Tỷ lệ giải ngân thấp
Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh, trong 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư công (ĐTC) được giải ngân là 198 tỷ đồng. Trong khi, tổng kế hoạch vốn ngân sách đã được phê duyệt là 4.266 tỷ đồng, chỉ đạt 4,5%. Con số này rất thấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ trong phát triển kinh tế, bởi trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, ĐTC được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong tiến trình giải ngân vốn ĐTC những tháng qua, nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) có tỷ lệ giải ngân thấp nhất ở mức 0,1%, tương đương kế hoạch vốn 1.500 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân 2,228 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) có kế hoạch vốn 617 tỷ đồng, giải ngân 31 tỷ đồng, đạt 5,1% kế hoạch. Phần vốn cân đối ngân sách địa phương có khả quan hơn khi chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước do tỉnh quản lý đã giải ngân đạt 19,9% kế hoạch; ngân sách cấp huyện quản lý đạt 11% kế hoạch…
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC không cao được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lý giải là do trong tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời hoạt động đầu tư trong các tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn trong năm. Các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư, do đó khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Đồng thời, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC. Việc chuẩn bị dự án (DA) chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh DA, điều chỉnh năng lực của ban quản lý DA, năng lực nhà thầu…cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Các chủ đầu tư dự án phải thúc đẩy giải ngân vốn
Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng
Theo đại diện Sở KH&ĐT, năm 2022, tỉnh tập trung triển khai các DA trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, sẽ khởi công trong tháng 3/2022; DA đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư. DA nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội; DA đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu DA Thừa Thiên Huế... cũng tiếp tục được triển khai.
Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị nhằm hướng đến đạt các tiêu chuẩn của TP trực thuộc Trung ương, trong đó tập trung đầu tư các xã, phường vừa sáp nhập thành phố Huế; hạ tầng đô thị Phong Điền tiến đến đạt chuẩn đô thị loại IV; đầu tư chỉnh trang công viên 2 bờ sông Hương; chỉnh trang trục chính đô thị Phong Điền,…
Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, công tác giải ngân vốn ĐTC đã bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch ĐTC năm 2022 tập trung bố trí để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, DA trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, có tính kết nối và lan tỏa.
Tháo gỡ khó khăn từng dự án
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã xúc tiến thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA ngoài ngân sách và giải ngân vốn ĐTC các DA sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh theo danh mục các DA.
Tổ công tác sẽ rà soát và tổng hợp vướng mắc, điều phối với các sở, ngành, địa phương để giúp đỡ, giải quyết các khó khăn, phát sinh trong quá trình thực hiện DA và giải ngân ĐTC. Nghiên cứu cơ chế, chính sách theo quy định pháp luật, đề xuất giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư; đề xuất giải pháp nhằm tiếp cận và thu hút nhà đầu tư có tiềm lực vào các lĩnh vực, DA trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các DA đầu tư công gặp khó.
Theo ông Sơn, với các DA khởi công mới chưa đủ điều kiện giao kế hoạch, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các DA khởi công mới sử dụng vốn đầu tư năm 2022 chịu trách nhiệm tổ chức lập DA, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt DA đầu tư trước ngày 30/4/2022. Sau thời hạn trên nếu không hoàn thành, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho DA khác có khả năng giải ngân.
Tỉnh cũng đã có chỉ đạo đối với các sở, ngành chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện DA, tăng cường giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng, thực hiện cơ chế xử lý hồ sơ một cửa đảm bảo đúng thời gian theo quy định, tạo điều kiện tối đa giải quyết thủ tục cho các chủ đầu tư. Rút ngắn ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt liên quan dự án ĐTC so với hiện nay, tập trung vào các khâu, các thủ tục có tần suất xuất hiện lớn, thời gian dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện DA. Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, giải ngân vốn ĐTC; đề xuất báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý phù hợp theo quy định.
"Các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thi công, giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành, chất lượng công trình, lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công đảm bảo năng lực", ông Sơn nhấn mạnh.