ĐB Lại Xuân Môn dẫn chứng, những kết quả ấn tượng là tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt 6,7%. Thu hút vốn đầu tư vốn nước ngoài cả năm đạt 28 tỷ USD, xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 154 tỷ USD, ước tính cả năm đạt 200 tỷ USD; nhập siêu năm 2017 ở tỷ lệ thấp; dự trữ ngoại hối đạt 45 tỷ USD, tăng 6 tỷ USD so với năm 2016; thị trường chứng khoán vượt mốc 800 điểm, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Phấn khởi nhất là tăng trưởng trong mảng nông nghiệp tăng gần 3 %.
ĐB Lại Xuân Môn ấn tượng về con số xuất khẩu trong nông, lâm thủy, sản với khoảng 35 tỷ USD; có 94 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới; khách du lịch quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt. Dự báo đến hết năm 2017, con số sẽ ấn tượng hơn, thu ngân sách tăng hơn 2% và có 13/13 chỉ tiêu đạt, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt.
“Chúng tôi đi tìm nguyên nhân tại sao trong năm 2017 lại có những kết quả ấn tượng như vậy và tìm ra 5 bài học chính. Đây cũng là bài học cho năm 2018”, ĐB Lại Xuân Môn cho biết.
Phân tích về những bài học, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, đầu tiên phải kể tới việc Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết, như Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, Nghị quyết T.Ư 5 khóa XII, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã cho thấy quyết tâm cao trong việc phòng chống tham nhũng bằng việc tập trung xử lý một số vụ án lớn, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong Đảng, xử lý một số cán bộ vi phạm. Việc làm đó được cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được lòng dân. Như đồng chí Tổng Bí thư phát biểu trong phiên bế mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 6 khóa XII, đó là nếu làm mà được lòng dân, tạo được niềm tin thì sẽ thành công”, ĐB Lại Xuân Môn chỉ ra bài học thứ hai.
ĐB Lại Xuân Môn phân tích tiếp: Quốc hội cũng đã ban hành nhiều bộ luật tạo hành lang pháp lý, tạo động lực cho mọi sự phát triển trong xã hội. Cùng với đó, Chính phủ có sự sáng tạo trong quản lý điều hành, quyết tâm kiên trì mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Định kỳ, Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng rất rõ ràng. Các Bộ, ngành, tổ chức, các Tổ công tác của Thủ tướng hoạt động rất tích cực.
Theo Chủ tịch Hội NDVN, thời gian qua, Thủ tướng thường xuyên đối thoại tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính. Đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành. Chúng ta cũng xử lý vấn đề quốc tế rất linh hoạt, sáng tạo, nâng cao vị thế uy tín của nước ta trên trường quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài lớn.
"Những vấn đề trên đang tạo khí thế cho năm 2018. Trong nhiệm vụ của năm 2018, chúng tôi cũng đồng tình nhất trí với chỉ tiêu tăng 6,5 -7%/quý, nhất trí với việc lần đầu Chính phủ không coi mục tiêu khai khoáng, tăng trưởng tín dụng là động lực chính cho tăng trưởng. Đây là xu thế tất yếu”, ĐB Lại Xuân Môn cho hay.
Từ đánh giá trên, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã đề nghị Chính phủ cần quan tâm giải quyết 3 vấn đề, cũng là điểm nghẽn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân cần phải tháo gỡ.
Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng nay.
Ông cho rằng, thứ nhất, cần tiếp tục hạ lãi suất sâu hơn, nhất là đối với lĩnh nông nghiệp. Hạ lãi suất tín dụng huy động các nguồn lực trong xã hội. Tạo việc làm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh hội nhập. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng.
Thứ hai là cần tập trung cho phát triển khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có giống, cây con.
“Nhà nước đứng ra đặt hàng cho các viện nghiên cứu để họ sản xuất những giống, cây con chủ lực và chuyển giao cho nông dân, cần quan tâm đầu tư kho bảo quản nông sản gắn sản xuất với tiêu thụ, khắc phục quy luật muôn đời “được mùa mất giá”, ông Môn nói.
Cuối cùng là cần tập trung đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn, nâng cao năng suất lao động ở nông thôn.
“Hiện năng suất lao động ở nông thôn rất thấp. Vì vậy, cần quan tâm đào tạo nghề cho khu vực nông thôn. Hiện tỉ lệ nông dân được đào tạo trong sản xuất nông nghiệp còn rất thấp, trong khi đó, chúng ta đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Người nông dân vẫn tư duy theo kiểu sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất theo truyền thống, vì vậy khó có thể thực hiện được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ĐB Lại Xuân Môn phân tích.