9x chinh phục đông trùng hạ thảo
Với khát vọng thoát nghèo và làm giàu, chàng sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Ngô Kim Lai (SN 1991) lao vào nghiên cứu trồng đông trùng hạ thảo ở Việt Nam và đã thành công.
Ngô Kim Lai trong phòng thí nghiệm nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở công ty.
Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý hiếm trên thế giới, có công dụng hỗ trợ chữa nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, hiếm muộn, yếu sinh lý, tiểu đường… nên có giá tới cả tỷ đồng/kg. Trải qua 3 năm miệt mài nghiên cứu, tiến hành thí nghiệm lên tới trăm nghìn lần, cuối cùng Ngô Kim Lai đã
chinh phục thành công đông trùng hạ thảo.
9x nghỉ việc thành phố, về quê làm củi thu tiền tỷ
Tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải, là một kỹ sư cơ khí có công việc ổn định tại Hà Nội nhưng Lê Trường An (sinh năm 1990) quyết định nghỉ việc về quê lập nghiệp. Trường An sinh ra ở mảnh đất Giao Thủy, Nam Định - nơi thực trạng phế thải nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ, mùn cưa bị người dân mang đi đốt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều lần về quê, anh đều nghiền ngẫm về việc làm sao để có thể giải quyết tình trạng rác thải nông nghiệp cho các miền quê.
Lê Trường An, chủ doanh nghiệp sản xuất củi trấu ở Nam Định
Nhiều lần tìm kiếm giải pháp nhưng chưa thành công, phải đến tháng 12.2012, Trường An mới tìm được lời giải cho bài toán khó mà anh vẫn luôn trăn trở. Khi anh cùng một vài người bạn đi công tác trong miền Tây, Trường An đã được tiếp cận với nhà máy sản xuất củi trấu (loại chất đốt làm từ vỏ trấu) phục vụ sản xuất công nghiệp.
Đầu năm 2013, An quyết định xây dựng nhà xưởng quy mô 1.000 m2. Chiếc máy đầu tiên, An đặt mua tận trong Nam. Một mình An đi khắp các làng xóm thu mua vỏ trấu, mùn cưa để làm nguyên liệu, gõ cửa khắp các nhà máy sản xuất công nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhà xưởng của An có 2 máy sản xuất và 10 công nhân làm việc thường xuyên. Tổng doanh thu mỗi năm đạt 2 – 2,5 tỷ đồng. An đang gấp rút các công đoạn để mua thêm máy và mở rộng quy mô nhà xưởng. Hiện nay, doanh nghiệp của anh đạt doanh thu 2 tỷ/năm.
9x bỏ bằng đại học về quê mở trang trại kiếm tiền tỷ
Đỗ Mạnh Hùng (SN 1991) đã liều lĩnh bỏ công việc thu nhập chục triệu đồng sau khi tốt nghiệp đại học để về quê Thái Bình mở trang trại chăn nuôi lợn rừng Thái Lan. Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM, Đỗ Mạnh Hùng (SN 1991) hiện đang là chủ trang trại với mô hình độc nhất ở xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Chàng thanh niên Đỗ Mạnh Hùng với nỗ lực làm giàu đáng khâm phục
Hùng là người đầu tiên xây dựng mô hình nuôi lợn rừng Thái lớn nhất tỉnh. Hiện nay, chàng trai này sở hữu 54 con lợn giống và nhân giống thành công khoảng 300 – 400 lợn con mỗi lứa. Với trang trại hơn 3 héc ta, ngoài nuôi lợn rừng, chàng trai 9X này còn mở rộng mô hình trồng cây ăn quả và đầu tư 800 m2 thả cá. Với mô hình độc đáo này, Hùng còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động trong vùng với thu nhập 2,5 triệu/tháng.
Mô hình lợn rừng Thái của chàng trai trẻ này đã được nhân rộng trong vùng, thậm chí nhiều người ở các tỉnh khác như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam… tìm đến học hỏi kinh nghiệm, mua giống về chăn nuôi.
9X thu cả ngàn "đô" mỗi tháng từ chim trĩ đỏ
Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1990 ở Lý Nhân, Hà Nam. Tốt nghiệp cấp 3 năm 2009, anh đến giúp việc cho trại nuôi chim của người chú. Một năm sau, anh về nhà cùng gia đình xây dựng trại nuôi chim trĩ đỏ với diện tích khoảng 30m2, vốn đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng.
Ban đầu, anh nuôi chim nhân giống, rồi mới phát triển dần lên nuôi thịt, cung cấp giống và chim non. Hiện anh có trại nuôi rộng khoảng 2.000m2, lúc cao điểm nuôi trên 1.000 con.
Trang trại của anh Thắng hiện rộng khoảng 2.000m2 với 1.000 con chim trĩ đỏ
Tuy nhiên, ở miền Bắc, mùa sinh sản của chim chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm nên theo anh, loại chim thịt chỉ đủ để bán từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Những tháng còn lại, Thắng chủ yếu bán chim giống (khoảng một tuần tuổi) và chim hậu bị (chuyên để sinh sản). Mỗi năm anh xuất bán khoảng 400 con chim hậu bị với giá 350.000 đồng một con và khoảng 1.000 con chim non với giá 50.000 đồng. Thắng cho biết, mỗi con chim thịt nuôi từ nhỏ đến khi xuất chuồng, người nuôi mất chi phí khoảng 110.000 đồng. Với giá bán mặt hàng này, mỗi tháng riêng loại để thịt, anh có thể thu lãi từ 15 đến 20 triệu đồng.
9x làm giàu nhờ nuôi ong
Chàng trai trẻ Phạm Văn Bảo Trung (sinh năm 1994, khu phố An Lạc, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã có 3 năm nuôi ong lấy mật thành công, đem lại doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
"Duyên phận" đến với đàn ong của Bảo Trung bắt đầu do không có duyên với chuyện học hành, Bảo Trung quyết định nghỉ học khi mới vào lớp 10. Từ đó Trung làm phụ cho vườn cà phê của bố mẹ. Không chịu cảnh nghèo khó quanh năm, Trung đã mày mò học cách nuôi ong lấy mật nhằm tận thu những mùa hoa cà phê của gia đình. Với niềm đam mê, chịu khó học hỏi, chỉ trong vòng 6 tháng, Trung đã thu được nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong.
Phạm Văn Bảo Trung trong trại ong của mình
Trung vay mượn được 50 triệu đồng và đầu tư mua 80 đàn ong về nuôi trong vườn cà phê của gia đình. Có ong, Trung tập trung chăm sóc và chỉ 4 tháng sau, qua mùa thu hoạch (mật, phấn, sữa ong chúa) đầu tiên, Trung đã thu hồi vốn và có lãi được số ong ban đầu. Từ đó, Trung càng tập trung nuôi và nhân đàn. Đến nay, nhờ trại nuôi ong với hàng trăm đàn mà mỗi năm Bảo Trung "đút túi" hàng trăm triệu đồng.
9x vượt tật quyền, trở thành triệu phú cây giống
Không chấp nhận những hoài bão của mình phải phải bó hẹp bởi đôi chân tật nguyền, Trần Kim Việt (sinh năm 1990) đã thực hiện ước mơ bằng chính nghị lực của bản thân.
Bén duyên với cây dó trầm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Việt và 3 bạn trong lớp Đại học đã từng làm đề tài về “Nghiên cứu kỹ thuật tạo trầm cho cây trầm hương” và được thầy cô đánh giá cao.
Trước khi có được thành công, Việt đã nếm không ít thất bại, khó khăn.
Qua nhiều lần, chàng trai trẻ tự rút ra cho mình được kinh nghiệm và phương pháp ươm cây.
Hằng ngày những vườn ươm cây giống đưa về cho Việt và gia đình doanh thu từ 300.000 đến 500.000 đồng tiền lãi. Một năm trừ các khoản chi phí, chàng trai trẻ này có trên 100 triệu. Không chỉ say mê với những giống cây trồng, Trần Kim Việt còn mở trung tâm tư vấn tuyển sinh miễn phí cho học sinh tại huyện. “Từng trải qua quãng thời gian loay hoay để định hướng lối đi cho riêng mình, nên mình càng hiểu và đồng cảm hơn làm sao để các em chọn đúng hướng đi cho nghề nghiệp tương lai của bản thân”, đó cũng là trăn trở của Việt.