Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN VÀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Ngày cập nhật 07/12/2022

        Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu chính là phương hướng phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

 

 

     Chủ trương phát triển nông nghiệp “sạch” phục vụ du lịch hay gắn nông nghiệp với phát triển du lịch được các cấp chính quyền triển khai và được doanh nghiệp, người sản xuất, kể cả người tiêu dùng quan tâm. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vừa là xu hướng, vừa là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nông sản cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

      Tìm hướng đi đúng để tạo đà

     Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nông nghiệp tỉnh nhà đã và đang được thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, từng bước khắc phục tình trạng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế đã định hình và từng bước đi vào ổn định đối với một số loại cây trồng chủ lực như lúa, rau màu các loại, cây ăn quả,... các chính sách tích cực như Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết 30/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh đã dành ngân sách hỗ trợ sau đầu tư từ 15 - 20 tỷ đồng/năm giúp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Với những chính sách quan tâm hỗ trợ của tỉnh đã tạo điều kiện cho các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân và gắn với việc bảo vệ môi trường.

     Từ năm 2017, riêng Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức cho hàng trăm cán bộ làm việc và phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn để tiếp cận và nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cũng như tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo trong quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra.

      Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm thuộc Tập đoàn Quế Lâm cũng đã thực hiện chuỗi sản xuất theo quy trình hữu cơ như trồng lúa hữu cơ, chăn nuôi lợn hữu cơ... Bước đầu đã có nhiều nông dân cùng với HTX ký kết các chương trình hợp tác sản xuất tiêu thụ nông sản theo quy trình hữu cơ của Tập đoàn Quế lâm.

      Gian nan tìm cách Chứng nhận sản phẩm hữu cơ

      Thực tế là, có 02 phương thức để có Chứng nhận sản phẩm hữu cơ:

      Một là, thuê các Tổ chức chứng nhận bên thứ 3 trong và ngoài nước đánh giá, chứng nhận với chi phí rất cao. Qua khảo sát, cần 10 triệu đồng/ha chi phí chứng nhận đối với các Tổ chức chứng nhận trong nước theo TCVN:11041- 2017. Vấn đề này là bất khả thi đối các mô hình hữu cơ quy mô nông hộ, tổ, nhóm vốn yếu thế; chỉ phù hợp với các Tập đoàn lớn cũng như doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, hướng đến thị trường xuất khẩu.

      Hai là, Chứng nhận hữu cơ theo Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee System - PGS) là một cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí thấp, giúp bảo đảm chất lượng nông sản và có thể khôi phục lòng tin của người tiêu dùng. Theo Liên Đoàn các phong trào Nông Nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) năm 2008, PGS  - “Participatory Guarantee System”  là một hệ thống ở đó có sự tham gia của các bên liên quan vào đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương. Người sản xuất được xác nhận sự tuân thủ dựa vào sự tham gia tích cực của các bên liên quan bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng trong hệ thống. Chi phí Chứng nhận thấp, thậm chí không tốn chi phí phù hợp với quy mô sản xuất hữu cơ nông hộ, tổ nhóm.

      Theo Điều 17, Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ: Khuyến khích nông dân, tổ chức cá nhân tham gia Hệ thống bảo đảm cùng tham gia PGS. Tuy nhiên, vướng mắc theo Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan không có hướng dẫn cách thức tổ chức, xây dựng hệ thống PGS cũng như phương thức chứng nhận PGS gây lúng túng cho việc hình thành PGS tại các địa phương.

      Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập ra liên nhóm PGS tại 3 huyện Phú Lộc, Quảng Điền và Phú Vang từ Dự án VIE433. Thế nhưng, những sản phẩm hữu cơ trên được bán theo giá nông sản thông thường do sản phẩm chưa được Chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Một số doanh nghiệp kinh doanh lại yêu cầu phải có Chứng nhận sản phẩm hữu cơ để tiêu thụ trên thị trường có hiệu quả hơn. Vấn đề đặt ra là phải thành lập Ban điều phối PGS cấp tỉnh tại Thừa Thiên Huế để tập hợp các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ hợp tác và nông hộ ở địa phương có tâm huyết tham gia vào phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh và chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

      Doanh nghiệp và các tổ, nhóm nông dân PRS tạo sức lan toả nông nghiệp hữu cơ

     Với sự hỗ trợ từ Dự án Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu VIE/433 của Chính phủ Luxembourg (2019) đã hình thành nên các tổ, nhóm nông dân PGS sản xuất rau hữu cơ liên kết nông hộ với diện tích 16,3 ha (20 nhóm/181 hộ tham gia) tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền. Cụ thể: sản phẩm rau má hữu cơ Quảng Thọ, rau hữu cơ Quảng Thành, Mỹ Lợi; gà Quảng Phước; lúa hữu cơ Phú Mỹ, Lộc An; dầu lạc Mỹ Á; góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phương pháp canh tác từ vô cơ sang hữu cơ.

      Hiện nay, toàn tỉnh đã có 42 hộ dân và 02 HTX đang hợp tác về phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học (ATSH), liên kết theo chuỗi giá trị với hơn 300 lợn nái và 6.000 con lợn thịt tại các địa phương. Ngoài ra, khoảng 500 ha diện tích lúa, ngô, đậu tương sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị.

      Cơ hội mở ra đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thừa Thiên Huế là khi Tập đoàn Quế Lâm, một công ty hàng đầu trong sản xuất kinh doanh phân bón hữu cơ trên phạm vi cả nước mạnh dạn đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực hữu cơ tại tỉnh từ năm 2016: Hệ thống cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản hữu cơ (200 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Dự án Tổ hợp chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer) tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng; vùng sản xuất lúa hữu cơ và bao tiêu sản phẩm với diện tích 70 ha tại Hợp tác xã nông nghiệp Phù Bài, thị xã Hương Thuỷ; mô hình hộ chăn nuôi an toàn sinh học 10 - 30 lợn thịt... Với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất khép kín từ các sản phẩm phân bón, chế phẩm vi sinh đến các sản phẩm nông sản hữu cơ an toàn theo liên kết chuỗi, hướng đến “giá trị cộng đồng” mà Tập đoàn Quế Lâm theo đuổi là chất xúc tác cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh nhà, lan toả đến các cấp chính quyền, người sản xuất nông nghiệp; góp phần thay đổi nhận thức và thực hành nông nghiệp hữu cơ.

      Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hợp tác về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (từ năm 2019) và ký kết biên bản hợp tác xây dựng, mở rộng và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026. Trên cơ sở biên bản ký kết này, Tập đoàn Quế Lâm sẽ tiếp tục ký kết biên bản hợp tác với 9 huyện, thị xã và thành phố Huế để phát triển thêm nhiều mô hình hữu cơ có liên kết doanh nghiệp ở cấp huyện, cấp xã.

      Cần nhiều giải pháp

      Cần có Đề án nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2026 và định hướng đến năm 2030. Đây là một lợi thế để giúp tỉnh xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ nông sản của tỉnh.

      Tiếp đến là phát huy vai trò của Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh; tiến hành thành lập Ban điều phối PGS Huế cấp tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định, chứng nhận PGS các sản phẩm nông sản hữu cơ theo TCVN 11041-2017, góp phần giải quyết vấn đề Chứng nhận hữu cơ ở quy mô nông hộ, tổ nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ lâu dài. Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam để tranh thủ nguồn lực; giúp đào tạo, tập huấn về kiến thức nông nghiệp hữu cơ; chia sẻ kinh nghiệm, chứng nhận PGS và kết nối doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng tiêu thụ; xây dựng mô hình liên kết…

      Ngoài ra tích cực tìm kiếm hỗ trợ từ các dự án trong và ngoài nước (ADDA, VIE433,...), từ doanh nghiệp để có thêm nguồn lực phát triển và lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn rộng khắp. Tăng cường công tác truyền thông giới thiệu quảng bá các sản phẩm, mô hình hữu cơ để người tiêu dùng thấy được giá trị và hiệu quả của sản phẩm mang lại sức khỏe cho cộng đồng.

      Phát huy trách nhiệm của các tổ chức làm công tác vận động nông dân, xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ vừa là xu hướng, vừa là giải pháp để phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thế mạnh về du lịch, dịch vụ. Cùng với những giải pháp cụ thể nêu trên, trách nhiệm của Hội Nông dân tỉnh và ngành Nông nghiệp và PTNT là từng bước hỗ trợ, phối hợp với Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh trong việc lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh một cách vững chắc; tập hợp các hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi, tổ nhóm, hợp tác xã để liên kết sản xuất tạo ra lượng hàng hoá lớn, chất lượng đồng đều, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản./.

Nguyễn Chí Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.396.367
Truy cập hiện tại 1.501