Tại Thông Báo kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực, phấn đấu, phát huy lợi thế, đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Cùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cũng như cả nước. Hướng phát triển xây dựng Đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” là phù hợp với thế mạnh của tỉnh và chủ trương của Đảng tại Kết luận 48-KL/TW ngày 25/05/2009 và Thông báo 175-TB/TW ngày 01/8/2014 của Bộ Chính trị.
Tỉnh đã chú trọng phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững và đạt được nhiều kết quả khả quan; thu ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực, luôn đạt và vượt dự toán được giao. Tỉnh cũng đã thiết lập và bước đầu vận hành mối liên kết các Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Từng bước phát huy 4 Trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học – công nghệ và trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Cải cách hành chính, chương trình phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai tích cực; tỉnh đã xuất sắc dành được giải thưởng “Viễn thông Châu Á năm 2019” với dự án Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Các phong trào bảo vệ môi trường “Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” được các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng và là điểm sáng để các địa phương khác học tập...
Sớm tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48
Về kiến nghị có Nghị quyết của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và xem xét có cơ chế chính sách riêng để công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc thù- thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tỉnh sớm hoàn thành việc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định về việc ban hành một Nghị quyết mới nhằm xác định định hướng phù hợp cho việc tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thừa Thiên Huế trong thời kỳ mới.
Về việc công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc thù- thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tỉnh chủ động phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá thực trạng phát triển đô thị của tỉnh theo các tiêu chí, định mức về quy mô, trình độ phát triển theo quy định tại nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH14, đáp ứng vai trò hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng và cả nước, cũng như trong mối tương quan phát triển của các đô thị trực thuộc Trung ương khác. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) xem xét, quyết định.
Đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Ủy ban TVQH về phân loại đô thị và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong thời gian qua để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, hạn chế nhằm kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Về mở rộng ranh giới TP. Huế theo hướng hình thành đô thị trung tâm với trục cảnh quan dọc theo sông Hương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản nhất trí với chủ trương mở rộng địa giới hành chính TP. Huế để có đủ không gian phát triển đô thị phù hợp với định hướng bảo tồn di sản văn hóa và thân thiện môi trường. Tuy nhiên, việc mở rộng này cần gắn kết chặt chẽ với quan điểm, mục tiêu và kế hoạch sắp sếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng và Ủy ban TVQH về việc sắp sếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019- 2021. Tỉnh sớm hoàn thiện đề án trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban TVQH xem xét, quyết định.
Sớm bố trí vốn giải tỏa khu vực kinh thành
Về bố trí vốn cho dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khi vực 1 di tích Kinh thành Huế, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chungkế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương, trong đó dự kiến bố trí cho dự án 500 tỷ đồng. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận thống nhất giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương dựa trên nguyên tắc được nêu tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu trình Chính phủ bố trí ít nhất 500 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho dự án. Đồng thời, lưu ý tiếp tục bố trí vốn cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới nhằm bảo đảm hoàn thành dự án trong nhiệm kỳ tới.
Về đề nghị bố trí sử dụng các nguồn vốn còn dư khác của ngân sách Trung ương như: nguồn thu vượt, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm… để thực hiện dự án. Đề nghị Chính phủ xem xét, có phương án cân đối bố trí để đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đề án. Ủy ban TVQH sẽ quan tâm chỉ đạo Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội lưu ý kiến nghị của tỉnh khi thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương, hoặc trong quá trình xây dựng dự toán năm 2020 của tỉnh để bổ sung cho dự án.
Liên quan đến kiến nghị có cơ chế hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn 2021- 2025 để phục hồi, tôn tạo các hạng mục di tích Cố đô Huế, đề nghị tỉnh đề xuất cụ thể với Chính phủ để có phương án cân đối nguồn vốn, tổng hợp trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.
Đảm bảo tiến độ mở rộng cảng hàng không Quốc tế Phú Bài
Về dự án mở rộng cảng hàng không Quốc tế phú Bài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản nhất trí về sự cần thiết đẩy nhanh các thủ tục để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài với công suất 5 triệu hành khách/năm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đề nghị tỉnh tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vướng mắc về quy trình thủ tục, quan tâm đẩy nhanh tiến độ cấp vốn để thực hiện dự án theo đúng kế hoạch.
Việc đề nghị cho áp dụng cơ chế hợp tác công tư (PPP) để thực hiện dự án mở rộng cảng hàng không Quốc tế phú Bài giai đoạn 2021- 2025, hiện nay Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). Luật được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh thực hiện áp dụng phương thức đối tác công tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án mở rộng cảng hàng không Quốc tế phú Bài.
Về chủ trương dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam với mục tiêu thành lập hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế, theo quy định, dự án này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Chính phủ khi xem xét, quyết định thành lập mới hoặc nâng quy mô các hãng hàng không phải đảm bảo các hãng hàng không đảm bảo hoạt độngổn định và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế (ngày 17/8/2019)