Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì, được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…
Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón...) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Hội nghị cũng chỉ rõ những khó khăn trong công cuộc số hoá ngành nông nghiệp, đó là nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, HTX, nông dân còn chưa chặt chẽ, hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý, thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ...
Các đại biểu, chuyên gia đã đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp…
Trình bày tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trọng tâm là rà soát, ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý nhà nước; từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng số hóa, nông nghiệp thông minh, tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế nông nghiệp.
Nhận thức của người dân là rào cản trong việc số hoá ngành nông nghiệp
Hiện nay, hệ thống thông tin sản phẩm nông nghiệp tỉnh đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại địa chỉ: http://nongsan.thuathienhue.gov.vn; đã cập nhật được gần 100 sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh. Hệ thống được phát triển nhằm cung cấp giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp cho tổ chức, doanh nghiệp; thông tin về các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực… được số hóa, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, phục vụ công tác quản lý sản xuất, kinh doanh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Tỉnh cũng xây dựng một số mô hình chuyển đổi số, số hóa trong nông nghiệp và bước đầu cho kết quả tích cực, tiêu biểu như, mô hình truy xuất nguồn gốc đối với các loại cây ăn quả như bưởi thanh trà, ổi… Quá trình sản xuất được số hóa và người dùng có thể tra cứu, truy xuất thông tin; qua đó từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cây trồng. Ngoài ra, mô hình nuôi tôm thẻ thông minh ứng dụng công nghệ IoT trong giám sát, tương tác tự động. Hệ thống sẽ tự động cảnh báo các chỉ số môi trường trong ao nuôi, theo dõi qua ứng dụng trên điện thoại, giúp người nuôi có thể quản lý từ xa, phát hiện sớm các yếu tố bất lợi để kịp thời điều chỉnh, giúp tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, dữ liệu về thủy lợi, phòng chống thiên tai cũng được số hoá trên nền tảng Hue-S với các dữ liệu ban đầu như, số liệu về mực nước các hồ chứa, mực nước trên sông Hương, sông Bồ, mực nước tại các đập thủy lợi, thủy điện, các thông tin về thời tiết, lượng mưa, sức gió, ngập lụt và các cảnh báo liên quan; qua đó giúp người dân có thể nhanh chóng cập nhật thông tin về thiên tai để chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại trong mùa mưa lũ.
“Chúng tôi đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu 3 lĩnh vực: Trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, thủy lợi và chuẩn hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành các lĩnh vực còn lại; chuẩn bị nguồn dữ liệu đồng bộ để tiến tới số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành”, ông Bình thông tin.
Ông Bình cũng nêu một số hạn chế cần khắc phục về cơ sở hạ tầng số ở nông thôn, nhận thức, kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của bà con nông dân; sự phân tán của dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp; một bộ phận nhỏ cán bộ công chức viên chức và người lao động đã quen với cách thức làm việc, lưu trữ thông tin số liệu theo phương thức truyền thống, chưa kịp thích ứng với các ứng dụng, phần mềm hiện đại, gặp nhiều khó khăn trong việc số hóa dữ liệu. Chi phí đầu tư cho các mô hình ứng dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất nông nghiệp rất lớn…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh gía cao những kết quả về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua; đồng thời cho rằng, ngành nông nghiệp cần tập trung cải cách hành chính; xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành nông nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; ưu tiên phát triển hạ tầng cho các vùng trồng, chăn nuôi tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ, startup về lĩnh vực số hóa, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản thông minh, hiện đại…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại hội nghị để tổ chức phối hợp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.