Theo đại diện UBND huyện A Lưới, vị trí bị sạt lở cách Bốt Đỏ khoảng 1km, nằm trên tuyến đường chính từ TP. Huế và các huyện, thị lên A Lưới.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, các lực lượng chức năng huy động máy móc, phương tiện khẩn trương khắc phục. Đến thời điểm hiện tại các phương tiện đã có thể lưu thông.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục dọn dẹp bùn đất, vệ sinh tuyến đường, đồng thời túc trực sẵn sàng xử lý khi có trường hợp sạt lở xảy ra trong bối cảnh tình hình mưa lớn vẫn còn tiếp diễn.
Vị trí sạt lở đã được khắc phục để các phương tiện qua lại
Khắc phục điểm sạt lở trên đèo Hải Vân
Tại tuyến QL1A qua đèo Hải Vân ở vị trí Km 894, Km 898, Km 898+500 và Km 989 bị cây đỗ và đất đá tràn ra mặt đường gây cản trở giao thông.
Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) thông tin, sau khi nắm tình hình thực tế các cung đường trên chính quyền địa phương đã phối hợp lực lượng chức năng và đơn vị quản lý là Công ty Đèo Cả đã huy động máy móc, phương tiện khẩn trương khắc phục. Đến khoảng 10 giờ ngày 8/10 các điểm sạt lở trên đã được khắc phục, người và phương tiên giao thông đã qua lại bình thường, an toàn.
Ngành chức năng huy động phương tiện khắc phục đất đá sạt lở vào sáng 8/10
Khoảng 5km bờ biển xã Phú Thuận, Phú Hải bị sạt lở, xâm thực
Đến sáng 8/10, bờ biển xã Phú Thuận, xã Phú Hải (huyện Phú Vang) bị sạt lở, xâm thực, trên tổng cộng chiều dài khoảng 5km, do ảnh hưởng bởi mưa lớn.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Phú Thuận cho biết, ảnh hưởng bởi mưa lớn từ ngày 7/10, bờ biển xã Phú Thuận bị sạt lở, xâm thực qua các thôn Tân An, Trung An, Xuân An, tổng chiều dài khoảng 3km, đoạn sâu nhất gần 7m. Trong đó, thôn Tân An bị ảnh hưởng nặng nhất.
10 hộ dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng do sạt lở. Lãnh đạo xã cùng các lực lượng đang kiểm tra địa bàn, vận động người dân. Các hộ chuẩn bị sẵn sàng di dời đến nơi an toàn.
Xã Phú Hải cũng bị xâm thực, biển “lấn” đất liền 3-4m, trên tổng chiều dài khoảng 2km, qua 4 thôn Cự Lại Bắc, Cự Lại Trung, Cự Lại Đông, Cự Lại Nam. Tuy nhiên, các hộ dân không bị ảnh hưởng gì. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Hải thông tin, sau nhiều kiến nghị, đề xuất, dự án xây dựng kè chống sạt lở cho bờ biển xã Phú Hải, nối tiếp từ địa phận xã Phú Thuận sẽ thi công trong thời gian sắp tới.
Sạt lở ở bờ biển xã Phú Thuận
Chốt chặn tỉnh lộ 21, hạn chế lưu thông qua vị trí sạt lở
Trong hai ngày 7 và 8/10, do ảnh hưởng của mưa lớn, kết hợp với triều cường, bờ biển xã Giang Hải (trước đây là xã Vinh Hải), huyện Phú Lộc bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 2,5km.
Sáng 8/10, biển xâm thực vào đất liền 7 - 10m, có những đoạn ăn sâu gần 15m, tiến sát vào tuyến đường tỉnh lộ 21, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, nhà dân, các hàng quá kinh doanh bên bờ biển. Đặc biệt có một đoạn biển đã ăn phần móng của tỉnh lộ, chỉ còn phần bê tông ở trên.
Biển xâm thực cũng làm nước biển tràn vào đồng ruộng, làm mất nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển, rừng phi lao phòng hộ bị xói sâu, đổ ngã hàng loạt, có nguy cơ mở cửa biển mới...
Những mùa mưa bão qua, mỗi năm tuyến bờ biển ở khu vực này luôn bị sạt lở, biển lấn sâu vào đất liền 5 - 10m, với chiều dài hơn 3km. Năm 2019, kè chống sạt lở có tổng chiều dài 2,52km được thi công. Hiện, 900m kè được thi công xong, đoạn bờ biển chưa được thi công đang bị xâm thực.
Sáng 8/10, lãnh đạo huyện Phú Lộc đã đến kiểm tra tình hình xâm thực tại bờ biển Giang Hải và yêu cầu xã Giang Hải di dời những hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; bố trí lực lượng chốt chặn hai đầu Tỉnh lộ 21, không cho người dân di chuyển qua đoạn bị sạt lở; bố trí lực lượng theo dõi thường xuyên xâm thực để chủ động xử lý trong tình huống xâm thực còn diễn biến phức tạp…
Tuyến Tỉnh lộ 21 qua xã Giang Hải bị xói sâu phần móng.
Thủy điện điều tiết xả lũ
Mưa lớn được dự báo vẫn còn kéo dài, yêu cầu thủy điện Hương Điền và hồ Tả Trạch tích và điều tiết xả lũ hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Phan Thanh Hùng thông tin, căn cứ tình diễn biến lũ; yêu cầu thủy điện Hương Điền điều tiết qua tràn và lưu lượng tăng dần, tránh đột biến, khoảng từ 500-600m3/s; đồng thời, điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu điều tiết lưu lượng tăng dần vào sáng 8/10.
Ngoài ra, yêu cầu Ban Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 vận hành hồ Tả Trạch, điều tiết qua cống tháo sâu và tua bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 140-900m3/s. Thời gian bắt đầu mở cửa cống tháo sâu lúc 11 giờ 30, ngày 8/10.
Mực nước tại các hồ chứa đang lên khá nhanh. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các chủ hồ đập thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tuân thủ các quy định, yêu cầu của tỉnh về quy trình vận hành liên hồ nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Đồng thời báo cáo kịp thời đến với các cấp, ban ngành khi xảy ra các sự cố tại công trình do mưa lũ nhằm có hướng chỉ đạo xử lý, ứng phó kịp thời.
Hồ Tả Trạch điều tiết xả lũ về hạ du