Phú Lương là một trong những “vựa” lúa lớn của huyện Phú Vang, với diện tích 1.135 ha. Trên diện tích này, hơn 10 năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Phú Lương 1 duy trì sản xuất 10 ha lúa hữu cơ, cung cấp cho Tập đoàn Quế Lâm - đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Ông Ngô Đức Phong, Giám đốc HTXNN Phú Lương 1 cho biết, thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của huyện Phú Vang giai đoạn 2020 -2025, vụ lúa đông xuân năm 2021 (đã thu hoạch), HTX sản xuất 50 ha lúa hữu cơ với giống lúa chất lượng cao Bắc Thơm 7. Đây là nỗ lực lớn của Phú Lương trong tiến trình thực hiện tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng, đảm bảo cho hệ thống sản xuất bền vững về môi trường, tăng thêm thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
HTXNN Phú Mỹ 1 (xã Phú Mỹ) cũng đã “đặt nền tảng” sản xuất lúa hữu cơ với giống lúa chất lượng cao J02 từ năm 2019 đến nay. Bắt đầu với diện tích 1,2 ha, đến năm 2021, HTXNN Phú Mỹ 1 sản xuất 5 ha lúa hữu cơ. Giám đốc HTXNN Phú Mỹ 1 cho biết, Công ty Huế Việt là đơn vị bao tiêu sản phẩm trên diện tích 1,2 ha. Còn lại trên 3,8 ha đã mở rộng sản xuất, HTXNN Phú Mỹ 1 đứng ra thu mua của thành viên và hiện đang xây dựng hệ thống xay xát để sau đó sẽ cung cấp gạo thành phẩm cho nhà hàng Duyên Anh và một số đơn vị trên địa bàn.
Định hướng của Phú Mỹ trong thời gian tới là tìm, liên kết với các chuỗi nhà hàng, siêu thị, mở rộng hệ thống tiêu thụ sản phẩm. HTXNN Phú Mỹ 1 đang kết hợp với chính quyền xã Phú Mỹ, dưới sự hỗ trợ của UBND huyện Phú Vang liên hệ với các trường học bán trú trên địa bàn, để đặt vấn đề cung cấp sản phẩm gạo hữu cơ.
Đảm bảo được thị trường tiêu thụ là nền tảng để HTXNN Phú Mỹ 1 nhân rộng mô hình, mở rộng sản xuất lúa, gạo hữu cơ. Đồng thời, Phú Mỹ cũng đặt ra hướng sẽ chuyển đổi giống lúa khác, có giá thành thấp hơn khi sản xuất hữu cơ, để sản phẩm có thể dễ dàng “đi vào” các trường học bán trú và đời sống người dân.
Chênh lệch giá giữa sản phẩm lúa sản xuất hữu cơ với lúa sản xuất vô cơ quá thấp trong thời điểm này, đang là tâm tư của nhiều nông dân trồng lúa hữu cơ. Trong khi đó, đầu tư chi phí cho sản xuất lúa hữu cơ lại cao hơn nhiều so với sản xuất phi hữu cơ.
“Vụ đông xuân 2021, giá lúa Bắc Thơm hữu cơ chỉ 8.000 đồng/kg. Trong khi giá lúa Khang Dân đầu vụ là 7.200 đồng/kg (chênh lệch chỉ 800 đồng/kg) và đến nay 7.800 đồng/kg (chênh lệch với lúa hữu cơ chỉ 200 đồng/kg). Nghe theo vận động, nông dân sẵn sàng mở rộng sản xuất lúa hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng, đảm bảo cho hệ thống sản xuất bền vững về môi trường. Nhưng đứng trước thực tế thu nhập bị tụt giảm, nông dân “tâm tư”, đồng nghĩa sẽ rất khó cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất lúa hữu cơ", ông Ngô Đức Phong chia sẻ.
Giám đốc HTXNN Phú Hồ cho biết, là vùng sản xuất lúa lớn của huyện Phú Vang, nhưng hiện nay Phú Hồ đang sản xuất 150 ha/536 ha lúa theo quy trình Viet GAP. Thời gian tới, nếu đầu ra được đảm bảo, HTXNN Phú Hồ sẽ thực hiện sản xuất lúa hữu cơ, theo định hướng của huyện, xã.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, để tháo gỡ những khó khăn, tại Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung truyên truyền vận động các HTX, hộ dân sản xuất hiểu rõ cơ chế hỗ trợ, các chính sách của Nhà nước. Đồng thời, tổ chức quảng bá, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện. Phát triển các vùng sản xuất hữu cơ gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác với người nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn.
Mục tiêu của Phú Vang, đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 287,4 ha (trong đó lúa 237,9 ha). Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất sản xuất hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.