Những ngày này ghé vào các vườn quất ở Hội An đều thấy một màu vàng rực của trái đã chín vàng. Mọi năm vào giờ này, quất chỉ mới bắt đầu lác đác hơi vàng để đến gần Tết chín rộ là vừa đẹp.
300 chậu quất của ông Mỹ đã chín vàng dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết
Nhiều nông dân trồng loại cây này mấy ngày nay đứng ngồi không yên. Nông dân Nguyễn Phúc (42 tuổi, trú tổ 19, xã Cẩm Hà, Hội An) chia sẻ, năm nay thời tiết thay đổi nên trái chín sớm. Trồng loại cây kiểng này ngày càng khó “ăn”. Năm nay tiền phân, thuốc, công đều tăng cao hơn năm ngoái, nhưng đến giờ này chưa thấy thương lái đến đặt hàng.
Ở gần vườn của ông Phúc là 300 chậu quất của ông Mỹ (50 tuổi). Ông Mỹ cho hay năm nay ông trồng được 500 chậu nhưng chỉ đạt 300 chậu để bán Tết. Tuy nhiên đến nay hầu hết trái quất trong chậu đã chín vàng rực.
Ông Trần Tam đang trảy lá cho hơn 100 chậu mai trong vườn
Ông than thở: “Càng ngày làm hoa Tết càng khó. Năm nay thời tiết nắng nóng quá nên trái chín trước hết. Làm hoa kiểng giống như đánh bạc quá!”. Canh cho cây ra trái đúng dịp Tết đã khó, khi đã đúng rồi thì lại sợ sâu bệnh phá hoại, rồi không biết bán có được giá không. Người nông dân canh cánh với nhiều nỗi lo cho sản phẩm của mình.
So với cây quất cảnh thì cây mai còn khó chiều gấp mấy lần. Bà con Hội An trồng mai khi được hỏi đều lắc đầu ngán ngẩm. Nông dân Trần Tam (54 tuổi, trú tổ 3, phường Tân An, Hội An) thở dài khi nói về cây mai: "Khó “ăn” lắm chú à. Cây mai chịu ảnh hưởng của thời tiết kinh khủng. Nắng thì nở sớm, lạnh thì ngậm luôn".
Ông Tam trồng được hơn 100 chậu mai nhưng ông chỉ mong mai nở trúng Tết được vài chục chậu là thành công. Năm ngoái, cả vườn mai của ông chỉ trúng được vài chậu. Thế là bỏ công chăm sóc cả năm mà cuối năm không thu được đồng nào ăn tết. “Tôi dự định bán hết số chậu mai này rồi giải nghệ cho khỏe, theo nó cực quá”, ông Tam tâm sự.
Khu vườn hơn 1.000 chậu mai của ông Nguyễn Tùng đang được ông trảy lá
Nông dân Nguyễn Tùng (56 tuổi, khối phố Tân Thạnh, phường Tân An, Hội An) là một trong vài người nổi tiếng vì số lượng mai trồng. Ông đang chăm sóc hơn 1.000 chậu mai trong vườn.
Tuy là người có thâm niên trong nghề nhưng vào trưa 4/1, khi tôi ghé, thấy trước vườn của ông có treo bảng “Cần sang vườn”. Ông cho biết mới treo bảng mấy ngày nay vì quá mệt mỏi với những cây mai không "ưa" thời tiết.
Ông kể, năm ngoái hơn 1 ngàn chậu mai của ông chỉ trúng được hơn 20 chậu, bán cũng được vài chục triệu đồng nên có tiền trang trải trong mấy ngày Tết, còn năm nay tình hình chưa biết được vì thời tiết khó lường quá.
Trong khu vườn của ông, ngoài những chậu mai ông đang trảy lá, chăm sóc cho kịp Tết thì có rất nhiều chậu đã trổ bông. Ông thở dài: "Tôi muốn sang nhượng lại khu vườn này để nghỉ ngơi, theo mai đã mấy chục năm nay giờ cũng đuối rồi".
Trong số đó có nhiều chậu đã nở hoa dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết
Một “chuyên gia” về mai kiểng khác là ông Thái Thành Phụ (50 tuổi, tổ 2, phường Tân An, Hội An) chia sẻ: "Không ai tài giỏi gì mà nói làm mai trúng 100%. Loại cây này bị thời tiết chi phối hết, nắng thì nở sớm còn lạnh thì cầm lại hết".
Ông Phụ trồng hơn 500 chậu mai nhưng ông nói năm vừa qua, ông không có một chậu nào bán Tết vì chậu thì nở trước Tết, chậu thì nở sau. Năm nay ông Phụ đánh giá cũng như năm ngoái vì thời tiết càng ngày càng thay đổi thất thường khiến người trồng hoa không biết đường nào mà lần. “Tôi có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng bó tay với mai”, ông Phụ than thở.
Hỏi sao không xử lý thuốc để mai nở đúng dịp? Ông Phụ giải thích: Cây mai rất khó xử lý bằng thuốc như các loại cây kiểng khác. Nếu xử lý bằng thuốc hoa sẽ mau tàn và sẽ ảnh hưởng đến hoa mùa sau; do đó hầu hết các nhà vườn đều để mai nở tự nhiên.
Theo những người trồng hoa kiểng tại Hội An, năm nay dự kiến số lượng mai và quất cảnh ở đây bán ra thị trường sẽ không nhiều, chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm trước.