Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ cùng lãnh đạo Hội ND 63 tỉnh, thành Hội và các ban, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua 3 năm thực hiện Đề án 24; những vấn đề đặt ra mà các cấp Hội cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để nhân rộng mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp trong thời gian tới… để có cơ sở lý luận và thực tiễn giúp Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII ban hành Nghị quyết về xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, bổ ích đảm bảo 5 cùng: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi đã khắc phục được cơ bản những hạn chế, khó khăn trong nhiều năm về hoạt động của chi hội, tổ hội. Qua đánh giá, xếp loại hằng năm, 98% chi hội, tổ hội nghề nghiệp đạt vững mạnh và xuất sắc.
Do nội dung sinh hoạt thiết thực hơn, gắn với nhu cầu, đòi hỏi từ thực tế cuộc sống và quá trình sản xuất, kinh doanh của hội viên nên tỉ lệ hội viên tham gia sinh hoạt và gắn bó với Hội cao hơn. Việc tổ chức sinh hoạt dễ dàng hơn (địa điểm sinh hoạt có thể tại nhà chi hội trưởng, tổ trưởng, hội viên; nhà văn hóa thôn, xóm, ấp, cụm dân cư, khu phố), nhiều chi hội, tổ hội sinh hoạt ngay tại vườn, trang trại của hội viên như ở một số tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ. Qua đó, đảm bảo thực hiện được đúng chế độ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Hội, tỉ lệ hội viên tham gia sinh hoạt đạt từ 85- 90%. Trong 3 năm đã có 25.263 hội viên được kết nạp vào các chi hội, tổ hội nghề nghiệp.
Phó Chủ tịch TT Lương Quốc Đoàn trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 3 năm Đề án
Chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở được nâng lên rõ rệt nhất là cán bộ chi hội, tổ hội. Đội ngũ cán bộ chi, tổ hội nghề nghiệp năng động hơn, sáng tạo hơn, kỹ năng điều hành và quản lý tốt hơn, tính gắn kết, cộng đồng trách nhiệm cao hơn.
Thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững, đặc biệt trong việc kết hợp giữa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Đồng thời, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã tổ chức các hoạt động cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, giống con nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu như: Chi hội chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động với 40 thành viên, quy mô diện tích là 55 ha, lợi nhuận trung bình của các thành viên chi hội là 70 tỷ/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chi hội sản xuất giống lúa chất lượng cao tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho năng suất cao, bình quân 7 tấn/ha, với 91 thành viên, quy mô 80 ha, doanh thu 3 năm là 1 tỷ 779 triệu đồng, cho lợi nhuận bình quân/năm 254 triệu đồng; đã ký hợp đồng với Công ty Lương thực Tiền Giang để thu mua lúa.
Trong 3 năm qua, đã có 206 hợp tác xã, 1.690 tổ hợp tác được thành lập trên nền tảng từ các tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố. Tiêu biểu như: Chi hội dệt thổ cẩm xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã phát triển trở thành Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; Chi hội chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã phát triển thành hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp; Tổ hội trồng cam xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã phát triển thành Hợp tác xã nông nghiệp...
Nhìn chung, qua 3 năm triển khai thực hiện, về cơ bản đã thực hiện được các chỉ tiêu, nội dung, yêu cầu của Đề án đặt ra. Tính đến 31/5/2019 cả nước đã có 14.812 tổ hội nghề nghiệp được thành lập với 166.477 hội viên tham gia trên các lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh như trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng, chế biến thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng...Về trồng trọt có 9.577 tổ; chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản 3.490 tổ; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác 1.724 tổ. Bình quân 11 hội viên/tổ.
Đã có 683 chi hội nghề nghiệp được thành lập với 28.978 hội viên nông dân tham gia với ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ; nuôi trồng, chế biến thủy sản; tiểu thủ công nghiệp; cơ khí; vật liệu xây dựng... Về lĩnh vực trồng trọt 314 chi hội; chăn nuôi, khai thác nuôi trồng thủy sản 179 chi hội, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác 190 chi hội. Bình quân mỗi chi hội có từ 40 - 50 hội viên, chi hội có số hội viên cao nhất 287 hội viên, chi hội có số hội viên thấp nhất là 20 hội viên.
Giai đoạn 2019 – 2023, Hội tiếp tục đẩy mạnh và phát triển mạnh mẽ mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp trong toàn hệ thống Hội, trọng tâm là mô hình tổ hội nghề nghiệp theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác nông vận, vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hằng năm, mỗi cơ sở Hội xây dựng được 2 - 3 tổ hội nghề nghiệp trở lên; mỗi Hội Nông dân cấp huyện xây dựng được 01 chi hội nghề nghiệp trở lên; phấn đấu 50% trở lên các hợp tác xã, tổ hợp tác đã có thành lập được chi hội, tổ hội nghề nghiệp; từ năm 2021, phấn đấu hằng năm mỗi cơ sở Hội thành lập được 2 - 3 tổ hợp tác, mỗi huyện thành lập được 01 - 02 hợp tác xã trên cơ sở phát triển từ chi hội, tổ hội nghề nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ đánh giá cao mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp. Bí thư cho biết: 3 năm qua, tỉnh đã tạo điều kiện, hỗ trợ hình thành 21 chi Hội nghề nghiệp, 42 tổ Hội nghề nghiệp. Qua thực tiễn cho thấy đây là mô hình tiên tiến, tập hợp hội viên nông dân hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của hội viên, nông dân cần đặc biệt quan tâm nhân rộng. Tới đây, Tỉnh ủy sẽ phối, kết hợp với Đảng đoàn Hội NDVN hiệu quả hơn nữa để phát triển mô hình này.
Thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch Hội ND Lào Cai Đinh Minh Hà cho biết: Đến nay tỉnh đã thành lập được gần 100 tổ Hội. Qua thực hiện, cán bộ, hội viên đồng thuận với Đề án. Chi, tổ Hội nghề nghiệp đã góp phần đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động Hội, giúp thuận lợi cho việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, từ đó hướng đến thành lập tổ hợp tác, HTX.
Chủ tịch Hội ND Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân cho rằng để phát triển chi, tổ Hội nghề nghiệp thì việc tuyên truyền thay đổi nâng cao nhận thức, làm cho nông dân hiểu quyền và lợi ích khi tham gia là giải pháp cơ bản, lâu dài. Đồng thời, Trung ương Hội có văn bản gửi cấp ủy các tỉnh, thành về chi, tổ Hội nghề nghiệp góp phần tạo điều kiện cho các cấp Hội hoạt động; ban hành hướng dẫn chi tiết để thống nhất triển khai ở tất cả các cấp Hội trong cả nước. Ngoài ra, Trung ương Hội cần yêu cầu các tỉnh, thành Hội báo cáo các mô hình hiệu quả để tuyên dương, các tỉnh, thành Hội có nhu cầu có thể đến tham quan, học tập.
Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên bên lề hội nghị
Để tạo điều kiện về vốn, Chủ tịch Hội ND Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân đề nghị Trung ương Hội làm việc với ngân hàng CSXH, ngân hàng NN&PTNT tạo cơ chế riêng cho chi, tổ Hội vay vốn với hạn mức cao hơn vì khi đó trách nhiệm của tổ viên, tính hợp tác, liên kết cá nhân cao hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Chủ tịch Hội ND Thừa Thiên – Huế Phạm Thị Minh Huệ khẳng định: Nơi nào lãnh đạo Hội quan tâm và tranh thủ, tham mưu được cho cấp ủy chính quyền cùng vào cuộc thì chi, tổ Hội nghề nghiệp phát triển mạnh hơn. Đồng chí Phạm Thị Minh Huệ đề nghị cần bổ sung thêm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cùng với phát triển hoạt động chi, tổ Hội nghề nghiệp; đồng thời, các chủ trương, chính sách khuyến khích cần cụ thể hơn, tạo điều kiện ưu đãi cho hội viên, nông dân tham gia; Trung ương Hội ưu tiên hẳn một phần kinh phí riêng cho phát triển chi, tổ Hội nghề nghiệp.