Cùng làm việc có UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Nguyễn Chí Tài; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Tỉnh uỷ.
Định hướng nghề nghiệp, đưa nhân lực trở thành nền tảng
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Đặng Hữu Phúc cho biết, đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2 đến 2,2%; tỷ lệ hộ nghèo của các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 đến 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm trên 3%/năm; không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ, đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng nâng cao về chất lượng và số lượng, có cơ cấu hợp lý, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cao nhằm đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhanh và bền vững, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiều ý kiến cũng đã được trao đổi tại buổi làm việc nhằm bổ sung, hoàn thiện hơn những nội dung của hai nghị quyết. Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Xuân Trăng, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao so với toàn tỉnh, giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Từ năm 2022, thực hiện chuẩn nghèo mới, dự báo tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để số hộ nghèo giảm thực sự bền vững, hạn chế tái nghèo.
Huy động sức mạnh tổng hợp
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tinh uỷ Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Sở LĐ – TB và XH trong thời gian qua, nhất là xây dựng 2 dự thảo Nghị quyết giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 và Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 – 2025.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ khẳng định, cần rà soát, phân tích kỹ từng vùng để có sự phấn đấu giảm nghèo bền vững. Cách làm là phải cụ thể, phải huy động được sức mạnh tổng hợp trong giảm nghèo bền vững. Giảm nghèo phải gắn với doanh nghiệp, với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Sở LĐ – TB và XH Đặng Hữu Phúc cho biết, đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2 đến 2,2%
Về phát triển nguồn nhân lực, Phó Bí thư Thường trực Tinh uỷ Phan Ngọc Thọ lưu ý, cần có sự đánh giá về nhu cầu xã hội, gắn cầu với cung trong từng ngành nghề cụ thể. Nguồn nhân lực phải đáp ứng được nhu cầu 4 trung tâm lớn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Cần mở rộng mô hình đào tạo; có sự phân loại để đào tạo, tạo sự liên kết 3 nhà (Nhà nước, nhà sản xuất, nhà trường). Trách nhiệm không chỉ là các sở, ban, ngành mà cả hệ thống chính trị đều phải vào cuộc để tăng dần thu nhập bình quân đầu người.
Hai nghị quyết là hai lĩnh vực rất quan trọng vừa ổn định xã hội vừa phát triển xã hội trong tâm thế tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, cần nhận diện phát triển hộ nghèo, hộ khó khăn, nguồn nhân lực thật cụ thể để có sự phấn đấu vượt trội. Tạo ra hình hài một đô thị tương lai, giảm nghèo là ổn định chính trị. Mục tiêu cao nhất là nghị quyết phải khả thi, là động lực để ngành phát triển hơn nữa trong thời gian tới; thúc đẩy tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân.
Muốn vậy, cần đánh giá được thực tế hiện trạng hiện nay, có thuận lợi, khó khăn để đưa ra các chỉ tiêu, giải pháp khắc phục. Phải bắt được "bệnh" rồi thì cần phải "kê thuốc" thật tốt để đặc trị. Tuy nhiên, vấn đề giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có những đặc thù, cần nâng cao ý thức người dân; vai trò cấp uỷ, chính quyền, đảng viên ở đâu để người dân học tập, làm theo. Nếu không nhận diện được đội ngũ cán bộ thì không thể có một đội ngũ nguồn nhân lực cao được. Phải tính toán người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID – 19 có việc làm, cần phân tích rõ; nếu không làm tốt sẽ khó khăn trong thời gian tới.
Phó Bí thư Thường trực Tinh uỷ Phan Ngọc Thọ lưu ý, cần xây dựng cơ sở dữ liệu để cụ thể hoá trong từng lĩnh vực giảm nghèo bền vững và xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan điểm của Phó Bí thư Thường trực Tinh uỷ Phan Ngọc Thọ là phải nhìn nhận lại một cách thấu đáo, cụ thể để có những giải pháp triển khai thực hiện mang lại hiệu quả; hệ thống lại các chỉ tiêu để có cơ sở nhìn nhận, đánh giá lại một cách thực chất về giảm hộ nghèo.
Có những giải pháp đặt ra, nhưng cần có sự hỗ trợ cụ thể, cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm, phải rất cụ thể từng việc; tạo sinh kế cho người dân cùng kết hợp với các chương trình, dự án; nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình để tạo động lực làm giàu, phát triển kinh tế hộ gia đình để giảm nghèo bền vững; quan điểm chung là phải giảm nghèo vùng A Lưới, Nam Đông và các xã bãi ngang, ven biển. Phó Bí thư Thường trực Tinh uỷ Phan Ngọc Thọ khẳng định lại, giảm nghèo chính là tạo việc làm cho người dân.
Nguồn nhân lực là quan trọng, nhưng phải biết xã hội cần gì. Đào tạo nghề cần chất lượng, đáp ứng nhu cầu; nghiên cứu kỹ các nhóm để có sự phân loại cho phù hợp nhu cầu của địa phương; phải gắn với 4 trung tâm lớn của tỉnh; trong dự thảo Nghị quyết còn thiếu vắng các cơ sở đào tạo nghề, phát triển đội ngũ công nhân lành nghề; phát huy năng lực các trường đào tạo nghề của Trung ương; sớm hoàn chỉnh các nghị quyết để triển khai thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ khẳng định, cần rà soát, phân tích kỹ từng vùng để có giải pháp giảm nghèo bền vững