Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Rời “sao, vạch” về quê làm nông dân, thu nhập... hàng "khủng"
Ngày cập nhật 18/08/2014
Ông Thính hiện đã trở thành chuyên gia nuôi ếch có tiếng ở Thái Bình.

      Ngày rời ngành công an, ông trở về quê với đôi bàn tay trắng. Vợ con nheo nhóc, vốn liếng không có, những tưởng cái đói cái nghèo sẽ đeo bám mãi. Trong lúc gian nguy nhất, ông Bùi Thọ Thính (SN 1959, ở xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã cứu vãn cuộc đời bằng “nghiệp” nuôi cá, ếch...
 

Giữa khu vực đồng không mông quạnh của xã Đông Sơn, nổi lên một cơ ngơi bề thế của ông Thính. Con đường bê tông từ đường chính dẫn vào trang trại do ông Thính tự bỏ tiền ra xây dựng. Phía trong trang trại cũng được ông Thính làm đường, kè ao đâu ra đấy. Từng công trình được phân khu và làm rất bài bản chứng tỏ lão nông này có cách làm kinh tế rất khoa học.

        Bắt đất sinh sôi

Tác phong nhanh nhẹn, thân hình vạm vỡ và giọng nói đầy tự tin của ông Thính khiến người lần đầu gặp ông tưởng ông là cán bộ… tuyên huấn. Cơn mưa buổi sáng vừa ngớt như làm cho khu trang trại của ông bừng tỉnh. Tiếng cá quẫy ầm ầm dưới ao, tiếng lợn kêu réo đòi ăn, tiếng ếch ồm ộp… Tất cả thứ âm thanh đó như tạo thành bản nhạc đồng quê.

Ông Thính bảo: “Đến lúc chúng đòi ăn rồi đấy!”. Dứt lời, ông nhanh tay lấy túi cám ra cho lũ ếch ăn. Dãy ao nằm giáp bờ ruộng là nơi ông dành để nuôi ếch. Từng lô ếch được làm bằng lưới chã, phía trong hàng trăm con ếch đang nháo nhác.

“Lũ ếch này là ham ăn lắm! Giờ chúng cũng nghiện ăn thức ăn công nghiệp rồi. Cứ 3 tháng là tôi xuất một lứa” -ông Thính khoe.

Trên diện tích ao không được rộng cho lắm, nhưng ông Thính làm hơn chục chuồng ếch. Mỗi năm ông thu được khoảng 20 tấn ếch thịt. Lũ ếch mới thả từ tháng Tư đến nay cũng sắp được thu hoạch.

Với giá bán hiện tại là 50.000 đồng/kg, ước tính năm nay riêng ếch mang lại cho ông Thính doanh thu cả tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Thính nói đến các khâu chọn giống, chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh giống như một chuyên gia. Cái máy điện thoại cũng liên tục đổ chuông. Hóa ra, ông cũng là một người tư vấn về chăn nuôi miễn phí cho bà con.

Người ở Hải Dương, Hòa Bình, Nam Định… gọi tới nhờ ông tư vấn về kỹ thuật nuôi cá rô đồng, nuôi ếch. Ông Thính bảo, giúp thêm một người phát triển chăn nuôi là một phần thưởng lớn đối với mình.

Cạnh chuồng ếch là mấy ao nuôi cá rô đồng. Bờ ao kè kiên cố, hệ thống đường ống dẫn nước được chôn ngầm. Phía ngoài trang trại nước tự nhiên mênh mông nhưng ông vẫn đầu tư làm mấy chiếc giếng khoan. Nước ở trong ao đều được bơm từ đó ra.

Ông Thính cho rằng, nước mặt giờ bị ô nhiễm nặng nên nếu để ngấm vào ao là vật nuôi bị nhiễm bệnh ngay. Muốn chăn nuôi thắng lợi, người nuôi phải chủ động được nguồn nước, đó là kinh nghiệm xương máu mà ông đã phải trả giá nhiều mới rút ra được.

Dường như trong khu trang trại này của ông Thính, ông làm gì cũng ra tiền và cũng thành công. Quả thực, từ lúc gặp lão nông này, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngoài nuôi cá, ếch, ông còn nuôi trên 200 con lợn, ba ba, rồi gà, chim bồ câu.

Mô hình trang trại tổng hợp của ông Thính đã đầu tư gần 3 tỷ đồng. Hơn 20 năm qua, ông đã đổ bao mồ hôi công sức và cả tuổi thanh xuân mới tạo dựng nên nó. Giờ đây, ông vẫn đau đáu làm sao giúp bà con nông dân mình đánh thức tiềm năng của đất để làm giàu.

       Cái chí của người chiến sĩ công an

Có được cơ ngơi bề thế như ngày hôm nay, ông Thính cũng trải qua quãng thời gian đầy cơ cực. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng quê lúa Thái Bình, trong một gia đình đông anh em. Ý thức được nhà khó nên ông có chí chịu khó học hành từ nhỏ.

Ông thi đỗ vào Trường Công an nhân dân, rồi được phân công tác tại tỉnh Lai Châu. Vốn là người thông minh, nhanh nhẹn, chẳng mấy chốc ông được đề bạt làm Phó phòng Tổ chức Công an tỉnh Lai Châu. Những tưởng đường quan lộ đang rộng mở, đùng một cái vợ ông mang thai đứa con thứ ba. Ông chủ động xin rời ngành, về quê chăm sóc vợ.

Đó là một quyết định khó nhất của cuộc đời ông vì ông rất yêu ngành công an. Đầu những năm 1990, khắp vùng quê lúa, cuộc sống của bà con còn muôn vàn khó khăn, với ông mọi thứ khó khăn gấp bội. Vợ một nách 3 đứa con, ông hì hục be bờ, tát nước cấy ruộng.

Quanh năm ông bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không lo cho vợ con được 3 bữa ăn tươm tất. Nhiều đêm nằm nghe tiếng con khóc vì thiếu ăn, ông như thấy có ai đó dùng dao khứa vào lòng mình vậy. Ông chợt nghĩ, mình là người có ăn có học, giờ phải tìm cách gì đó, chứ không thể chịu mãi cảnh nghèo này được.

Sau mấy năm bới đất lật cỏ, ông quyết định chuyển sang làm trang trại. Ở xã sẵn có khu ruộng trũng, ông đổi ruộng cho các hộ khác để có được một khu đất trũng rộng hơn 1ha. Vụ đầu, ông hì hục đào ao thả cả. Nào ngờ sau vài tháng, cá chết trắng mặt ao. Ông kỳ công tìm hiểu nguyên nhân, hóa ra ao mới cải tạo nên bị nhiễm phèn nặng.

Vụ làm ăn đầu tiên thất bát nặng nề, vốn liếng đi tong. Ông lại chạy vạy đi vay tiền khắp nơi. Buồn thay, chẳng ai dám cho ông vay tiền vì sợ ông không trả được. Tay trắng hoàn tay trắng, nhưng với cái chí khí của một chiến sĩ công an, ông không nản chí mà bỏ cuộc.

Không nuôi được cá, ông nuôi chim bồ câu và xây chuồng nuôi lợn. Để có vốn mở rộng sản xuất, ông đi mua chịu 1 chiếc xe máy của người thân rồi bán cho người khác lấy vốn làm ăn. “Cách đó không hay ho, nhưng tôi cứ liều và làm cho kỳ được” - ông Thính nhớ lại.

Chẳng mấy chốc đàn gà, đàn lợn, đàn chim bồ câu sinh sôi nảy nở. Chúng bắt đầu mang lại thu nhập cho gia đình ông. Mỗi năm ông lại tích góp được một ít vốn và từng bước mở rộng sản xuất. Sau 3 năm thau chua, hệ thống ao ông đào trước đây đã bắt đầu thả được cá. Không có tiền thuê nhân công, mọi việc từ đắp bờ, kè ao, đến xây chuồng, vợ chồng ông đều tự làm hết.

Suốt chục năm bỏ nghiệp sao, vạch về làm nông dân, nhưng tinh thần của người chiến sĩ công an năm xưa luôn thôi thúc ông, không cho phép mình được đầu hàng trước nghịch cảnh. 3 đứa con của ông đều được ăn học đến nơi đến chốn. Kiên trì và nhẫn nại gần 20 năm trời, vợ chồng ông cũng bắt đầu thu hoạch quả ngọt. Con cái học hành và đỗ đại học giờ làm việc cả ở Hà Nội. Riêng vợ chồng ông vẫn mạnh dạn vay Ngân hàng NNPTNT huyện Đông Hưng cả nửa tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Năm vừa rồi, ông còn thầu thêm hơn 1ha ruộng của bà con.

Giờ đây, ông còn tự hào là mình đã chủ động được con giống và giúp nhiều bà con khác quanh vùng làm theo cách của mình. Ai đến với ông cũng được ông giúp tận tình. Nhiều người nghèo quá, ông còn cho chịu tiền giống và tư vấn kỹ thuật miễn phí, đến lúc bán được sản phẩm trả tiền giống cho ông sau.

   Trong khi nhiều bà con nông dân luôn lo lắng về đầu ra cho sản phẩm thì ông Thính lại không có đủ hàng để bán. Ông Thính bảo, sản phẩm do mình làm ra phải đảm bảo chất lượng thì người ta mới tự tìm đến mình. Chẳng thế mà mỗi năm ông xuất hàng chục tấn ếch, mấy chục tấn cá rô đồng, hàng trăm con lợn, có thu nhập thuộc hàng “khủng” nhờ chăn nuôi. 


 

 

Theo Dân Việt
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.412.921
Truy cập hiện tại 359