Sáng 8/6, Quốc hội bước vào ngày thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 2014 và tình hình những tháng đầu năm 2015. Giống như những phiên thảo luận tại các kỳ họp trước, các đại biểu hầu hết đều mở đầu phát biểu bằng việc cơ bản tán thành báo cáo do Chính phủ trình tại phiên khai mạc.
Tuy nhiên, trong số 29 lượt phát biểu buổi sáng, rất nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về tình trạng tiêu thụ - xuất khẩu nông sản, các mặt hàng mất giá, thủy sản liên tiếp gặp vấn đề trên thị trường thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh đời sống của người nông dân ngày càng khó khăn.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại đã thâm hụt lớn, chủ yếu do sức cạnh tranh những mặt hàng chủ lực (nông sản, đồ gỗ, dệt may…) giảm trong bối cảnh tiền đồng lên giá so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Malaysia…
Ông cũng cho rằng các số liệu thống kê hiện nay cho thấy nhiều mặt hàng nông sản mất giá, mất thị trường: Gạo gặp phải những đối thủ như Campuchia, Lào, Bangladesh. Thủy sản khó khăn, vải thiều chật vật tìm đầu ra… Từ những nhức nhối đó, vị đại biểu này chất vấn: “Tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua đã làm được gì?". Ông cho rằng đến nay, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo kiểu "cầu may", cạnh tranh bằng giá rẻ và luôn nớm nớp liệu có bị ép giá hay không.
“Tôi rất muốn nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có ai có thể trả lời câu hỏi làm sao để đưa nông sản Việt Nam vào các nước Nga, Kazakhstan, Belarus hay Hàn Quốc”, ông Hà Sỹ Đồng phát biểu.
Các đại biểu sẽ dành một ngày thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) cũng cho rằng, các giải pháp kinh tế được Chính phủ đề ra nhưng nặng yếu tố vĩ mô, chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính thuyết phục.
"Vì sao tiêu thụ nông sản ế ẩm đến vậy, sản xuất nhiều nhưng khó thị trường tiêu thụ. Lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, rồi đến dưa hấu... Cần có những giải pháp như thế nào để tăng cường hàng xuất khẩu, hợp tác mạnh mẽ với những nước có công nghệ cao như Nhật, Isarel... Tôi rất đau lòng khi nhìn tình trạng này kéo dài nhiều năm nay", ông Đương nói. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn nêu ra những khó khăn trên để Quốc hội phân tích, mổ xẻ.
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc, đoàn Quảng Ngãi cho rằng tới đây, Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại, lĩnh vực gặp khó khăn nhất chắc chắn vẫn là nông nghiệp, do trước đây vốn đã đạt hiệu quả thấp.
"Điệp khúc này đã tồn tại nhiều năm nhưng không có giải pháp khắc phục. Tới đây Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại thì hàng hóa càng khó cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực", ông Phúc nói. Do đó, đại biểu này cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản, phân phối phù hợp, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá.
Cũng rất trăn trở với những khó khăn trong tiêu thụ nông sản thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, hiệu quả kinh doanh trong ngành này hiện còn rất thấp, cạnh tranh yếu. Trong khi đó, Chính phủ cũng như các Bộ, ban ngành đã xây dựng nhiều đề án khắc phục nhưng vẫn loay hoay nên nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải lo giá cả tiêu thụ.
"Vấn đề nông nghiệp đặt ra nhiều tại các kỳ họp nhưng sự vào cuộc của các ngành chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp đến nay đã giải quyết được gì mà vẫn khổ thay cho người nông dân. Lúa bán giá rẻ đó mà vẫn còn đầy đồng, hành tím, dưa hấu khoai lang bán rẻ như cho mà vẫn đổ đống. Thấy mà xót mắt. Có bao nhiêu sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu và được biết đến. Hàng hóa không có tên tuổi, giá trị thì làm sao khách hàng tiêu thụ. Đến giờ này ai lo xây dựng thương hiệu nông sản và lo đến đâu rồi", bà Bé đặt câu hỏi.
Đại biểu này cũng nhắc lại một thực trạng xảy ra thời gian gần đây để đề nghị Chính phủ có những biện pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết bất cập trong mô hình sản xuất, quản lý và tiêu thụ. "Đừng để cảnh các em đoàn viên thanh niên đi vận động người dân mua từng cân khoai, cân hành, dưa hấu để cứu nông dân. Đây không phải là giải pháp bền vững", bà Bé nhấn mạnh.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn đại biểu An Giang cũng cho rằng, giá các mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng chênh lệch với các quốc gia trên thế giới do thua kém về chất lượng. Thêm vào đó những sản phẩm nông nghiệp có uy tín ngày càng ít đi.
"Nếu không giải quyết được bài toán nông dân làm gì thì bài toán hội nhập kinh tế sẽ là gánh nặng lớn chỉ giải quyết được 50%. Chính phủ cần vạch ra những chính sách dài hơi hơn như dự báo, đưa công nghệ vào để có những sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thành lập chuỗi liên ngành đặc biệt là hệ thống phân phối", bà Tuyết nói.
Một trong những nguyên nhân của các tồn tại trong thời gian qua, theo đại biểu này cũng do doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ bé về chất lượng, số lượng, chưa đủ năng lực cạnh tranh. Do đó, thời gian tới cần có cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, nhân rộng liên kết sản xuất, nâng cao năng lực của doanh nghiệp....
Ngoài ra, những hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây trên Biển Đông, các chính sách để tháo gỡ khó khăn trong tín dụng, sức khỏe doanh nghiệp... cũng là những vấn đề nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đánh giá theo những số liệu được công bố, kinh tế trong nước đã phục hồi đáng kể, môi trường đầu tư cải thiện. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại sự phục hồi này chưa thật sự bền vững. “Sự phục hồi hiện nay chủ yếu do uống thuốc khỏe”, vị này ví von.
Cụ thể, hiện nay khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng nhanh, song khu vực trong nước lại ốm yếu. Quý I/2015, số lượng doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn cùng kỳ năm 2014. Chất lượng xuất khẩu vẫn lạc hậu, chủ yếu là hàng nông nghiệp sơ chế, còn nhập khẩu chủ yếu là máy móc. “Cơ cấu như vậy chỉ phục vụ cho nền kinh tế thu động, khó tham gia chuỗi giá trị thế giới”, ông nhận xét.
“Các nỗ lực tái cơ cấu trong nước đang bị dồn nén, cùng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp..., nếu không có những giải pháp xử lý căn cơ thì đây có thể là hiểm họa khôn lường”, ông Đồng nhấn mạnh.
Là kỳ họp giữa năm, ưu tiên các nội dung về xây dựng pháp luật nên theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ dành một ngày để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, thay vì khoảng 1,5 ngày như kỳ họp trước. Trong quá trình thảo luận, một số thành viên Chính phủ cũng sẽ tham gia giải trình thêm về một số vấn đề được dư luận quan tâm.
Phiên họp toàn thể của Quốc hội về kinh tế xã hội được VnExpress tường thuật với sự hỗ trợ của công nghệ truyền hình trực tuyến FPT Telecom.