Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học Cây trồng - Đại học Nông nghiệp I, anh Trương Văn Dư (sinh năm 1981, Phú Xuyên, Hà Nội) tìm được một công việc trong doanh nghiệp nước ngoài tại thủ đô. Đến năm 28 tuổi anh nhận tấm bằng thạc sĩ khi đang làm cho một doanh nghiệp Nhà nước với mức lương cao.
Sống trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đã trải qua nhiều vất vả nên anh luôn nuôi quyết tâm phải làm giàu. Nhận xong bằng thạc sĩ, anh Dư rủ một số bạn bè lên Mộc Châu thuê đất để làm nông nghiệp vì thấy khí hậu ở đây rất phù hợp. Ý tưởng này vấp phải phản đối mạnh mẽ từ gia đình, đặc biệt là mẹ anh.
"Mẹ tôi nhiều lần khóc, khuyên can tôi ở Hà Nội làm việc rồi lập gia đình. Với những người thân của tôi, việc học hành bao nhiêu năm, đang đi làm ổn định, rồi lại tính về vùng đồi núi xa xôi để làm nông nghiệp thực sự là khó chấp nhận", anh Dư kể lại. Tuy nhiên, cuối cùng anh vẫn một mực lên đường.
Anh Dư nuôi quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp
Khi mới lên Mộc Châu, anh cùng bạn bè thuê 1,5ha đất để trồng dưa hấu. Do nguồn cầu của thị trường không lớn, bán không được giá nên chẳng mấy chốc nhóm bạn phải chịu lỗ 50 triệu đồng. Bạn bè anh rời Mộc Châu trở lại với Hà Nội, trong khi chàng thạc sĩ vẫn kiên trì, không cam chịu thất bại.
Một mình ở lại, nhưng con đường đi tiếp theo ra sao vẫn là một câu hỏi lớn khiến anh Dư đau đầu. Với suy nghĩ, nếu cứ làm những sản phẩm thông thường, theo cách quen thuộc thì khó mà thành công được nên anh Dư nảy ra ý tưởng trồng cà chua trái vụ vì mặt hàng này hiện nguồn cung ở miền Bắc khá hạn chế.
"Ở miền Bắc, cà chua chỉ trồng được một vụ. Thị trường vẫn có không ít hàng Trung Quốc, còn vận chuyển từ Đà Lạt thì chi phí quá cao", anh lý giải.
Bắt tay vào triển khai kế hoạch mới, năm 2010 anh Dư tiếp tục thuê trang trại dưa hấu với giá 60 triệu một năm. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như anh nghĩ. Giai đoạn từ tháng 4 đến 6, Mộc Châu thường bị ảnh hưởng gió tây, thời tiết nắng, rất khô và nóng. Do chưa có kinh nghiệm xử lý ánh nắng nên đợt giống đầu tiên, cây chết hàng loạt, anh tiếp tục lỗ vài chục triệu. Để cứu vãn tình hình, số lượng cà chua giống còn sống, anh triển khai để trồng thương phẩm. Tuy nhiên, khi gần được thu hoạch thì những trận mưa liên tiếp hàng tuần lại khiến cà chua bị nứt, phải đổ đi số lượng lớn.
"Khi đó, mẹ lên thăm tôi ở Mộc Châu, bà vừa đi hái những quả cà chua còn sót lại, vừa khóc. Và đã có những lúc tôi suy nghĩ hay trở về Hà Nội, sống cuộc sống trước kia", anh kể lại.
Tuy nhiên, cái giá anh phải trả đã quá đắt nên việc từ bỏ cũng không dễ dàng. Đúng thời điểm đó, Viện Rau quả Việt Nam mới được chuyển giao kỹ thuật lai ghép cà chua lên gốc cà tím từ trung tâm phát triển rau thế giới nhưng chưa có đối tác dám nhận thử nghiệm. Anh Dư quyết định mạo hiểm thêm một phen mặc dù chi phí đầu tư cho dự án này không phải nhỏ.
"Việc triển khai một dự án mới, vốn sẽ huy động từ đâu, tổ chức, sắp đặt sản xuất ra sao, đầu ra của sản phẩm thế nào... là những câu hỏi không dễ tìm được câu trả lời. Cuối cùng sau nhiều ngày trăn trở, tôi tính sẽ vay tiền để làm, mặc dù lúc đó cũng rất run", anh nói.
Anh cũng lý giải, việc ghép cây cà chua lên gốc cà tím sẽ hạn chế được bệnh héo xanh, một bệnh phổ biến nguy hiểm mà người trồng cà chua vụ sớm không thể tránh khỏi. Để thực hiện kế hoạch mới, anh vay một tỷ đồng từ bạn bè, gia đình để làm nhà kính và sản xuất cà chua giống ghép trên cây cà tím trên diện tích ban đầu là 8.000 m2.
Không lâu sau đó, anh đã thành công khi ghép được 18.000 cây giống đưa ra thị trường. Năm 2012 anh Dư đã quyết định thành lập Công ty cổ phần GreenFarm.
"Khi đã làm được sản phẩm có giá trị mang tính chất hàng hóa đưa ra thị trường thì mặt hàng đó cũng cần một cái tên, một địa chỉ giao dịch... mới tiến xa được", anh lý giải về quyết định của mình.
Hiện diện tích sản xuất của Green Farm đã được mở rộng và công suất ghép hàng năm được 2,5 triệu cây giống, với giá bán 1.200 đồng mỗi cây. Ngoài ra, anh còn phát triển thêm diện tích hơn 1,5ha trồng rau an toàn cung cấp cho các nhà bán lẻ ở khắp nhiều tỉnh thành. Anh cho biết, năm 2013, doanh thu từ tiền cây giống ghép khoảng 3 tỷ, sau khi trừ các chi phí thì lợi nhuận đạt trên một tỉ đồng. Còn lợi nhuận từ sản xuất rau an toàn vào khoảng 300 triệu.
Trong năm nay, anh Dư dự định sẽ nâng công suất ghép giống lên khoảng 3 triệu cây cà chua và mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên khoảng 5 ha.