Ấn Độ: nhập ròng gạo sau 21 năm
Ấn Độ có thể trở thành nước nhập khẩu ròng gạo vào năm 2010, lần đầu tiên sau 21 năm, khi mua khoảng 3 triệu tấn gạo trên thị trường thế giới. Ấn Độ và Philippine đang là “điểm nóng” của thị trường gạot hế giới.
Thế giới: sản lượng gạo sẽ thấp hơn nhu cầu
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng gạo thế giới vụ 2009/10 sẽ thấp hơn 2,4 triệu tấn so với nhu cầu. Theo Hiệp định tự do mậu dịch gạo Asean, từ ngày 1/10/2009, thuế nhập khẩu gạo trong nội khu vực gần như sẽ được xoá bỏ.
Thái Lan: xuất khẩu gạo giảm 20% trong 10 tháng
Nước xuất khẩu gạo thế giới, Thái lan, đã xuất khẩu 7,06 triệu tấn gạo trong giai đoạn 1/1 đến 26/10/2009, giảm 20,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Trị giá xuất khẩu thời gian đó đạt 4,06 tỷ USD, giảm 25,91%. Nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thái Lan chiếm 30% mậu dịch gạo thế giới.
Thái Lan - Philippines bất đồng về biểu thuế gạo
Sau Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 tại Chaam - Hua Hin, hai nước thành viên ASEAN là Philippines và Thái Lan đã không đạt được thỏa thuận về biểu thuế áp đối với gạo Philippines nhập khẩu của Thái Lan. Theo Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN, từ ngày 1/1/2010, các mức thuế của Philippines áp đối với gạo nhập khẩu sẽ giảm từ 40% hiện nay xuống còn 20%. Tuy nhiên, Manila lập luận rằng gạo là hàng hóa được phân loại kỹ lưỡng nên nước này có thể áp mức thuế nhập khẩu 35%. Bù lại, Philippines sẽ trao cho Thái Lan hạn ngạch gạo miễn thuế mỗi năm là 50.000 tấn. Phía Thái Lan đánh giá mức thuế trên vẫn quá cao, trong khi Malaysia và Indonesia đều đã nhất trí cắt giảm thuế từ 40% hiện nay xuống chỉ còn 20 - 25% vào năm tới và năm 2015. Ngoài đề xuất giảm thuế nhập khẩu, Thái Lan cũng yêu cầu Philippines nâng hạn ngạch gạo được miễn thuế lên 360.000 tấn/năm. Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực trong khi Thái Lan là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, mỗi năm xuất khẩu khoảng 8,5 - 10 triệu tấn gạo. Năm 2008, Thái Lan xuất khẩu 10 triệu tấn gạo, trong đó có khoảng 599.000 tấn là xuất sang Philippines. Trong 8 tháng đầu năm nay, Manila đã nhập 116.322 tấn gạo của Thái Lan, chủ yếu là gạo chất lượng cao.
Ấn Độ: Sản lượng gạo năm nay sẽ giảm còn 89 triệu tấn
Sản lượng gạo của Ấn Độ năm nay ước tính sẽ giảm còn 89 triệu tấn so với mức 99 triệu tấn năm 2008. Mức dự tính sản lượng cho năm nay nêu trên vẫn cao hơn mức tiêu dùng gạo trung bình hàng năm là 86 triệu tấn. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp cho rằng sản lượng gạo của Ấn Độ có thể giảm tới 17 triệu tấn trong năm nay, tức là chỉ có thể đạt khoảng 82 triệu tấn. Trong khi đó, tại một số bang sản xuất gạo lớn như Punjab và Andha Pradesh, sản lượng gạo đều giảm. Sản lượng gạo giảm sút sẽ khiến cho lượng thu mua gạo giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, tác động tới lượng gạo tồn kho hiện tại của Chính phủ và tác động tới giá gạo (hiện giá gạo bán lẻ đã tăng 14% so với mức giá cùng kỳ năm ngoái). Như vậy, việc Ấn Độ nhập khẩu gạo có thể sẽ được xem xét và xuất khẩu gạo vẫn được kiểm soát chặt. Để đảm bảo sản lượng gạo cho năm nay, Chính phủ đang tìm biện pháp khuyến khích sản xuất lúa và tăng diện tích trồng lúa trong vụ Rabi, đồng thời tăng giá hỗ trợ tối thiểu để tăng cường thu mua gạo.
Thái Lan: Dành 60 tỷ baht bình ổn giá gạo trong nước
Thông tin từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết, ngân hàng sẽ dành 60 tỷ baht tín dụng, tương đương hơn 31.000 tỷ đồng giúp bình ổn giá gạo nước này trong vụ thu hoạch tới.
Cụ thể, 20 tỷ baht trong khoản tín dụng được cấp cho các cơ sở xay xát dùng làm vốn lưu động thu mua thóc lúa của nông dân, 20 tỷ baht khác cho nông dân vay trực tiếp. Số tiền còn lại cấp cho Tổ chức kho bãi công cộng để thu mua khoảng 2 triệu tấn gạo trong vụ thu hoạch sắp tới.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Thái Lan xuất 7,06 triệu tấn gạo, giảm gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được biết đến do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; bởi vậy, trong thời gian tới, bình ổn giá gạo và khôi phục xuất khẩu gạo đang là mục tiêu hàng đầu của chính phủ Thái Lan.
ASEAN+3 nỗ lực lập hệ thống dự trữ khu vực
Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (ASEAN+3) ghi nhận tiến triển trong việc thực hiện dự án thí điểm lập hệ thống kho gạo dự trữ khẩn cấp Đông Á.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (ASEAN+3) ghi nhận tiến triển trong việc thực hiện dự án thí điểm lập hệ thống kho gạo dự trữ khẩn cấp Đông Á (EAERR), dự kiến kết thúc vào cuối tháng Hai năm tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị liên quan tại Cha-am Hua Hin, Vương quốc Thái Lan, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 cũng đánh giá cao nỗ lực chuyển EAERR thành một cơ chế thường trực theo chương trình xây dựng kho gạo dự trữ khẩn cấp ASEAN+3.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải lập kho gạo dự trữ trong bối cảnh các thảm họa thiên tai diễn ra ngày càng thường xuyên và với mức độ tàn phá ngày càng trầm trọng, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 cho biết đã chỉ thị cho bộ trưởng nông nghiệp và lâm nghiệp 13 nước khu vực tăng cường nỗ lực để sớm thực hiện chương trình lập kho gạo dự trữ khẩn cấp ASEAN+3 nhằm bảo đảm sự tiếp tục của cơ chế an ninh lương thực khu vực sau khi EAERR hết hiệu lực.
Philippine: cho phép các công ty nhập khẩu 563.000 tấn gạo mỗi năm
Cơ quan Lương thực quốc gia Philippine cho biết Philippine sẽ cho phép tư thương nhập khẩu tới563.000 tấn gạo mỗi năm trước khi xoá bỏ những hạn chế về khối lượng vào năm 2012. Trong tổng số đó, 163.000 tấn sẽ được cấp cho hạn ngạch nhập khẩu với những nước mà Philippine đã có thoả thuận, bao gồm Thái Lan, Australia, Trung quốc, Ấn Độ và Pakistan. 400.000 tấn còn lại là để đáp ứng chỗ thiếu cung.
Philippine: sẽ mua thêm lúa gạo từ nông dân
Cơ quan Lương thực quốc gia Phililppine có kế hoạch mua thêm gạo trên thị trường nội địa trong năm tới, nhiều hơn khối lượng 1 triệu tấn dự kiến mua trong năm nay, để khích lệ nông dân trồng lúa.
|