Theo Sở NNPTN Đồng Nai, diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) thời gian qua khiến tổng đàn lợn cả nước và tại Đồng Nai có xu hướng giảm.
Trước thời điểm xuất hiện DTLCP, tổng đàn lợn của tỉnh đạt hơn 2,5 triệu con. Ðến nay, tổng đàn có xu hướng giảm, nhất là ở hộ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ.
Nguyên nhân là do người chăn nuôi nhỏ lẻ lo ngại dịch bệnh và giá xuất chuồng giảm nên đã tranh thủ bán lợn để “chạy dịch”, “chạy giá”; đồng thời cũng ngưng việc tái đàn.
Quy mô chăn nuôi nông hộ tuy không lớn nhưng việc giảm đàn cũng khiến nguồn cung thịt lợn giảm sút. Ðiều này được thể hiện ở giá lợn hơi (heo hơi) cao hơn tại các tỉnh Nam bộ và ở Ðồng Nai 1 tuần qua có xu hướng tăng mạnh.
Tổng đàn heo ở tỉnh Đồng Nai đang có xu hướng giảm ở khu vực chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ.
Theo đó, giá bán ra tại trại hiện đang dao động ở mức từ 44.000 – 46.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 -7.000 đồng/kg so với cuối tháng 3 vừa qua. Trước đó, giá giảm mạnh từ mức trên 50.000 đồng/kg xuống còn dưới 40.000 đồng/kg; có thời điểm chỉ còn 37.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một số tiểu thương cho biết giá heo hơi có xu hướng tăng nhanh những ngày qua. Cụ thể, heo hơi hiện được thương lái mua với giá từ 44.000 – 47.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với nửa tháng trước đó.
Giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ cũng tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với cách đây 1 tuần. Cụ thể, thịt ba rọi rút sườn là 110.000 đồng/kg; ba rọi thường là 80.000 đồng/kg, cốt lết 75.000 đồng/kg, thịt đùi 70.000 đồng/kg, xương 70.000 đồng/kg…
Tuy nhiên, theo các tiểu thương, sức mua thịt lợn tại các chợ truyền thống vẫn chưa tăng mạnh trở lại. Thêm vào đó, nguồn cung thịt lợn vẫn còn ít do người chăn nuôi chưa tái đàn.
Giá bán thịt và giá lợn hơi đang tăng trở lại.
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai, thời gian qua, tổng đàn lợn giảm sút trên quy mô cả nước do ảnh hưởng của dịch bệnh. Để phục hồi được nguồn cung ổn định trở lại cần thời gian từ 3 - 5 tháng.
“Trong ngắn hạn sắp tới, nguồn cung có thể sẽ thiếu hụt nhẹ nên giá lợn hơi sẽ còn tiếp tục tăng. Không chỉ trong nước mà các thị trường tiêu thụ lợn của Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia cũng rơi vào cảnh thiếu hụt tương tự”, ông Công nói.
Ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai cũng cho rằng tổng đàn lợn tuy có giảm nhưng chủ yếu giảm ở khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn tại các công ty chăn nuôi lớn, tổng đàn cũng như lượng thịt lợn tiêu thụ vẫn đảm bảo.
Như tại Công ty chăn nuôi CP (Chi nhánh Ðồng Nai), đàn lợn vẫn duy trì khoảng 85.000 con nái và 450.000 con thịt. Hiện tổng đàn của doanh nghiệp này vẫn đang ổn định và chiếm khoảng 40% tổng sản lượng tiêu thụ lợn toàn tỉnh. Tại các doanh nghiệp khác, đàn lợn cũng đang duy trì ổn định với khoảng 49.000 con nái và 378.000 con thịt.
Tại các công ty chăn nuôi lớn, tổng đàn cũng như lượng thịt lợn tiêu thụ vẫn đảm bảo.
Theo ông Lộc, Sở Công thương sẽ đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn hỗ trợ nhằm đảm bảo nguồn cung nếu thị trường bị thiếu hụt sau DTLCP.
Đầu tháng 4, Tổng cục Thống kê đã đề nghị Ðồng Nai phối hợp triển khai thí điểm việc khai báo đàn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bằng phần mềm quản lý. Việc thí điểm được đề xuất áp dụng với các hộ chăn nuôi có quy mô bước đầu từ 30 con lợn và 1.000 con gà trở lên.
Theo Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai, việc nắm được tổng đàn để quản lý và hoạch định phát triển chăn nuôi là rất quan trọng vì công tác thống kê hiện nay còn nhiều bất cập.
Tuy nhiên, thực tế chăn nuôi ở Việt Nam cho thấy quá trình triển khai sẽ không dễ dàng vì phụ thuộc rất nhiều vào người chăn nuôi.
“Công nghệ dù tiên tiến vẫn phải phụ thuộc vào dữ liệu từ người chăn nuôi cung cấp. Nếu người chăn nuôi không kê khai, cung cấp thì không thể thực hiện”, ông Quang nói.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thương lái Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua lợn con giống tại các tỉnh phía Bắc.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khoảng 1 tuần trở lại đây ghi nhận có thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu mua lợn con giống tại các tỉnh phía Bắc.
Nguyên nhân có thể do lượng lợn giống của Trung Quốc giảm sút vì DTLCP thời gian qua. Khi nước này đã khống chế được dịch bệnh thì nhu cầu tái đàn tăng cao nên họ đẩy mạnh thu mua lợn con của Việt Nam