Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông cho hay, mục tiêu của dự án là chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa, hình thành nhóm hộ sản xuất cùng áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật canh tác, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm sạch với giá trị cao hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại.
Dự án có quy mô thực hiện với diện tích cánh đồng mẫu lúa hơn 1.000ha tại các địa phương Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Thủy, Lộc Trì, Vinh Mỹ và thị trấn Phú Lộc. Tổng nguồn kinh phí thực hiện khoảng 22 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng mua giống, vật tư, phân bón và mua máy sạ... dân đóng góp và lồng ghép các nguồn vốn khác khoảng 20 tỷ đồng. Thực tế ở nhiều địa phương triển khai cho thấy, việc phát triển cánh đồng mẫu lúa diễn ra tương đối thuận lợi, bởi lẽ người dân tại đây đã có kinh nghiệm trong việc sản xuất lúa nước.
Một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu ở Phú Lộc là HTX nông nghiệp Đại Thành (xã Lộc An). Nơi đây có nhiều ưu thế, như đồng ruộng đằm đều, ít bàu trũng sâu; hệ thống đê đập thủy lợi, giao thông nội đồng cơ bản ổn định; máy móc cơ giới hóa được đầu tư đáng kể; đội ngũ cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm, nhiệt thành, năng động... HTX nông nghiệp Đại Thành đã chủ động làm “bà đỡ” cho xã viên tham gia xây dựng mô hình lúa chất lượng cao, như tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện làm đất, thủy lợi, hỗ trợ giống trả chậm...; đồng thời ký kết với Công ty Giống cây trồng và Vật nuôi tỉnh bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Đến cuối tháng 8/2021, Phú Lộc đã triển khai kế hoạch thực hiện đề án cánh đồng mẫu ở 10 HTX, với diện tích thực hiện 230ha, kết quả đánh giá năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, cao hơn 6 tạ/ha so với lúa sản xuất đại trà.
Cùng với đề án cánh đồng mẫu là các đề án phát triển một số sản phẩm nông nghiệp, tiêu biểu như cải tạo, nhân rộng bưởi da xanh (trồng mới 5,5ha), dâu Truồi (1ha). Huyện cũng đã tổ chức thí điểm mô hình sản xuất lạc hữu cơ ở HTX Mỹ Hải (gieo trồng 4,5ha); nuôi cá chình 2.000m2 ở xã Lộc Hòa, cá lăng 1,5ha ở xã Lộc Sơn, ốc bươu đen 1.000m2 ở xã Lộc Điền, Vinh Mỹ; trồng bưởi da xanh xen ổi 7ha ở xã Lộc Sơn.
Ông Nguyễn Văn Thông chia sẻ, đề án “Xây dựng cánh đồng mẫu vùng lúa trọng điểm và phát triển một số sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn huyện Phú Lộc giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025” sử dụng kinh phí lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau và sự chung tay của người dân nên bước đầu đã có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, nhận thức của người dân chưa thực sự đúng đắn, cùng với đó, sự biến động của thị trường tiêu thụ sản phẩm là 2 vấn đề lớn cần được quan tâm. Chia sẻ về định hướng phát triển đề án này trong giai đoạn tiếp theo, ông Thông khẳng định, trên địa bàn sẽ tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng của cánh đồng mẫu lúa, đặc biệt là phát triển việc sản xuất lúa cũng như nhiều loại cây trồng khác theo hướng VietGAP.