Nỗi đau này lại chồng nỗi đau khác đối những ngư dân vùng biển, vùng đầm phá. Để nắm tình hình về việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Phú Vang, bên cạnh vụ cá lồng chết ở tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An thì hầu như đa số các vùng biển và đầm phá đều có cá chết, nhưng tùy theo mức độ nhiều hay ít mà thôi, như ở các xã, thị trấn: Phú Xuân, Phú Đa, Vinh Xuân, Phú Diên, Phú Hải, Phú Thuận,... Tình trạng cá chết rãi rác trôi vào dọc bờ biển của các địa phương, cá giống mua về chết; tôm, cua, cá mới được thả nuôi trong lồng, trong hồ 1 đến 2 tháng cũng chết, cá chuẩn bị thu hoạch cũng chết... Nhưng với rất nhiều nguyên nhân: do ô nhiễm môi trường nước, do thiếu ô xi và nhiều nguyên nhân khác nữa.
Vì vậy, trên địa bàn huyện Phú Vang, hầu hết lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo thành lập các tổ thu gom cá chết trên các bãi biển, cử cán bộ phối hợp với người dân để túc trực tại các biển, các khu vực nuôi cá, tôm để thu gom cá, tôm chết mang đi tiêu hủy nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do cá chết mang lại và tuyên truyền người dân không mua bán và sử dụng tôm, cá đã chết.
Rồi ngư dân sẽ ra sao? khi tôm, cá nuôi thì chết, cá biển bị nhiễm độc cũng chết; ngư dân đánh bắt vào không biết bán cho ai, sản lượng đánh bắt giảm mà chi phí đầu tư lại tăng cao... Ngư dân chẳng biết kêu ai, ngoài việc than trách cho số phận của chính mình.
Những khó khăn, vất vả, sự chịu thương, chịu khó của ngư dân đã không được thiên nhiên ưu đãi, đền đáp cho họ. Cho nên, hiện nay ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân huyện Phú Vang nói riêng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, sự chia sẻ, tạo điều kiện của cộng đồng, của các cấp, các ngành chức năng, với tinh thần “ lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.