Giá lúa giảm, nông dân vẫn có lãi
Theo bà con nông dân, năng suất lúa bình quân vụ hè thu năm nay cao hơn vụ trước từ 2-3 tạ/ha. Đây là vụ hè thu khá được mùa của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Về những cánh đồng đang vào vụ gặt ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, mới thấy hết niềm vui của bà con nông dân ở vùng “đất khó”. Vụ hè thu năm nay, tiết trời khá thuận lợi, những diện tích đều “thoát” bão số 5, đã phơi khô khén cất trong nhà. Năng suất lúa bình quân ở Phong Chương vụ này đạt gần 65 tạ/ha.
Toàn huyện Phong Điền vụ này đưa vào gieo cấy hơn 4.800ha lúa, đến nay đã thu hoạch cơ bản xong. Từ đầu vụ, nhờ thực hiện tốt các khâu chọn giống, làm đất, bón phân, đồng thời tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, chủ động nguồn nước tưới, nhiều diện tích lúa ở các địa phương cho năng suất cao đạt trên 60 tạ/ha.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, toàn tỉnh đưa vào sản xuất khoảng 25 nghìn ha lúa. Đến thời điểm hiện tại đã cơ bản gặt xong, chỉ còn một phần nhỏ diện tích ở A Lưới, Phú Lộc. Chi cục đã yêu cầu các địa phương vận động bà con, xã viên tập trung ra đồng thu hoạch lúa hè thu, đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất, có phương án cụ thể huy động tối đa công suất máy gặt để thu hoạch lúa nhanh gọn và đúng tiến độ nhằm tránh thiệt hại do mưa bão.
Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh đánh giá, vụ hè thu năm nay, giá lúa có giảm so với vụ đông xuân. Cụ thể, khi bước vào thu hoạch đại trà, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá lúa có biến động theo chiều hướng giảm với giá bán dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, giảm khoảng 500-1.000đồng/kg. Bù lại, khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, năng suất lúa lại tăng, có nơi đạt 72-73 tạ/ha, nông dân vẫn có lãi khoảng 20 triệu đồng/ha.
Nông dân phấn khởi khi lúa hè thu được mùa
Liên kết trong tiêu thụ
Vụ hè thu năm 2021, toàn tỉnh gieo sạ hơn 25.000ha, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt khoảng 94%; giống lúa ngắn ngày, cực ngắn chiếm khoảng 99%; diện tích giống lúa chất lượng cao khoảng 5.500ha chiếm tỷ lệ 21,3% trong cơ cấu giống lúa của tỉnh.
Thời gian qua, công tác khảo nghiệm giống đã xác định được các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất thử nghiệm như giống HG12 (vụ hè thu năm 2021 khoảng 740ha). Ngoài ra, các giống chất lượng cao như HT1, HN6, BT7, J02, KH1… cũng được sử dụng rộng rãi ở các địa phương, được các HTX, doanh nghiệp bao tiêu mang lại thu nhập khá, ổn định sản xuất cho bà con nông dân.
Ông Lê Văn Anh cho rằng, bên cạnh sử dụng giống lúa chất lượng cao trong vụ hè thu, hiện nay việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ, sử dụng chế phẩm nấm xanh Metarhizium trừ rầy, ... cũng được quan tâm. Các giống lúa có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất với quy mô lớn hơn đã thay đổi “bộ mặt” sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ngày càng được phát triển và nhân rộng. Các công ty, đơn vị HTX, triển khai sản xuất theo chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, có thể kể đến như Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi, Công ty CP Vật tư nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Quế lâm miền Trung, Công ty Huế Việt, HTX Phú Hồ.
Thời gian tới, Chi cục TT&BVTV yêu cầu các địa phương tiếp tục nhân rộng và phát triển hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo thông qua hợp đồng mà doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân cung ứng đầu vào sản xuất và thu mua lúa gạo cho nông dân.
Phát triển mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã thành công ở nhiều địa phương, gắn liền với việc triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi từ cung ứng dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột”, nòng cốt, dẫn dắt; đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị.