Sáng 31-10, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương và nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ chủ trương thành lập TP Huế trực thuộc trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu, quan trọng nhất phải đủ về tiêu chí TP trực thuộc trung ương.
Ông nêu rõ TP trực thuộc trung ương phải là cực tăng trưởng của khu vực, cả nước hiện có 5 TP trực thuộc trung ương, tới đây có thêm TP Huế sẽ lên 6.
Tổng Bí thư nhấn mạnh TP trực thuộc trung ương phải có triển vọng phát triển và "đầu tư TP tức là đầu tư cực tăng trưởng của khu vực".
Do đó phải có nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt vì TP là cực tăng trưởng nên phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.
"Nếu lên TP thì đầu tiên phát triển như thế nào?", Tổng Bí thư đặt vấn đề và cho rằng phát triển phải bền vững, hài hòa, "Nếu TP cứ phát triển vùn vụt còn nông thôn càng khó khăn là không được, rồi người dân cứ ùn ùn đổ về TP".
Tổng Bí thư cho biết Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập TP Huế thuộc trung ương và nhận thấy đủ tiêu chí và vẫn còn những điểm hạn chế thì Quốc hội đưa ra cùng thảo luận, tháo gỡ.
"Huế rất xứng đáng nhưng cũng phải chia sẻ những khó khăn của Huế nếu lên TP sẽ phải đối mặt... Tất cả những khó khăn đó phải vượt qua", Tổng Bí thư bày tỏ.
Với những địa phương muốn phấn đấu trở thành TP trực thuộc trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý phải căn cứ vào tiêu chí từ quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa... đều có quy định.
"Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước. Tôi thấy Huế xứng đáng. Tuy nhiên lên TP thì cần một giai đoạn, bước quá độ... Chúng ta hy vọng thời gian đó không quá dài", Tổng Bí thư nêu ý kiến.
Tại tổ TP.HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng Huế là một vùng di sản, đặc biệt di sản vật thể nhiều nhất còn tồn tại của nước ta.
Điều này có ý nghĩa về lịch sử, ghi nhận một giai đoạn lịch sử của nước ta. Tất cả di sản này phải được ghi nhận để góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia Việt Nam.
"Người nước ngoài đến cũng muốn tham quan di tích lịch sử, văn hóa của nước ta. Chúng ta có điều kiện để giới thiệu, quảng bá những di sản văn hóa, lịch sử và sự tồn tại của Huế góp vào điều kiện đó. Xây dựng đưa Huế lên thành phố trực thuộc trung ương sẽ khẳng định lại vị trí lịch sử của cố đô", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Dù vậy ông Nghĩa cho rằng nghị quyết vẫn còn ngắn gọn, đơn giản. Ông đề nghị cần đưa vào nghị quyết những nguyên tắc về tài chính, đầu tư để Chính phủ có cơ sở cung cấp nguồn lực cần thiết để Huế đầu tư nhằm làm trọng chức năng đô thị di sản.
Theo ông Nghĩa: "Bảo tồn một đô thị di sản dù có lợi cho cả nước nhưng cực kỳ khó khăn, tốn kém. Vấn đề tiền ở đâu để tôn tạo, duy tu, bão dưỡng và ngoài ra tiền đầu tư vào các hoạt động để phát huy, quảng bá.
Việc này không thể chờ đợi địa phương tự túc, do vậy cần đưa hẳn vào nghị quyết để Chính phủ có cơ sở cung cấp nguồn lực cần thiết cho Huế".
TP Huế tập trung vào giá trị, chức năng quan trọng nhất là đô thị di sản
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn khi trong đề án có gắn Huế với chủ trương đô thị hóa, công nghiệp hóa. Nếu không khéo sẽ để công nghiệp hóa, đô thị hóa lại lấn át chức năng đô thị di sản.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Ông Nghĩa đề nghị: "TP Huế không nên nhấn mạnh chức năng công nghiệp hóa, nếu thu hút quá nhiều công nghiệp, đặc biệt công nghiệp ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Trước đây có dự án tính làm trên đồi Vọng Cảnh đã bị dư luận phản ứng".
Đại biểu nhấn mạnh: "Tăng trưởng Huế xác định làm sao không ảnh hưởng đến giá trị, chức năng quan trọng là đô thị di sản.
Đô thị di sản sẽ kiếm tiền dài dài, đó chính là tạo GDP, tạo ra ngân sách chứ không chỉ đô thị hóa mới tạo ra ngân sách. Bảo tồn cực kỳ khó khăn nhưng bảo tồn được thì rất quý giá".