Thiệt hại nặng nề
Về xã Quảng Thọ - vựa lúa và hoa màu nổi tiếng của huyện Quảng Điền những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều nông dân cùng chính quyền địa phương thăm đồng để thống kê thiệt hại do trận mưa lớn trái mùa vừa qua gây ra.
Bà Lê Thị Hạnh (65 tuổi, trú thôn Niêm Phò) buồn rầu cho biết, cả 4 sào lúa của gia đình đang trổ bông đều bị ngập lụt nhiều ngày và coi như mất trắng. Ngoài 4 sào lúa, nước lũ còn "cướp" của nhà bà vụ ớt, hoa màu đang trong độ thu hoạch với ước tính cả chục triệu đồng. “Cả gia đình tôi cùng đứa con đang học đại học trông cả vào đây mà giờ mất hết rồi" - bà Hạnh nghẹn nghào.
Mưa lũ dị thường còn ảnh hưởng lớn đến những hộ nuôi cá lồng dọc sông Bồ. Ông Nguyễn Khánh (52 tuổi, trú thôn Niêm Phò) nói rằng, đàn cá trắm cỏ hơn 600 con ông nuôi gần 2 năm nay, dự định cuối năm sẽ xuất lồng. Vậy mà đầu mùa hè trời đổ mưa lũ, nước sông Bồ chảy xiết khiến cá chết gần 1/3, thiệt hại là khá lớn.
Một số cụ cao tuổi ở xã Quảng Thọ cho biết, đây là lần đầu tiên trong đời chứng kiến đợt mưa lũ trái mùa gây ngập úng trên diện rộng. Hàng trăm ha hoa màu của người dân đã bị nhấn chìm trong nước. Không thiệt hại nặng nề như lúa, đậu, ớt… nhưng một số cánh đồng rau má tại xã Quảng Thọ bị vàng lá, khô héo khiến nông dân phải cắt bỏ.
Tại vựa rau xã Quảng Thành, vựa lúa Quảng Vinh, Quảng An, Quảng Thái… cũng thiệt hại nặng nề do mưa lũ trái mùa gây ra. Thống kê của UBND huyện cho biết, đến nay có hơn 3.500ha lúa bị thiệt hại 30-70%; diện tích rau, màu bị ngập và thiệt hại 510ha với thiệt hại 130 tỷ đồng; về nuôi trồng thủy sản, thiệt hại ước tính 25 tỷ đồng. Mưa lớn cũng làm một số tuyến đê thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Sớm hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh cho biết, chúng tôi đang có kế hoạch giúp nông dân khôi phục sản xuất sớm, nhưng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là kinh phí cày xới lại số diện tích lúa mất trắng rất cao, vì lúa đang thời kỳ phát triển giai đoạn cuối. Thứ hai là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến nông dân khó mặn mà tái sản xuất, thậm chí bỏ hoang đất trong vụ tới vì vốn liếng bỏ ra cho vụ đông xuân mà chưa thu được gì.
“Chúng tôi sẽ đề xuất hướng hỗ trợ cho bà con và vận động người dân tái sản xuất nông nghiệp. So với thời điểm này năm trước, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã tăng gấp đôi, một số loại thậm chí tăng gấp 3 và dự báo còn tiếp tục tăng. Ngoài phân bón vô cơ, chúng tôi động viên nhà nông sử dụng thêm phân bón hữu cơ để giảm chi phí nhưng cũng rất khó” - ông Ngô Văn Dinh nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến, huyện đang chỉ đạo các địa phương, ngành chuyên môn rà soát, thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất hỗ trợ theo chính sách tại Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Căn cứ vào tình hình ngập úng, UBND huyện dự ước diện tích và nhu cầu kinh phí hỗ trợ trước mắt cho các hộ bị thiệt hại về lúa và hoa màu trên 7,3 tỷ đồng; về nuôi trồng thủy sản là 4,1 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân ở Quảng Điền lâm cảnh trắng tay khi mưa lũ trái mùa
Huyện kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ giống lúa và giống rau màu nhằm giúp cho các hộ bị thiệt hại khôi phục sản xuất và gieo trồng vụ hè thu. Quan tâm hỗ trợ lương thực cho các hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng do đợt mưa lũ vừa qua. Hỗ trợ kinh phí cho các HTX sản xuất nông nghiệp tổ chức đấu úng cứu diện tích lúa, hoa màu bị ngập. Xem xét hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa các tuyến đê bao phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai trên địa bàn.