Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Siết chặt quản lý nguồn giống cây trồng
Ngày cập nhật 03/03/2020
Nông dân Phú Vang kiểm tra năng suất giống lúa mới

     Ngoài một số cây trồng được nông dân sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng thì vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn giống trôi nổi, gây nhiều hệ lụy.

 

 

 

Chọn giống bằng kinh nghiệm

Với các loại nông sản, không khó để nông dân chọn được giống gieo trồng khi nhiều cửa hàng giống có mặt khắp các địa phương.

Tại huyện Quảng Điền, nhiều năm qua, sản xuất rau an toàn được xem là hướng phát triển kinh tế chính của nhiều hộ dân. Song, theo khảo sát, bên cạnh số ít người đặt mua giống ở những công ty, đại lý có uy tín thì nhiều hộ dân mua nguồn giống trôi nổi trên thị trường và kiểm tra thông qua kinh nghiệm sản xuất.

“Tôi trồng 4 sào rau, giống được mua tại các cơ sở bày bán tại địa phương. Khi chọn mua thì không rõ chất lượng được đảm bảo như thế nào, chỉ nhìn vào bao bì, nhãn mác xem đúng chủng loại hay không mà thôi”, ông Lê Văn Tiến (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) chia sẻ.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, địa phương có vựa rau an toàn lớn của tỉnh thừa nhận, thông thường, đa số nông dân tự mua giống tại các cơ sở bán lẻ chứ chưa có một đơn vị nào đứng ra cung ứng nguồn giống cho nông dân ở địa phương. Họ tự kiểm tra chất lượng sau những mùa vụ, nếu giống tốt họ tiếp tục mua còn không họ sẽ chọn nguồn giống tại các cơ sở khác.

Trong đề án phát triển nhóm cây trồng chủ lực thì lúa chất lượng cao, thanh trà, cao su, ngô, lạc, sắn công nghiệp, rau an toàn là hướng phát triển chính. Trong số đó, ngoài lúa, các loại cây ăn quả có những đơn vị cung ứng giống có uy tín, đảm bảo các quy trình kiểm nghiệm thì các loại cây còn lại, việc quản lý giống dường như bị bỏ ngỏ. Nông dân tự túc nguồn giống hoặc mua trôi nổi trên thị trường thông qua các cơ sở mua bán giống.

Đại diện Phòng Thanh tra pháp chế thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh thông tin, ngoài lúa thì hầu như giống các loại cây trồng khác như ngô, lạc, sắn, khoai lang… nông dân chủ yếu tự sản xuất hoặc mua từ các địa phương khác, còn trên địa bàn Thừa Thiên Huế chưa có đơn vị nào đứng ra sản xuất. Chính điều này, khiến nông dân rơi vào thế bất lợi, mức độ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp tăng lên.

Tăng cường công tác kiểm tra

Vụ đông xuân năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đưa vào gieo trồng các loại giống lúa như NN4B, 13/2, X21, Xi23, HT1, TH5, HN6,DV108, BT7, IR352, ML48... Thông qua việc xây dựng các mô hình khảo nghiệm, nhiều giống lúa chất lượng, năng suất cao đã được đưa vào sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế. Với cây ngô là các loại ngô địa phương, ngô lai, nếp nù…; sắn KM94, ba trăng...; lạc giấy, L14, L18,...

Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, nguồn giống lúa trên địa bàn chủ yếu được cung ứng bởi Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi tỉnh, Công ty TNHH Giống cây trồng Liên Việt, còn với các cây trồng cạn, ngắn ngày, nông dân chủ yếu tự tìm nguồn giống ở các cơ sở nhỏ lẻ ở địa phương.

Ông Lê Quý Thảo, Phó Chi cục Trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết, hàng năm, đơn vị này thường xuyên kiểm tra các cơ sở cung ứng giống về các quy chuẩn. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn giống được nông dân tự túc mua thì chưa có kế hoạch và cũng chưa có quy định cụ thể.

Thực trạng việc các cơ sở kinh doanh giống cây trồng nhỏ lẻ mọc lên ngày càng nhiều khiến cơ quan chuyên môn khó khăn trong kiểm soát, giám sát chất lượng.

Lực lượng làm công tác quản lý giống cây trồng còn mỏng là một trong những nguyên nhân. Những năm trước, trên địa bàn tỉnh từng xảy ra một loại bệnh trên ngô và nguyên nhân do chất lượng nguồn giống. Sau khi có kết luận, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các cơ sở cung ứng giống bồi thường và hỗ trợ lại cho nông dân. Bây giờ dịch bệnh khảm lá sắn hoành hành, nguyên nhân cũng từ nguồn giống đã mang mầm bệnh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Châu Ngọc Phi cho biết, đối với một số cây trồng chủ lực, nguồn giống phải được công nhận mới đưa vào sử dụng và tuân thủ theo Luật Trồng trọt. Xét theo tiêu chí này, tại Thừa Thiên Huế chủ yếu là giống lúa đảm bảo yêu cầu.

“Các loại cây trồng như, lạc, ngô, sắn… thông thường các cơ sở sản xuất tự công bố, tự chịu trách nhiệm. Việc kiểm soát khó vì nhỏ lẻ và nông dân chỉ phát hiện giống có vấn đề sau khi đưa vào sản xuất”, ông Phi nói.

Chất lượng giống cây trồng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh. Để người dân chủ động được nguồn giống chất lượng tốt, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được kiến thức pháp luật về giống.

 

 

http://baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.405.773
Truy cập hiện tại 1.258