HTX nông nghiệp Thủy Dương (TX. Hương Thủy) luôn khẳng định vị thế là đơn vị tiên phong của tỉnh trong việc đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Bắt nhịp xu thế tất yếu của thị trường, nhu cầu của người dân, HTX này đầu tư lò giết mổ gia súc tập trung, cung cấp thức ăn nuôi thủy sản, quản lý và kinh doanh dịch vụ chợ, quản lý, bảo vệ rừng...
Mới đây, HTX nông nghiệp Thủy Dương xây dựng mô hình trồng mướp đắng theo CGT sản phẩm “từ sản xuất đến tiêu dùng”. Mô hình trồng mướp đắng được Công ty Globacer cấp giấy chứng nhận sản xuất mướp đắng tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 1,3ha. HTX đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất khép kín tạo ra những sản phẩm như trà túi lọc mướp đắng, mướp đắng sấy khô, mướp đắng hút chân không... Sản phẩm được các đơn vị, doanh nghiệp (DN) hợp đồng bao tiêu, cung cấp thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Điền) thực hiện dự án “Mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở thu mua và chế biến rau má” mang thương hiệu “Trà rau má Quảng Thọ”. Theo đó, HTX xây dựng vùng sản xuất rau má an toàn VietGAP với 50ha, khoảng 250 hộ tham gia, đăng ký sản xuất, chế biến và được các cấp có thẩm quyền cấp phép, chứng nhận. Ngoài rau má tươi VietGAP, rau má sấy khô, bột rau má túi lọc, mới đây HTX xây dựng vùng trồng “rau má hữu cơ” với diện tích ban đầu 1,5ha, phục vụ chế biến sản phẩm mới “Bột matcha rau má hữu cơ”. Các sản phẩm được cơ quan chức năng công nhận sản phẩm an toàn, chất lượng, tiêu thụ quanh năm trên khắp thị trường các tỉnh, thành từ Bắc Trung bộ đến TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
Nông sản được tung ra thị trường thông qua kết nối của HTX
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá, hoạt động của các HTX nông nghiệp tập trung làm tốt các dịch vụ hỗ trợ thành viên, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ. Trong đó, tập trung vào các khâu dịch vụ thủy lợi, bảo vệ thực vật, giống, làm đất, thu hoạch; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều HTX tích cực mở rộng thêm một số dịch vụ mới như chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo, rau chất lượng, an toàn, hữu cơ, quản lý rừng bền vững theo mô hình trồng gỗ lớn tiêu chuẩn FSC, sản xuất và chế biến nước mắm, dầu tràm, ép dầu lạc, rượu theo CGT...
Hơn ba năm nay, trên địa bàn tỉnh thành lập 25 HTX lâm nghiệp bền vững, mặc dù mới bước đầu hình thành nhưng thể hiện vai trò hỗ trợ tích cực cho nông dân từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các HTX làm cầu nối liên kết giữa các DN và người dân trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từng bước đưa gỗ rừng trồng vào thị trường chính ngạch không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Á, Mỹ...
Theo ông Trần Lưu Quốc Doãn, từ vai trò và thực tiễn của mô hình HTX kiểu mới, theo CGT cho thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX chính là sản phẩm tất yếu của nền sản xuất hàng hóa, có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình HTX kiểu mới cung ứng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, giúp bình ổn giá cả thị trường, tích cực hỗ trợ đầu vào, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của nông dân. HTX định hướng tổ chức sản xuất không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tổ chức kết nối với các DN, cơ quan chức năng đưa nông sản vào thị trường chính ngạch.
Hiện nay và xu hướng trong tương lai, HTX vẫn là đầu mối vững chắc cho phát triển kinh tế hộ, giữ vững vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Nhất là trong đại dịch COVID-19, HTX chính là chỗ dựa vững chắc cho sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm. HTX còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng khi vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), vừa thực hiện mục tiêu sản xuất nông sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, trong sản xuất đã có nhiều HTX làm tốt vai trò “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 vào giữa tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong những thời điểm khó khăn, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển HTX trong nông nghiệp có vai trò rất quan trọng với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực. Đây là cơ sở để khắc phục tình trạng sản xuất nông sản manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát, hướng theo đường chính ngạch, vào thị trường khó tính. Các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế HTX phù hợp với thực hiễn, tình hình mới. HTX tiên tiến đảm bảo kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình của đất nước; tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết SXKD, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo CGT…