quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên được điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi. Chính sách tài khoá nên đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ chính sách. Việt Nam nên tăng cường động viên thu ngân sách để tạo nguồn vốn cho việc củng cố lâu dài an sinh xã hội, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và đối phó với những áp lực từ già hóa dân số. Công tác quản lý, giám sát khu vực tài chính nên được tăng cường để giải quyết những rủi ro đang nổi lên và xây dựng một hệ thống ngân hàng có khả năng chống chịu tốt hơn. Chính sách tiền tệ cũng được khuyến nghị nên tiếp tục thận trọng trước các áp lực lạm phát đang gia tăng. Bên cạnh đó, cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động và giảm mất cân đối cung cầu kỹ năng lao động.
Một số tình hình thế giới thời gian gần đây
- Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh công bố nghiên cứu (ngày 09/5/2022), dựa trên cơ sở phân tích khoảng 120 dự báo khí hậu khác nhau để tính toán khả năng mức tăng nhiệt độ toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C và dự báo nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng trong giai đoạn từ 2022 - 2026. Các chuyên gia cảnh báo, năm 2026, có 48% khả năng nhiệt độ hằng năm của Trái Đất sẽ tăng vượt mức 1,5 độ C. Nguyên nhân là do lượng khí thải toàn cầu đang gia tăng cùng với các hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Lượng khí thải carbon năm 2021 đạt mức cao nhất từng được ghi nhận. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng gây thêm trở ngại cho các nỗ lực hợp tác khí hậu khi một số quốc gia có kế hoạch sử dụng nhiều than đá hơn để thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Điều này sẽ gây cản trở tới các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và tốt nhất dưới 1,5 độ C.
- Trung Quốc thông báo đã ký một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon (ngày 19/4/2022). Trung Quốc tuyên bố, mục đích của hợp tác an ninh là thúc đẩy ổn định xã hội, hòa bình và an ninh lâu dài ở quần đảo Solomon, phù hợp với lợi ích chung của quần đảo và khu vực Nam Thái Bình Dương và Hiệp ước an ninh Trung Quốc - Solomon không hướng vào bất kỳ bên thứ ba nào. Với vị trí chiến lược quan trọng, quần đảo Solomon nằm án ngữ giữa tuyến đường thủy từ Australia sang châu Mỹ và gần một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại đảo Guam ở Thái Bình Dương. Nhiều quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Australia, New Zealand bày tỏ lo ngại hiệp ước trên sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương.
- Kết quả bầu cử Tổng thống Pháp: Đương kim Tổng thống Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 với 58,6% số phiếu. Trong khi, đối thủ của ông, bà Marine le Pen (Đảng Tập hợp Quốc gia) chỉ giành được 41,4% số phiếu bầu. Ông Macron là Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử trong gần 2 thập kỷ qua.
Ngay sau khi các kết quả trên được công bố, Tổng thống Macron đã có bài phát biểu dưới chân tháp Eiffel ở thủ đô Paris trước những người ủng hộ. Tổng thống Macron nhấn mạnh, ông không phải là ứng cử viên của một phe phái nào mà là "Tổng thống của tất cả người dân Pháp”, đồng thời khẳng định sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong nhiệm kỳ 5 năm tới của ông. Ông nói: "Cảm ơn các bạn đã tiếp cho tôi niềm tin để làm nên một nước Pháp độc lập hơn và một châu Âu mạnh mẽ hơn, thông qua việc đầu tư và những thay đổi sâu rộng… đưa nước Pháp trở thành một quốc gia sinh thái tuyệt vời".
Một số nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong điều kiện hậu xung đột ở Ukraine
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục diễn, chưa có dấu hiệu kết thúc và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tác động to lớn đến an ninh, chính trị, kinh tế khu vực, thế giới nói chung cũng như đến nước Nga nói riêng.
Nga tuyên bố mục tiêu trong thời gian tới là kiểm soát toàn bộ khu vực miền Nam và vùng Donbass, miền Đông Ukraine; tạo thành hành lang phía Đông nối Nga, qua Crimea, tới Donest và Lugansk, cũng như thông hành lang trên bộ từ miền nam Ukraine đến vùng ly khai Transnistria thuộc Moldova, nơi có 1.500 lính gìn giữ hòa bình Nga đồn trú. Trong khi đó, NATO không tấn công Nga, không lập vùng cấm bay ở Ukraine, nhưng Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy lệnh trừng phạt kinh tế gây khó khăn cho Nga nhưng đã không khiến Nga thay đổi chiến lược. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy các biện pháp đáp trả của Nga đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây đang phát huy hiệu quả. Một số quốc gia tìm cách né tránh giao dịch bằng đồng USD, mà giao dịch trực tiếp với Nga, thậm chí giao dịch bằng đồng Ruble, đồng Nhân dân tệ hay các loại tiền tệ không phải USD khác. Mặt khác, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây không chỉ gây tổn hại cho Nga mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng lạm phát, thiếu hụt lương thực, thiếu phân bón cho sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu. Khi giá các mặt hàng trên tăng lên do cung không đủ cầu, Nga có thể xuất khẩu ít hơn mà mức thu về vẫn tương đương, thậm chí cao hơn trước.
Trước diễn biến của tình hình và dự báo tình hình xung đột có thể kéo dài, không loại trừ khả năng lan rộng, các chuyên gia quốc tế nhận định, Nga sẽ tiến hành điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình hậu xung đột tại Ukraine. Theo chuyên gia Dmtry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva (Nga), có sáu nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong điều kiện hậu xung đột ở Ukraine. Thứ nhất, răn đe đối thủ chiến lược là Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngăn ngừa nguy cơ sa vào một cuộc chiến tranh hạt nhân. Thứ hai, tăng cường nội lực của nền kinh tế; duy trì hoặc định hướng lại các mối quan hệ kinh tế đối ngoại trong bối cảnh chiến tranh kinh tế với phương Tây; hỗ trợ tối đa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh tế đối ngoại. Thứ ba, tăng cường quan hệ đồng minh với Belarus; phát triển hội nhập kinh tế và tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Thứ tư, mở rộng hợp tác và tăng cường hiểu biết lẫn nhau với Trung Quốc và Ấn Độ. Thứ năm, tích cực phát triển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các quốc gia khác ở châu Á. Thứ sáu, phối hợp cùng với các đối tác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm BRICS và các quốc gia quan tâm khác để dần dần hình thành nền tảng của một kiến trúc tài chính quốc tế mới không phụ thuộc vào đồng USD.
Đối với Ukraine, nhiệm vụ trong chính sách đối ngoại của Nga sau khi kết thúc xung đột quân sự là hình thành mối quan hệ mới giữa Liên bang Nga và Ukraine, loại trừ việc Ukraine trở thành mối đe dọa an ninh đối với Nga; nhận được sự công nhận của Kiev đối với tình trạng của Crimea là một phần của Liên bang Nga và sự độc lập của các nước cộng hòa ở Donbass.
Trong đó, theo các học giả Nga, hậu xung đột ở Ukraine, Nga cần xây dựng mối quan hệ với những người bạn thân thiết, những đối tác trung lập và các đồng minh tình thế. Đặc biệt, quan hệ của Nga với Trung Quốc và Ấn Độ được cho là sẽ có tầm quan trọng chiến lược. Trung Quốc sẽ đóng vai trò là đối tác quan trọng nhất đối với Nga trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và kinh tế. Trong khi sức mạnh kinh tế tăng lên và sự phát triển công nghệ của Ấn Độ đã mở rộng tiềm năng hợp tác với Nga. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng Nga sẽ chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào các tổ chức của các nước không thuộc phương Tây, như BRICS, SCO, RIC, cũng như các tổ chức mà Nga đóng vai trò chủ đạo như Liên minh kinh tế Á - Âu và CSTO.
Các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây
Tình hình Biển Đông tiếp tục tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn đang diễn ra ngày càng gay gắt, toàn diện và dự báo sẽ ngày càng quyết liệt ở châu Á - Thái Bình Dương, thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục có những động thái khẳng định chủ quyền, gây quan ngại cho các nước trong khu vực.
Trung Quốc tiếp tục tăng cường hiện diện thông qua tập trận quân sự và một số hoạt động khác trên thực địa. Riêng trong tháng 3/2022, Trung Quốc đã tiến hành 03 cuộc tập trận tại Biển Đông. Sau hàng loạt động thái tăng cường sức mạnh không quân ở Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục thêm bước mới khi điều động chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 tới khu vực biển này. Giám đốc chương trình AMTI - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) Greg Poling đánh giá việc điều chiến đấu cơ J-20 tham gia huấn luyện và tuần tra trên Biển Đông từ các căn cứ ở miền Nam Trung Quốc là một diễn biến quan trọng. J-20 là chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình nên về nguyên tắc thì chiếm ưu thế hơn các dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 mà các nước khác ở khu vực Biển Đông đang sử dụng.
Trung Quốc cũng thúc đẩy quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông nhằm phục vụ chiến thuật vùng xám, tăng kiểm soát mà không cần dùng vũ lực. Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhận định, Trung Quốc đã “hoàn tất quân sự hóa” ít nhất ba thực thể trên Biển Đông, gồm đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Ngày 07/4/2022, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt việc quân sự hóa, không có hành động gây căng thẳng ở khu vực, duy trì điều kiện thuận lợi, tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN thúc đẩy đàm phán, sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Gần đây nhất, các thành phố, huyện trực thuộc tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Quốc lần lượt ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong hơn 3 tháng tại Biển Đông, trong đó có vùng biển của Việt Nam. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (29/4) nêu rõ, lập trường nhất quán của Việt Nam, theo đó một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000. Đây được coi là một trong những hoạt động nhằm triển khai Chiến thuật vùng xám phục vụ mục tiêu của Trung Quốc là gia tăng kiểm soát tại Biển Đông mà không phải dùng lực lượng quân sự chính quy, nhưng đồng thời không để tình hình vượt ngưỡng thành xung đột vũ trang mất kiểm soát.
Trước các động thái trên của Trung Quốc, lãnh đạo các nước và cộng đồng quốc tế đã gia tăng các cam kết nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông; chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc. Trong các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản với Thủ tướng Đức (28/4) và Tổng thống Indonesia (30/4), các bên phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông và biển Hoa Đông trái luật pháp quốc tế; cam kết hợp tác hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật lệ; ủng hộ xây dựng một COC toàn diện và có tính ràng buộc. Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Đức (02/5) nhấn mạnh, tầm quan trọng của thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế ở tất cả các vùng biển, bao gồm cả Biển Đông và Ấn Độ Dương; cam kết hợp tác thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thống nhất; ủng hộ vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Trong bối cảnh đó, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tăng cường thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hai là, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa việc ngăn chặn, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, lợi dụng tình hình để kích động, làm phương hại tới quan hệ đối ngoại song phương của Việt Nam với các nước và nỗ lực trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.