Từ học làm nông trại công nghệ cao…
Ngày làm việc đầu tiên đoàn đến thăm nông trại ở tỉnh Gyeong Gi (Hàn Quốc), ngay từ khi trên xe ô tô di chuyển đến nông trại Four Season, các thành viên của đoàn đều tỏ ra rất háo hức, ai cũng cảm thấy tò mò muốn được “giải ngố” kiến thức áp dụng máy móc công nghệ cao vào sản xuất, trồng trọt tại nông trại.
Lần đầu bước chân vào khu trồng trọt áp dụng công nghệ cao, các nông dân xuất sắc ai cũng ồ lên vì kinh ngạc. Từ việc canh tác, quy hoạch đến việc lắp đặt nhà kính, máy móc chăm sóc cây đều rất hiện đại và đẹp mắt. “Tôi thực sự bị choáng ngợp trước sự hiện đại của nông trại người Hàn Quốc. Họ không chỉ quá tài giỏi mà rất biết cách canh tác tiết kiệm đất nhất có thể. Chỉ với một khoảng đất nhỏ bằng viên gạch men lát nhà ở Việt Nam mà người Hàn có thể làm và có thu nhập lên đến trên dưới 500.000 đồng. Tôi thực sự quá ngưỡng mộ họ” – anh Phạm Đình Thắng – Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Tuyên Quang chia sẻ.
Theo ông Seo Jae Hoon, chủ nông trại Four Season, nông trại đã và đang áp dụng các công nghệ cao, tiên tiến nhất của Hàn Quốc và thế giới vào việc trồng cà chua, dâu tây. Đặc biệt, ngoài việc chăm sóc bằng máy móc, các cây trồng ở đây còn được ông phòng và trị bệnh bằng một loại vitamin đặc biệt. Sau khi nghe đến các thông tin mà chủ nông trại người Hàn tiết lộ, các nông dân có mặt ở tại đây tỏ ra rất kinh ngạc và tò mò. Mọi người ai cũng tập trung ghi chép, quay clip lại từng câu, từng từ mà ông chủ nông trại Hàn Quốc chia sẻ.
Ngoài việc thăm quan nông trại, các thành viên của đoàn còn được tận hưởng các trái cây được chủ vườn thu hái ngay tại ruộng. Mọi người vừa nếm các quả tươi vừa tấm tắc khen ngợi. “Bao nhiêu năm làm nông mà chưa lần nào tôi được thưởng thức hoa quả tươi ngay tại ruộng như lần này tại Hàn Quốc. Các quả tươi được trồng theo phương pháp hữu cơ rất tươi ngon, an toàn và đặc biệt là chất lượng rất tuyệt vời” – ông Lê Đình Hưởng, Nông dân Việt Nam xuất sắc ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) bộc bạch.
Sau chuyến đi thăm quan nông trại trồng dâu tây, cà chua, đoàn nông dân tiếp tục “vi hành” đến trại trồng nấm tại Gyeong. Tại “đại bản doanh” nấm linh chi có quy mô lớn hơn 120.000m2 này luôn có gần chục công nhân túc trực làm việc. Đến trại nấm này ngoài việc thăm quan, trải nghiệm không gian nóng 40 độ C (nhiệt độ thích hợp để loại nấm quý này sinh trưởng và phát triển tốt) trong nhà nilon, các nông dân còn được chủ nông trại hướng dẫn chi tiết, cụ thể về cách sản xuất ra loại nấm đặc biệt này.
Để có được sản phẩm tuyệt vời đó, Hàn Quốc cũng có khá nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, gồm thổ nhưỡng, khí hậu, thảm thực vật. Những điều kiện hoàn toàn phù hợp để trồng nấm linh chi. Đặc biệt, nấm linh chi phát triển tốt cũng là nhờ khí hậu chia thành 4 mùa rõ rệt nhưng nhiệt độ trung bình trong năm không quá 25 độ C, khí hậu mát mẻ, mùa đông có tuyết rơi. Từ điều kiện tự nhiên đó đã giúp Hàn Quốc có điều kiện tự nhiên giúp linh chi sinh trưởng tốt.
Nghề làm nấm linh chi đã có lịch sử ở Hàn Quốc hơn 4.000 năm. Ở đây có những dãy núi chuyên khai thác nấm linh chi. Đặc biệt, nấm linh chi còn rất được chính phủ Hàn Quốc quan tâm, từ khai thác, quản lý chất lượng và xuất khẩu đều được đảm bảo chặt chẽ các tiêu chuẩn nhằm xây dựng thương hiệu nấm linh chi Hàn Quốc lớn mạnh.
..trồng sâm “thần dược” cách Triều Tiên 1km
Sau ngày đầu thăm và làm việc tại các nông trại trồng rau, nấm công nghệ cao, ngày làm việc thứ 2 đoàn đến thăm và làm việc với Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa. Tại đây, các thành viên của đoàn được ông Hwang Woo Deok – Chủ tịch THT cung cấp cho đoàn các thông tin về việc trồng và thị trường tiêu thụ của sảm phẩm quý đặc sản nổi tiếng thế giới này.
Điều thú vị nhất tại buổi làm việc này là các Nông dân Việt Nam xuất sắc được đối thoại trực tiếp với “ông chủ sâm” Kang Hwa về các kiến thức trồng cũng như tiêu thụ sâm. Các nông dân rất tâm đắc và khâm phục các phương pháp mà người Hàn sản xuất ra loại “thần dược” quý này. Bà con đều mong muốn đưa sản phẩm này về trồng ở đất Việt. Đặc biệt ngay tại hội trường của THT, ông Hwang Woo Deok đã vui vẻ nhận lời ngay và hứa với các thành viên đoàn là trong tháng 5.2017 này sẽ lên kế hoạch cụ thể rồi sẽ liên hệ với Báo Nông thôn ngày nay để kết nối với mọi người trong việc tuyển chọn lao động và hợp tác để trồng nhân sâm.
Sau khi làm việc tại trụ sở THT, đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc được ông Hwang Woo Deok giới thiệu đến khu trồng sâm nổi tiếng của đơn vị này. Khu trồng sâm rộng hàng trăm ha của THT nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa cách biên giới Triêu Tiên khoảng 1km. Mọi người trong đoàn được xuống tận ruộng thăm và được trải nghiệm công việc thu hoạch loài củ quý hiếm này.
Đến tận nơi, xuống tận ruộng trồng sâm của người Hàn, chúng tôi mới biết được việc trồng ra được một sản phẩm sâm quý nổi tiếng thế giới đó công phu và vất vả như thế nào. Để trồng được nhân sâm, mỗi người dân Hàn phải trải qua kỳ học dài từ 6-10 năm. Phương pháp học cũng rất kỳ công, không phải ngồi bàn học lý thuyết trong phòng điều hòa mà nông dân Hàn Quốc phải “tầm sư học đạo” ngay tại vườn, học trồng, chăm sóc sâm ngay trên các đồi núi ở tất cả các thời tiết khác nhau từ mùa xuân, thu mát mẻ đến mùa đông lạnh giá có tuyết rơi.
Học vất vả là vậy nhưng khi trồng sâm, nông dân Hàn cũng phải kiên trì chăm sóc các cây sâm liên tục trong suốt 6 năm (tuổi sâm có chất lượng tốt nhất) mới được thu hoạch. Đổi lại sự vất vả đó, các sản phẩm sâm mà người Hàn làm ra luôn có chất lượng cao và bán được với giá thành đắt gắp nhiều lần sâm của nước láng giềng Trung Quốc.
“Nghe, xem rất nhiều qua đài, tivi nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đến tận ruộng trồng sâm của đất nước Hàn Quốc. Cảm nhận của tôi là rất thú vị và mãn nhãn. Mong rằng sau khi về tôi sẽ tìm hiểu thêm và nghiên cứu trồng thử nghiệm loại sâm quý này tại địa phương. Nếu trồng thành công, gia đình tôi mở rộng diện tích và hướng dẫn bà con ở tỉnh cùng làm giàu…” – ông Cao Xuân Lãng (Bắc Kạn) khẳng định.
Các nông dân Việt Nam xuất sắc thăm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng rau, quả công nghệ cao với ông Seo Jae Hoon, chủ nông trại Four Season ở tỉnh Gyeong Gi (Hàn Quốc).
Học cách chế biến, bán nông sản
Đặc biệt trong chuyến công tác này đoàn còn có cơ hội đến thăm khu chợ bán nông sản hưu cơ tại Kang Hwa. Tại đây, các siêu thị bày bán tất cả các sản phẩm nông sản của Hàn Quốc gồm nhiều loại khác nhau như rau, hoa quả, thịt bò. Ngoài ra, hệ thống Kang Hwa còn nhập một số nông sản phẩm của một số nước lân cận như Trung Quốc, Việt Nam...
“Lần đầu được đến thăm chợ bán nông sản hữu cơ của Hàn Quốc và được nhìn tận mắt thấy các sản phẩm mà họ sản xuất và bày bán, tôi cảm thấy họ làm rất chuyên nghiệp và bài bản. Các gói dưa chuột, dâu tây, rau cải… đều có bao bì, nhãn mác bắt mắt, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt là các sản phẩm được bày bán tại đây luôn tươi ngon và giá cả rất hợp lý…” – ông Đỗ Ngọc Qúy, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 ở Phú Thọ chia sẻ.
Sau khi thăm quan, tìm hiểu tại siêu thị Hanaro Mart, ngày 23.5, đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc đã đến thăm khu chợ nông, thủy sản Garak ở thành phố Seoul. Cũng tại khu chợ Garak, các thành viên của đoàn còn có cơ hội xem trực tiếp phiên đấu giá hành, tỏi tươi đặc biệt tại đây. “Mô hình đấu giá nông sản tại các chợ của Hàn Quốc rất có ý nghĩa, không chỉ giúp cho nông dân tại nước này ý thức được việc sản xuất ra sản xuất an toàn mà còn giúp cho người tiêu dùng Hàn Quốc được sử dụng các sản phẩm tốt và đạt chất lượng cao nhất” – ông Cao Xuân Lãng, Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Bắc Kạn chia sẻ.