Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Washington D.C, bắt đầu chuyến công tác tại Hoa Kỳ
Ngày cập nhật 12/05/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quân sự Andrew

       Vào khoảng 1 giờ 45 phút sáng 11/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới thủ đô Washington D.C (Hoa Kỳ) bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hai bên theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr.; thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11 đến 17/5.

 

Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quân sự Andrew có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng; một số cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam.

Thúc đẩy Quan hệ đối tác ASEAN-Hoa Kỳ lên tầm cao mới

Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh Quan hệ đối tác ASEAN-Hoa Kỳ được thiết lập từ năm 1977, trải qua nhiều giai đoạn, đạt kết quả khả quan trên các bình diện khác nhau, cả trong hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Sau 45 năm, lòng tin được nâng cao, thương mại-đầu tư được tăng cường, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, việc củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ là rất cần thiết, là quan tâm chung của cả hai bên, trong đó có cá nhân Tổng thống Joe Biden.

Trên tinh thần đó, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, lãnh đạo các nước ASEAN đã nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Washington D.C. Hoạt động này là sự tiếp nối trao đổi cấp cao giữa ASEAN và Hoa Kỳ, khẳng định những cam kết của hai bên về hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại và tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai bên. Đây cũng là dịp để lãnh đạo ta gặp gỡ trực tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN thúc đẩy các nội dung hợp tác song phương.

Dự kiến tại Hội nghị cấp cao đặc biệt này, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ sẽ cùng nhìn lại và đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác hai bên trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ trong thời gian tới, đồng thời dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong khuôn khổ Hội nghị, ASEAN và Hoa Kỳ dự kiến cũng sẽ có các phiên thảo luận riêng, chuyên sâu về những nội dung hợp tác cùng quan tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác và an ninh biển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững…

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và nhà đầu tư FDI lớn nhất của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại đạt 308,3 tỷ USD và tổng FDI vào ASEAN đạt 34,7 tỷ USD vào năm 2020.

Đưa quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đi vào chiều sâu, thực chất

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sau 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã có những bước tiến dài trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Với Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định ủng hộ một Việt Nam độc lập và phát triển giàu mạnh, mong muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên một tầm mức mới.

Hai nước tích cực hợp tác trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Hoa Kỳ đứng đầu trong số các nước cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX; đã viện trợ gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế này cùng với nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch khác. Khi tình hình chống dịch tại Hoa Kỳ cấp bách, Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang vải kháng khuẩn, được phía Hoa Kỳ trân trọng và đánh giá cao. Hợp tác quốc phòng-an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, đào tạo, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch năm 2021 đạt hơn 111,56 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Hai nước đã tiếp tục trao đổi, thảo luận về các vấn đề cụ thể và đạt kết quả tích cực. Về đầu tư, đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam...

Trách nhiệm, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của Liên hợp quốc

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong 45 năm qua kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (tháng 9/1977) phát triển tốt đẹp, gặt hái được nhiều thành tựu. Việt Nam luôn là thành viên trách nhiệm, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của Liên hợp quốc, nổi bật là thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hệ thống phát triển Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội. Các tổ chức Liên hợp quốc, nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn 2017-2021, Liên hợp quốc đã hỗ trợ Việt Nam hơn 423 triệu USD trong phát triển kinh tế-xã hội.

Trong 45 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc ý nghĩa to lớn từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc đạt kết quả tốt và có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Dự kiến trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc tiếp lãnh đạo một số bộ, cơ quan, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả tại Hoa Kỳ; thăm các cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục của Hoa Kỳ; tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư. Thủ tướng cũng dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng nhằm: triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; góp phần khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, đề cao vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác của ASEAN với Hoa Kỳ, một đối tác quan trọng của ASEAN. Tạo động lực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh... 

Thể hiện cam kết mạnh mẽ và đóng góp tích cực của Việt Nam với hòa bình và ổn định trên thế giới; góp phần củng cố quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa Việt Nam-Liên hợp quốc trong bối cảnh Việt Nam và Liên hợp quốc đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác (1977-2022). Triển khai “Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, mong muốn kiều bào tiếp tục gắn bó với đất nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

 

https://nhandan.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.400.070
Truy cập hiện tại 225