Đầu hè, trời xứ Mường nóng như đổ lửa. Dọc con đường dẫn vào trang trại bưởi của ông Lê Huy Việt (SN 1964) ở Khu 1, Nông trường 2.9, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, rợp bóng cây. Khi chúng tôi đến thăm, ông Việt đang tất bật cùng anh thợ lắp truyền hình cáp chăng dây, đặt chảo. Trong tay ông cầm chiếc điện thoại cảm ứng, giá cả ngàn đô. Chiếc điện thoại báo tin nhắn liên tục. Hóa ra ở phía đầu dây bên kia, đám thợ làm nhà sàn thông báo cho ông về số lượng gỗ và giá cả. Ông Việt chi tiền triệu cứ ngon ơ.
Từ làm thuê, làm mướn...
Ông Việt sinh ra và lớn lên tại vùng đất Lý Nhân (Hà Nam), vùng quê chiêm trũng luôn thừa nước, nhưng thiếu cơm ăn. Sống qua những ngày đói quay đói quắt nên ông Việt đã sớm có tư tưởng tha hương kiếm sống. Những ngày đầu, ông lang thang hết vùng Nho Quan, rồi sang Yên Thủy của tỉnh Hòa Bình buôn bán mật mía. Công việc vất vả, cực nhọc mà kiếm được chẳng được bao nhiêu, “ráo mồ hôi là hết tiền”. Bao năm sống lang bạt kỳ hồ, bài học lớn nhất mà ông thu được là người nông dân cần phải có đất mới sống ổn định được. Những ngày lang thang ở xứ Mường, ông Việt đã gặp được người bạn đời của mình - bà Bùi Thị Vĩnh, vốn là con của một gia đình lên đây khai hoang. Họ kết mối tơ hồng rồi dẫn nhau về quê Lý Nhân sinh sống. Ở quê được một thời gian, họ lại bàn nhau quay trở lại đất Yên Thủy lập nghiệp.
Trong tay không có đồng vốn nào, đất đai, nhà cửa đều không có, đôi vợ chồng trẻ chỉ có quyết tâm cao như núi khi trở lại đất này. Họ thuê nhà, ngày ngày đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Kiếp làm thuê, sáng làm chiều ăn, họ chẳng tích lũy được đồng vốn nào. Vùng đất Yên Thủy là quê hương của mía, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay tiền, làm lò quay mía đường. Sản phẩm làm ra, họ mang về quê Hà Nam bán. “Làm mật không lãi nhiều, nhưng nó cũng giúp vợ chồng tôi có chút lưng vốn nhỏ. Chúng tôi mua đất làm nhà...” - ông Việt nhớ lại.
Năm 2000, phong trào trồng nhãn, vải phát triển rầm rộ. Nhà nhà nơi đây đua nhau trồng vải. Ông Việt cũng không tránh khỏi cái “bánh xe” phong trào đó. Vùng đất ông mua nằm tít trong xó rừng, chủ cũ để hoang cho cỏ mọc. Mua được 3ha đất, ông hồ hởi đào hố, trồng 600 gốc vải. Ngày ngày vợ chồng đi làm thuê để lấy tiền mua phân bón cho cây.
Bẵng đi mấy năm, vườn vải bắt đầu ra hoa, bói quả, những tưởng gia đình ông sẽ thu hoạch khá. Bao hy vọng bỗng đứt gánh, khi các vườn vải xung quanh cho quả, nhưng chất lượng vải quá chua. Vải bán rẻ như cho, người trồng không có công. Nhìn vườn vải đã khép tán, quả bói sai trĩu, mà lòng ông Việt như có ai đó xát muối vào lòng mình vậy. Chính trong lúc đau đớn đó, ông đã đưa ra quyết định, nói như ông là “cứu cả cuộc đời” là phá vải để trồng bưởi. Ngày ông phá vườn vải, nước mắt vợ chồng lưng tròng, bao mồ hôi, công sức đổ xuống đất này thành công cốc. “Giống bưởi mà tôi đưa về là bưởi Thồ ở Phú Thọ. Ở quê tôi đã trồng từ nhiều năm nay, chất lượng bưởi ăn ngon tuyệt, chỉ tiếc ở quê không có đất để trồng” - ông Việt cho biết.
Thất bại từ vườn vải đã kéo cuộc sống vợ chồng ông xuống dốc thảm bại, nợ cũ chưa trả được, nay lại “cõng” thêm nợ mới khi ông mua giống bưởi về trồng. Lấy kinh nghiệm từng trồng bưởi ở quê, ông đắp ụ trồng cây. Sau mấy năm bưởi cho ra hoa, bói quả. Tháng Tám mùa thu cũng là quãng thời gian sắp được thu hoạch bưởi, vợ chồng ông đã tính, thu hoạch được mấy chục gốc bưởi đó là có tiền trả nợ. Vậy nhưng...
Gần chục năm trời, chuyển đổi các loại cây, hiệu quả mà ông thu được là những bài học thất bại cay đắng và nợ nần đầm đìa. Lần này hàng loạt cây bưởi bị bật gốc... Không cam chịu thất bại, ông Việt cất công lên tận vùng Đoan Hùng (Phú Thọ) tìm hiểu nguyên nhân. Thì ra, vườn bưởi của ông bị đánh bật gốc là do ông đắp ụ và trồng theo cách ở quê, trong khi đó ở vùng đất núi, bà con đều phải đào hố sâu để trồng bưởi. Ông Việt lại mạnh dạn mua 200 cây bưởi Thồ về trồng. Ngày ngày vợ chồng ông cần mẫn đào hố, cho phân, đưa cây giống xuống. Mỗi khi trồng được một cây, ông lại động viên vợ: “Trời không phụ công người mình à. Hôm nay mình quyết tâm trồng cây, rồi có ngày thành công sẽ đến với vợ chồng mình”.
Để có thu nhập ngắn ngày ông trồng xen ngô, đỗ, đậu tương... quanh các hàng bưởi. Kẽo kẹt suốt 3 năm trời, vườn bưởi của ông bắt đầu ra hoa, bói quả. Thứ bưởi Thồ cây to, chắc khỏe, quả to như ấm tích đã treo lơ lửng trên cây. Đến vụ thu hoạch, ông hái thử trái bưởi xuống ăn thử. Và ông thất vọng tràn trề: Quả bưởi rõ to, múi dài như cái lược mà ăn nhạt thếch, cho không ai muốn ăn. Bà Vĩnh kể lại, cái ngày buồn đó, vợ chồng chẳng ai nói với ai lời nào. Ông Việt đã định sẽ cưa hết 200 cây bưởi đi để trồng cây khác.
“Mình ơi, bưởi ngon lắm”...
Trước ngày đưa ra quyết định cay đắng của đời người, ông Việt đánh liều trở lại vùng bưởi Đoan Hùng một lần nữa để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Đến quê hương của giống bưởi Thồ, ông Việt được bà con nơi đây hái bưởi Thồ cho ăn thử. Quả bưởi nào cũng ngọt lừ, ăn một lại muốn ăn hai, ông có thắc mắc với những lão nông kỳ cựu nơi đây: Vì sao bưởi nhà tôi trồng ăn lại nhạt, không ngon như bưởi ở đây? Mấy lão nông quê đất Tổ vỗ đùi và cười rung cả chòm râu dài nhìn anh nông dân xứ Mường với ánh mắt đầy thương cảm. Một lão nông bảo: “Ông đừng có phá vườn bưởi tiền tỷ đó đi. Ông cứ về chăm sóc thật tốt, bưởi mới bói ăn chưa ngon. Năm sau, ông ăn bưởi chắc chắn chất lượng sẽ khác”.
Vụ bưởi thứ hai, cây ra hoa trắng vườn. Ngày ngày đi thăm vườn, ông Việt vẫn nơm nớp lo sợ, nếu chất lượng bưởi mà như vụ trước, ông chỉ còn nước bán đất trả nợ. Nỗi lo của ông Việt đã không xảy ra. Đúng rằm trung thu năm 2009, vườn bưởi Thồ của ông sai trĩu đã “đọng” đường và cho thu hoạch. Ông bổ thử quả bưởi ăn thử, bưởi ngon và ngọt. Ông liền hét to lên gọi với vợ: “Mình ơi, bưởi ngon lắm. Thế là cây đã không phụ công của vợ chồng mình rồi”.
Ông Việt bảo, chăm bưởi nhàn hơn chăm cam nhiều, cuối năm đào xung quanh tán, bón phân chuồng, phân vi sinh. Đến đầu mùa mưa, bón cho mỗi cây mấy kg kali. Trước ngày cây nứt nanh, chuẩn bị ra lộc thì phun thuốc phòng vẽ bùa. Một năm cây ra lộc 4 lần, chỉ cần phòng đúng ngày đó thì cây sinh trưởng phát triển tốt. Mấy năm gần đây bưởi được mùa, được giá, mỗi năm vợ chồng ông thu được cả nửa tỷ đồng từ việc bán bưởi. Giống bưởi Thồ cho sai quả, năm ngoái có những cây cho 500 quả, ông bán được giá 23.000 đồng/quả. “Lái buôn đến ăn thử bưởi Thồ trồng trên đất xứ Mường cứ thích mê. Họ đặt tiền mua cả vườn trước ngày thu hoạch những 2 tháng” - ông Việt không giấu được niềm vui, kể.
Sau hơn chục năm vật lộn với cây, với đất, vợ chồng ông Việt đã trồng kín được 3ha đất, với 300 cây bưởi Thồ và hơn trăm cây bưởi Diễn bắt đầu cho thu hoạch, đang hứa hẹn những mùa bội thu.
Hiện tại, nhiều hộ dân ở Nông trường 2.9 cũng đang cải tạo vườn tạp để trồng bưởi Thồ. Ông Việt tận tình hướng dẫn kỹ thuật và nhân giống cây giúp bà con. Ông Việt cho rằng: Đất Hòa Bình đã rất hợp khi trồng cây bưởi đỏ, nay thêm giống bưởi Thồ hiệu quả kinh tế cao, chất lượng ngon cũng không kém cạnh gì bưởi đỏ.
Bén duyên với bưởi