Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Tập trung cho dịch vụ, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, phát triển công nghiệp văn hóa
Ngày cập nhật 04/10/2021
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Chiều ngày 30/9, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 09 tháng đầu năm 2021, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng dự làm việc có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành. Tham dự buổi làm việc về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Bám sát mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế 

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động, kiên quyết, kiên trì triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, vừa phòng chống kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo sức khoẻ nhân dân vừa hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Dự kiến 9 tháng/2021, Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 41.412,77 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 5,12%. Trong đó: Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,69%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,18%; Khu vực du lịch, dịch vụ có dấu hiệu phục hồi, tăng 3,4%. Trong 9 tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,22% so với cùng kỳ; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng trưởng ổn định. Khu vực du lịch, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, lượng khách du lịch chỉ đạt 633,5 nghìn lượt khách, giảm 54,2%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1.375,2 triệu USD, tăng 36,8% cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 840,3 triệu USD, tăng 32,2% và đạt 91,3% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.945 tỷ đồng, tăng 3,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 32.651,1 tỷ đồng, tăng 6%. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 54.600 tỷ đồng, tăng 2,47% so với đầu năm; dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 58.400 tỷ đồng, tăng 12,59%. Thu ngân sách nhà nước đạt 7.742 tỷ đồng, vượt 28% dự toán và tăng 25,4% so với cùng kỳ. Đến 30/9/2021, giải ngân 2.605 tỷ đồng, chiếm 55% KH vốn giao trong năm (trong đó NSTW giải ngân 64,5% ). 

Về công tác phòng chống dịch, từ ngày 28/4 đến nay, tổng số người từ các tỉnh/thành phố có dịch trở về địa phương là hơn 62.086 người, chủ yếu từ các tỉnh/thành phố phía Nam trở về. Trong đó có 20.322 người thuộc diện phải cách ly tập trung và 3.130 người thuộc diện cách ly tại nhà. Đến 28/9/2021, toàn tỉnh có 821 ca F0. Tỉnh đã thành lập 4 bệnh viện điều trị COVID-19 với khoảng 700 giường bệnh để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 theo các phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Toàn tỉnh đã trưng dụng 72 cơ sở giáo dục, khách sạn, ký túc xá,… để làm cách ly tập trung từ cấp tỉnh đến cấp xã với tổng công suất 2.414 phòng cách ly y tế với khoảng 17.000 chỗ. Đã xây dựng 5 hệ thống xét nghiệm PCR với tổng công suất hơn 10.000 mẫu/ngày; đến nay, đã xét nghiệm 318.338 mẫu PCR và 109.888 mẫu test nhanh kháng nguyên. 

Đến hết ngày 27/9/2021, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tổng số đối tượng là 115.226 người với tổng kinh phí  43,283 tỷ đồng . Về chính sách hỗ trợ người dân tỉnh Thừa Thiên Huế ở các tỉnh, thành phố khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã hỗ trợ cho 4.949 hộ với tổng số tiền hỗ trợ: 4,949 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc

Tập trung cho mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương 

Mặc dù gặp khó khăn bởi dịch bệnh nhưng Thừa Thiên Huế đã phối hợp các Bộ, ngành Trung ương tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế”,  đã hoàn thành và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021. Tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế” và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia về xây dựng Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế. 

Tỉnh đã đẩy nhanh triển khai các nội dung khác thuộc trách nhiệm của tỉnh như dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh Thành Huế, các dự án trọng điểm trên địa bàn. Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050 phù hợp với mô hình đô thị khi xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm đồng bộ các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực - xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đảm bảo nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư các dự án trọng điểm; triển khai Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế. 

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ ở khu vực Thị trấn Lăng Cô, tạo điểm nhấn, sức lan tỏa để phát triển dịch vụ du lịch cho cả Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; thu hút đầu tư các dự án lớn, mang tầm quốc tế thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch; tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Tập trung rà soát, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án để đưa vào hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế bằng hình thức trực tuyến.
 

Phát huy những giá trị đặc trưng của Thừa Thiên Huế 

Tại buổi làm việc tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; hỗ trợ Ngân sách Trung ương hoàn thành giai đoạn 2 dự án di dời các hộ dân trong khu vực 1 thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế; Quy hoạch, hỗ trợ đầu tư các dự án động lực đầu tư vào địa bàn tỉnh; Đề xuất xây dựng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung...; sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phát triển kinh tế - xã hội, duy trì ổn định cuộc sống của người dân trước ảnh hưởng của đại dịch. 

Thủ tướng đặc biệt hoan nghênh và ghi nhận công tác phòng chống dịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, "nhờ làm tốt công tác chống dịch nên kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tốt là điều tất yếu. Không những chống dịch tốt mà Thừa Thiên Huế còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp khi tích cực hỗ trợ các địa phương khác chống dịch". 

Khẳng định Thừa Thiên Huế có truyền thống đoàn kết trong nhận thức và trong hành động của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây là thế mạnh mà Thừa Thiên Huế cần phát huy để phát triên kinh tế một cách bền vững. 

Thủ tướng cho rằng, Huế là địa phương đặc trưng với hệ thống di sản mà hiếm có địa phương nào có được, đây là điều kiện quan trọng để tỉnh phát huy thế mạnh đặc trưng vốn có của mình. 

Tỉnh cần nhanh chóng tập trung thực hiện Quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, nếu làm tốt công tác quy hoạch thì mới tìm ra được tiềm năng thế mạnh của địa phương, "cái gì đặc thù thì phải tập trung phát huy, cái gì không đặc thù, ở đâu cũng có thì phối hợp với các địa phương khác cùng nhau phát triển"; quy hoạch để tìm ra được những khó khăn, thách thức, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục và hướng đi phù hợp.

"Thừa Thiên Huế phải tập trung cho dịch vụ, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, phát triển công nghiệp văn hóa. Tăng cường tính tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, ngoại lực là đột phá, đi lên từ chính bàn tay và khối óc, từ khí phách và sức mạnh của con người xứ Huế".

Trước mắt Tỉnh cần rà soát để thực hiện các thể chế; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng đồng bộ; phát huy hiệu quả công tác cải cách hành chính, càng giảm tiếp xúc trực tiếp càng tốt; Ưu tiên cho hợp tác công tư.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Thừa Thiên Huế không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch, phải thích ứng an toàn trong tình hình mới, thực hiện linh hoạt trong trong công tác phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Y tế và của Ban chỉ đạo Quốc gia. 

Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện đại, nêu cao vai trò người đứng đầu các cấp trong chỉ đạo, điều hành.

Liên quan đến những đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng yêu cầu địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ các đề án; bên cạnh đó sớm hoàn thiện Đề án xây dựng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung và Đề án xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chúc cho Thừa Thiên Huế sớm đạt được mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết số 54/NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

 

https://tinhuytthue.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.401.764
Truy cập hiện tại 87