Dự hội nghị có đồng chí Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng chí Văn Đức Thọ - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng chí Trần Quốc Thắng – TUV, Bí thư Huyện ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện. Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, ban ngành, hội đoàn thể huyện, lãnh đạo và cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; các tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 376,9 tỷ đồng, với 9.457 khách hàng còn dư nợ. Trong đó ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hộ dư nợ 376,4 tỷ đồng, chiếm 99,8% trong tổng dư nợ của NHCSXH huyện, với 9.440 hộ vay vốn, sinh hoạt tại 247 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV). Nợ quá hạn 246 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,065% so với dư nợ nhận ủy thác.
Trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, NHCSXH huyện đã chuyển tải trên 1.454 tỷ đồng cho hơn 78,9 ngàn khách hàng vay vốn. Trong đó, có hơn 24,4 ngàn lượt hộ nghèo, hơn 6,5 ngàn lượt hộ cận nghèo và hơn 8 ngàn lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; giúp cho hơn 10,5 ngàn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, cải thiện được đời sống; thu hút, tạo việc làm cho hơn 5,4 ngàn lao động, trong đó có 298 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hơn 4 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để phục vụ học tập; hơn 11,4 ngàn công trình nước sạch và vệ môi trường nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, sữa chữa, nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng mới gần 500 căn nhà cho hộ nghèo; cho vay xây dựng, sửa chữa 35 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; hơn 8,1 ngàn khách hàng được vay vốn từ chương trình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn…
Nguồn vốn tín dụng chính sách, ngoài việc giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, còn góp phần giúp các làng nghề tại địa phương khôi phục và phát triển như làng nghề mây tre đan Bao La xã Quảng Phú, bún bánh Ô Sa xã Quảng Vinh, mây tre đan Thủy Lập xã Quảng Lợi, chế biến mắm và nước mắm Tân Thành xã Quảng Công, rau má xã Quảng Thọ, rau xanh xã Quảng Thành... Nhiều mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu như ông Trần Gia Hưng, bà Lê Thị Quyết với mô hình chăn nuôi bò ở xã Quảng Lợi; bà Trương Thị Phương ở xã Quảng Phước với mô hình chăn nuôi lợn, bà Nguyễn Thị Chí, Nguyễn Thị Liên với chăn nuôi trâu, bò ở xã Quảng Vinh; bà Trần Thị Thuyên với mô hình chăn nuôi lợn xã Quảng Thái; ông Trần Xuân Phi với mô hình mộc mỹ nghệ ở xã Quảng An, bà Nguyễn Thị Hồng Loan với mô hình sản xuất mỳ sợi ở xã Quảng Thành…
Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện qua từng năm, đời sống của nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện. Năm 2002 tỷ lệ hộ nghèo 23,46%, hộ cận nghèo 17,23%; năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo 13,79%, hộ cận nghèo 7,92%; năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,83%, hộ cận nghèo 5,92%. Đến nay, 10/10 xã xây dựng nông thôn mới của huyện đã đạt chuẩn, huyện Quảng Điền đã được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát biểu đánh giá cao những kết quả mà huyện Quảng Điền đã đạt được sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, công tác tín dụng chính sách thực hiện tại huyện đạt được rất đáng khích lệ, tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách được nâng cao, huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, thực sự là một trong những “điểm sáng” và là một “trụ cột” không thể thay thế trong hệ thống các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là hiện nay NHCSXH đang cùng các cấp, ngành thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, đồng thời: khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân nói chung đặc biệt là hộ nghèo và các đối tượng chính sách nói riêng. Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ như ngày hôm nay.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Thắng – TUV, Bí thư Huyện ủy đánh giá cao những kết quả đạt được trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, thành quả đạt được như ngày hôm nay một lần nữa khẳng định Tín dụng chính sách xã hội mà nòng cốt là các hoạt động cho vay vốn tại NHCSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn, là trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng được mối liên kết tốt giữa cơ quan chính quyền với các tổ chức đoàn thể và người dân; góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương trong huyện thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, đồng chí cũng giao nhiệm vụ cho Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện, các Phòng ban ngành có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác các cấp, UBND các xã, thị trấn và NHCSXH triển khai thực hiện tốt chỉ thị số 40-CT/TW, kết luận 06-KL/TW của ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm tập trung nguồn lực nhất là nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH để tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; cấp ủy chính quyền các cấp xác định rõ vai trò vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng Nông thôn mới.
Dịp này, Tổng giám đốc NHCSXH tặng Giấy khen cho 02 tập thể, 08 cá nhân; Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen cho 05 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện và phối hợp triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện.