Thì có đâu xa, thằng cu nhà mình mới rời làng mấy tháng vừa về quê ăn giỗ đã diện áo phông quần bò, điện thoại màn hình cảm ứng lướt nhoay nhoáy trước những đôi mắt thèm thuồng của trai gái trong làng...
Nông dân sốt ruột muốn đổi đời là lẽ đương nhiên. Tâm lý nôn nóng được bằng chị bằng em, rồi đâm chán cảnh chân lấm tay bùn, chán luôn cả ruộng vườn vì làm nhiều mà thu nhập ít. Bên cạnh đó, nhiều nơi nông dân mất đất cho dự án mọc lên như nấm.
Một lớp dạy nghề trồng nấm rơm Một loạt nông dân, kể cả thanh niên độ tuổi vào đời bị thất nghiệp, không muốn chấp nhận cảnh nghèo vốn dĩ đã an bài nhiều đời nay. Nông dân một số “bị” đô thị hóa, số khác muốn “được” đô thị hóa thành một phong trào làm nông thôn bất yên.
Nhưng muốn làm giàu, thậm chí kiếm đủ ăn nơi “kẻ chợ” đâu có dễ. Phải có một nghề trong tay, mà cái tay nghề ấy phải giỏi giang mới mong thành đạt. Thanh niên nông thôn không thi thố được nghề nông ở thành phố đã đành. Nhưng không dễ làm quen với cuộc sống công nghiệp hay nghề buôn bán vốn xa lạ với những người thật như đếm, chân chỉ hạt bột, không biết nói dối và lừa lọc.
Muốn học nghề thành công, thanh niên nông thôn phải lột xác, phải có “tâm hồn công nghiệp” để nắm được kỹ năng công nghiệp cũng như cuộc sống đô thị. Dạy nghề là do nhu cầu của nhà nước và xã hội, nhưng không phải nơi nào cũng biết cách dạy nghề nên thất bại nhiều hơn thành công. Từ một chàng trai chỉ biết chăn trâu và chẻ lạt gói bánh chưng bánh tét, không dễ gì thích nghi được với cái kìm, cái búa...
Cho nên điều quan trọng bậc nhất trong việc dạy nghề cho nông dân là phải chọn lọc được những người có khả năng làm nghề. Có những người yêu nghề nông, muốn làm nghề nông và chỉ có thể làm nghề nông. Đưa họ sang nghề khác, họ kiếm ra miếng ăn cho mình cũng đã khó. “Quý hồ tinh”, chạy theo con số để tiêu tiền, à uôm trong dạy nghề là thất bại cầm chắc.