Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Chi nhánh Ngân hàng CSXH Thừa Thiên Huế - “Bà đỡ” cho người nghèo
Ngày cập nhật 01/04/2013

       Thành lập và đi vào hoạt động cách đây 10 năm, tiền thân là Ngân hàng phục vụ người nghèo, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Thừa Thiên Huế thực sự là địa chỉ tin cậy và trở thành “bà đỡ” cho những người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. Với những thành quả đạt được trong 10 năm qua trên lĩnh vực xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đã được cộng đồng xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Trong thành quả chung đó, có sự đóng góp tích cực không nhỏ của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

          Xác định đúng tôn chỉ mục đích đã đề ra “Không vì mục tiêu lợi nhuận” mà phải thể hiện rõ vai trò, vị thế của mình về loại hình tín dụng ưu đãi, trong những năm qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Hương Trà đã tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xoá đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Bình và anh Nguyễn Công Hùng- những năm trước của thập kỷ 90 được biết đến là một trong những hộ nghèo điển hình của phường Hương Vân, thị xã Hương Trà. Mặc dù vợ chồng tần tảo quanh năm, thức khuya, dậy sớm nhưng vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Trong thời điểm này, việc tìm được nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất chăn nuôi là vấn đề không phải dễ. Việc Phòng GD Ngân hàng Chính sách Xã hội Hương Trà ra đời chính là đòn bẫy giúp cho không ít hoàn cảnh gia đình, đối tượng chính sách xoá được đói, giảm được nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, vợ chồng chị Bình, anh Hùng là một điển hình đáng ghi nhận. 


Mô hình chăn nuôi heo giống của chị Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chị Bình chia sẻ: Sau hai lần vay vốn ưu đãi hộ nghèo, với nguồn vốn 7 triệu đồng được vay lần đầu, sau ba năm trả hết nợ  nhưng gia đình chị vẫn chưa thoát được nghèo, lần thứ hai chị được được tạo điều kiện vay 15 triệu đồng. Chủ động được nguồn vốn, nắm bắt được  nhu cầu chăn nuôi đang phát triển mạnh mẽ, chị Bình đã đầu tư vào việc chăn nuôi heo giống kết hợp với heo thịt để cung cấp cho thị trường. Sau nhiều năm thử nghiệm có hiệu quả, mô hình ngày càng được phát triển và nhân rộng. Đến nay, tổng đàn heo của hộ gia đình lên đến 100 con, trong đó có 15 heo giống, 80 heo thịt. Mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, bình quân mỗi lứa xấp xỉ 100 con. Nếu thị trường đầu ra được giá thì cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Theo chị Bình thì hình thức chăn nuôi này không chỉ giúp gia đình sớm thoát nghèo, mà còn có điều kiện tốt hơn để đưa 3 ngươi con vào đại học, dựng được ngôi nhà mới khang trang với kinh phí hơn 600 triệu đồng.

Chương trình cho vay dự án phát triển lâm nghiệp bước đầu không chỉ làm cho hàng trăm nghìn hộ dân sinh sống ven rừng  thay đổi quan niệm sống chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên rừng, mà đã  tạo được bước đột phá trong đổi mới tư duy, phương thức phát triển kinh tế rừng dựa trên tiềm năng đất đai của từng địa phương. Đến nay doanh số cho vay ở chương trình này toàn tỉnh là: 85,5 tỷ đồng, dự nợ đến cuối năm 2012 là: 68,9 tỷ đồng. Riêng tại địa bàn thị xã Hương Trà số dự nợ trên 27 tỷ đồng.

Ông Hồ  Khả Bồi, một hộ sinh sống ven rừng thuộc địa bàn phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia triển khai chương trình trồng rừng của dự án WB3 từ năm 2009, với diện tích 3 hecta. Bình quân ông được vay 15 triệu đồng /ha, theo hình thức  giải ngân hai đợt. Sau khi triển khai phát thực bì, đào hố sẽ giải ngân 50% nguồn vốn của đợt một, số còn lại 50% sẽ được giải ngân  sau khi hoàn thành việc trồng rừng. Theo ông Bồi với hình thức và quy định cho vay này rất được người dân đồng tình ủng hộ, một mặt không chỉ giám sát chặt chẽ được đồng vốn ưu đãi mà còn xem việc sử dụng đồng vốn có đúng mục đích ý nghĩa của chương trình cho vay đề ra không? Ông Bồi nhẫm tính, với diện tích rừng trồng này sau 5 năm sẽ cho thu hoạch mỗi ha xấp xỉ 90 triều đồng. Trừ mọi chi phí cây giống, công chăm sóc, lãi ngân hàng thì cũng thu được 45 triệu đồng/hecta. Nhờ vậy đời sống người dân nông thôn, đặc biệt là các hộ dân sống dựa vào rừng những năm trở lại đây đã có nhiều thay đổi, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. 


Bà Trần Thị Minh Châu, GĐ Phòng GD Ngân hàng CSXH thị xã Hương Trà
thăm mô hình trồng rừng của hộ ông Hồ Khả Bồi

Cùng với chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay trồng rừng, thì chương trình cho học sinh-sinh viên vay vốn cũng được triển khai có hiệu quả. Được triển khai thực hiện từ năm 2007 đến năm 2012, nhưng doanh số cho vay toàn tỉnh hơn: 502 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay  tại địa bàn thị xã Hương Trà đạt trên 60 tỷ đồng. Đây là chương trình không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn tiếp thêm ý chí, nghị lực cho hàng nghìn học sinh-sinh viên nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập. Nhờ tiếp cận kịp thời được nguồn vốn ưu đãi  nên không ít hộ gia đình ở vùng đất học Hương Chữ, thị xã Hương Trà, không còn cảnh xoay xở, chạy tiền hàng tháng cho con ăn học như những năm trước đây. Điển hình như hộ gia đình bà Hồ Thị Búp-ông Trần Công Lụa, một hộ nghèo ở thôn An Đô, có 6 người con nhưng cùng một thời điểm lại có đến 4 cháu đã vào đại học.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tổng doanh số cho vay trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh là: 3.207,6 tỷ đồng, bình quân đạt 320,8 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2012 doanh số cho vay  đạt trên 458 tỷ đồng. Nếu như trước đây Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh chỉ có 3 chương trình tín dụng thì đến nay đơn vị đã thực hiện 10 chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, với tổng dư nợ đến năm 2012 là: 1 433 tỷ đồng. Chương trình cho vay hộ nghèo, với trên 250 nghìn lượt hộ nghèo  được vay vốn để sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, trong đó đã giúp gần 50 nghìn lượt hộ thoát nghèo. Nếu như năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh chiếm(13,68%) (theo chuẩn nghèo cũ) thì đến năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn(7,95%) (theo chuẩn nghèo mới). Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội mà còn làm thay đổi diện mạo bộ mặt từ thành thị đến nông thôn. Chương trình cho vay giải quyết việc làm, đã có trên 100 nghìn lao động được tạo việc làm mới. Đã có trên 52.300 có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chương trình học sinh–sinh viên để đóng học phí và trang trải chi phí liên quan đến học tập. Hơn 16 nghìn hộ ở khu vực nông thôn được vay vốn để cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.  Một số chương trình cho vay xuất khẩu lao động, cho vay dự án phát triển lâm nghiệp, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, cho vay thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở cũng phát huy được hiệu quả của đồng vốn.

Ông Trương Công Lân, GĐ Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết: Để phát nâng cao hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp: Tiếp tục bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đến năm 2020 để thực hiện. Tranh thủ và khai thác các nguồn lực trong xã hội để đáp ứng nguồn vốn tín dụng phục vụ mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Ngoài ra. cần phối hợp với Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị xã hội  cấp xã thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc bình xét cho vay một cách công khai, đúng quy định. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và xử lý nợ xấu nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. 

Với loại hình ngân hàng đặc thù, hoạt động không vì lợi nhuận, nhìn lại 10 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu XĐGN bền vững, phát triển kinh tế và giữ vững ổn định xã hội trên địa bàn. Đạt được thành quả trên là nhờ đã  bám sát, thực hiện tốt tôn chỉ mục đích: “Không vì mục tiêu lợi nhuận” mà phải thể hiện đúng vai trò, vị thế của mình về loại hình tín dụng ưu đãi, góp phần tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xoá đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần thực hiện thành công các chính sách về an sinh xã hội.

Bài và ảnh: Công Bằng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.416.079
Truy cập hiện tại 255