Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
GIÁO DỤC
Dấu ấn lớp đàn guitar thầy Quý
Ngày cập nhật 04/04/2014
Một lễ tất niên guitar cuối năm ở lớp thầy Quý

 Ở Huế, có lẽ Trương Văn Quý là một người thầy dạy đàn guitar lâu năm nhất, có số lượng nhạc sinh đông nhất, nhiều thế hệ nhất.

  Tôi theo học đàn thầy Quý cách đây hơn 20 năm. Thời ấy tôi vừa mới đôi mươi, nhưng trước đó đã lâu nhiều thế hệ đàn anh, đàn chị của tôi, như Bửu Minh, Hoàng Trọng Đạt, anh Tiến, anh Sơn, anh Quân, anh Lập, chị Giao, chị Liên… và hàng trăm anh, chị khác đã học xong chương trình đàn guitar của thầy.

 

Ngày đầu nhập học, bỡ ngỡ nghe tiếng gõ phách nhịp, chân phải gác lên chân trái để làm điểm tựa cho cây đàn áp sát người, chân trái dẫm lên nền nhà để bắt nhịp theo mỗi nốt nhạc xướng lên; tiếng đàn được phát ra bập bẹ bởi miếng gảy còn vụng về. Những bài học vỡ lòng tiêu tốn nhiều thời gian đủ sức để thử lòng kiên nhẫn, yêu âm nhạc của bất kỳ nhạc sinh nào. Không chỉ có vậy, thầy Quý nổi tiếng nghiêm khắc với nhạc sinh mỗi khi bài giảng cũng như kỹ thuật đánh đàn của thầy không được nhạc sinh tiếp thu đầy đủ. Thầy có thể cho nhạc sinh nghỉ học bất kỳ lúc nào nếu không tuân thủ các quy định, quy tắc lớp nhạc đề ra. Vì vậy, nhạc sinh chúng tôi theo học nghiêm túc, mỗi lần vắng mặt phải có xin phép, bài vở phải được tập luyện thật kỹ ở nhà trước khi đến lớp… Tất cả điều này tạo nên một lớp nhạc kỷ cương, nền nếp.

Thời gian cứ thế trôi mau, chúng tôi vượt qua chương trình sơ cấp, lên trung cấp, rồi tiếp đến chương trình hòa tấu với những ca khúc thuộc hàng khó nhất. Ai nấy đều cảm thấy hãnh diện khi tiếng đàn của mình ngày nào giờ đã khá lên từng ngày. Nhìn bản nhạc đọc nốt lưu loát, xướng âm chính xác, việc chuyển hợp âm cũng nhẹ nhàng hơn. Sướng nhất là việc cả lớp nhạc cùng đánh hòa tấu, tiếng đàn, tiếng hát được hòa quyện với nhau khiến cho thầy Quý cảm thấy hài lòng vì công sức thầy đổ ra để giảng dạy cho mỗi một nhạc sinh được đền đáp. Sự truyền dạy của thầy Quý có lẽ hiếm nhất trên đời này, bởi hễ bất cứ ai đã có dịp bước chân đến lớp đàn của thầy dù học ít hay học nhiều khó có thể quên đi những bài dạy của thầy năm xưa. Nhiều nhạc sinh của những thế hệ đàn anh, đàn chị và kể cả chúng tôi, trong đó có nhiều người học thầy Quý được mấy tháng với những nốt nhạc vỡ lòng, đến hôm nay, dù đã mấy mươi năm rồi nhưng mỗi khi nhắc đến lớp đàn guitar thầy Quý đều thuộc nằm lòng những nốt nhạc “sol si la sol fa fa re do mi sol do si la sol… (nốt nhạc của các khúc đầu tiên của bài hát “Khúc hát thanh xuân”)…

Học nhiều, luyện tập nhiều, nhưng cánh nhạc sinh chúng tôi đều mong ngóng từng ngày đến dịp Tất niên cuối năm, bởi đây là buổi quan trọng nhất của nhạc sinh khi được lên sân khấu trả bài trước thầy và trước những anh, chị đi trước. Hồi hộp, lo lắng xen lẫn niềm tự hào. Để hoàn thiện bài học, đồng thời làm quen đàn guitar điện, sân khấu đông người, chúng tôi phải tập dượt trước rất nhiều. Ngày Tất niên cũng đến, đông lắm, hàng trăm người đã tụ hội về đây dự lễ, trong đó có một số anh trở thành những nghệ sỹ guitar nổi tiếng như anh Bửu Minh, anh Hoàng Trọng Đạt… Thầy Quý lên sân khấu trân trọng giới thiệu khách mời, lần lượt gọi tên chúng tôi lên sân khấu biểu diễn… Tất niên lớp đàn guitar thầy Quý đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp, điều đặc biệt nhất, có những nhạc sinh lúc học thầy đang là trai trẻ mà đến nay đã có đầy đủ cháu nội, cháu ngoại vẫn đến dự lễ; có những nhạc sinh bố đã từng học học thầy trước đây, nay con tiếp tục noi theo bố…

Chỉ là một lớp guitar rất đỗi bình thường như bao lớp guitar khác hiện đang mở ở Huế, song có lẽ hiếm có một lớp guitar nào như là lớp guitar của thầy Trương Văn Quý, bởi học đàn ở thầy không chỉ học nốt nhạc, kỹ thuật chơi nhạc là xong mà thầy Quý còn dạy cho chúng tôi cách học làm người, học chữ “nhẫn”, chữ “tâm”, biết tôn sư trọng đạo, không được tự cao tự đại... Vì vậy, trong suốt mấy mươi năm dạy đàn guitar của mình, thầy Quý đã đào tạo hàng nghìn nhạc sinh với đủ các ngành, nghề khác nhau trong xã hội, nào là bác sỹ, kỹ sư, nào là cán bộ, công chức, nào là sinh viên, học sinh và thậm chí có cả những người lao động tự do nhưng tất cả họ đều hòa đồng, vui vẻ và sống rất chan hòa, thân thiện với nhau.

Dù đến nay, thầy Quý tuổi đã nhiều (trên 70 tuổi), nhưng tính cách của thầy vẫn như xưa, phong độ vẫn vậy, nhất là tiếng đàn của thầy vẫn cuốn hút như ngày nào nên lớp đàn guitar của thầy cho đến giờ phút này (mở tại Trung tâm Văn thể mỹ, thành phố Huế) vẫn thu hút đông đúc nhạc sinh theo học, hàng năm thầy vẫn duy trì đều đặn. Lễ Tất niên guitar cuối năm. Lớp đàn guitar thầy Quý là như vậy đó!

 
Hoàng Trọng Bửu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.414.460
Truy cập hiện tại 12