Tìm “miền đất hứa” bên kia biên giới
Thời điểm này, bước vào mùa thu hoạch cam chính vụ, song tình trạng thiếu lao động đang làm đau đầu các nhà vườn, chủ trang trại ở Nghệ An. Ông Nguyễn Văn Thành (trú xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) cho biết, gia đình ông trồng hơn 3ha cam. Đang thời điểm phải chăm sóc, ông cần thuê tới 10 nhân công lao động, nhưng tìm người thuê không dễ.
“Anh nhìn xem quanh đây, có mống thanh niên nào đâu. Để có người làm, tôi phải chạy đôn chạy đáo đi khắp nơi tìm lao động với giá lên tới 200.000-300.000 đồng/ngày, mà phải đi khắp nơi mới tìm được và còn phải có việc làm thường xuyên cho họ mới giữ chân được”- ông Thành tâm sự.
Tuy nhiên, mấy bữa nay cam đang thời kỳ thu hoạch nhưng người lao động lại không thiết tha. Họ tìm kiếm những công việc nhàn rỗi ở trên thành phố. Bí người, ông phải huy động vợ con “đánh vật” với vườn cam.
Ông Thành cho biết, 3 năm qua, ông phải lặn lội lên xã miền núi của Quỳ Hợp như Hạ Sơn, Bắc Sơn, Văn Lợi, Nghĩa Xuân, thậm chí nhờ người quen đi các huyện Quế Phong, Quỳ Châu để tìm người làm. Thế nhưng có lúc vẫn phải về tay không. Thuê người lao động ở xa phải bố trí chỗ ăn ở cho họ, chi phí tăng thêm nhưng vẫn phải chấp nhận. Đây là điều mà nhiều chủ vườn trên địa bàn huyện xã Minh Hợp như ông Thành phải làm.
Những trang trại trồng hồng, thanh long, cam... trên địa bàn Nghệ An đang gặp khó khăn vì thiếu lao động là thanh niên, nam giới trầm trọng.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Quỳ Hợp cho biết: “Về những gia trại và trang trại trồng cam trên địa bàn, đến mùa chính vụ nhiều nơi thiếu lao động trầm trọng, họ buộc phải thuê những người lớn tuổi trong vùng để thu hoạch cam. Hầu hết lao động ở độ tuổi thanh niên không mặn mà với nghề nông nên tìm hướng đi làm ở thành phố. Mấy năm gần đây, tình trạng đi xuất khẩu (XKLĐ) chui sang Lào và Trung Quốc làm việc rất nhiều”.
Trong khi đó, ông Vang Hồng Chuyên – Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: “Lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên ở địa phương thì nhiều nhưng mấy năm nay họ đi sang Lào, Trung Quốc làm ăn; lúc đi, lúc về nên địa phương rất khó kiểm soát...”.
“Giữ chân” lao động với ruộng đồng
Chưa khi nào, làn sóng lao động trẻ rời quê đi lao động ở Nghệ An nhiều đến thế. Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải ngậm ngùi: “Hiện các huyện miền núi đang đứng trước tình trạng lao động đi làm ăn xa, dẫn đến thiếu hụt lao động tại chỗ, ruộng đất bỏ hoang, kéo theo thu nhập từ nông, lâm nghiệp xuống thấp”.
Còn theo số liệu tổng hợp của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện nay có hơn 45.900 người lao động đã đi khỏi các huyện (trong đó nam 27.756 người, nữ 18.181 người). Phần lớn lao động đi nước ngoài - chiếm 15.438 người, riêng thị trường lao động Trung Quốc là gần 5.800 lao động.
"Đơn cử như huyện Tương Dương, có 8.327 người (nam là 4.752 người) đi khỏi quê, trong đó có hơn 5.000 người lên các thành phố lớn trong nước, còn lại đi lao động ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… Số lao động ở các huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp đi Trung Quốc cũng chiếm số lượng lớn so với các thị trường nước ngoài khác" - ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết.
Còn ông Lê Văn Lương – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An nhận định: “Do thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều người đang ở độ tuổi lao động thanh niên không mặn mà với ngành nghề nông nghiệp. Trong khi đó xu thế thời đại mới là ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp nên đại đa số lao động thanh niên đều chưa đáp ứng được tay nghề nên không thích ứng kịp thời”.
Trao đổi với phóng viên, nhiều người mong muốn tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sắp tới, Thủ tướng sẽ có những quyết sách kịp thời để hỗ trợ, giải quyết cho người nông dân yên tâm ở lại quê sinh sống, làm việc.
“Nếu làm phép so sánh, một lao động nông nghiệp làm 1 sào ruộng trong 1 năm cày, cấy, chăm sóc, thu hoạch được trên 4 tạ thóc, với giá thị trường hiện nay được trên 3 triệu đồng, không bằng 1 tháng đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp, ngành nghề dịch vụ. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến người lao động nông nghiệp hiện nay không tập trung đầu tư sản xuất mà luôn theo đuổi việc làm ở các ngành nghề khác” - ông Lê Văn Lương cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Chú trọng tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đã đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM): Bên cạnh những kết quả toàn diện, bứt phá, còn thực trạng buồn là rất nhiều lao động bỏ quê, bỏ ruộng, vườn đi làm ăn xa, giải pháp tháo gỡ vấn đề này thế nào?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại cuộc họp tổng kết 10 năm xây dựng NTM ở Nam Định, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá: “Chương trình xây dựng NTM đã đem đến một kết quả lịch sử, các thiết chế hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội được nâng cao chỉ trong 9 năm, với giá trị 2,4 triệu tỷ đồng. Trong thời gian rất ngắn, 100% số xã có điện lưới...”. Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận, sản xuất theo chuỗi ở nông thôn đã được quan tâm nhưng chưa định hình rõ ràng, chưa phổ biến. “Tôi cũng rất chia sẻ là hiện nay, ở nhiều nơi, trong đó có Thái Bình chẳng hạn, người dân bỏ ruộng rất nhiều, không mặn mà với ruộng đất”- ông Cường nói.
"Tới đây, chuẩn bị cho tổng kết ngành, Chính phủ cũng đã giao cho bộ, ngành liên quan và các địa phương chuẩn bị các giải pháp, tham mưu để tới giai đoạn 2021 - 2025 định dạng cho rõ, tập trung sự chỉ đạo, nhóm giải pháp để giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại, đó là thúc đẩy sản xuất, văn hoá xã hội, vấn đề môi trường, tổ chức sản xuất lớn"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.